You must configure this module first via "Module Settings"

Xã hội hóa công tác TDTT: hướng đi tất yếu trong Chiến lược phát triển TDTT

Nhằm phát huy các nguồn lực của xã hội cho công tác TDTT và khuyến khích phát triển các hoạt động thể thao giải trí, kinh doanh dịch vụ thể thao gắn với hoạt động văn hoá, du lịch, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Việc ban hành, đổi mới cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực TDTT thời gian qua đã tạo ra hành lang pháp lý cũng như điều kiện thuận lợi cho hoạt động TDTT, các doanh nghiệp TDTT phát triển; đồng thời đã tháo gỡ được những vấn đề phát sinh cần được quản lý, hướng dẫn để các môn thể thao phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức các dịch vụ TDTT.

Nhiều trang thiết bị tập luyện TDTT được lắp đặt tại công viên phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân (Ảnh: VD)

Tính đến nay, cả nước có khoảng 14.034 cơ sở kinh doanh hoạt động TDTT (tăng 7.479 cơ sở kinh doanh so với năm 2010). Chỉ riêng năm 2019 có 1.719 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao được thành lập. Các điều kiện, quy trình, thủ tục kinh doanh dịch vụ thể thao được cắt giảm thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho việc phát triển các cơ sở, loại hình kinh doanh dịch vụ thể thao, nhiều địa phương đã khuyến khích phát triển các cơ sở tư nhân, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực TDTT như: xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nguồn VĐV, tổ chức các hoạt động TDTT..., điển hình như TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh có hàng ngàn cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT với nhiều phòng tập, bể bơi, khu vui chơi giải trí thể thao quy mô lớn, nhiều tập đoàn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi, các trang thiết bị chuyên dụng như: câu lạc bộ quần vợt Lan Anh, Câu lạc bộ quần vợt Hưng Thịnh, Nhà thi đấu Futsal Thái Sơn Nam, Trung tâm bóng đá Thành Long, Trung tâm thể dục thể hình và Yoga California, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển dịch vụ Citigym,Tập đoàn Keppel;… Công tác xã hội hóa TDTT góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các phong trào TDTT từ các xã, phường, thị trấn đến làng, bản, thôn, ấp, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT được quan tâm đầu tư nhiều hơn, việc kết hợp các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để xây dựng cơ sở vật chất TDTT bước đầu thu được kết quả tốt, đặc biệt là việc xây dựng các công trình thể thao, lắp đặt trang thiết bị, dụng cụ tập luyện thể thao tại công viên, nơi công cộng để phục vụ nhu cầu tập luyện của quần chúng nhân dân. Nhiều chính sách mới về thiết chế văn hóa, thể thao, định mức sử dụng đất cho hoạt động TDTT được ban hành trong thời gian qua. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm hơn tới việc xây dựng tổ chức, bố trí cán bộ, quy hoạch đất và huy động nguồn lực phát triển TDTT trên địa bàn. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương trong thời gian qua từng bước được hoàn thiện và khai thác hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, rèn luyện thân thể của các đối tượng. 

Chủ trương xã hội hoá TDTT tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn qua, đã thu hút được sự tham gia tích cực của nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tham gia đầu tư cho thể thao, thông qua các hoạt động như xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nguồn VĐV, tổ chức các hoạt động TDTT...,góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các phong trào từ các xã, phường, thị trấn đến làng, bản, thôn, ấp, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Mô hình “phòng tập” thể thao ngoài trời đã và đang ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu tập luyện, nâng cao sức khỏe của người dân. Việc tập TDTT tại các công viên, nơi công cộng với những thiết bị thể thao ngoài trời được đánh giá là biện pháp cải thiện sức khỏe lành mạnh, giúp người dân rèn luyện những thói quen tích cực, kết nối tốt hơn trong cộng đồng.

Các môn thể thao có điều kiện kinh doanh dịch vụ như Golf, Bowling, Thể dục thể hình, Yoga, Thể dục thẩm mỹ, Thể thao điện tử, Bơi, Bóng đá sân nhân tạo, Futsal, Võ thuật, Cầu lông, Quần vợt... phát triển mạnh trong thời gian qua. Tuy hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao là loại hình kinh doanh, dịch vụ có điều kiện, song các điều kiện kinh doanh thường xuyên được rà soát, cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh không cần thiết, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào lĩnh vực TDTT.

Bên cạnh đó, nhờ chính sách ưu đãi của Nhà nước, trong những năm qua, xã hội hóa hoạt động thể thao thành tích cao đã thu hút thêm nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Đó là chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển thể thao thành tích cao hiện đại trên thế giới. Đời sống của nhân dân được cải thiện, nhu cầu văn hóa tinh thần tăng lên đã thu hút ngày càng đông đảo khán giả đến với các cuộc thi đấu thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cầu lông, Tennis, Taekwondo, Golf…, đây là điều kiện thuận lợi để thể thao chuyên nghiệp phát triển kinh doanh dịch vụ thể thao liên quan. 

