You must configure this module first via "Module Settings"

Phong trào TDTT huyện Kbang - Gia Lai được quan tâm, chú trọng

Sau 10 năm triển khai chiến lược phát triển TDTT, phong trào TDTT huyện Kbang đã phát triển sâu, rộng trong các tầng lớp nhân dân; hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT được quan tâm đầu tư, thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên.

Những kết quả đạt được sau 10 năm triển khai chiến lược phát triển TDTT

Hằng năm, các chỉ tiêu về TDTT của huyện cơ bản hoàn thành so với kế hoạch; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT được quan tâm, phát triển, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần nâng cao đời sống, tinh thần cho nhân dân. Cùng với đó, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn; phối hợp với các ban ngành đoàn thể ( Huyện Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân…) tổ chức các cuộc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân trên địa bàn về Nghị quyết số 08-NQTW và các văn bản của Tỉnh về công tác TDTT. Nhờ vậy nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và cộng đồng đối với công tác phát triển TDTT có sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng đối với việc nâng cao thể chất, sức khỏe nhân dân đáp ứng yêu cầu  phát triển của xã hội.

Huyện đã tập trung huy động các nguồn lực, vận dụng linh hoạt, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí của các chương trình, dự án đang được triển khai trên địa bàn để đầu tư xây dựng các thiết chế TDTT. Đến nay, trên địa bàn huyện có: 08 sân bóng đá 11 người, 18 sân bóng đá mini, 106 sân bóng chuyền, 08 nhà thi đấu đa năng, 06 bể bơi và nhiều CLB TDTT ở một số môn như: Thể dục dưỡng sinh, Bóng bàn, Cầu lông, Võ thuật, Bida, Yoga,...

UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên vận động nhân dân tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng nông thôn mới; phối hợp tốt trong việc tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp huyện, như tổ chức giải bóng chuyền nam gắn với các hoạt động lễ hội tại các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán; các giải thi đấu cầu lông, bóng chuyền hơi, bóng đá, thể dục dưỡng sinh vào các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước hằng năm...qua đó việc tổ chức các giải thi đấu TDTT cấp huyện luôn đảm bảo an toàn, sôi động, hiệu quả.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ và duy trì, phát triển các môn thể thao dân tộc truyền thống, các trò chơi dân gian được nhân dân yêu thích như: Kéo co, Đẩy gậy, Bắn nỏ, Đi cà kheo, ..., qua đó, đã góp phần đẩy mạnh phong trào tập luyện TDTT, rèn luyện sức khỏe, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn huyện.

Từ các hoạt động thể thao đó huyện đã thành lập các đội thể thao nòng cốt tham gia thi đấu tại các giải trong tỉnh, khu vực và đạt được nhiều thành tích cao, như: Đội bóng chuyền nữ làng Rõ (xã Đông), đội Điền kinh làng Lợt (xã Đăk Hlơ), đội Kéo co - đẩy gậy làng MơHra (xã Kông Lơng Khơng)….

Công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT luôn được huyện quan tâm, với chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách của nhà nước, huyện đã vận dụng cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các công trình, hạng mục cơ sở vật chất TDTT như; hồ bơi - sân bóng đá mini V-group, sân bóng đá mini Đồng Tâm, sân cầu lông Luân sport, các phòng tập Gym... đã góp phần đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Công tác giáo dục thể chất trong nhà trường luôn được chú trọng. Các đơn vị trường học trên địa bàn huyện từng bước củng cố đội ngũ giáo viên giảng dạy môn thể dục; đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng việc giảng dạy và học tập bộ môn thể dục ở các cấp học, từng bước đưa các môn bóng chuyền, bơi lội, aerobic, dance sport… vào chương trình giáo dục thể chất nhằm chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thể lực cho học sinh, phòng ngừa các bệnh lý học đường, góp phần cải thiện môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn. Đồng thời, chú trọng tổ chức các giải thể thao học đường, các hoạt động ngoại khóa nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, hỗ trợ việc học tập văn hóa cho các em học sinh và kịp thời phát hiện các tài năng thể thao, để đóng góp đoàn thể huyện tham gia các giải đấu do tỉnh tổ chức.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược phát triển TDTT, công tác phát triển TDTT huyện vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Một số xã còn lúng túng trong quy hoạch quỹ đất dành cho TDTT. Hầu hết về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho thể thao cấp huyện, cấp xã, cấp thôn đều chưa đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu tập luyện của nhân dân cũng như phục vụ cho các giải thi đấu thể thao cấp huyện, cấp xã. Các giải thi đấu thể thao, hội thi thể thao quần chúng còn nặng tính phong trào, chưa tổ chức được các lớp huấn luyện, bồi dưỡng năng khiếu thể thao cho các VĐV, do vậy chưa có nhiều VĐV tham gia các giải thi đấu thể thao thành tích cao cấp tỉnh.

Công tác xã hội hoá TDTT có nhiều tiến bộ, song chưa phát huy và khơi dậy được tiềm năng của nhân dân và các cá nhân, tổ chức trong huyện tham gia. Việc phát triển, duy trì các câu lạc bộ TDTT ở cơ sở chưa ổn định...

Những nhiệm vụ, giải pháp phát triển TDTT được đặt ra

Để góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng của phong trào TDTT trên địa bàn huyện, trong thời gian tới cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác TDTT, đặc biệt là chiến lược phát triển TDTT. Hướng dẫn, vận động quần chúng nhân dân tham gia luyện tập TDTT, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Bên cạnh đó, phải đề cao, phát huy vai trò của các cơ quan chuyên môn trong việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà trường và các câu lạc bộ tự nguyện trong nhân dân để vận động, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia phong trào TDTT và rèn luyện thân thể ở địa phương. Tích cực huy động nguồn vốn phục vụ cho công tác phát triển TDTT trong quần chúng nhân dân và thực hiện xã hội hóa TDTT trên địa bàn huyện, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các loại hình CLB thể thao, các nhà đầu tư về thể thao. Chú trọng công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học ở các cấp, duy trì và phát triển phong trào rèn luyện thân thể trong lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên.

Đồng thời, cần tuyển dụng, bố trí, đào tạo cán bộ có chuyên môn, tâm huyết làm công tác TDTT ở cấp xã. Chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc phát triển các hoạt động TDTT và các cá nhân, tập thể đạt thành tích cao trong các hội thao, các giải thi đấu; kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong các phong trào để góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống và xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

KC

Ảnh trong bài
  • Phong trào TDTT huyện Kbang - Gia Lai được quan tâm, chú trọng