You must configure this module first via "Module Settings"

Thể thao Bình Thuận khởi sắc sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 (Nghị quyết số 08) đã thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT tỉnh Bình Thuận có những chuyển biến tích cực. Nhiều loại hình hoạt động TDTT được mở rộng và phát triển, các cơ sở dịch vụ TDTT được đầu tư, nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân, tạo nên các phong trào hoạt động TDTT trong các đơn vị và địa phương, gắn với phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Hoạt động TDTT đã thu hút nhiều đối tượng: học sinh, thanh niên, người lao động, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, người cao tuổi, người khuyết tật tham gia... Thông qua các hoạt động TDTT đã tạo điều kiện để nhân dân các địa phương trong tỉnh giao lưu, đoàn kết gắn bó mật thiết, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Đẩy mạnh phát triển phong trào TDTT quần chúng

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, UBND tỉnh giao Sở VHTTDL phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu ban hành: Kế hoạch triển khai thực Chiến lược phát triển TDTT tỉnh Bình Thuận đến năm 2020; Đề án xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia và triển khai trong toàn tỉnh; Quy hoạch phát triển TDTT tỉnh Bình Thuận đến năm 2020... Những văn bản này đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cũng như những định hướng, mục tiêu để đẩy mạnh phát triển nền thể thao tỉnh Bình Thuận.

Cùng với đó UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai tổ chức quán triệt Nghị quyết thông qua hội nghị, các lớp học bồi dưỡng chuyên môn cho các đối tượng trọng tài, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên, VĐV... Tuyên truyền sâu rộng, đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành cũng người dân trên địa bàn tỉnh được quán triệt. Nhờ vậy, nhận thức của của nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc tập luyện TDTT, từ đó tự giác tích cực tập luyện và xây dựng phong trào ngày càng phát triển.

Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” được đẩy mạnh. Với phương châm mỗi người dân tự chọn cho mình ít nhất một môn thể thao hoặc một hình thức tập luyện thích hợp để tập luyện hàng ngày đã góp phần nâng cao sức khỏe, số người tham gia tập luyện ngày càng được nâng lên.

Những loại hình hoạt động TDTT được tổ chức thường xuyên hàng năm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tham gia đông đảo của các đối tượng trong xã hội. Các hoạt động thi đấu thể thao quần chúng được duy trì tổ chức thường xuyên như: Ngày chạy vì sức khỏe chào năm mới; Hội thi đua thuyền Truyền thống, lắc thúng (Phan Thiết); Hội thi leo núi Tà Cú Hàm Thuận Nam - Bình Thuận mở rộng;..Hay như Giải Đua xe đạp huyện Tuy Phong và vượt đồi cát Bình Thạnh luôn được duy trì và phát triển; giải Bơi vượt hồ, chạy, trượt đồi cát huyện Bắc Bình -một loại hình thể thao mới được đưa vào hệ thống thi đấu của huyện và của tỉnh trong thời gian qua.

Một trong những cách làm hay của Bình Thuận là đưa các giải thể thao cấp tỉnh về địa phương tổ chức. Điều này đã giúp người dân hưởng thụ văn hóa, tinh thần qua đó thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT ở cơ sở. Điển hình như giải Bóng chuyền bãi biển tỉnh được tổ chức tại huyện Tuy Phong; giải trẻ và Vô địch Vovinam tổ chức tại huyện Hàm Tân;;giải trẻ và vô địch Taekwondo tỉnh do huyện Tánh Linh đăng cai tổ chức; huyện Đức Linh đăng cai tổ chức giải trẻ và vô địch Võ thuật Cổ truyền tỉnh; huyện Hàm Thuận Nam đăng cai giải vô địch Bóng chuyền nam tỉnh.

Các hoạt động TDTT dành cho người khuyết tật cũng đặc biệt được quan tâm phát triển. Ngành TDTT tỉnh luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí nhằm nâng cao sức khỏe về thể chất và tinh thần; đầu tư cải tạo, sửa chữa các công trình văn hóa, thể thao công cộng chưa có lối dành riêng cho người khuyết tật; tổ chức các chương trình hội thao dành cho người khuyết tật ở các địa phương, đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia các hội thao cấp tỉnh và toàn quốc.

như: Hội thi văn nghệ, thể thao được tổ chức 2 năm một lần; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng cán bộ, hướng dẫn viên Người cao tuổi các loại hình được tập huấn như bài thể dục tay không 56 động tác, Bóng chuyền hơi và Yoga cho mọi người cao tuổi ở tất cả các CLB dưỡng sinh trên địa bàn toàn tỉnh, cử Hội viên tham dự các lớp tập huấn về TDTT cho Người cao tuổi do Tổng cục TDTT tổ chức. Vì vậy, các CLB ngày càng đông về số lượng, mạnh về tổ chức, vững vàng về chuyên môn kỹ thuật, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt đều đặn và có sức khỏe tốt.

