You must configure this module first via "Module Settings"

Phong trào TDTT quần chúng của huyện vùng cao An Lão – Bình Định

Mặc dù điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, các cấp chính quyền huyện An Lão luôn quan tâm phát triển TDTT nhờ vậy phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực. Số lượng người dân tham gia tập luyện TDTT ngày càng cao, qua đó góp phần tạo môi trường sống lành mạnh, bổ ích cũng như sự gắn kết giữa các cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện.

Theo đó, để phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn huyện phát triển sâu rộng, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động TDTT; phối hợp cơ quan, đơn vị, các phòng, ban, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn triển khai tổ chức các giải thi đấu thể thao vào các dịp Lễ, Tết của đất nước, địa phương. Các hoạt động TDTT được tổ chức lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, các sự kiện chính trị. Nhận thức của nhân dân về tác dụng của TDTT đối với sức khỏe đã từng bước được nâng lên và nhờ đó, phong trào tập luyện TDTT đã chuyển biến tích cực và ngày càng thu hút đông đảo nhân dân với đủ các lứa tuổi, thành phần tham gia tập luyện hàng ngày. Các môn thể thao được đông đảo người dân lựa chọn tập luyện như Đi bộ, Thể dục Dưỡng sinh, Đá cầu, Yoga, Bóng chuyền, Cầu lông, Khiêu vũ thể thao... Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thi đấu thể thao từ huyện đến cơ sở cũng được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức giao lưu TDTT giữa các ngành cơ quan, đơn vị, giao lưu giữa các CLB TDTT của các xã, phường ở cơ sở. 

Cùng với đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, huyện đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu tập luyện và thi đấu TDTT. Theo thống kê, đến nay toàn huyện có 8/10 xã, thị trấn có sân vận động, 01 sân vận động huyện, hiện 57 thôn đều có sân bóng chuyền Ngoài ra, toàn huyện có 05 sân bóng đá cỏ nhân trạo, 02 nhà thi đấu cầu lông, 13 sân cầu lông ngoài trời, 15 sân bóng chuyền của các cơ quan, đơn vị, địa  phương đạt tiêu chuẩn… Đây cũng chính là thành tựu nổi bật trong công tác TDTT của huyện trong 10 năm qua. (trước đây An Lão chỉ có duy nhất 01 sân vận động). Với thực trạng thiết chế TDTT được đầu tư xây dựng như hiện nay hứa hẹn sẽ giúp cho công tác TDTT của huyện ngày càng gặt hái thành công, từng bước đẩy lùi điểm trắng về TDTT và vươn lên vị trí cao hơn trên bảng xếp hạng tại các kỳ Đại hội TDTT của tỉnh. Mỗi xã, thị trấn đều có CLB TDTT, mỗi thôn đều có đội bóng đá, bóng chuyền và các đội, nhóm tập luyện ở các môn khác tập luyện thường xuyên để tham gia các giải của địa phương, huyện, tỉnh tổ chức. Các CLB đều được thành lập trên tinh thần tự nguyện, số hội viên tham gia ngày càng đông.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động TDTT phong trào, công tác bảo tồn các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian luôn được huyện gìn giữ, phát triển như: Bắn nỏ, phóng lao, đẩy gậy, Kéo co, đi cà kheo… Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian luôn được tổ chức vào các dịp lễ, tết và các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân các dân tộc vùng cao ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn như An Lão.

Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được triển khai gắn kết cùng các hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các hoạt động phong trào khác đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về TDTT trên địa bàn huyện. Trong đó, đặc biệt là phong trào TDTT trong học sinh, sinh viên. Hiện nay, toàn huyện có 100% số trường học thực hiện tốt chương trình GDTC chính khóa và thành nền nếp theo quy định. 100% số trường học tổ chức các hoạt động TDTT ngoại khóa thường xuyên và 100% học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định. Các thiết chế TDTT trong trường học trên địa bàn huyện cũng được quan tâm, đảm bảo cho việc dạy và học môn GDTC và tổ chức các hoạt động TDTT ngoại khóa với các môn thể thao đơn giản, kinh phí đầu tư ít và phù hợp với nhu cầu, sở thích của học sinh. Đội ngũ giáo viên thể dục ở các trường được đào tạo chuyên ngành từ cao đẳng trở lên. Ngoài ra, hệ thống các giải đấu thể thao dành cho học sinh do ngành GDĐT tổ chức được duy trì đều đặn thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu rèn luyện về thể chất cho học sinh các cấp, trong đó hoạt động có quy mô lô lớn nhất là Hội khỏe Phù Đổng các cấp được duy trì tổ chức theo định kỳ đã thực sự là ngày hội thể thao của lứa tuổi học đường.

Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, khi dịch Covid chưa bùng phát, vào các buổi sáng sớm hay chiều muộn ở những khu vực đông dân cư, khu vực công viên Trung tâm huyện, các nhà văn hóa, sân vận động các xã luôn đông đúc, náo nhiệt bởi người dân tập trung luyện tập TDTT. Cùng với đó, nhiều hoạt động thể thao được tổ chức như: các giải thi đấu thể thao các cấp hàng năm, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân được tổ chức vào tháng 3 ở tất cả các cấp… 

Bên cạnh những kết quả trên, công tác TDTT trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, phong trào TDTT quần chúng phát triển chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở địa bàn trung tâm xã, thị trấn, khu vực dân cư có điều kiện. Tỷ lệ người dân nông thôn tham gia tập luyện TDTT thường xuyên chưa cao. Công tác XHH TDTT chưa phát huy đúng mức nên việc tham gia đóng góp của các nhà hảo tâm và các nguồn lực XHH còn hạn chế…

Với những hoạt động phong phú, đa dạng, phong trào TDTT quần chúng trong toàn huyện An Lão đã đi sâu vào đời sống xã hội, lan tỏa khắp các địa bàn dân cư, kết nối tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, đối với một huyện vùng cao như An Lão, ngoài các giải pháp đã thực hiện, để công tác TDTT phát triển rất cần sự nỗ lực, quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền. Đặc biệt là sự đầu tư kinh phí cho TDTT còn hạn hẹp, nên rất cần sự chung tay của các tổ chức, cá nhân nhằm huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho TDTT.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 -2030, An Lão sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đảm bảo thống nhất, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của các đơn vị, địa phương; Xây dựng mạng lưới hướng dẫn toàn dân tập luyện TDTT đúng cách để nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thể lực, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần và phòng, chống bệnh tật; Phối hợp liên ngành về quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn phát triển phong trào TDTT cho mọi đối tượng; Tổ chức giải thi đấu các môn thể thao nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào luyện tập TDTT của nhân dân.

VD