You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Quảng Ninh hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV

Là một trong những tỉnh có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, Quảng Ninh được biết đến là một trong những địa phương có phong trào TDTT phát triển. Trong đó, việc triển khai thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng và tạo đà cho thể thao thành tích cao của tỉnh ngày càng phát triển.

Trong những năm qua, Quảng Ninh không ngừng nỗ lực đầu tư phát triển TDTT theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII, XIV của tỉnh đã đề ra. Phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển, số người tập luyện thường xuyên và số gia đình thể thao hàng năm trung bình tăng 0,5 - 1%. Tỷ lệ dân số tập luyện TDTT thường xuyên năm 2020 đạt 36.6% (tăng 7.6% so với năm 2015). Hiện nay cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu, giảng dạy, huấn luyện TDTT từ tỉnh đến cơ sở từng bước được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu vui chơi, tập luyện TDTT của người dân. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cùng với nhiều công trình mang tầm cỡ khu vực và quốc tế được xây dựng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao và đủ tiêu chuẩn đăng cai các giải đấu quốc tế. Theo kế hoạch, tại SEA Games 31 năm 2022, cùng với nhiều địa phương khác, Quảng Ninh được lựa chọn là địa phương đăng cai 7 môn thể thao gồm: 3 môn phối hợp; Bóng chuyền bãi biển; Bóng ném bãi biển; Cờ vua; Bóng chuyền trong nhà, Bóng đá nữ và Cờ tướng).

Hiện nay ngoài những công trình thể thao hiện đại như khu Liên hợp thể thao tỉnh với diện tích 220ha bao gồm nhiều hạng mục như: Nhà thi đấu 5000 chỗ ngồi, khu thể thao dưới nước, các sân tập Bóng đá, Tennis...), Quảng Ninh còn có 81 sân vận động (trong đó có 17 sân có khán đài), 74 sân bóng đá mini và 23 sân cỏ nhân tạo; 45 nhà thi đấu đa năng; 246 sân bóng chuyền; 44 sân bóng rổ; 210 sân tennis; 42 bể bơi; 2 sân golf và trên 3.000 sân cầu lông.  

Hệ thống cơ sở vật chất hiện đại là điều kiện thuận lợi cho phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh. Nhiều VĐV của tỉnh tham gia đội tuyển quốc gia đoạt nhiều huy chương tại các giải thể thao trong nước, khu vực và thế giới như ở các môn bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bơi, đua thuyền, pencak silat, cờ vua,.... Trong đó, tại các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc, đoàn VĐV Quảng Ninh luôn giữ vững vị trí top 15 đoàn dẫn đầu Đại hội. Gần nhất tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, Quảng Ninh giành 45 huy chương các loại và xếp thứ 12/65 tỉnh, thành ngành tham dự Đại hội.

Kế thừa thành tựu đã đạt được, giai đoạn 2021-2030, Quảng Ninh tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động với những chỉ tiêu cụ thể: Số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đến năm 2025 đạt tỷ lệ trên 39% dân số cả tỉnh. Số gia đình luyện tập TDTT đến năm 2025 đạt tỷ lệ trên 28%. Từ năm 2026 đến năm 2030, các chỉ số này tăng tỷ lệ 0,5% mỗi năm. Đến năm 2030, 100% số xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL và có ít nhất 05 CLB TDTT cơ sở trở lên.

Cùng với phát triển phong trào TDTT quần chúng, công tác GDTC và hoạt động thể thao trong trường học cũng được đặc biệt quan tâm. Số trường đại học, cao đẳng và dạy nghề thực hiện chương trình thể thao ngoại khóa đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Phấn đấu trên 90% học sinh, sinh viên đạt chuẩn về tiêu chuẩn rèn luyện thân thể năm 2025 và 98% vảo năm 2030. 100% số trường bậc phổ thông có CLB TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đến năm 2025 đạt từ 98% và đến năm 2030 đạt 100% tổng sổ trường. Số học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đến năm 2025 đạt trên 97% và đến năm 2030 đạt 100% tổng số học sinh bậc phổ thông các cấp.

Hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang tiếp tục được giữ vững ổn định, nề nếp và đảm bảo phục vụ tốt nhiệm vụ sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc: Cụ thể, trong quân đội nhân dân: Tỷ lệ đơn vị tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên là trên 99%; Tỷ lệ đơn vị thực hiện đủ chương trình rèn luyện thân thể cán bộ, chiến sỹ theo quy định là 100%; Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ rèn luyện TDTT thường xuyên là 100%; Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định là 95%; Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ biết bơi đạt trên 95%; 100% đơn vị (cấp trung đoàn) có khu sân tập thể thao cơ bản, 80% đơn vị có bể, hồ bơi đơn giản.

Đối với lực lượng công an nhân dân: Tỷ lệ các đơn vị tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên đạt 100%; Tỷ lệ các đơn vị đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định là trên 95%; Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ tham gia kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định là 100%; Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định là 90% trở lên; Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ tập luyện TDTT thường xuyên đạt 100% trở lên; Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ biết bơi đạt từ 95% trở lên; Công an các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có cơ sờ vật chất, sân bãi cơ bản và thường xuyên hoạt động TDTT đạt 100%. 

Phấn đấu trên 98% đơn vị cấp xã, 100% đơn vị cấp huyện tổ chức Đại hội TDTT các cấp, trên 95% đơn vị cấp xã tổ chức tháng hoạt động thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân.

Để đảm bảo hoàn thành được các chỉ tiêu, Quảng Ninh cũng chỉ rõ 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện đó là: Tuyên truyền, triển khai Cuộc vận động đảm bảo thống nhất, hiệu quả, phù hợp vói tình hình thực tiễn của tỉnh; Tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và các hoạt động hưởng ứng vào tháng 3 hằng năm; tạo không khí hào hứng, vận động mỗi người lựa chọn một môn thể thao yêu thích, cách thức luyện tập phù hợp để duy trì nề nếp, thói quen luyện tập thường xuyên. Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác TDTT bằng việc xây dựng và triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch.

Hướng dẫn người dân tập luyện TDTT đúng cách để nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, thể lực, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần và phòng chống bệnh tật. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, giáo viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên, đặc biệt ở xã, phường, thị trấn. Phát triển các mô hình, CLB TDTT các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ hoạt động TDTT theo quy định, tạo điều kiện cho nhân dân tập TDTT thuận lợi, hiệu quả.

Phổi hợp liên ngành về quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn phát triển phong trào TDTT cho mọi đối tượng. Phát huy vai trò gương mẫu, tích cực của các thành viên gia đình tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, xây dựng gia đình thể thao; đầu tư kinh phí, trang thiết bị, dụng cụ, tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh, sinh viên được rèn luyện thể chất, tập luyện thi đấu các môn thể thao. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ hoạt động TDTT đảm bảo yêu cầu chuyên môn theo quy định và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tổ chức thi đấu các giải thể thao nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào luyện tập TDTT của nhân dân: Các địa phương, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học tổ chức các hội thi, giải thể thao, đại hội TDTT nhằm tạo động lực và khuyển khích, thúc đẩy tất cả các đối tượng tham gia tập luyện TDTT thường xuyên. Khuyến khích các đơn vị, địa phương bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian.

Đầu tư nguồn lực triển khai Cuộc vận động cũng như đẩy mạnh xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và hướng dẫn nhân dân tập luyện TDTT đảm bảo tính khoa học, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Kiện toàn, tinh gọn bộ máy TDTT từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo hoạt động hiệu quả. Xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong triển khai Cuộc vận động.

VD