You must configure this module first via "Module Settings"

Thừa Thiên Huế tập trung phát triển Thể thao thành tích cao giai đoạn 2021-2030

Để nền thể thao tỉnh phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần nghị quyết số 54/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn 2045, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Những kết quả đã đạt được

Trong những năm qua, Thể thao thành tích cao của tỉnh đã phát triển vượt bậc và dần khẳng định được vị trí đối với thể thao trong nước, khu vực, cũng như quốc tế. Cụ thể, từ 2013- 2020 giành được 1.806 huy chương (trong đó, huy chương quốc tế là 182 huy chương  (92 HCV,  51 HCB,  39 HCĐ). Đặc biệt các VĐV Thừa Thiên Huế đạt thành tích cao tại các giải thể  thao thế giới và Đại hội thể thao Đông Nam Á, như: HCV giải Đá cầu thế giới năm 2019, HCĐ môn Vật tại Asiad 2018; 05 HCV, 01 HCB, 02 HCĐ tại các kỳ SAE Games,...  Riêng trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID 19, các đội tuyển của tỉnh đã không ngừng nỗ lực và giành tổng số 313 huy chương các loại (76 HCV, 95 HCB, 142 HCĐ), tại các giải quốc gia, giải trẻ quốc gia...57 VĐV của tỉnh đạt Kiện tướng và 130 VĐV đạt Cấp 1.

Hệ thống tuyển chọn, đào tạo lực lượng HLV, VĐV luôn được quan tâm, chú trọng ở tất cả các tuyến, đặc biệt là lực lượng VĐV trẻ, năng khiếu. Hiện ngành TDTT tỉnh Thừa Thiên Huế  đang tập trung đào tạo các VĐV ở 13 môn thể  thao là Cờ vua, Cờ tướng, Karate, Bóng đá, Điền kinh, Bơi lội, Lặn,  Cầu lông, Teakwondo, Judo, Đá cầu, Vật, Bắn cung với 425 VĐV trong đó có 45 VĐV thuộc đội tuyển, 380 VĐV trẻ. Lực lượng VĐV ngày một tăng về  số lượng lẫn chất  lượng, thành tích từng bước được nâng cao trong khu vực và quốc tế. 

Đặc biệt, hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ phát triển thể thao thành tích cao đã được đầu tư và từng bước hoàn thiện đáp ứng yêu cầu công tác huấn luyện và thi đấu cho các đội tuyển.  Các thiết chế thể thao đã được đầu tư. Trong đó Sân vận động tỉnh đã sử dụng có hiệu quả trong công tác tổ chức thi đấu và tập luyện môn bóng đá, hàng năm đăng cai tổ chức các giải bóng đá trẻ quốc gia, các giải vòng chung kết quốc gia U17, U19, vòng chung kết U21 quốc tế, giải Hạng nhất quốc gia, Cúp quốc gia do Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ủy nhiệm, đăng cai tổ chức các giải  điền kinh quốc gia; tổ  chức các giải điền kinh học sinh Tỉnh, các giải Bóng đá phong trào, các sự kiện VHTT của tỉnh, đại hội TDTT toàn tỉnh... 

Bên cạnh đó, Nhà thi đấu tỉnh có sức chứa 3.000 chỗ ngồi, được sử dụng có hiệu quả  trong việc đăng cai tổ  chức từ  10 -  15 giải thể  thao thành tích cao quốc gia và quốc tế; tổ chức từ  15 – 20 các giải thi đấu cấp ngành, tỉnh các sự kiện văn  hóa và thể  thao, phục vụ  công tác tập luyện các môn thể  thao (cầu lông, bóng  bàn, bóng đá Futsal...) trong nhà. Bể bơi 50m và 25m: Hàng năm đăng cai tổ chức thi đấu các giải Bơi, lặn  quốc gia, các giải thi đấu các ngành, giải cấp tỉnh. Tổ chức tập luyện môn bơi, lặn cho các VĐV đội tuyển bơi, lặn của tỉnh; tổ chức dịch vụ dạy bơi thực hiện chương trình dạy bơi phòng chống đuối nước của Bộ VHTTDL, Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Ngoài ra, còn có hệ thống sân tập các môn thể thao gồm: 5 sân quần vợt, 02 sân tập bóng đá phục vụ tập luyện cho các đội bóng đá trẻ. Hệ thống nhà tập: Nhà tập các môn Vật, Karate, Teakwondo, Judo phục vụ công tác tập luyện cho các VĐV năng khiếu, đội trẻ, đội tuyển tỉnh. 

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, các quy định về chế độ, chính sách đối với HLV, VĐV thể thao  của tỉnh từng bước hoàn thiện. Nhiều Nghị quyết và Quyết định về chế độ, chính  sách đối với HLV, VĐV được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi để các VĐV đỉnh cao yên tâm tập luyện và cống hiến cho sự phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh.

Hướng tới những mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2030 

Phát huy những kết quả đã đạt được cũng như dựa trên những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trong giai đoạn 2021-2030, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung phát triển các môn thể  thao có trong chương trình thi đấu tại  Đại  hội Thể  thao  toàn  quốc,  các sân chơi khu vực và châu lục như: SAE Games, Asiad, Olympic.