Phong trào TDTT trong các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang được phối hợp tổ chức hội thao thường xuyên nhằm rèn luyện sức khỏe phục vụ cho nhiệm vụ học tập và công tác, bình quân có 95% cán bộ, chiến sỹ, tham gia tập luyện thường xuyên. Hàng năm các giải thể thao của các đơn vị luôn được duy trì tạo động lực giúp cho cán bộ, chiến sỹ tích cực tham gia tập luyện TDTT góp phần nâng cao sức khỏe, Nhân các ngày lễ lớn của đất nước, các ngày kỷ niệm, truyền thống của Ngành, nhiều giải thể thao quần chúng được tổ chức như: Giải Bóng chuyền (26/3), giải Bóng đá (19/8), giải Bắn súng quân dụng, giải Bóng chuyền mừng Đảng mừng Xuân; Giải Quần vợt nội bộ và mở rộng; ... Ngoài ra, còn có các hội thao, các trò chơi và giải thi đấu thể thao giao hữu (chạy, kéo co, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, các trò chơi vận động, trò chơi dân gian… được diễn ra thường xuyên, tạo không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân.

Nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao

Thể thao thành tích cao của tỉnh từng bước phát triển trên cơ sở hệ thống đào tạo theo 4 tuyến (Năng khiếu ban đầu - Năng khiếu tập trung - Trẻ - Tuyển); các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh được đầu tư tập trung như: Đua thuyền, Võ thuật, Điền kinh. Hiện, Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và thi đấu TDTT thao tỉnh đang đào tạo và quản lý 46 HLV, 336 VĐV (trong đó, đội tuyển 92 VĐV, trẻ 77 VĐV  và Năng khiếu là 167 VĐV.

Cùng với đó, chương trình đào tạo VĐV thể thao cơ sở được tiến hành đào tạo ở 10 đơn vị (gồm 09 huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh) với 47 đội của 11 môn thể thao và 649 VĐV tập trung ở các môn gồm: Bóng đá; Bóng rổ nam, nữ; Điền kinh; Canoeing; Taekwondo; Quyền anh; Karate; Vovinam; Bóng chuyền bãi biển nam, nữ; Bơi lội, Judo.

Từ năm 2015 - 2020, các VĐV thành tích cao tỉnh Bình Thuận đã tham gia góp mặt tại 262 giải thể thao cấp khu vực, quốc gia, quốc tế. Kết quả thi đấu đạt được tổng cộng 953 huy chương các loại, bao gồm: 305 HCV - 261 HCB - 387 HCĐ. Đặc biệt, tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - năm 2018, đoàn Bình Thuận cử 12 HLV và 67 VĐV, tham dự 7/36 môn (Canoeing, Điền kinh, Judo, Taekwondo, Vovinam, Karate, bóng rổ) đoạt 5 HCV - 3 HCB - 7 HCĐ, xếp hạng 31/65 tỉnh, thành ngành. Đến nay đội Canoeing, Taekwondo, Judo và Đua thuyền truyền thống là những đội mạnh trong top đầu quốc gia, riêng đội bóng rổ giữ vững thành tích top 4 quốc gia và đội bóng đá giữ hạng nhì quốc gia.

Nhiều VĐV xuất sắc của tỉnh Bình Thuận ở các bộ môn Taekwondo, Canoeing, Judo (54 lượt VĐV) đã được tập trung vào đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia tham dự 26 giải quốc tế chính thức cấp khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới… và đã mang về những tấm huy chương danh giá cho Thể thao Bình Thuận nói riêng và Thể thao Việt Nam nói chung. Điển hình là tại SEA Games 30 tại Philippines, các VĐV tỉnh Bình Thuận đã giành 1 HCV - 2 HCB - 2 HCĐ. Trong đó các VĐV môn Taekwondo xuất sắc đoạt 1 HCV (Nguyễn Thị Lệ Kim) - 1 HCĐ (Nguyễn Thị Kim Hà), còn môn Judo giành 2 HCB (Nguyễn Tấn Công) và môn Canoeing đạt 1 HCĐ (Phan Ngọc Sang).

Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới ngành VHTTDL Bình Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, quán triệt trong cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác  TDTT Đưa công tác phát triển TDTT phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Gắn phát triển TDTT  với phát triển kinh tế - xã hội Hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về TDTT; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động TDTT; đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa TDTT bằng việc tăng cường huy động và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp. Phát huy vai trò, chức năng của các Câu lạc bộ, Hội, Hiệp hội, Liên đoàn thể thao cấp tỉnh trong sự phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp.

Đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành trong những năm tiếp theo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý vững vàng về tư tưởng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; chú trọng đào tạo nhân lực cho phong trào TDTT vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ thể thao thành tích cao, đảm bảo điều kiện để đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao quy mô toàn quốc và quốc tế (nếu có); đẩy mạnh đầu tư xây dựng, củng cố cơ sở vật chất cho TDTT quần chúng ở xã, phường, thị trấn, khu dân cư và phát triển thể thao học đường ở các trường học. Phát triển khoa học, công nghệ và y học thể thao gắn kết với đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường kết hợp huấn luyện thể thao với nghiên cứu khoa học và y học thể thao.

KC

Ảnh trong bài
  • Thể thao Bình Thuận khởi sắc sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW