You must configure this module first via "Module Settings"

Những bước tiến của Thể thao Lâm Đồng sau 10 năm triển khai Chiến lược phát triển TDTT

Trong 10 năm qua, TDTT tỉnh Lâm Đồng đã có những chuyển biến tích cực, cả về số lượng lẫn chất lượng. Hoạt động TDTT không chỉ phát triển mạnh ở trung tâm các huyện, thành phố mà còn từng bước phát triển ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều đối tượng tham gia, nội dung hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng. Bên cạnh những môn thể thao phổ thông như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông…; nay đã có thêm những bộ môn mới nhưng phát triển rất nhanh trong tỉnh như bóng chuyền hơi, dưỡng sinh,...

Tỷ lệ người dân tập TDTT thường xuyên tăng hàng năm

Để phong trào TDTT quần chúng phát triển sâu rộng, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Lâm Đồng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh phong trào TDTT trên địa bàn; đưa chỉ tiêu phát triển TDTT vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch, phong trào thi đua của các địa phương, cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh, đổi mới hình thức tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và đông đảo tầng lớp nhân dân về hoạt động TDTT.

Nhờ vậy, sau 10 năm triển khai Chiến lược phát triển TDTT, việc tập luyện TDTT đã trở thành hoạt động thường xuyên của người dân trong tỉnh. Nhu cầu tập luyện TDTT của người dân ngày càng tăng, không chỉ tập trung ở trung tâm thành phố, mà đã mở rộng đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bảo dân tộc thiểu số. Hình thức tập luyện ngày càng phong phú đa dạng, các CLB thể thao như dưỡng sinh, đi bộ, bóng đá, bóng chuyền xuất hiện ngày càng nhiều. Các hoạt động thi đấu thể thao quần chúng cũng diễn ra khá đa dạng. Ngoài việc tổ chức các môn thể thao hiện đại như Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Quần vợt, Bóng bàn, Cờ tướng, các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian đã được nhiều địa phương trong tỉnh tổ chức trong các dịp Lê, Tết truyền thống.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đều duy trì tổ chức tháng hoạt động TDTT và ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân cũng như cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đồng loạt trên địa bàn ở cả ba cấp, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hàng năm, Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi lội và phòng, chống đuối nước trên địa bàn toàn tỉnh thu hút trên 50.000 học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia hưởng ứng. Từ năm 2017 đến nay đã tổ chức 8 lớp tập huấn bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em thu hút khoảng 1.000 học viên là cán bộ, viên chức, huấn luyện viên, giáo viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên làm công tác TDTT ở cơ sở và các ngành, đoàn thể liên quan.

Phong trào luyện tập TDTT cũng đã được phát triển mạnh mẽ trong cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang thành phố. Hầu hết các cơ quan đơn vị đều thành lập được một đội bóng chuyền và thường xuyên luyện tập, giao lưu thi đấu. Tùy theo công việc và điều kiện của bản thân, mỗi người chọn cho mình một môn thể theo phù hợp để rèn luyện sức khỏe và thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng mệt mỏi.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, phong trào TDTT quần chúng của tỉnh phát triển không ngừng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 35,2% (tăng 14% so với năm 2011), số gia đình thể thao đạt 28,3% (tăng 15,8% so với năm 2011). Nhiều loại hình thể thao được phát triển như: CLB, liên đoàn, hội, chi hội TDTT từ tỉnh đến cơ sở; toàn tỉnh có 12 liên đoàn, 4 hội thể thao cấp tỉnh, 45 hội, chi hội thể thao và 1.215 CLB TDTT cơ sở (tăng 631 CLB so với năm 2011).

Không những vậy, ngành TDTT tỉnh Lâm Đồng cũng phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức hơn 1000 giải đấu thể thao quần chúng từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Các giải đấu đã thu hút trên 100 nghìn VĐV tham dự, qua đó giúp các nhà chuyên môn tuyển chọn được nhiều VĐV xuất sắc bổ sung vào đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh.

Tăng cường đầu tư hệ thống thiết chế thể thao

Song song với việc đẩy mạnh phát triển các hoạt động phong trào TDTT trong toàn dân, tỉnh Lâm Đồng cũng đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để tăng cường việc đầu tư hệ thống thiết chế TDTT phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của người dân. Tỉnh cũng đã bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình TDTT, nhờ vậy đến nay cả 12 huyện, thành phố của tỉnh đều đã có quỹ đất quy hoạch dành cho TDTT.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất dành cho TDTT của tỉnh cũng đang từng bước được hoàn thiện, đáp ứng phần nào nhu cầu tập luyện của người dân cũng như việc  thi đấu, tập luyện phục vụ các giải đấu thể thao thành tích cao do tỉnh đăng cai tổ chức. Theo đó, đến nay tỉnh đang triển khai xây dựng sân vận động 20 nghìn chỗ ngồi; đã đưa vào sử dụng 01 khu liên hợp thể thao gồm nhà thi đấu đa năng 800 chỗ ngồi, 1 sân bóng đá 11 người cỏ nhân tạo. Với cấp huyện, hiện có 9 nhà thi đấu đa năng, 5 sân vận động có khán đài và 121 sân vận động dành cho các hoạt động thể thao, văn hóa đang hoạt động. Với cấp xã, đã có 139/142 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa - thể thao, chiếm tỷ lệ 94,5%. Trong các khu dân cư, đã có 1.321/1.541 thôn, khu dân cư có nhà sinh hoạt cộng đồng với sân bãi dành cho hoạt động TDTT, đạt tỷ lệ 85,7%.