Việc chuyển giao các CLB thể thao từ phía cơ quan quản lý nhà nước sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tự chủ, tự hạch toán, CLB thể thao do doanh nghiệp tài trợ tiếp tục có chuyển biến mạnh. Trong lĩnh vực đào tạo VĐV thể thao thành tích cao, trước đây chủ yếu do các cơ quan quản lý nhà nước đảm nhận (ở cả tuyến Trung ương và tuyến cơ sở) thì nay đã có sự tham gia ngày càng sâu của các thành phần ngoài công lập. Học viện Bóng đá Hoàng Anh - Arsenal, Trung tâm TDTT Thành Long, Công ty TNHH Bóng đá trẻ Văn Sỹ Thuỷ, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF.... là những cơ sở đào tạo ngoài công lập được đầu tư chiều sâu, có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo VĐV. Đối với hoạt động tập huấn, tham dự thi đấu thể thao quốc tế trong những năm gần đây, kinh phí từ ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung cho công tác tập huấn và tham dự các kỳ đại hội thể thao quốc tế lớn và các giải vô địch chính thức từng môn, do vậy việc tham dự một số hoạt động thể thao quốc tế không chính thức hầu hết do các liên đoàn, hiệp hội tự huy động từ nguồn xã hội hoá. Ở một số môn thể thao khác (Cờ vua, Quần vợt, Cầu lông...) một số gia đình đã tự bỏ tiền đầu tư cho việc đào tạo con em mình trở thành VĐV thể thao chuyên nghiệp với số kinh phí lên tới hàng tỷ đồng.

Chuyên nghiệp hoá thể thao thành tích cao tiếp tục được triển khai và bước đầu nhân rộng mô hình. Trong môn Bóng đá, hệ thống các CLB chuyên nghiệp được hình thành và hoạt động cơ bản theo mô hình doanh nghiệp, bước đầu mở rộng về số lượng, nâng cao chất lượng theo tiêu chí của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đang từng bước xây dựng và định hướng phát triển thị trường đào tạo, chuyển nhượng cầu thủ một cách lành mạnh, minh bạch theo thông lệ quốc tế. Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp và hệ thống các quy định liên quan đến thi đấu bóng đá chuyên nghiệp được sửa đổi, bổ sung hàng năm, giúp cho việc điều hành các giải thi đấu minh bạch. Tiền lương, thu nhập của cầu thủ, trọng tài, huấn luyện viên bóng đá chuyên nghiệp trong cơ chế mới đã được cải thiện rõ rệt; một bộ phận cầu thủ, huấn luyện viên chuyên nghiệp có thu nhập cao. Thị trường chuyển nhượng VĐV, huấn luyện viên, thị trường quảng cáo trong lĩnh vực thể thao đã bước đầu hình thành và hoạt động sôi động. Ở một số môn thể thao khác như Bóng chuyền, Cờ vua, Xe đạp, Quần vợt..., nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đứng ra đỡ đầu, trang trải kinh phí cho các đội thể thao hay cá nhân các VĐV xuất sắc. Một số VĐV đã có thu nhập từ bản quyền quảng cáo, khai thác hình ảnh với mức thu nhập khá cao.

Cùng với đó, một số giải thể thao đã vận hành theo cơ chế chuyên nghiệp. Các giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League), giải bóng đá hạng Nhất quốc gia và Cúp quốc gia qua một thời gian khá dài vận hành theo cơ chế chuyên nghiệp thí điểm, nay đã cơ bản hoàn thiện các quy chế, quy định chuyên môn và mô hình tổ chức điều hành thi đấu theo cơ chế chuyên nghiệp giống như ở nhiều quốc gia khác. Ngoài bóng đá, một số môn thể thao khác cũng đã áp dụng cơ chế quản lý chuyên nghiệp trong tổ chức giải đấu, như giải Bóng rổ quốc gia; các giải bóng chuyền vô địch Quốc gia và tranh Cúp của VTV; các giải Golf trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Golf Việt Nam, Giải quần vợt vô địch quốc gia... Ngoài ra, một số môn thể thao đang xây dựng quy chế, định hướng thi đấu theo mô hình chuyên nghiệp, như Võ thuật tổng hợp (MMA), Quyền Anh, Kick Boxing, Thể thao điện tử, Bóng chày, Trượt băng... Cơ chế điều hành giải thi đấu chuyên nghiệp đã mang lại hiệu ứng tích cực, đặc biệt là tăng tính hấp dẫn của các giải đấu và giảm chi kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Mặc dù công tác xã hội hoá TDTT bước đầu đã huy động được nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp và xã hội đầu tư phát triển thể dục thể thao, song hiệu quả thu được vẫn chưa cao, do cơ chế, chính sách xã hội hóa còn nhiều bất cập. Các quy định, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT khó được triển khai trong thực tiễn, do thiếu cơ sở pháp lý, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác. Nhận thức, quan niệm về xã hội hóa TDTT còn thiếu nhất quán. Nhiều nơi vẫn tồn tại tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, dẫn tới thiếu chủ động, sáng tạo trong việc triển khai chủ trương xã hội hóa. Chính vì vậy, trong thời gian tới ngành TDTT cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức xã hội... chăm lo sự nghiệp phát triển TDTT; có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm mở rộng sự tham gia của xã̃ hội, huy động nguồn lực xã hội để phát triển TDT, bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

KC