Ban hành những quyết sách quan trọng
Trong 10 năm qua, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội không ngừng quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực TDTT, tạo điều kiện cho sự nghiệp TDTT phát triển đúng hướng và góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới phát triển của đất nước. Xác định phát triển TDTT là yếu tố quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác TDTT được thể hiện rõ qua việc ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, phê duyệt Chiến lược, Quy hoạch, Chương trình phát triển sự nghiệp TDTT, tạo thuận lợi căn bản cho ngành TDTT thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về TDTT, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về TDTT ở nước ta trong giai đoạn vừa qua đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, tạo hành lang pháp lý để tăng cường vai trò quản lý gắn liền với pháp luật. Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo công tác TDTT và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sự nghiệp TDTT thông qua việc ban hành các Chiến lược, Quy hoạch, Đề án, chương trình, các chính sách phát triển TDTT,…
Để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, Bộ VHTTDL đã ban hành các văn bản chỉ đạo (Chỉ thị số 48/CT-BVHTTDL ngày 05/4/2011, Quyết định số 1174/QĐ-BVHTTDL ngày 5/ 4 2011), đồng thời tổ chức 2 Hội nghị quán triệt, phổ biến các nội dung cơ bản của Chiến lược tới lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT, Giám đốc Trung tâm TDTT của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3 ngành Quân đội, Công an, Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, các trường Đại học TDTT trong cả nước.
Trong 10 năm qua, Bộ VHTTDL đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, 2 Nghị quyết (1 Nghị quyết của Bộ Chính trị và 1 Nghị quyết của Chính phủ); 5 Nghị định, 2 Chiến lược, 2 Quy hoạch, 5 Đề án phát triển ngành; ban hành và phối hợp ban hành 76 Thông tư, Thông tư liên tịch quy định về hoạt động chuyên môn thuộc lĩnh vực TDTT.
Các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực TDTT (ban hành 16.498 văn bản để triển khai tại địa phương (trong đó có 447 Nghị quyết, 62 Chiến lược, 145 Đề án, 131 Quy hoạch, 95 Chỉ thị, 4.338 Kế hoạch và 11.280 văn bản khác). Thông qua đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách về TDTT từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện cho ngành TDTT phát huy vai trò, vị trí trong việc tổ chức các hoạt động TDTT cho mọi người, góp phần nâng cao sức khoẻ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao thành tích thể thao để hội nhập vào phong trào thể thao thế giới, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy sự phát triển và hạn chế những tiêu cực trong lĩnh vực TDTT. Hệ thống tổ chức bộ máy ngành TDTT ngày càng được kiện toàn và củng cố, từng bước nâng cao năng lực quản lý, đổi mới phương thức quản lý nhà nước về TDTT.
Nhiều địa phương đã triển khai song song Chiến lược với việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ và thông qua việc ban hành Nghị quyết của địa phương để chỉ đạo thực hiện Chiến lược và Nghị quyết của Đảng về lĩnh vực TDTT; ban hành Chiến lược, Đề án phát triển TDTT hoặc đề án phát triển của từng lĩnh vực như: thể thao thành tích cao, TDTT quần chúng, xã hội hóa thể thao, chế độ chính sách cho VĐV, HLV…
Nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với công tác phát triển TDTT
Ở nhiều địa phương, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã coi trọng việc sử dụng TDTT như là một công cụ hữu hiệu để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hoá mới, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, động viên người dân vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng vào đường lối đổi mới đất nước. Đại bộ phận quần chúng nhân dân đã nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của hoạt động TDTT đối với việc nâng cao sức khoẻ, phòng chống bệnh tật, từ đó tự nguyện, tự giác tham gia các hoạt động TDTT. Thực tế cho thấy, các phong trào TDTT ở cơ sở đều được bắt nguồn từ sự tự giác của quần chúng nhân dân, bên cạnh vai trò tổ chức, định hướng của các cấp ủy Đảng, chính quyền.
Nhờ đó, sau 10 năm thực hiện Chiến lược, công tác phát triển TDTT quần chúng có nhiều chuyển biến rõ rệt, theo hướng đẩy mạnh phát triển TDTT trong từng đối tượng, đặc biệt là học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, nông dân, người cao tuổi. Phong trào TDTT quần chúng trong cả nước diễn ra sôi nổi, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Số lượng người tập TDTT thường xuyên, số câu lạc bộ TDTT gia tăng hàng năm. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được triển khai rộng khắp cả nước đã phát huy hiệu quả thực tiễn và là động lực thúc đẩy phong trào TDTT ở cơ sở phát triển mạnh mẽ. Các hình thức tập luyện TDTT đơn giản, không cần đầu tư nhiều về sân bãi, trang thiết bị như Chạy, Đi bộ, Thể dục dưỡng sinh, Cầu lông, Cờ tướng, Võ thuật, Bóng đá mini, Bóng chuyền hơi… phát triển mạnh ở các địa phương; nhiều môn thể thao giải trí mới được phát triển; các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được khôi phục và luật hóa đưa vào thi đấu tại các lễ hội truyền thống. Theo đó, tỷ lệ người tập TDTT thường xuyên năm 2015 đạt 28,3% dân số thì đến năm 2020 là 34,4% tăng 6,1%; Tỷ lệ gia đình tập TDTT thường xuyên năm 2015 đạt 20,1 % tổng số hộ gia đình, năm 2020 là 25,8% tăng 5,7% so với năm 2015.
Mở rộng hoạt động TDTT trong mọi đối tượng
Công tác chăm sóc sức khoẻ, tăng cường thể chất cho nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng vì vậy, trong 10 năm qua ngày càng có nhiều người dân tự giác tham gia các hoạt động TDTT nhằm nâng cao thể lực, cải thiện thể trạng; phòng, chống bệnh tật và tạo dựng lối sống lành mạnh, tích cực.