Phát triển thể thao thành tích cao từ nền tảng thể thao quần chúng

Từ sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng, nhiều VĐV xuất sắc đã được tuyển chọn, đào tạo bổ sung vào lực lượng VĐV thành tích cao của tỉnh. Xác định phát triển thể thao thành tích cao của Lâm Đồng là tập trung đào tạo, nâng tầm VĐV người địa phương, hạn chế tối đa thu hút VĐV từ nơi khác và bổ sung đào tạo các môn thể thao mới... Chính vì vậy, tỉnh Lâm Đồng cũng đã thực hiện nhiều chính sách thu hút VĐV tài năng ở các nơi từ khắp các địa phương trong tỉnh. Đồng thời mời các chuyên gia, HLV giỏi để cố vấn, huấn luyện. Bên cạnh đó để tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các VĐV năng khiếu, ngoài các chế độ VĐV được hưởng theo quy định, tỉnh cũng tạo mọi điều kiện, hỗ trợ về sinh hoạt, ăn ở, đến việc học tập. Đối với các VĐV sau khi nghỉ thi đấu, ngành TDTT cũng đã cố gắng bố trí việc làm.

Hiện nay, ngành TDTT Lâm Đồng đã xác định 15 môn sẽ được tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển thành tích cao bao gồm: Cầu lông, bóng bàn, cử tạ, thể dục thể hình, điền kinh, cờ vua, bóng đá, Taewondo, judo, võ thuật cổ truyền, boxing, kickboxing, Pencak Silat, khiêu vũ thể thao. Trong đó, 50% các môn nằm trong hệ thống Olympic và có 5 môn thế mạnh được đầu tư trọng điểm là cầu lông, bóng bàn, cử tạ, thể dục thể hình và võ cổ truyền. Riêng tuyến VĐV quốc gia, Lâm Đồng hiện có 8 VĐV đạt Kiện tướng; 9 VĐV Cấp I quốc gia bao gồm các môn: cờ vua, điền kinh, võ thuật cổ truyền, cầu lông và kickboxing; 6 VĐV cầu lông tham gia Đội tuyển Trẻ quốc gia.

Nhờ những chính sách phù hợp cùng sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thể thao thành tích cao Lâm Đồng đã phát triển mạnh, có chiều sâu và đạt được một số thành tích cao tại các giải thể thao toàn quốc; nhiều VĐV tỉnh Lâm Đồng đã được góp mặt vào đội tuyển quốc gia đi thi đấu và giành thành tích tại các đấu trường khu vực.

Nổi bật trong năm 2019, thể thao tỉnh đã tham gia thi đấu 55 giải thể thao khu vực, quốc gia và quốc tế, với 500 lượt VĐV tham gia, giành được 298 huy chương các loại. Trong đó, có 91 HCV, 79 HCB, 128 HCĐ, vượt xa mốc 170 huy chương đã đề ra, đạt 175% so với kế hoạch. Trong năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đoàn thể thao Lâm Đồng đã tham gia thi đấu 47 giải thể thao cấp quốc gia với 576 lượt VĐV và xuất sắc giành được 249 huy chương các loại, vượt 38% kế hoạch được giao. Trong đó, lần đầu tiên có huy chương trong các môn nằm trọng hệ thống Olympic như cử tạ, cầu lông, bóng bàn. Đây là thành tích tốt nhất của thể thao Lâm Đồng từ trước đến nay. Cũng trong năm 2020, tỉnh lâm Đồng đã phối hợp đăng cai 7 giải thể thao khu vực và quốc gia như đón đoàn đua xe đạp cúp truyền hình thành phố Hồ Chí Minh thi đấu quanh hồ Xuân Hương và đi Bảo Lộc, Giải vô địch khiêu vũ thể thao quốc gia và cúp khiêu vũ thể thao toàn quốc 2020…

Tuy đã có bước phát triển tích cực, nhưng nhìn chung phong trào TDTT chủ yếu tập trung ở thành phố và khu vực trung tâm các huyện. Tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên khu vực vùng sâu, vùng xa còn thấp. Thể thao thành tích cao còn phải đối mặt với việc thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, công tác y học và ứng dụng khoa học công nghệ hầu như bằng không… chính những điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích thi đấu của các VĐV. Ngoài ra, một số bộ môn cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Vì thế, để thể thao tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ hơn, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò phát triển sự nghiệp TDTT góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống văn hóa tinh thần. Các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm hơn trong công tác đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện. Tăng cường hoạt động giáo dục thể chất, đầu tư cơ sở vật chất cho TDTT trong trường học để làm nền tảng cho thể thao thành tích cao. Ngoài ra, có cơ chế khuyến khích xã hội hóa, phát huy nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động thể thao. Gắn cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030; Chiến lược phát triển bóng đá tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch tổ chức tháng hoạt động TDTT cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân giai đoạn 2020 - 2030. Tiếp tục đầu tư và phát triển các môn thể thao mũi nhọn, đấy mạnh công tác tuyển chọn, tìm kiếm VĐV năng khiếu huấn luyện làm lực lượng kế cận cho tương lai…

KC

Ảnh trong bài
  • Những bước tiến của Thể thao Lâm Đồng sau 10 năm triển khai Chiến lược phát triển TDTT