TDTT quần chúng là nền tảng
Xác định được vai trò, tầm quan trọng của công tác TDTT, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển TDTT. Phong trào TDTT quần chúng được duy trì khá nền nếp trong các tổ chức xã hội, cơ quan, đơn vị, trường học.
Các hoạt động tập luyện TDTT diễn ra hàng ngày, với nhiều nội dung phong phú và ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia nhất là thanh thiếu niên, người cao tuổi, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động… Trong đó, phong trào “Thanh niên khoẻ”, “Khoẻ để lập nghiệp và giữ nước”, triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã thu hút nhiều đoàn viên thanh niên tham gia. Hiện 100% Ban chấp hành đoàn cơ sở thành lập các CLB TDTT, tổ chức nhiều giải thi đấu cấp huyện và cơ sở. Trong đó, Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động TDTT, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng huy động khoảng 50.000 lượt đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia. Tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Diên Hồng, Tỉnh đoàn thường xuyên mở các lớp dạy các môn như: Bóng bàn, Bóng rổ, Bóng đá, Karatedo, Aerobic, Dancesport... thu hút hơn 9.000 học viên tham gia. Tại các cơ sở đoàn, 10 năm qua có khoảng 4.800 hoạt động và hơn 520.000 lượt người tham gia phong trào TDTT.
Hoạt động TDTT trong các cấp hội Liên hiệp phụ nữ từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn cũng đẩy mạnh sâu rộng trong từng hội viên. Hàng năm, các cấp hội phối hợp với các ngành tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao như giải Cầu lông, Bóng chuyền hơi;... Ngoài ra, hội còn tổ chức các CLB dưỡng sinh, Đi bộ, Khiêu vũ, Yoga... thu hút nhiều hội viên tham gia tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp.
Đối với phong trào TDTT trong nông dân, nông thôn, nhất là đồng bào các dân tộc các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi đã từng bước được quan tâm, với nhiều môn thể thao hiện đại ngày càng được phổ biến rộng rãi trong nhân dân như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Điền kinh, Cầu lông, Võ… Bên cạnh các địa phương trong tỉnh cũng chú trọng phát triển các môn thể thao dân tộc truyền thống như: Bắn nỏ, Đẩy gậy, Kéo co… Thông qua các hoạt động TDTT không chỉ tạo sân chơi bổ ích cho người dân, mà còn góp phần tạo sự đoàn kết, giao lưu giữa các dân tộc, rút ngắn khoảng cách về TDTT giữa các vùng, miền trong tỉnh.
Cùng với đó, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi, tỉnh đã thường xuyên tổ chức hướng dẫn các bài tập dành cho người cao tuổi như: Thể dục dưỡng sinh, Thái cực quyền, Thái cực quạt, Đi bộ, Cầu lông, Bóng bàn, Bóng chuyền hơi… Hàng năm, tỉnh tổ chức một số giải thể thao dành cho người cao tuổi như: Bóng chuyền hơi, Hội thao người cao tuổi… chào mừng ngày quốc tế người cao tuổi 1/10 và các ngày lễ, Tết của địa phương, dân tộc.
Công tác GDTC và hoạt động TDTT trong trường học được nâng cao. Tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học môn thể dục ở các nhà trường; Chủ động tổ chức các hoạt động TDTT ngoại khoá vào các dịp hè như tổ chức dạy các lớp Bóng đá, Đá cầu, Cầu lông, các môn Võ và đặc biệt là các lớp dạy bơi phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh trong các nhà trường; Duy trì tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng các cấp và tham gia các giải thể thao học sinh toàn quốc. Hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang được duy trì ổn định và nền nếp với số cán bộ, chiến sỹ kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đạt 98%.
Nhờ đó, phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Số người tập luyện TDTT thường xuyên, số gia đình thể thao đã tăng dần qua từng năm với tỷ lệ trung bình đạt trên 1%. Năm 2020, tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 36,46% (năm 2012 là 27,5%, tăng 8,96% ); Tỷ lệ gia đình thể thao đạt 25% (năm 2012 là 16%, tăng 9%); Số CLB TDTT, nhóm tập TDTT tăng cao hàng năm. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 300 CLB TDTT đơn môn và đa môn. Trong đó, trung bình mỗi huyện có từ 5 - 10 hội, CLB TDTT hoạt động tương đối hiệu quả. Riêng thành phố Quảng Ngãi có trên 30 hội, CLB TDTT. Ngoài ra, có thêm nhiều tổ chức xã hội về TDTT được thành lập mới như Gym, Khiêu vũ, Yoga, Thể dục dưỡng sinh, Aerobic...
