Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành VHTTDL Đắc Lắc là cải cách TTHC, với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong điều hành, giải quyết và thực thi nhiệm vụ, qua đó góp phần từng bước hiện đại hóa nền hành chính.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên việc đẩy mạnh công tác CCHC được triển khai thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp thiết thực. Để thích ứng với tình hình thực tiễn, khi vừa phải thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, Sở VHTTDL đã tổ chức hướng dẫn người dân và doanh nghiệp gửi hồ sơ trực tuyến thông qua môi trường mạng ( trên ứng dụng điện thoại di động, ứng dụng tiện ích Zalo) trong việc trao đổi, thông báo tình hình và kết quả giải quyết hồ sơ, TTHC, giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, đi lại của người dân, tổ chức. Theo đó, tính đến tháng 12/2021, 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp Một cửa điện tử liên thông của tỉnh (hệ thống iGate); 100% TTHC được giải quyết trước hạn và đúng hạn, không có TTHC giải quyết quá hạn. Hiện có 124 TTHC thuộc lĩnh vực VHTTDL được cung cấp, tiếp nhận và giải quyết trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Đắk Lắk ( http://dichvucong.daklak.gov.vn). Số người nộp hồ sơ giải quyết TTHC trực tuyến trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tăng cao, chiếm trên 90%. Kết quả này khẳng định Sở VHTTDL Đắc Lắc là một trong những đơn vị dẫn đầu các sở, ngành về công tác CCHC (Năm 2020, Sở VHTTDL xếp hạng 4/18 trong các sở, ngành với chỉ số CCHC đạt 92.8%).
Công tác rà soát TTHC và việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp được thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện đúng quy định; bảo đảm quyền và lợi ích của tổ chức, người dân khi thực hiện TTHC. Mặt khác, Sở cũng tăng cường ứng dụng CNTT
trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4. Thường xuyên cập nhật thông tin TTHC đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết các TTHC qua hệ thống một cửa liên thông.
Bên cạnh đó, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Ngành nói chung và công chức, viên chức được giao làm công tác CCHC, tham mưu giải quyết TTHC nói riêng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt Sở luôn coi trọng việc phân công đội ngũ cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa đáp ứng cáo yêu cầu về trình độ cũng như tác phong, đạo đức và lề nlối làm việc.
Công tác kiện toàn, sắp xếp lại các phòng chuyên môn thuộc Sở và cơ cấu bên trong của các đơn vị sự nghiệp được thực hiện đảm bảo theo kế hoạch, theo hướng tinh gọn, đáp ứng yêu cầu theo vị trí việc làm. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức được các đơn vị quan tâm triển khai thực hiện theo kế hoạch được giao. Hàng năm, đội ngũ cán bộ, công chức được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng... nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức được đổi mới, đặc biệt việc đánh giá, phân loại hàng tháng được triển khai thực hiện tốt, làm cơ sở để đánh giá phân loại công chức, viên chức cuối năm theo quy định.
Ngoài nhiệm vụ cải cách TTHC là trọng tâm, trong năm qua, công tác cải cách tài chính công của Sở cũng đã đạt được kết quả tích cực; công tác quản lý tài chính, ngân sách có nhiều chuyển biến, các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ đều chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực tài chính, lao động và cơ sở vật chất được giao, hầu hết các đơn vị đã ban hành quy chế Quy chế chi tiêu nội bộ nhằm tiết kiệm kinh phí để tăng thêm thu nhập cho công chức, viên chức trên cơ sở về định mức, tiêu chuẩn, chế độ đúng quy định được ban hành.
Thực hiện áp dụng, cải tiến và duy trì Hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001-2015 vào thực tế quản lý điều hành, sử dụng đồng bộ Hệ thống thư điện tử công vụ, phần mềm quản lý văn bản iDesk, chữ ký số tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc giúp nâng cao hiệu quả công việc của lãnh đạo, chuyên viên trong cơ quan; cũng như nâng cao công tác CCHC, tiếp kiệm chi phí in ấn,, văn phòng phẩm, chuyển phát, thời gian cho đơn vị, đáp ứng nhanh kịp thời công tác quản lý, phục vụ công tác thống kê…;
Trong thời gian tới, để công tác CCHC của Ngành VHTTDL Đắc Lắc tiếp tục gặt hái được những thành công, Sở tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác CCHC. Trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, công tác CCHC của Sở sẽ tập trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế; Cải cách TTHC; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. phấn đấu đến năm 2025, Chỉ số cải cách hành chính tỉnh (PAR Index) nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu.
Trong số các nhiệm vụ trên, nhiệm vụ trọng tâm được xác định là Cải cách thể chế; trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực tham mưu các cơ quan chủ trì triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Có cơ chế phối hợp, thống nhất, phân công trách nhiệm, thẩm quyền cụ thể giữa các cơ quan chủ trì triển khai các nhiệm vụ để bảo đảm Chương trình được triển khai đồng bộ, thống nhất theo lộ trình và mục tiêu đã đề ra.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Sở tập trung vào một số giải pháp đó là: Thường xuyên phổ biến, quán triệt đến công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CCHC; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền và thực hiện hiệu quả công tác CCHC hàng năm của Sở, đơn vị, góp phần thực hiện thành công công tác CCHC của tỉnh.
Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về CCHC hàng quý, 6 tháng, 9 tháng, năm theo đúng nội dung và thời gian quy định. Đẩy mạnh phân cấp quản lý, thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể giữa lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và điều hành; đổi mới phương thức làm việc, đề cao vai trò chủ động trách nhiệm của người đứng đầu.
Quán triệt 100% công chức, viên chức sử dụng hộp thư điện tử, phần mềm iDesk để phục vụ, trao đổi công việc; đẩy mạnh áp dụng chữ ký số, chứng thư số về văn bản điện tử và bảo đảm từ 90% trở lên số văn bản thực hiện trao đổi văn bản điện tử (có ký số) đến các cơ quan hành chính nhà nước trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành theo đúng quy định.
Ngoài ra, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân về vai trò, tầm quan trọng cũng như tác động của công tác CCHC đối với sự phát triển của ngành. Thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC, rà soát những TTHC không còn phù hợp để kiến nghị bãi bỏ, thay thế. Tăng cường công tác Thanh tra, kiểm tra trong việc thực thi công vụ của cán bộ công chức, viên chức trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính thuộc lĩnh vực của văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình...
VD