You must configure this module first via "Module Settings"

Đà Nẵng đẩy mạnh triển khai kế hoạch phát triển thiết chế Văn hóa, thể thao

Để nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hoạt động, quản lý các thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở ở các cấp, đồng thời hoàn thiện văn bản, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các thiết chế văn hóa, thể thao phát triển, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố đến năm 2025.

Thực trạng hệ thống cơ sở hạ tầng văn hóa thể thao

Thời gia qua, thành phố Đà Nẵng đã quan tâm chỉ đạo xây dựng và ban hành Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để bố trí quỹ đất và kinh phí, con người… đầu tư cho thiết chế văn hóa, thể thao. Theo đó, nhiều thiết chế VHTT quan trọng của thành phố đã được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng, một số thiết chế VHTT phát huy được hiệu quả.

Hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, 07 Trung tâm VHTT quận, huyện đã được bố trí đất và đang dần hoàn thiện về cơ sở vật chất (đạt 87,5%). Mạng lưới thiết chế VHTT tại 56 xã, phường trên địa bàn thành phố đã được phê duyệt quy hoạch, theo đó có 136 điểm thiết chế hiện trạng và quy hoạch địa điểm, mỗi phường xã được quy hoạch từ 02 điểm thiết chế trở lên. Toàn thành phố có 21 Trung tâm VHTT phường, xã cơ bản đủ thành phần chính (Nhà văn hóa, khu thể thao; 23 Trung tâm chưa đầy đủ cơ sở vật chất cơ bản (chỉ có hoặc nhà văn hóa/khu thể thao/khu vui chơi…); 12 phường chưa đầu tư cơ sở vật chất.

Với cơ sở vật chat đã được đầu tư tương đối đầy đủ, các Trung tâm VHTT quận, huyện đã chủ động triển khai tổ chức tốt các hoạt động nghiệp vụ và hoạt động tại chỗ; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui chới giải trí của nhân dân địa phương và nhu cầu tập luyện, thi đấu của các đơn vị trên địa bàn. Hoạt động của các Trung tâm VHTT quận, huyện đang từng bước được mở rộng, đa dạng và phong phú về hình thức, nội dung, tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, thiết thực và phù hợp với thị hiếu của người dân nên đã thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Các bể bơi được đầu tư tại 5/7 Trung tâm VHTT quận, huyện được khai thác hiệu quả, thu hút đông đảo học sinh và người dân trên địa bàn tham gia tập luyện.

Đối với Trung tâm VHTT xã, phường: cơ sở vật chất, hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh đã tổ chức hoạt động tương đối có hiệu quả, nề nếp, bài bản; đa dạng về nội dung, trở thành điểm vui chơi, sinh hoạt thường xuyên của người dân. Đây cũng là điểm sinh hoạt thường xuyên của các hội, đoàn thể, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT phục vụ nhân dân. Đặc biệt, tại các Khu vui chơi giải trí và các điểm được lắp đặt trang thiết bị tập thể thao đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia luyện tập TDTT, vui chơi giải trí, là sân chơi bổ ích trong dịp hè cho trẻ em. Một số địa phương chủ động, linh hoạt trong việc liên kết tổ chức hoạt động vừa tạo nguồn thu cho địa phương để duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất, vừa tạo sân chơi và thu hút đông đảo người dân đến tham gia tập luyện. Điển hình là Trung tâm VHTT phường An Hải Động, Thuận Phước, Hòa Cương Bắc, xã Hòa Tiến,…

Tuy nhiên, công tác quy hoạch, đầu tư các hạng mục công trình Trung tâm VHTT còn thiếu tính đồng bộ, đầu tư chắp vá. Hệ thống thiết chế VHTT phục vụ thanh thiếu nhi và cho công nhân, viên chức, người lao động và trong các Khu công nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và chưa được định hướng đầu tư. Các trung tâm VHTT/ Nhà văn hóa xã, phường chưa có sự thống nhất chung về quy mô xây dựng, hình thức kiến trúc; thiếu sự đầu tư về trang thiết bị chuyên dùng chưa được đầu tư đảm bảo… nên công năng sử dụng và hiệu quả hoạt động còn hạn chế.

Những mục tiêu, giải pháp đề ra đến năm 2025

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Đề án phát triển hệ thống thiết chế VHTT cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 đã đặt ra những mục tiêu, giải pháp.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025: 80% xã, phường có thiết chế Trung tâm VHTT hoàn thiện, 20% các phường còn lại có Nhà văn hóa; trong đó, được đầu tư trang thiêt bị và dành tối thiếu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em; 100% các Trung tâm VHTT quận, huyện được đầu tư và hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn của Bộ VHTTDL gắn với chức năng phục vụ văn hóa của người lao động, công đoàn; 30% số đơn vị hành chính cấp quận, huyện có Nhà Thiếu nhi.

