You must configure this module first via "Module Settings"

Đẩy mạnh triển khai Đề án xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia

Việc triển khai thực hiện Chiến lược hoạt động du lịch, thể thao biển tại tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, đã thúc đẩy cơ sở hạ tầng du lịch, thể thao biển phát triển, góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT của tỉnh Bình Thuận ngày càng phát triển. Nhiều loại hình hoạt động TDTT biển được mở rộng và phát triển, các cơ sở dịch vụ TDTT được đầu tư, nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện của Nhân dân. Thông qua các hoạt động TDTT từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe du khách, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh tạo nên mối quan hệ đoàn kết gắn bó mật thiết trong các tầng lớp nhân dân.

Kết quả đạt được
 
 Công tác quy hoạch phát triển du lịch được triển khai tích cực; môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, thu hút nhiều dự án đầu tư du lịch, bước đầu đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược. Công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng tại các địa bàn trọng điểm về du lịch được quan tâm. Các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn. Các sự kiện văn hóa, thể thao, các lễ hội truyền thống được quan tâm tổ chức. Các chính sách, cơ chế quản lý về du lịch của Trung ương được cụ thể hóa, triển khai thực hiện kịp thời; Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án, hỗ trợ hoạt động kinh doanh du lịch được quan tâm.
 
 Cùng với sự phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch, hoạt động dịch vụ thể thao giải trí trên biển phát triển với nhiều loại hình phong phú, đa dạng như: Lướt ván buồm, Lướt ván diều, Thuyền buồm, Chèo ván, Cano kéo dù, Mô tô nước, Lặn biển, Dù lượn, Khinh khí cầu, Tàu đáy kính và loại hình mới du nhập flyboard… rất được du khách yêu thích.
 
 Từ năm 2017 đến năm 2020, Sở VHTTDL đã tổ chức nhiều giải thể thao biển, ven biển nhằm thu hút du khách, quảng bá hình ảnh Bình Thuận đến gần hơn đối với khách du lịch trong và ngoài nước như: Giải vô địch Bóng đá bãi biển nam Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Bóng chuyền bãi biển nam – nữ tỉnh, Bóng ném bãi biển toàn quốc, Bóng đá bãi biển tỉnh, Bóng chuyền bãi biển các CLB tỉnh, Ba môn phối hợp (bơi, chạy, trượt đồi cát) tại khu du lịch Bàu Trắng – huyện Bắc Bình, Đua xe đạp, Marathon… Gần đây, các hoạt động thể thao biển như Bóng chuyền chân, Bóng né, trò chơi vận động được tổ chức tại bãi biển Đồi Dương (thành phố Phan Thiết) thu hút nhiều du thanh niên, học sinh và du khách tham gia, tạo ấn tượng tốt với mọi người khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại thành phố Phan Thiết nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung.
 
 Bên cạnh đó, Sở VHTTDL đã tích cực phối hợp với Tổng cục TDTT, các Liên đoàn thể thao quốc gia đăng cai tổ chức các giải thể thao biển quốc gia như: Tour II giải Bóng chuyền bãi biển toàn quốc 2017; Giải Đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2018; Giải vô địch Bóng ném bãi biển toàn quốc 2018; Giải bóng chuyền bãi biển vô địch quốc gia 2x2 năm 2020; Bóng ném bãi biển toàn quốc năm 2020. Hàng năm, các doanh nghiệp trong tỉnh thường xuyên tổ chức các giải Lướt ván buồm mở rộng tại Câu lạc bộ Jibe’s Beach, giải Lướt ván diều Malibu…

Công tác phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch ngày càng được chú trọng; tỷ lệ lao động du lịch qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên. Chất lượng phục vụ du khách có chuyển biến tiến bộ, chuyên nghiệp hơn; môi trường tự nhiên và môi trường xã hội phục vụ du lịch được giữ gìn và phát huy. Hình ảnh, thương hiệu du lịch Bình Thuận tiếp tục được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế. Hàng năm, ngành VHTTDL đều mở các lớp bồi dưỡng huấn luyện cơ sở, lớp tập huấn cứu hộ, cứu đuối cho các doanh nghiệp du lịch, cán bộ Ban quản lý khu du lịch, huyện, thị xã, thành phố (09 lớp tập huấn với 401 học viên tham gia); đồng thời cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ do Tổng cục TDTT tổ chức (20 lượt).
 
 Công tác đào tạo VĐV tham gia các hoạt động thể thao biển được quan tâm đầu tư. Hiện, Trung tâm Đào tạo, HL&TĐ TDTT tỉnh đã đào tạo trên 107 VĐV các môn: Bóng chuyền bãi biển, Bóng đá bãi biển, Bơi lặn, Canoeing, Đua thuyền truyền thống. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động thể thao biển, đầu tư đào tạo các VĐV tham gia các môn như lướt ván buồm, lướt ván diều, thuyền buồm.
 
Đến năm 2020, trên toàn tỉnh có khoảng 30 CLB hoạt động thể thao biển (Lướt ván buồm, Lướt ván diều, Kayak…). Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid – 19 bùng phát nên hiện tại chỉ còn 02 cơ sở hoạt động (Jibe’s Beach và Manta). Ngày 24/8/2020, Mũi Né cũng chính thức được Bộ VHTTDL công nhận là Khu du lịch quốc gia theo Quyết định số 2354/QĐ-BVHTTDL.

Mục tiêu đến năm 2025
 
Để tiếp tục xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện Đề án xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, xây dựng các điểm đến du lịch - thể thao biển tầm cỡ quốc gia và quốc tế, thu hút khoảng trên 08 triệu lượt du khách (chiếm khoảng 90 - 92% lượng du khách đến tỉnh Bình Thuận), trong đó du khách quốc tế đạt khoảng 880.000 lượt khách (khoảng 10 - 12%). Đồng thời, phấn đấu xây dựng mới, đưa vào hoạt động được 03 bến du thuyền và 01 sân Golf. Các địa phương (cấp huyện, thị xã, thành phố) ven biển phải xây dựng quy hoạch cơ sở vật chất và phải có ít nhất 01 sân tập luyện, tổ chức thi đấu thường xuyên các môn thể thao biển.
 
 Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề ra 4 nhóm nhiệm vụ chính cần thực hiện, trong đó tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm với các sản phẩm du lịch - thể thao biển đặc trưng tại các khu du lịch dọc bãi biển từ Khu du lịch Bình Thạnh - Cù Lao Câu (Tuy Phong) đến khu du lịch Cam Bình (La Gi) với trung tâm là Khu du lịch quốc gia Mũi Né và các khu du lịch vệ tinh như: Khu du lịch Bình Thạnh - Cù Lao Câu (Tuy Phong), Khu du lịch Hòa Thắng (Bắc Bình), Khu du lịch Hòn Rơm - Mũi Né, Khu du lịch Hàm Tiến, Khu du lịch - thể thao biển Đồi Dương - Thương Chánh (Phan Thiết), ...
 
 Tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất TDTT phục vụ phát triển du lịch - thể thao biển; Tiếp tục khai thác các công trình thể thao hiện có của tỉnh đưa vào tổ chức các hoạt động thể thao biển gắn với phát triển du lịch. Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy các dự án, công trình thể thao được các doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng sớm dưa vào hoạt động phục vụ tổ chức các hoạt động thể thao biển gắn với phát triển du lịch: Novaworld Phan Thiết (Ocean Valley), FLC Phan Thiết (FLC Group),…. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án, công trình thể thao, đặc biệt bến du thuyền nhằm tạo ra sản phẩm du lịch - thể thao biển độc đáo, hiện đại. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Khu liên hợp thể thao tỉnh nhằm đưa vào sử dụng phục vụ việc đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao quốc gia, khu vực và quốc tế. Giao cho các địa phương (huyện, thị xã, thành phố) ven biển phải có ít nhất 01 sân tập luyện và thành lập các đội thể thao thi đấu các môn thể thao biển. Đồng thời tập trung đầu tư các trang thiết bị, phương tiện đảm bảo phục vụ cứu hộ, cứu nạn.
 
 Tổ chức thường xuyên các hoạt động, sự kiện thể thao biển gắn với phát triển du lịch như phối hợp, tổ chức sự kiện và các giải thể thao biển mang tính quốc tế ở các môn Khinh khí cầu, thuyền buồm, lướt ván diều, lướt ván buồm, du thuyền, golf, … hay phối hợp, tổ chức sự kiện và các giải thể thao biển quốc gia; Xây dựng hệ thống tổ chức thi đấu thường xuyên các giải thể thao biển cấp tỉnh ở các bộ môn Bóng chuyền bãi biển, bóng đá bãi biển, bóng ném bãi biển, ba môn phối hợp, đua xe địa hình vượt đồi cát, golf và các hoạt động vui chơi, giải trí trên bãi biển. Tổ chức tập luyện các môn thể thao giải trí trên biển: Lặn biển, mô tô nước (Jetski sport), trượt nước (Waterski), dù lượn, ván chèo đứng (SUP Race),…
 
 Xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực bằng việc phối hợp với các ngành có kế hoạch xây dựng lực lượng để đảm bảo an ninh, an toàn trật tự tại các khu du lịch - thể thao biển. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên có chuyên môn và am hiểu về các môn thể thao biển để hướng dẫn cho du khách khi tham gia các hoạt động thể thao biển. Tập trung bồi dưỡng, đào tạo chuyên nghiệp về kỹ năng, nghiệp vụ cho CCVC, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đề án. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hiện hành của Trung ương, của tỉnh liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, CCVC; Hàng năm, xây dựng kế hoạch tập huấn chuyên môn cứu hộ, cứu đuối cho nhân viên các resort, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
 
 Nói về kế hoạch thực hiện của Đề án đến năm 2025, ông Huỳnh Ngọc Tâm – Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: "Việc xây dựng các điểm đến du lịch - thể thao biển tầm cỡ quốc gia và quốc tế, để đẩy mạnh thu hút khoảng trên 8 triệu lượt du khách, trong đó du khách quốc tế đạt khoảng 10 - 12%. Theo đó, chậm nhất đến năm 2025 sẽ đưa vào hoạt động được 3 bến du thuyền và 1 sân golf. Các địa phương từ cấp huyện, thị xã, thành phố ven biển phải xây dựng quy hoạch cơ sở vật chất và phải có ít nhất 1 sân tập luyện, tổ chức thi đấu thường xuyên các môn thể thao biển". Tuy nhiên, hiện dịch bệnh đang bùng phát khắp nơi nên xác định việc xây dựng đề án sẽ gặp không ít khó khăn. Chúng tôi xác định những nội dung ưu tiên và thứ tự triển khai của đề án, đảm bảo tính khoa học, phù hợp với khả năng tài chính, nhân lực. Những nội dung cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị, cần phân rõ chức năng chủ trì, chức năng phối hợp và nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị".
 
 KC