Nâng cao thành tích các môn thể thao mà VĐV Thừa Thiên Huế có thế mạnh, có sự phát triển ổn định về số lượng và chất lượng, trong đó: Tập trung đầu tư các bộ môn thể thao trọng điểm nhóm 1 (Vật,  Điền  kinh,  Cờ vua, Taekwondo, Karatedo, Bơi – lặn); nhóm 2 (Đá cầu, Judo, Cờ  tướng, Bắn cung, Cầu lông, Bóng đá); nhóm 3 (Vovinam). Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các môn thể thao xã hội hoá: Bida, Võ cổ truyền, Bóng bàn, Bi sắt, Thể hình, Bóng rổ, Quần vợt, Bóng đá bãi biển, Bóng đá  futsal, Dance  sport, Bowling. 

Ổn định và duy trì hệ  thống đào tạo lực lượng VĐV với số lượng từ 400 - 500 VĐV năng khiếu. Hằng năm tham gia thi đấu từ 60 giải thể thao quốc gia và quốc tế, phấn đấu đạt từ  300 –  315 huy chương các loại, trong đó có từ  20  -  30 huy chương quốc tế, đóng góp từ  15 - 20 VĐV vào các đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia, có từ 75 – 90 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia.

Tham gia thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 với lực lượng từ 125 đến 130 VĐV của  16 bộ môn, phấn đấu đạt 04– 06 HCV.  SEA Games 31, tham gia thi đấu từ 02 - 03 môn phấn đấu đạt được 03 – 04 huy chương. Tại các kỳ SEA Games 32 (năm 2023), tham gia thi đấu từ 03 - 04 môn phấn đấu đạt được 04 – 05 huy chương. SEA Games lần thứ 33 (năm 2025) tham gia thi đấu từ 04 - 05 môn phấn đấu đạt được 05 – 06 huy chương. 

Giai đoạn 2025-2030: Tiếp tục phát triển các bộ môn thế mạnh giai đoạn trước, tập trung đầu tư thêm 02 môn thể thao thành tích cao là Cầu mây, Cử tạ (Nhóm 3). Duy trì hệ thống đào tạo lực lượng VĐV tại Trường Trung cấp TDTT, Trung tâm Thể  thao tỉnh, Đoàn bóng đá tỉnh  với số  lượng từ  500 đến 600 VĐV năng khiếu.  

Nhiều nhiệm vụ được đặt ra

Để triển khai thực hiện đề án có hiệu quả, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung nghiên cứu, xây dựng, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo và sử dụng tài năng trong lĩnh vực thể thao thành tích cao. Đẩy mạnh hợp tác  quốc tế và nghiên cứu khoa học trong đào tạo và phát triển tài năng thể thao. Đầu tư có  trọng  điểm  đối  với  VĐV,  HLV  có  khả  năng  tranh  chấp  huy  chương. Nâng  cao  năng  lực  của  các  đơn  vị  sự  nghiệp  khối  TDTT (Trường Trung cấp TDT, Trung tâm thi đấu thể  thao Thừa Thiên Huế, Đoàn bóng đá Huế).  Tăng cường công tác quản lý đào tạo HLV và VĐV thành tích cao. Đầu tư cơ  sở  vật chất,  trang thiết bị  hiện đại cho  lĩnh vực TDTT. Bảo đảm nguồn lực về tài chính cho sự phát triển TDTT. 

Cùng với các nhiệm vụ trên, tỉnh cũng đề ra các nhóm giải pháp thực hiện bao gồm: Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; Nhóm giải pháp đầu tư có trọng điểm đối với VĐV, HLV có khả năng tranh chấp huy chương; Nhóm giải pháp nâng cao năng lực của các đơn vị  sự nghiệp khối TDTT; Nhóm giải  pháp tăng  cường  công  tác  quản  lý  đào  tạo  HLV  và  VĐV  thành tích cao; Nhóm giải pháp đầu tư tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và Nhóm giải pháp bảo đảm nguồn lực về tài chính (Bố trí đủ kinh phí để thực hiện các mục tiêu và giải pháp của Đề án; Thu hút và đa dạng hoá nguồn kinh phí từ các tổ  chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động đào tạo tài năng trong lĩnh vực thể thao thành tích cao). 

Đề án được triển khai nhằm tạo bước đột phá về Thể thao thành tích cao, trong đó tập trung phát triển các môn có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là các các môn thể thao trong chương trình Olympic, Asiad và SEA Games. Xây dựng hệ thống đào tạo VĐV một cách khoa học, bền vững; tập trung đầu tư trọng điểm cho những bộ môn, VĐV ưu tú tham gia thi đấu các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc góp phần nâng cao vị thế của thể thao Thừa Thiên Huế, đồng thời đóng góp nhiều VĐV cho các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia thi đấu tại các giải thể thao quốc tế.

VD

Ảnh trong bài
  • Thừa Thiên Huế tập trung phát triển Thể thao thành tích cao giai đoạn 2021-2030