Quy hoạch và xây dựng Trung tâm Văn hóa thành phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL; Đầu tư và hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Nhà Văn hóa thiếu nhi theo chuẩn của Bộ VHTTDL. 100% Khu công nghiệp được bố trí quỹ đất để xây dựng các thiết chế VHTT phục vụ công nhân, người lao động, trong đó tối thiểu 30% Khu công nghiệp, Khu chế xuất đã hoạt động xây dựng được Trung tâm VHTT phục vụ công nhân, người lao động. Các Trung tâm VHTT hoặc điểm sinh hoạt hoặc CLB văn hóa phục vụ công nhân, người lao động KHu công nghiệp đã hoạt động được đầu tư và hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn Bộ VHTTDL và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đa dạng hóa nội dung, hình thức hoạt động tại các thiết chế VHTT cơ sở; khuyến khích mạnh mẽ xã hội hóa các hoạt động VHTT phù hợp với từng loại hình, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người dân. Xây dựng và phát huy các loại hình hoạt động nhóm sở thích, CLB học tập cộng đồng cũng như tổ chức các hoạt động VHTT có chất lượng để thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Triển khai thực hiện đầu tư, khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa tại quận, huyện từ nguồn lực xã hội (giai đoạn 2020-2025 sẽ triển khai đầu tư và khai thác từ nguồn lực xã hội tại 20 điểm thiết chế tại Trung tâm VHTT phường).

Theo đó, việc bố trí đất đầu tư, xây dựng thiết chế VHTT cần lựa chọn vị trí, địa điểm phù hợp, thuận lợi trong hoạt động vui chơi giải trí của nhân dân. Đất bố trí để xây dựng hệ thống thiết chế VHTT cơ sở cần phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa thể thao khác nhằm tạo ra môi trường thân thiện, thuận lợi phục vụ nhân dân khai thác và sử dụng hiệu quả.

Đồng thời, sắp xếp, ổn định tổ chức, bộ máy của các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các quận, huyện sau khi sáp nhập, kết hợp xây dựng quy hoạch cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý với quy hoạch công chức chuyên môn, rà soát, xác định rõ vị trí việc làm để làm căn cứ bố trí sắp xếp, đào tạo bồi dưỡng cho phù hợp, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở.

Triển khai tổ chức tập luyện, thi đấu các bộ môn thể thao truyền thống như: kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền, bóng đá, cờ, võ thuật và tập trung đến các môn thể thao hiện đại, có xu hướng phát triển mạnh như: tennis, cầu lông, bóng bàn, bơi, yoga, thể dục nhịp điệu, thể dục thể hình. Tiếp tục thực hiện chương trình, cuộc vận động “toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân”. Phát huy chủ thể người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng, quản lý, tổ chức các mô hình sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng để người dân có ý thức hơn trong việc bảo quản, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương gắn với thiết chế VHTT cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân tự nguyện, tích cực tham gia hoạt động tại các thiết chế VHTT; phát huy tính chủ động, sáng tạo và vai trò tự quản của cộng đồng đối với việc giữ gìn, phát triển văn hóa, thể thao.

Xây dựng những chính sách đặc thù mang tính động viên để cán bộ, công chức nỗ lực sáng tạo, gắn bó lâu dài với đơn vị, đa dạng nội dung, khuyến khích mạnh mẽ xã hội hóa các hoat động văn hóa, thể thao phù hợp với từng loại hình, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người dân, tăng cường huy động và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức cá nhân tham gia đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ, tài trợ các hoạt động VH,TDTT.

UBND thành phố giao Sở VH&TT chủ trì tổ chức thực hiện và theo dõi việc triển khai Đề án này, kịp thời tham mưu, báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo. Đồng thời, chủ trì thực hiện các hạng mục bổ sung trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, thiết bị thể dục thể thao, vui chơi giải trí và các trang thiết bị cần thiết cho hoạt động của các thiết chế VHTT cơ sở.

Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở VH&TT, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu UBND thành phố quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, bố trí đất cho hệ thống thiết chế VH,TT cơ sở trên địa bàn thành phố. UBND các quận, huyện chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch triển khai Đề án theo các nội dung phần việc cụ thể do UBND quận, huyện chủ trì thực hiện; phối hợp về việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch, giải tỏa đền bù, đề xuất nguồn vốn thành phố và bố trí nguồn vốn địa phương; thực hiện công tác đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế VHTT cơ sở, khai thác các cơ sở vật chất từ nguồn lực xã hội đảm bảo tiến độ, hiệu quả và mục tiêu theo Đề án được phê duyệt.

KC

Ảnh trong bài
  • Đà Nẵng đẩy mạnh triển khai kế hoạch phát triển thiết chế Văn hóa, thể thao