Thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Nhờ công tác chỉ đạo ban hành các văn bản về quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh Nghệ An được triển khai rất kịp thời nên đến nay, 100% các xã đã xây dựng quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở gắn với quy hoạch nông thôn mới.
Các huyện trên địa bàn tỉnh đã sử dụng khá hiệu quả các nguồn vốn để xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện. Tính đến năm 2021, có 16/21 sân vận động huyện (đến nay còn 05 huyện, thành phố chưa có sân vận động huyện: Thị xã Hoàng Mai, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Kỳ Sơn và thành phố Vinh); 8/21 huyện, thành phố, thị xã có nhà thi đấu do huyện quản lý và có 77 nhà thi đấu một môn, nhiều môn do các ngành đơn vị trên địa bàn huyện quản lý, 1 sân gôn quy chuẩn 18 lỗ với diện tích rộng 132 ha, 77 Nhà tập luyện có mái che, 86 sân tenis, 4 Bể bơi 50 m, 25 bể bơi 25 m...
Đã có 460 xã, phường, thị trấn đưa chỉ tiêu về xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao vào Nghị quyết HĐND và nhiệm vụ, kế hoạch của UBND xã, phường, thị trấn, có biện pháp triển khai cụ thể tới tận xóm, bản. Một số huyện đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả như: Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, thị xã Cửa Lò, Anh Sơn.
Hiện tại, 312/460 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 67,8%) ở Nghệ An đã có hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL ngày 30/5/2014 của Bộ VHTTDL. Đối với làng, bản, khối phố: 3.746/3.804 xóm đã có Nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 98,4%, trong đó 2.206/3.746 Nhà văn hoá đủ diện tích theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 3.070/3.804 xóm có sân thể thao đạt tỷ lệ 80,7%, khoảng 80% xóm có trạm truyền thanh, thiết bị tăng âm loa máy. Nhà văn hoá làng, bản, khối phố hầu hết có diện tích từ 80m2 đến hơn 100m2 và có sân chơi thể thao ngoài trời.
Chất lượng hoạt động ở các thiết chế văn hóa, thể thao rất tốt, việc tổ chức các hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở xã, phường, thị trấn và làng, bản, khối phố ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Các hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng, sinh hoạt câu lạc bộ, thông tin cổ động, đọc sách, xây dựng nếp sống văn hóa được tổ chức khá đều đặn. Hàng năm, mỗi xã, phường, thị trấn tổ chức được từ 20 đến 30 buổi hoạt động tại chỗ trong đó có 3 - 6 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, văn nghệ quần chúng; 4 - 6 cuộc thi đấu thể thao thu hút hàng ngàn lượt người tham gia.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn một số khó khăn. Theo đó, thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở đảm bảo theo tiêu chí của Bộ VHTTDL và có quy mô phù hợp với hộ gia đình của các thôn sau sáp nhập còn thấp, nhất là khu vực miền núi. Nhiều thôn có quy mô từ 300 - 500 hộ, Nhà văn hóa nhỏ, xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức các hoạt động phong trào.
Việc thực hiện quy hoạch đất dành cho thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở nhiều nơi chưa hợp lý hoặc chưa đảm bảo theo quy định, nhất là đối với các huyện miền núi cao, thành phố Vinh. Tỉnh Nghệ An chưa có công trình văn hóa (Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn), TDTT (Khu Liên hiệp thể thao, Trung tâm Đào tạo, huấn luyện, thi đấu…) tương xứng với vị trí trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ.
Một số Nhà văn hóa, sân vận động chưa thực sự trở thành những tụ điểm văn hóa văn nghệ của nhân dân ở cơ sở. Các phong trào, hoạt động văn hóa, thể thao ở một số thiết chế văn hóa, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn sơ sài, nghèo nàn, có nơi chỉ quan tâm đến hoạt động trọng điểm, các kỳ hội thi, hội diễn mà chưa tổ chức tốt hoạt động thường xuyên, chưa chủ động trong hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa.
Nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao
Trong thời gian tới, để nâng cao hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, trong đó trọng tâm là đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật và bố trí nguồn nhân lực, kinh phí phù hợp để tổ chức hiệu quả các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp nhằm huy động, bố trí nguồn lực tài chính để phát triển thiết chế văn hóa, thể thao của tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên trên địa bàn.
Đổi mới phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực VHTTDL phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang bị phương tiện chuyên dùng, đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị; kinh phí duy trì bộ máy và các hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ đối với thiết chế cấp tỉnh, huyện, xã. Đối với cấp thôn, hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động từ nguồn ngân sách của địa phương.
Hướng dẫn, tổ chức các hoạt động tại thiết chế; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và trách nhiệm đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao, cộng tác viên cơ sở.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu phù hợp với điều kiện sinh hoạt, phong tục tập quán, đặc điểm dân tộc, vùng miền, các nhóm đối tượng, lứa tuổi. Tổ chức nhiều loại hình câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí để thu hút người dân tham gia hoạt động tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt ở cấp xã và thôn trên địa bàn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân trong toàn xã hội về vai trò, vị trí, lợi ích của việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Xây dựng, ban hành cơ chế quản lý, tự chủ, định mức kinh tế kỹ thuật, cơ chế tính giá hoạt động của hệ thống Trung tâm Văn hóa, thể thao các cấp; chế độ ưu đãi đào tạo hạt nhân năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, trong đó ưu tiên đối tượng là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nghệ nhân dân gian.
Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
KC