Ngoài cắt giảm thuế quan, EVFTA còn hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, cải cách luật pháp và phát triển bền vững. Trong khi đó, hiệp định mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư của EU trong các lĩnh vực và ngành công nghiệp khác như giáo dục đại học, dịch vụ máy tính, phân phối, viễn thông.
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động tiêu cực tới thương mại toàn cầu nhưng nhìn chung, 12 tháng đầu triển khai EVFTA diễn biến tích cực. Gần 2/3 các công ty thành viên của chúng tôi (61%) - đã được hưởng lợi từ hiệp định kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Trong khi đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hàng hóa Việt Nam - EU đạt 27 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một thành tích đáng ghi nhận giữa một đại dịch toàn cầu.
Tuy nhiên, trước tình hình mới, hiệp định thương mại cũng gây ra những khó khăn nhất định cho Việt Nam. Trong đó, rào cản phổ biến nhất được báo cáo trong BCI là thủ tục hành chính, với hơn 1/3 cho biết họ lo ngại về quy trình xuất nhập khẩu. Trong khi đó, 1/5 báo cáo rằng thách thức nằm ở các rào cản kỹ thuật đối với thương mại và chỉ dưới 10% đề cập đến các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến hết sức phức tạp, Hiệp định thương mại bên cạnh những tác động tích cực cũng tạo nên những khó khăn nhất định:
Từ góc độ sản xuất, dịch bệnh khiến chuỗi sản xuất bị đứt gãy nghiêm trọng, từ việc thiếu lao động, đến phải ngừng sản xuất do không đáp ứng được điều kiện làm việc trong giãn cách, từ việc thiếu hụt nguồn đầu vào đến việc không thể giải phóng nguồn đầu ra do ách tắc trong khâu vận chuyển liên tỉnh.
Ở các khu vực tâm dịch, đa số các doanh nghiệp không có khả năng đáp ứng được các điều kiện để tiếp tục sản xuất. Thí dụ ở TP Hồ Chí Minh, 90% doanh nghiệp chế biến gỗ và đồ mỹ nghệ thuộc HAWA phải ngừng sản xuất. Ở Cần Thơ, 9.800/10.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thủ phủ chế biến thủy sản xuất khẩu, mặc dù chỉ có 35% cơ sở (123/449) phải tạm dừng sản xuất hoàn toàn, số vẫn tiếp tục hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 30% - 40% công suất so thông thường do thiếu nhân công và yêu cầu chia ca kíp. Ở nhiều tỉnh phía Nam, nông dân không thể ra đồng trong khi nhiều loại nông sản đang vào vụ thu hoạch chính, nguồn cung cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nông sản cùng vì vậy bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu, không chỉ đầu vào và sản xuất gặp rủi ro, đầu ra cũng cực kỳ phức tạp khi đơn hàng không thể xuất theo kế hoạch, vận tải đường bộ chậm trễ do các thủ tục kiểm soát dịch bệnh, cảng xuất ách tắc do không thể vận hành bình thường, tình trạng thiếu container rỗng vẫn diễn biến nghiêm trọng và chi phí logistics tăng phi mã. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những hệ lụy chưa thể lường hết được trong tương lai, khi dịch đã đi qua. Liệu những đơn hàng mà hiện vì dịch bệnh mà doanh nghiệp không thể đáp ứng, khách hàng chuyển sang mua từ các nước khác, có quay trở lại với Việt Nam sau đó? Liệu nguồn nguyên liệu đầu vào có khôi phục lại khi mà nhiều nông dân, người nuôi trồng thủy sản có thể vì những thiệt hại hiện tại mà không thể tiếp tục tái đàn, xuống giống, thả nuôi cho mùa tới? Liệu một lượng đáng kể người lao động đã rời tâm dịch về quê có trở lại để tái khởi động sản xuất?…
Trong thời gian tới chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương cũng sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong sân chơi EVFTA, với vai trò chủ đạo, sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, rào cản, tận dụng các cơ hội do Hiệp định mang lại, thực thi hiệu quả các quy định của EVFTA, qua đó góp phần đưa kinh tế Đất nước phục hồi và phát triển.
Vân Thùy