You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Quảng Nam với những mục tiêu phát triển đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động TDTT cho mọi người, thể thao trong trường học; chú trọng các hoạt động thể thao truyền thống; phát triển thể thao thành tích cao; thể thao mũi nhọn, thể thao giải trí, thể thao gắn với phát triển du lịch, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025: Hoàn thành quy hoạch chi tiết Khu liên hợp TDTT của tỉnh tại phường An Phú, thành phố Tam Kỳ và từng bước đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cơ bản; ưu tiên đầu tư xây dựng Bể bơi thành tích cao phục vụ Nhân dân và đủ điều kiện tổ chức các giải cấp quốc gia, quốc tế; hoàn thành dự án xây dựng Khu Trung tâm TDTT Bắc Quảng Nam. 100% huyện có sân vận động; nhà tập luyện TDTT; 05/18 huyện có bể bơi đạt chuẩn. 100% xã có ít nhất 01 công trình TDTT quy mô cấp xã như: Sân vận động, nhà tập luyện TDTT, bể bơi, điểm lắp đặt dụng cụ tập luyện thể dục ngoài trời và các công trình thể thao khác. Các xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới phấn đấu có ít nhất 02 công trình TDTT và có điểm lắp đặt dụng cụ tập luyện thể dục ngoài trời.

100% thôn, tổ dân phố có ít nhất một công trình TDTT như: Sân bóng đá, sân bóng chuyền, sân cầu lông, khu đi bộ ngoài trời.... Số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 35%; số gia đình thể thao đạt 25%; số CLB TDTT tăng 3 - 5%/năm. Số cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình GDTC nội khóa duy trì đạt 100%; thực hiện thường xuyên hoạt động thể thao ngoại khóa đạt 90% trở lên; 90% trường học có CLB TDTT; tổ chức dạy bơi, phổ cập bơi cho học sinh đạt trên 40%. Bảo đảm nội dung và chất lượng GDTC, hoạt động thể thao, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và giáo viên, giảng viên TDTT trong trường học ở các cấp: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo quy định. Phấn đấu đạt vị trí từ 30 - 25 tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022.

Giai đoạn từ năm  2025- 2030: Hoàn thành xây dựng các hạng mục cơ bản tại Khu liên hợp thể thao tỉnh; 50% cấp huyện có bể bơi đạt chuẩn. Số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 40%; số gia đình thể thao đạt 30%. Số cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy bơi, phổ cập bơi cho học sinh đạt trên 60%. Phấn đấu đạt vị trí từ 27 - 23 tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, tỉnh đề ra một số giải pháp trọng tâm đó là: Tăng cường phổ biến, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển sự nghiệp TDTT; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với nhiệm vụ phát triển sự nghiệp TDTT trong tình hình mới. Cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành các chương trình, đề án phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp và Nhân dân đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động TDTT. 

Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức về hoạt động TDTT trong các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân, các hội, liên đoàn, CLB các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động TDTT... trong phối hợp vận động tập hợp, kêu gọi và tham gia các hoạt động TDTT, hỗ trợ, tài trợ, đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện khác cho phát triển TDTT của tỉnh nhà.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TDTT; thực hiện tốt phân cấp quản lý, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh, Truyền hình cấp huyện, Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã để tạo động lực cho cán bộ, viên chức năng động, sáng tạo, tự giác, tự chủ trong các hoạt động chuyên môn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa” trong các cơ quan quản lý, cơ sở hoạt động TDTT, tạo cơ chế quản lý gọn nhẹ, hiệu quả. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong hoạt động quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động TDTT.

Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động TDTT quần chúng bằng việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Phát triển đa dạng các loại hình tập luyện và hoạt động TDTT mang tính phổ biến đối với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Mở rộng việc hợp tác giữa ngành VHTTDL với các cơ quan, đơn vị .Tăng tỉ lệ số người tập luyện TDTT thường xuyên trong mọi đối tượng; xây dựng và phát triển gia đình thể thao, câu lạc bộ TDTT, nâng cao sức khỏe và đời sống văn hóa của người dân.

Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thể thao, khuyến khích XHH trong lĩnh vực TDTT phù hợp với yêu cầu phát triển trong từng lĩnh vực, từng vùng và địa bàn khu dân cư; huy động các nguồn lực xã hội trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để hoạt động, kinh doanh sản xuất, tổ chức dịch vụ TDTT. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển TDTT đối với đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các môn thể thao truyền thống, các loại hình thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số (Bắn ná, Đẩy gậy, Kéo co, Đua thuyền, Việt dã leo núi, Lắc thúng ...). Gắn việc tập luyện, biểu diễn, thi đấu các môn thể thao truyền thống với phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển hoạt động GDTC và thể thao trong nhà trường thông qua việc đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện cho học sinh, sinh viên, góp phần phát hiện đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao. Xây dựng các loại hình câu lạc bộ TDTT trường học; có kế hoạch mở rộng việc đưa một số môn thể thao vào dạy trong trường phổ thông cơ sở, đặc biệt là tại các trường đạt chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh công tác phổ cập bơi và phòng, chống tai nạn do đuối nước trong các cơ sở giáo dục phổ thông và từng bước triển khai trong các trường mầm non. Tích cực đăng cai tổ chức các giải thể thao học sinh, Hội khỏe Phù Đổng cấp khu vực, toàn quốc nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động GDTC và thể thao trong trường học phát triển. Đẩy mạnh xã hội hóa GDTC và hoạt động thể thao trong nhà trường bằng việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và thi đấu thể thao trong nhà trường.

Cùng với các giải pháp phát triển TDTT quần chúng, tỉnh cũng tập trung các giải pháp để thúc đẩy thể thao thành tích cao như: Xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng VĐV các môn thể thao thành tích cao; phát triển các môn thể thao Olympic; chú trọng công tác đào tạo năng khiếu Bóng đá trẻ, xây dựng các tuyến năng khiếu tại cơ sở. Từng bước hiện đại hóa hệ thống đào tạo tài năng thể thao của tỉnh. Đổi mới công tác tuyển chọn, huấn luyện thể thao theo hướng khoa học và hiện đại; cải tiến các chế độ, chính sách đối với VĐV, huấn luyện viên, trọng tài. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đảm bảo phục vụ tốt hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao, mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực đào tạo, huấn luyện tài năng thể thao.

Đồng thời ban hành cơ chế chính sách thu hút, đãi ngộ, sử dụng hiệu quả đội ngũ huấn luyện viên có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi. Nâng cao số lượng VĐV của tỉnh được triệu tập vào các đội tuyển quốc gia và phấn đấu đạt được nhiều huy chương tại các kỳ SAE Games, các giải thể thao quốc tế.

Đảm bảo nguồn lực tài chính, nâng cao hiệu quả đầu tư cho sự nghiệp TDTT từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và tham mưu công tác TDTT. Mở rộng liên kết đào tạo và giao lưu hợp tác trong nước và quốc tế với các tỉnh thành trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố có phong trào TDTT mạnh trên toàn quốc.

VD