Kế hoạch được cụ thể hóa bằng hành động thực tiễn
Việc tổ chức hướng dẫn tập luyện TDTT phải đảm bảo tính khoa học, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động cơ sở vật chất, các nguồn lực đầu tư để phát triển phong trào TDTT trong các cơ quan, đơn vị, trường học, khu công nghiệp, khu dân cư và các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh.
Trong kế hoạch cũng đã chỉ rõ những nhiệm vụ quan trọng như: Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể, gia đình về vai trò, tầm quan trọng của tập luyện TDTT, coi TDTT là công cụ hữu hiệu để nâng cao sức khỏe của nhân dân và đẩy lùi dịch bệnh. Cụ thể, thường xuyên tổ chức các hoạt động TDTT quần chúng, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, qua đó vận động nhân dân lựa chọn môn thể thao thích hợp, cách thức luyện tập phù hợp để duy trì nền nếp, thói quen tập luyện TDTT hằng ngày.
Cùng với đó, xây dựng và phổ biến tài liệu hướng dẫn tập luyện TDTT đúng cách góp phần nâng cao chất lượng phong trào TDTT. Tăng cường công tác phổ biến, truyền tải các tài liệu, kiến thức về phương pháp, cách thức, nguyên tắc tập luyện TDTT đảm bảo vệ sinh, an toàn trong điều kiện bình thường mới khi dịch bệnh Covid -19 vẫn đang còn diễn biến rất phức tạp ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Phổ biến tài liệu, tranh ảnh, video clip về chuyên môn, kỹ thuật các môn thể thao từ cơ bản đến nâng cao. Hướng dẫn các bài tập phù hợp với lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm ngành nghề, vùng miền, điều kiện thực tiễn và nhu cầu, sở thích của nhân dân.
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hướng dẫn tập luyện TDTT thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng hướng dẫn tập luyện TDTT cho đội ngũ cán bộ thể thao từ cơ sở.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hướng dẫn viên tập luyện các môn thể thao nhằm phục vụ cho công tác tổng hợp, tra cứu, thống kê về số lượng, chất lượng đội ngũ nhân viên chuyên môn của các cơ sở, doanh nghiệp tổ chức tập luyện và thi đấu TDTT trên phạm vi cả nước. Tăng cường tổ chức các hội thi về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hướng dẫn tập luyện TDTT để xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ HLV, CTV, nhân viên chuyên môn ở các đơn vị, cơ sở hoạt động TDTT.
Nhân rộng, đa dạng hóa các mô hình, loại hình tập luyện
Ngành VHTTDL tỉnh Kon Tum tập trung phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở, doanh nghiệp tổ chức hướng dẫn tập luyện, thi đấu các môn thể thao. Cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở kinh doanh, các loại hình dịch vụ hướng dẫn tập luyện và thi đấu các môn thể thao. Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ hướng dẫn tập luyện TDTT tạo sự đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu tập luyện phù hợp, đảm bảo an toàn cho nhân dân. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các CLB TDTT, đổi mới cách thức tổ chức nhằm tạo sự đa dạng về hình thức, phong phú, hấp dẫn về nội dung và phù hợp với sở thích, nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân.
Cùng với đó, Kon Tum khuyến khích tổ chức tập luyện, thi đấu TDTT trực tuyến hoặc sử dụng phần mềm các thiết bị điện tử để phổ biến, hướng dẫn tập luyện trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, giúp cho nhân dân được tiếp cận đa dạng các loại hình tập luyện một cách nhanh chóng, dễ hiểu, dễ nhớ, đảm bảo an toàn và tập luyện đạt hiệu quả cao nhất. Phối hợp kiểm tra, hướng dẫn các cá nhân, doanh nghiệp tổ chức hoạt động TDTT thực hiện các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn trong hoạt động TDTT và các điều kiện về nhân viên chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao theo quy định.
Kon Tum đã yêu cầu ngành chức năng sớm ứng dụng những thành tựu về khoa học công nghệ, y học thể thao và kinh nghiệm ở trong nước, quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả hướng dẫn tập luyện các môn thể thao; phát triển các môn thể thao mới, loại hình tập luyện mới phù hợp điều kiện khí hậu theo xu thế phát triển hiện nay. Bên cạnh đó, lồng ghép triển khai các đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân như: “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030”; Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025”; xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030…
Kịp thời, đánh giá kết quả và nhân rộng mô hình tiêu biểu về hướng dẫn tập luyện TDTT, xây dựng và nhân rộng mô hình cá nhân, tập thể, doanh nghiệp điển hình tiên tiến về cách thức tổ chức tập luyện TDTT khoa học, hiệu quả và thiết thực. Khuyến khích việc đưa kết quả phong trào TDTT là một trong những tiêu chí thi đua hàng năm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang. Có hình thức biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến về tập luyện, thi đấu các môn thể thao và có nhiều đóng góp để thúc đẩy phong trào TDTT ở các cơ quan, đơn vị, địa phương phát triển.
Duy trì và phát triển hệ thống các giải thể thao trong các cơ quan, đơn vị, xã, phường, trường học, khu công nghiệp, khu dân cư nhằm đánh giá chất lượng phong trào tập luyện TDTT. Phát hiện, tuyển chọn, đào tạo nhân tài thể thao thành tích cao, tạo động lực, khích lệ phong trào TDTT của mọi đối tượng ngày càng phát triển mạnh mẽ.
N.H