Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác TDTT đối với sức khỏe nhân dân cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội cũng như an ninh, quốc phòng, trong nhiều năm qua, ngành VHTTDL tỉnh Hà Giang luôn duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng phong trào toàn dân tập luyện TDTT với nhiều nội dung, hình thức phong phú và nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Phong trào TDTT phát triển rộng khắp từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn, trong đó nòng cốt là phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng, mang tính kế thừa, liên tục trong 10 năm qua và sẽ tiếp tục được triển khai trong nhiều năm tới.
Cuộc vận động đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của TDTT, giúp cho việc tập luyện TDTT trở thành phong trào rộng khắp, có nề nếp, tự giác và có sự đột phá mạnh mẽ trong phong trào TDTT quần chúng. Các hoạt động tập luyện, thi đấu TDTT diễn ra sôi nổi, thường xuyên đã thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân, qua đó có sức lan tỏa rộng từ thành thị đến nông thôn và hoạt động TDTT không chỉ diễn ra ở thành phố, thị xã, các khu dân cư đông người mà từng bước phát triển ở cả vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc. Hàng năm, ngành VHTTDL từ tỉnh đến cơ sở tổ chức các hoạt động TDTT, giao lưu văn nghệ -TDTT, các hội thi, hội thao, các giải thi đấu thể thao dân tộc vào các dịp Lễ, Tết, ngày truyền thống… của dân tộc, địa phương, đơn vị. Quy mô các hoạt động TDTT được tổ chức linh hoạt, phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội cũng như sở thích của người dân ở từng nơi, từng địa phương.
Công tác giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trong trường học được các cấp, các ngành tỉnh Hà Giang quan tâm
Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có 22% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên và 10% gia đình tập luyện TDTT thường xuyên; 530 câu lạc bộ và 1.580 điểm nhóm tập TDTT; 2.915 đội thể thao cơ sở. Bên cạnh đó, công tác giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trong trường học cũng được quan tâm, chú trọng. Đến nay, 100% trường học thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất chính khóa và 86% trường học có hoạt động thể thao ngoại khóa. Hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang được đảm bảo duy trì đều đặn, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Đối với một tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, để đạt được con số này là cả một sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động trong 10 năm qua.
Không chỉ đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, trung bình mỗi năm ngành VHTTDL Hà Giang tổ chức trên 870 giải đấu thể phong trào ở các cấp. Ngoài việc phát triển các môn thể thao hiện đại như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng bàn, Cờ tướng, Quần vợt… ngành VHTTDL tỉnh luôn có những giải pháp nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát triển các môn thể thao dân tộc, truyền thống và các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số như: Kéo co, Đẩy gậy, Đi cà kheo, Bắn nỏ, Tung còn,… Nhờ đó, đã tạo được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Không chỉ đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, trung bình mỗi năm ngành VHTTDL Hà Giang tổ chức trên 870 giải đấu thể phong trào ở các cấp. Cùng với đó, thể thao thành tích cao được quan tâm, đầu tư và phát triển theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh thường xuyên tham gia các giải đấu khu vực, quốc gia và đạt nhiều thành tích. Giai đoạn 2011-2020, thể thao tỉnh Hà Giang đã đạt 357 huy chương các loại; 113 VĐV được phong cấp I; 38 VĐV đạt kiện tướng quốc gia.
Đặc biệt, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện TDTT cũng như các thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở được quan tâm, chú trọng... Hiện toàn tỉnh có 1.171 sân luyện tập TDTT, 33 nhà thi đấu, 47 bể bơi các loại, 10 sân vận động, 19 sân quần vợt, 19 sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo; hầu hết các xã, phường, thị trấn, trường học đều có sân tập luyện TDTT với những tang thiết bị tập luyện đơn giản, cơ bản đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT thường xuyên của nhân dân
Trong giai đoạn tới, để giữ vững và phát huy thành quả đạt được, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 87/KH-UBND về phát triển sự nghiệp TDTT quần chúng tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Hà Giang phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 23% dân số và 11,2% gia đình tập luyện TDTT thường xuyên; 95% trường học có tập luyện TDTT ngoại khóa; 98% cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; mỗi năm tổ chức 10 giải thể thao phong trào cấp tỉnh; tất cả các xã, phường, thị trấn đặc biệt là các xã vùng sâu, xa, vùng đồng bảo dân tộc thiểu có địa điểm tập luyện TDTT cho mọi người và phấn đấu đạt 6 - 10 HCV/năm tại các giải khu vực và toàn quốc.
Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030. Việc triển khai thực hiện cuộc vận động phải gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đồng thời, để phát huy vai trò tự quản, tính sáng tạo của cộng đồng dân cư trong triển khai tổ chức cuộc vận động, lấy khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học là địa bàn chính để triển khai cuộc vận động. Đây cũng chính là cơ sở để đề ra nội dung, tiêu chí và đánh giá hiệu quả của cuộc vận động, các đơn vị xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã và thành phố phát huy trách nhiệm trong công tác hướng dẫn, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung và chỉ tiêu của cuộc vận động. Triển khai, tổ chức thực hiện cuộc vận động phải đảm bảo thiết thực, chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm; việc đánh giá kết quả cuộc vận động phải thực chất, khách quan, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua; ghi nhận và kịp thời khen thưởng những đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân các cấp trong tổ chức thực hiện cuộc vận động
Cùng với đó, các cấp, ngành tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác TDTT; xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp TDTT phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; phát triển đa dạng các loại hình tập luyện TDTT đối với mọi lứa tuổi; phát triển thể thao giải trí, thể thao đường phố và cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT; khai thác, bảo tồn và phát triển các loại hình thể thao dân tộc gắn với lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa thể thao, Đại hội TDTT các cấp; bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, huấn luyện viên, giáo viên thể thao; đẩy mạnh hoạt động giáo dục thể chất và TDTT trong trường học, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, thanh thiếu niên; xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT quần chúng. Xây dựng mạng lưới hướng dẫn toàn dân tập luyện TDTT đúng cách để nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thể lực, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần và phòng, chống bệnh tật…
Bài, ảnh VD