Bên cạnh đó, hệ thống các tổ chức xã hội về TDTT không ngừng được kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động. Ở tỉnh hiện có 4 Liên đoàn TDTT gồm: Cầu lông, Bóng đá, Quần vợt và Võ thuật. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực TDTT đã tham gia tích cực vào các hoạt động thể thao của tỉnh; thường xuyên trao đổi, phối hợp với phòng ban chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp làm công tác TDTT; tạo các phong trào thể thao rộng khắp; góp phần tích cực nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, qua đó, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để người dân được hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần tại cơ sở.
Công tác quy hoạch đất, đầu tư cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện đã được tỉnh quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 275 sân bóng đá lớn nhỏ, 45 bể bơi các loại, 25 nhà tập luyện và 66 công trình thể thao khác gồm sân cầu lông, sân bóng chuyền, sân thể dục ngoài trời... Cùng với đó, việc quy hoạch các sân bãi tập luyện TDTT cho nhân dân là một trong những tiêu chí để được công nhận là đơn vị, xã văn hóa, hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh từng bước được kiện toàn, nâng cấp và đầu tư xây dựng. Hiện nay, toàn tỉnh có 97/173 nhà văn hóa xã, 907/957 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; có trên 60 sân thể thao cấp huyện, trên 550 sân thể thao cấp xã và gần 1.000 sân thể thao ở cấp thôn. Các thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở cơ bản đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân.
Chú trọng phát triển các môn thể thao thế mạnh
Cùng với đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của tỉnh được quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Hàng năm, ngành TDTT tỉnh duy trì tổ chức các giải thi đấu thể thao thành tích cao nhằm lựa chọn những VĐV có năng khiếu bổ sung vào các đội tuyển của tỉnh. Trong đó từ năm 2012-2020, ngành TDTT tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức thành công 2 kỳ đại hội TDTT các cấp (lần thứ V năm 2014; lần thứ VI năm 2018). Đặc biệt năm 2019, nhân Kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh (1989-2019), ngành TDTT Quảng Ngãi đã tổ chức thành công giải Bóng đá Công viên Địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh và đón chào HLV trưởng Park Hang Seo cùng đội tuyển bóng đá quốc gia về thăm và giao lưu với người hâm mộ; Tổ chức giải Dù lượn Quảng Ngãi mở rộng lần thứ nhất tại huyện đảo Lý Sơn, với hơn 150 VĐV trong nước và Quốc tế tham dự. Trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, sau nhiều lần tạm hoãn, Quảng Ngãi đã tổ chức thành công giải Vô địch quốc gia Marathon và Cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 61.
Hiện Trung tâm HLTĐTT tỉnh đang tập trung đào tạo 400 VĐV gồm tuyến năng khiếu, tuyến trẻ và tuyến đội tuyển. Với phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào những môn thể thao thế mạnh của tỉnh, công tác đào tạo, huấn luyện VĐV được tuyển chọn kỹ càng. Nhờ vậy, trong 5 năm gần đây ( 2016 – 2020) các môn thể thao của tỉnh như: Boxing, Wushu, Võ cổ truyền, Vovinam, Điền kinh luôn nằm trong tốp 10 đội mạnh ở các giải cấp quốc gia. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, đoàn thể thao Quảng Ngãi giành được tổng cộng 19 huy chương các loại, trong đó có 2 HCV, 2 HCB và 15 HCĐ, xếp vị trí thứ 45/65 đoàn. Trước đó 4 năm, tại kỳ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, đoàn VĐV Quảng Ngãi xếp vị trí thứ 38/65 đoàn tham dự khi giành 12 huy chương, trong đó có 3 HCV, 1 HCB, 8 HCĐ. Đặc biệt, nhiều VĐV Quảng Ngãi đã thi đấu và giành thành tích cao tại các đấu trường quốc tế, tiêu biểu phải kể đến những gương mặt như: nữ hoàng chân đất Phạm Thị Bình – HCV SEA Games 27, HCĐ giải Marathon châu Á; Võ sỹ Trần Quốc Việt (Boxing) - HCĐ SEA Games 27; Võ sỹ Nguyễn Văn Tiên - HCB giải Vovinam thế giới tại Campuchia vào năm 2019….
Để công tác TDTT của tỉnh tiếp tục có những bước phát triển phù hợp, trong thời gian tới, ngành TDTT Quảng Ngãi tiếp tục tuyên truyền và thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và Tỉnh ủy về công tác TDTT. Cùng với đó, là thực hiện các chủ trương, quan điểm về phát triển TDTT đã xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đó là “đầu tư, phát triển các môn thể thao thành tích cao có thế mạnh; Chú trọng đào tạo tài năng về thể thao. Phát triển mạnh phong trào TDTT quần chúng”; Đưa nhiệm vụ phát triển TDTT vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Tiếp tục thực hiện phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với việc thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Tiếp tục đầu tư xây dựng các thiết chế thể thao như khu liên hợp TDTT của tỉnh, nâng cấp nhà thi đấu thể thao đa năng, sân vận động tỉnh; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT...
VD