You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Nam Đông – Thừa Thiên Huế: huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển phong trào TDTT

Trong những năm qua, UBND huyện Nam Đông – Thừa Thiên Huế luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao phát triển phong trào TDTT cũng như công tác xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân. Để đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT, UBND huyện Nam Đông đã xây dựng kế hoạch chi tiết để kêu gọi nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn huyện.

Mục tiêu đề ra

Tong giai đoạn từ nay đến năm 2025, mục tiêu của kế hoạch là tuyên truyền để người dân nhận thức được lợi ích của việc luyện tập TDTT, từ đó tự nguyện chọn một số môn thể thao thích hợp để luyện tập hàng ngày, góp phần nâng cao tầm vóc, tuổi thọ, phát triển nòi giống. Trong đó, chú ý đến loại hình phù hợp cho vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng là học sinh - thanh thiếu niên, người cao tuổi,... Từng bước ổn định tổ chức thể thao phong trào hàng năm, nhất là các loại hình thi đấu trong các lễ hội truyền thống của địa phương để vừa thu hút đông đảo người tham gia, vừa tạo sinh khí vui tươi lành mạnh, vừa giữ được các loại hình dân tộc dân gian của từng vùng, từng dân tộc.

Khuyến khích phát triển các cơ sở TDTT ngoài công lập, mở rộng và phát huy hiệu quả các mô hình thể thao quần chúng truyền thống. Khuyến khích chuyên nghiệp lĩnh vực thể thao thành tích cao. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các CLB TDTT; hoạt động tài trợ và kinh doanh dịch vụ thể thao. Phát triển cơ sở tư nhân, các tổ chức đang đầu tư xã hội hóa các cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ các hoạt động TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao.

Cụ thể, đến năm 2025: phấn đấu vận động tài trợ đạt 40% tổng kinh phí tổ chức các giải thể thao, hội thao cấp huyện và 20% tổng kinh phí tổ chức các giải thể thao cấp xã. Các cơ sở luyện tập TDTT trên địa bàn huyện có thể đáp ứng nhu cầu tập luyện thường xuyên cho 35% dân số trong toàn huyện.

Nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện

Để thực hiện mục tiêu đề ra trong công tác xã hội hóa lĩnh vực TDTT, UBND huyện sẽ chú trọng đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động phong trào, hướng dẫn loại hình tập luyện phù hợp với các đối tượng, từng vùng, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện kế hoạch và chương trình phát triển TDTT với các sở, ban ngành và đoàn thể, cụ thể hóa bằng kế hoạch phối hợp hoạt động hàng năm. Hỗ trợ chuyên môn giúp các ngành và doanh nghiệp phát triển phong trào TDTT trong ngành và đơn vị.

Cải tiến hệ thống thi đấu thể thao quần chúng từ cấp xã đến cấp huyện theo hướng tạo điều kiện hỗ trợ về chuyên môn để ngành, đoàn thể và nhân dân tự tổ chức. Duy trì và phát triển nhiều giải thi đấu thể thao ở cơ sở, chủ yếu là các giải phong trào, các loại hình đơn giản dễ tham gia, để huy động đông đảo người dân tham gia hoặc tự tổ chức để cùng nhau hưởng thụ. Khai thác và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian thu hút người dân tự nguyện tham gia và hưởng thụ. Chọn mô hình Câu lạc bộ TDTT, Trung tâm Văn hoá và học tập cộng đồng là loại hình cơ sở của cấp xã để điều hành các hoạt động TDTT trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT trong nhà trường, nhất là cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện nhằm nâng cao chất lượng của chương trình GDTC của từng cấp học, trong đó đặc biệt chú trọng cấp tiểu học, để qua đó, tạo thành phong trào tập luyện TDTT đông đảo trong học sinh nhằm nâng thể lực cho học sinh và hạn chế các tệ nạn xã hội. Triển khai tổ chức tốt các lớp năng khiếu thể thao trong nhà trường, duy trì các giải thể thao học sinh và Hội khoẻ Phù Đổng các cấp. Tổ chức các lớp năng khiếu thể thao theo hình thức vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp kinh phí để cùng với nhà trường trang bị phương tiện và dụng cụ tập luyện cho các em.

Bên cạnh đó, UBND huyện sẽ có hướng dẫn cụ thể về các cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xã hội hóa. Phổ biến các quy định của Bộ VHTTDL về thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, cơ chế tài chính, xử lý vi phạm cũng như các tiêu chuẩn về chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất đối với việc thành lập, đăng ký, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đối với các cơ sở thể thao ngoài công lập. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách huy động vốn, khuyến khích đầu tư đối với các cơ sở thể thao ngoài công lập; chính sách ưu đãi khuyến khích liên doanh, liên kết với các cơ sở thể thao công lập; chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực...

Cùng với đó, UBND huyện đã xây dựng 6 nhóm giải pháp cụ thể: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục toàn dân nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch (Nghị quyết 05/2015/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường).

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch của các cấp, chính quyền từ huyện đến cơ sở, nhằm uốn nắn, điều chỉnh các hoạt động theo đúng chủ chương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phát huy các điểm sáng về thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn huyện. Tổ chức đúc kết, rút kinh nghiệm, tuyên truyền phổ biến nhân rộng trên địa bàn huyện. Phân cấp quản lý, tạo cơ chế linh hoạt, mở rộng khả năng tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, tạo nguồn thu, tiến tới tự chủ tài chính; Chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cụ thể cho các đơn vị, tổ chức ngoài công lập thực hiện, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành; công khai quy hoạch và chính sách khuyến khích đầu tư các công trình TDTT để mọi thành phần kinh tế có thể tham gia.

Chuẩn hóa cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch công lập để đặt ra yêu cầu đào tạo bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn để thực sự là nòng cốt cho mọi phong trào ở địa phương và cơ sở. Tạo điều kiện cho các đối tượng tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên tinh thần xã hội hóa được bình đẳng trước pháp luật, được hưởng những chính sách đãi ngộ, chính sách khen thưởng của nhà nước một cách thuận lợi.

Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch từ huyện đến cơ sở. Khuyến khích và cho phép cá nhân, tổ chức ngoài công lập được đầu tư xây điểm vui chơi giải trí, rạp chiếu bóng; sân vận động, nhà văn hóa từ huyện đến cơ sở. Huy động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng nhà văn hóa, công trình TDTT cộng đồng, tủ sách báo,…Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của Trung ương, của tỉnh, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, quan tâm phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch (nhất là văn hóa, thể thao truyền thống). Các cơ sở thể thao ngoài công lập và các lực lượng khác tham gia vào quá trình xã hội hóa TDTT đảm bảo đáp ứng tối thiểu từ 40% đến 50% nhu cầu dịch vụ TDTT tùy theo từng loại hình. Vận động và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các công trình TDTT, hoạt động dịch vụ TDTT.

KC

Ảnh trong bài
  • Huyện Nam Đông – Thừa Thiên Huế: huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển phong trào TDTT