Chúng ta xác định Liên minh châu Âu (EU) với 27 nước thành viên luôn là đối tác kinh tế và thương mại có vị trí rất quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, thương mại của nước ta; là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại và là một thị trường trọng điểm, mang tầm chiến lược đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bao gồm: Dệt may, nông sản, lâm sản, thủy hải sản, giày dép, điện tử, đồ gỗ... Cam kết mở cửa có lộ trình, sẽ là lợi thế đối với hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam so với hàng hóa xuất khẩu của các nước khác, đặc biệt là các nước châu Á vào thị trường EU.
Đối với người tiêu dùng: Sẽ được đón nhận các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ có chất lượng cao, giá thành rẻ hơn do được miễn thuế hải quan nhất là trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng, giao thông…
Đối với người lao động: Hai Hiệp định mang đến cơ hội việc làm cho người lao động, khi các Hiệp định được thực thi, các công ty Việt Nam và các công ty nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam sẽ có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, theo đó nhu cầu về tuyển dụng lao động sẽ tăng cao trong thời gian tới, mang đến cho người lao động nhiều vị trí và việc làm, qua đó cải thiện đời sống của nhân dân, của người lao động.
Đối với doanh nghiệp: Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Và theo nội dung cam kết của EU được thể hiện trong Hiệp định, thì sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đây sẽ là một điều kiện vô cùng thuận lợi, một sự đột phá mới, mở ra cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp, tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá hàng hóa xuất khẩu khi so sánh với giá của các quốc gia trong khu vực, khi họ xuất khẩu các sản phẩm của họ sang thị trường EU. Tuy nhiên, hàng hóa của chúng ta đang bị sức ép cạnh tranh khá lớn từ các nước trong khu vực có hàng hóa xuất khẩu vào EU vì một số lý do như: Họ có lợi thế hơn chúng ta về giá các nguyên liệu đầu vào, năng suất lao động, giá thành sản phẩm... vì vậy, các sản phẩm của họ thường có giá thành cạnh tranh hơn sản phẩm của chúng ta. Thì nay nhờ có Hiệp định EVFTA, Việt Nam chúng ta đã giải quyết được bài toán này và có thể sẽ khiến cho các đối thủ xuất khẩu hàng hóa vào EU của chúng ta bị bỏ lại đằng sau và đây chính là một trong những cơ hội của EVFTA mang lại cho doanh nghiệp.
Tạo lợi thế cạnh tranh cho các DN khi tham gia vào các chuỗi cung ứng
Việt Nam chúng ta đã và đang tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, việc miễn giảm các loại thuế xuất nhập khẩu từ Hiệp định EVFTA mang đến nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, khi mà giá thành của các sản phẩm chúng ta sản xuất giảm xuống, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Trong bối cảnh dịch COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, thì EVFTA có tác động tích cực đến Việt Nam trong việc thiết lập các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới với EU...
Tạo lợi thế cạnh tranh trong khối ASEAN: Các nước ASEAN đang cạnh tranh quyết liệt với nhau và các nước khác trong việc xuất khẩu hàng hóa sang EU, việc chúng ta dẫn đầu các nước trong khu vực ASEAN trong việc ký kết EVFTA, là một lợi thế quan trọng, giúp cho hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu và nhanh hơn vào thị trường EU, thông qua việc miễn giảm các dòng thuế nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được lợi hơn từ hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định, với mức giá hợp lý hơn từ EU. Các doanh nghiệp Việt Nam còn có thêm nhiều cơ hội được tiếp cận với các máy móc, thiết bị, công nghệ và kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó giúp nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Một số khuyến cáo đối với doanh nghiệp khi hiệp định EVFTA có hiệu lực
(1) Doanh nghiệp cần lưu ý, trong vòng 7 năm đầu tiên, hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang EU sẽ được lựa chọn thuế suất ưu đãi nhất trong số các cơ chế ưu đãi thuế quan mà EU dành cho Việt Nam (EVFTA). Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý đến việc đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ theo từng cơ chế; (2) Chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh; (3) Chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, từ đó đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ của Hiệp định và tiêu chuẩn cao của EU; (4) Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chú ý đến vấn đề phát triển bền vững của Hiệp định, cụ thể cần lưu ý đến các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động và các quy định, nguyên tắc về bảo vệ môi trường (ví dụ như yêu cầu về chống biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng và lâm sản, bảo vệ tài nguyên sinh vật biển và thủy sản) do đây là những nội dung mà phía EU đặc biệt quan tâm; (5) Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động và chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương, nâng cao năng lực.
Thùy Anh (t/h)