Hướng đến mục tiêu
Mục tiêu quan trọng mà đề án hướng đến là tạo bước đột phá mạnh mẽ về TTTTC, trong đó tập trung phát triển các môn môn thể thao tiềm năng, thế mạnh thuộc nhóm môn Olympic, Asiad, SEA Games. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống tuyển chọn, đào tạo VĐV một cách khoa học, bền vững. Xác định một số môn thể thao có thế mạnh, phù hợp với đặc điểm thể chất con người Bạc Liêu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2021 – 2025, ngành TDTT tỉnh Bạc Liêu tiếp tục tập trung đầu tư cho 11 môn thể thao gồm: Canoeing, Cử tạ, Judo, Điền kinh, Bi sắt, Rowing, Taekwondo, Kurash, Boxing, Vật, Jujitsu. Ngoài ra, theo từng năm lựa chọn thêm các môn thể thao để phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh gồm các môn: Cờ vua, Bơi, Vovinam, Bắn cung, Võ cổ truyền, Bóng đá. Cùng với đó, tỉnh Bạc Liêu tập trung đầu tư các môn thể thao trọng điểm theo phân nhóm ưu tiên riêng của tỉnh. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức kinh tế cùng tham gia phát triển các môn thể thao như: Quần vợt, Bắn súng, Bida.
Để hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra, thời gian tới tỉnh Bạc Liêu phấn đấu hằng năm tăng số lượng VĐV năng khiếu, VĐV trẻ để tạo nguồn bổ sung lực lượng cho các đội tuyển và một số môn thể thao có nhiều khả năng đạt thành tích. Trong năm 2021, Bạc Liêu đào tạo 144 VĐV thì đến năm 2025 sẽ tăng lên 212 VĐV; số VĐV đạt cấp 01 quốc gia là 23 VĐV, cấp kiện tướng là 26 VĐV, số VĐV được triệu tập vào đội tuyển quốc gia là 13 VĐV và đội trẻ quốc gia là 20 VĐV, có 4 – 5 đội tuyển, môn thể thao nằm trong nhóm 10 toàn quốc.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2021 – 2025 TTTTC Bạc Liêu đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đạt ít nhất 100 HCV tại các giải thể thao toàn quốc, 22 HCV tại Đại hội Thể thao khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long lần IX. Đến năm 2023, đạt từ 10 HCV trở lên tại các giải thể thao quốc tế trong và ngoài nước, trong đó có sân chơi quan trọng là các kỳ SEA Games 31, 32, 33. Tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX tới đây, tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu đạt được 15 Huy chương các loại trở lên.
Bước sang giai đoạn mới từ năm 2026 – 2030, ngành TDTT tỉnh Bạc Liêu định hướng, tiếp tục ổn định 17 môn TTTTC mà tỉnh đã đầu tư, đào tạo từ giai đoạn trước và bổ sung phát triển thêm các môn thể thao như: Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng bàn và thúc đẩy phát riển các môn thể thao khác. Ở giai đoạn này, tỉnh phấn đấu đạt từ 110 HCV trở lên tại các giải thể thao toàn quốc, 53 HCV tại các giải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ X. Đạt từ 12 HCV trở lên tại các giải thể thao quốc tế. Ở các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X, XI phấn đấu nằm trong top 30 – 40/65 tỉnh, thành, ngành tham dự.
Triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp quan trọng
Để phát triền nền TDTT tỉnh nhà theo đúng xu thế phát triển xã hội và định hướng của ngành TDTT, Bạc Liêu hướng tới 7 nhóm giải pháp trọng tâm, đó là:
Không ngừng cải thiện, củng cố tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp TDTT cấp tỉnh. Từng bước hoàn chỉnh nguồn lực cán bộ chuyên môn đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ, chức năng của từng lĩnh vực hoạt động. Tiến hành rà soát lại toàn bộ các tuyến đào tạo VĐV và sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu phát triển, xu thế hội nhập.
Tăng cường hơn nữa nâng cao công tác chuyên môn phục vụ phát triển TTTTC. Cụ thể như, nâng cao thành tích thể thao bằng việc chú trọng tập chung đầu tư chất lượng tuyển chọn, số lượng đào tạo VĐV các môn thể. Kiểm tra, đánh giá hiệu quả đạt được của các bộ môn, trên cơ sở đó sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu phát triển, tình hình thực tế và điều kiện kinh phí đầu tư của tỉnh. Xây dựng hiệu quả hệ thống đào tạo gồm 03 tuyến: Năng khiếu, trẻ và tuyển để bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa và lâu dài...
Ngoài ra, tạo điều kiện cho các đội thể thao được đi tập huấn nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn. Sắp xếp nguồn kinh phí phù hợp cho việc mời các chuyên gia, HLV giỏi về làm công tác huấn luyện, VĐV có thành tích về thi đấu cho tỉnh. Qua đó, từng bước chuẩn bị lực lượng tham dự các giải thể thao quốc tế và trong nước, đặc biệt là các kỳ Đai hội Thể thao toàn quốc. Phân bổ các huyện, thị xã, thành phố phối hợp đào tạo VĐV năng khiếu trọng điểm.
Đề án cũng nêu cao sự quan tâm của các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước tới cơ chế chính sách hỗ trợ và chế độ đãi ngộ, khuyến khích VĐV, HLV, cán bộ quản lý công tác TTTTC. Từ đó, xây dựng chính sách ưu đãi về đào tạo nghề và bố trí việc làm cho các VĐV đạt thành tích cao sau khi kết thúc quá trình cống hiến. Đảm bảo trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu đúng tiêu chuẩn cũng như chế độ dinh dưỡng đặc thù dành cho VĐV. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào các hoạt động đào tạo VĐV với các hình thức: Tập luyện và đào tạo VĐV tại các CLB tư nhân ở một số môn thể thao có điều kiện như: Quần vợt, Bóng bàn, Cầu lông…
Tăng cường công tác phối hợp, hợp tác phát triển TTTTC của tỉnh Bạc Liêu bằng việc thường xuyên đăng cai tổ chức các giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế nhằm tạo cơ hội để tăng cường các mối quan hệ cho thể thao Bạc Liêu với các cá nhân, tổ chức, địa phương, quốc gia trong lĩnh vực thể thao. Đồng thời, mở rộng mối quan hệ với các địa phương, các Trung tâm thể thao quốc gia, các trường Đại học TDTT để tranh thủ sự giúp đỡ về CSVC, trang thiết bị dụng cụ tập luyện…
Khuyến khích và hỗ trợ việc mở trường, lớp đào tạo VĐV theo mô hình dân lập, bán công, thí điểm quản lý, đào tạo VĐV trình độ cao tại các CLB TDTT tư nhân như: Quần vợt, Bóng chuyền, Bóng đá, Bóng bàn, Cầu lông…Từng bước chuyển giao công tác đào tạo, huấn luyện VĐV cho các Hội, Liên đoàn Thể thao thực hiện…
N.H