You must configure this module first via "Module Settings"

Phát triển TDTT ở huyện vùng sâu, vùng xa Bảo Lâm

Là một huyện vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Cao Bằng, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây phong trào TDTT của huyện Bảo Lâm - tỉnh Cao Bằng đã có những khởi sắc. Đặc biệt là trong năm 2024, dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, việc triển khai thực hiện Kết luận 70/KL-TW của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới trên địa bàn huyện đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao sức khỏe cũng như đời sống tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc.

Phát triển các môn thể thao dân tộc phù hợp

Tính đến hết năm 2024, tỷ lệ nhân dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn huyện đạt trên 18%; Số gia đình thể thao đạt gần 18% số hộ; 100% trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất; trên 90% số trường học tổ chức các hoạt động ngoại khoá phù hợp với lứa tuổi, giới tính và sức khỏe, đảm bảo nhu cầu vui chơi giải trí và phát triển năng khiếu cho các em học sinh; Số cán bộ, chiến sỹ tham gia tập luyện TDTT đạt trên 90%... Những con số nói trên đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn huyện.

Phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian phù hợp với văn hóa của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện

Để đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động giao hữu thể thao giữa các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và các xã, thị trấn. Do đặc thù dân số phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (50% dân tộc Mông), bởi vậy ngoài việc phát triển các môn thể thao phổ biến như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông,.. ngành Văn hóa, Thể thao  huyện luôn chú trọng việc giữ gìn và phát huy các môn thể thao dân tộc, chủ yếu tập trung vào các môn thể thao đã gắn liền với đời sống của đồng bào từ bao đời nay, như: Kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, bóng chuyền, hay những trò chơi, trò diễn dân gian như đi cà kheo, lày cỏ... qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực để học tập, lao động và công tác của nhân dân.

Hàng năm, từ cấp huyện đến xã thường xuyên tổ chức các giải thi đấu thể thao với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trong đó nhiều sự kiện thể thao có quy mô lớn, thu hút số lượng người tham gia đông như: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, Đại hội TDTT các cấp, Hội khỏe Phù Đổng… Trong năm 2024, huyện chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân, thu hút trên 5.000 người tham gia hưởng ứng. Tổ chức giải Bóng chuyền da thu hút 15 đội Nam và 05 đội Nữ tham gia; tổ chức thành công các nội dung thi đấu thể thao tại Ngày hội văn hoá các dân tộc huyện (thu hút trên 80 VĐV); Ngày hội văn hoá dân tộc Lô Lô...; Lễ hội chọi Bò thu hút 50 Bò chọi tham gia thi đấu ở 02 hạng cân. Ngoài ra, huyện cũng phối hợp LĐLĐ huyện tổ chức thành công giải Bóng chuyền hơi, giải Pickleball năm 2024 thu hút trên 400 CB, CNVC lao động tham gia; Thành lập đoàn VĐV tham dự giải Bóng chuyền vô địch tỉnh giành giải Nhất đội Nam và giải Nhì đội Nữ….

Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế TDTT trên địa bàn huyện không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Theo đó, đến nay toàn huyện có 50 sân bóng 5 chuyền trong đó 30 sân bóng chuyền hơi, 20 sân bóng chuyền da, 03 sân bóng đá, 07 sân cầu lông, 25 sân Pickleball. Các sân chơi đã phần nào đáp ứng nhu cầu rèn luyện TDTT của nhân dân, tạo ra các phong trào TDTT sôi nổi với các hoạt động phong phú.

Không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí để tổ chức các giải thi đấu thể thao, UBND huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động TDTT. Công tác xã hội hóa TDTT ngày càng được quan tâm, chú trọng và hướng về cơ sở là một trong những điều kiện thúc đẩy phong trào TDTT của địa phương. 

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả trên, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn huyện vẫn còn chưa đồng đều và chưa thực hiện được kế hoạch đề ra, chủ yếu tập chung ở trung tâm thị trấn. Nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm, ý thức hiểu biết tầm quan trọng của việc tập luyện TDTT đối với sức khỏe của người dân còn hạn chế, điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ và không đồng đều. Các hoạt động TDTT trong trường học có lúc còn đơn điệu, cơ sở vật chất ở một số trường chưa đáp ứng với dạy và học, chưa có nhà đa năng; Ngân sách chi cho công tác TDTT thấp, nhiều cơ sở chưa có sân bãi để luyện tập. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT chưa thực sự hiệu quả.

Mục tiêu và giải pháp để thúc đẩy TDTT phát triển

Phát huy những thành tích đã đạt được, năm 2025 huyện đặt mục tiêu 100% xã, thị trấn tổ chức các giải thi đấu thể thao; phấn đấu 90% xã, thị trấn tổ chức Đại hội TDTT; nâng cao tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT, số hộ gia đình thể thao hàng năm từ 1,5-2%; đảm bảo 100% số trường học bảo đảm chương trình giáo dục thể chất; 100% số trường học tổ chức giảng dạy ngoại khóa về TDTT…

Để hoàn thành các mục tiêu trên, huyện đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung tăng cường phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Kết luận 70/KL-TW của Bộ chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới, Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục triển khai cuộc vận động ''Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại'' giai đoạn 2025-2030. Phát triển các loại hình tập luyện, thi đấu thể thao quần chúng, TDTT cho thanh niên, thiếu niên, cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang... đồng thời phát triển các đội nhóm, câu lạc bộ TDTT phù hợp với lứa tuổi, thành phần. Tăng cường thu hút các nguồn lực của xã hội tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở TDTT theo quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp Ủy, chính quyền các ban, ngành, đoàn thể về mục đích, ý nghĩa của vai trò của TDTT đối với việc góp phần nâng cao sức khoẻ, thể lực, giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống và xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

Tiếp tục có sự đầu tư đúng mức cho các hoạt động TDTT, tạo mọi điều kiện để công tác TDTT phát triển, nhằm phục vụ tốt công tác, nâng cao đời sống sinh hoạt của mỗi người dân trên địa bàn huyện.

Từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động TDTT quần chúng, hình thành nề nếp rèn luyện thân thể thường xuyên cho người dân; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao trường, học cho thanh thiếu niên, học sinh; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi TDTT làm điều kiện cơ bản đảm bảo cho phong trào TDTT quần chúng phát triển bền vững; xây dựng cơ quan, đơn vị, cơ sở là đơn vị tiên tiến về phong trào TDTT quần chúng.

Bài ảnh: HP

Ảnh trong bài
  • Phát triển TDTT ở huyện vùng sâu, vùng xa Bảo Lâm
  • Phát triển TDTT ở huyện vùng sâu, vùng xa Bảo Lâm