Hoạt động TDTT trong đối tượng người cao tuổi được phát triển rộng khắp cả nước. Việc tập luyện TDTT đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của người cao tuổi, góp phần nâng cao sức khỏe, tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai Chương trình phối hợp về “Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của người cao tuổi và tham gia xây dựng, phát triển gia đình bền vững”; thành lập, củng cố các CLB TDTT trung, cao tuổi như các CLB Thể dục dưỡng sinh, Cờ tướng, Xe đạp, Bóng bàn, Cầu lông, Khiêu vũ, sức khỏe ngoài trời.... Đến nay, cả nước có trên 37.000 CLB TDTT của người cao tuổi. Tỷ lệ người cao tuổi tham gia các hoạt động TDTT ở khu vực nông thôn đạt khoảng trên 30% tổng số người cao tuổi, ở khu vực thành thị đạt khoảng trên 68% tổng số người cao tuổi. Hằng năm, giải thể thao Người cao tuổi toàn quốc thu hút trên 3.000 người tham gia, với các hoạt động thi đấu phổ biến như Cầu lông, Bóng chuyền hơi, Cờ tướng, Hội thi bơi, Bóng bàn gia đình.
Hoạt động thể thao dành cho Người khuyết tật (NKT) được quan tâm đặc biệt. Bộ VHTTDL đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai “Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020”. Nhiều đơn vị, địa phương đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo, xây dựng các công trình TDTT giúp cho NKT được tiếp cận và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, nâng cao sức khỏe và hoà nhập với cộng đồng. Hiện toàn quốc có 35 tỉnh/thành phát triển phong trào TDTT cho NKT, trong đó có 20-25 tỉnh/thành thường xuyên hoạt động có nề nếp và có các CLB TDTT của NKT. Các môn thể thao NKT thường xuyên tập luyện, thi đấu gồm: Điền kinh, Bơi lội, Cử tạ, Bóng bàn, Cầu lông, Cờ vua,... Các môn bước đầu thử nghiệm phát triển tại TP.Hồ chí Minh như: Boccia, Judo, Bowling, Bóng đá khiếm thị 5 người, Quần vợt xe lăn, Aikido. Đoàn Thể thao NKT Việt Nam tham dự và đạt nhiều thành tích xuất sắc tại Đại hội Thể thao NKT Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Đặc biệt, tại Paralympic Brazil năm 2016, Thể thao NKT Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành 01 HCV, 01 HCB, 02 HCĐ, phá kỷ lục thế giới môn Cử tạ (do VĐV Lê Văn Công, hạng cân 49 kg).
Hoạt động TDTT ở khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ quan, đơn vị tiếp tục được quan tâm. Hàng năm, các cơ quan, doanh nghiệp cùng với tổ chức công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao cho công nhân viên chức, người lao động, phổ biến nhất là các môn thể thao như: Bóng bàn, Quần vợt, Cầu lông, Bóng đá, Điền kinh, Bóng chuyền, Yoga, Khiêu vũ thể thao, Kéo co… Các bài tập thể dục giữa giờ, thể dục phòng chống mệt mỏi được biên soạn theo đặc điểm ngành, nghề, điều kiện lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khối văn phòng và khối nghề nghiệp đặc thù. Thông qua các hoạt động TDTT, công nhân, viên chức, người lao động được nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, phòng chống bệnh tật, góp phần đẩy mạnh phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa” phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Công tác huấn luyện thể lực trong Quân đội được chỉ huy các đơn vị trong toàn quân thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả tốt. Công tác kiểm tra theo "Tiêu chuẩn rèn luyện thể lực" cho cán bộ, chiến sỹ được thực hiện thường xuyên. Tính đến nay, tỷ lệ cán bộ chiến sỹ tập luyện TDTT thường xuyên trong Quân đội đạt trên 85%; tỷ lệ cán bộ chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đạt trên 90%. Hàng năm, các đơn vị trong toàn quân tổ chức và phối hợp ngành VHTTDL tổ chức hàng trăm giải, hội thi TDTT cơ sở. Đặc biệt, Hội thao toàn quân tổ chức theo định kỳ thu hút hàng triệu cán bộ, chiến sỹ trong cả nước tham gia. Cùng với đó, công tác rèn luyện thân thể và hoạt động TDTT bắt buộc đối với cán bộ, chiến sĩ công an được thực hiện theo quy định, tỷ lệ cán bộ chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực trong lực lượng CAND đạt trên 90%. Hệ thống câu lạc bộ TDTT trong lực lượng CAND ngày càng phát triển, đến nay có khoảng 500 CLB TDTT, quân sự, võ thuật với sự tham gia của hơn 20.000 cán bộ chiến sỹ. Việc duy trì sinh hoạt thường xuyên tại các CLB giúp cán bộ, chiến sỹ đảm bảo sức khỏe công tác, phục vụ lực lượng cũng như tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong lực lượng CAND. Bộ Công an đã thành lập Trung tâm HL&TĐ CAND với các hạng mục hiện đại gồm: Nhà thi đấu 3.000 chỗ ngồi, 1 sân vận động, 1 bể bơi, trường bắn. Các công trình thể thao của ngành Công an tại các đơn vị, địa phương về cơ bản bố trí đủ diện tích theo quy định, nhất là công trình phục vụ tập luyện, thi đấu đối với các môn như: Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng bàn,...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, TTVN đang phải đối mặt với không ít khó khăn khi phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh song chưa đều, chất lượng chưa cao. Các chính sách phát triển TDTT quần chúng còn thiếu, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Điều kiện về sân bãi, trang thiết bị phục vụ tập luyện TDTT ở các khu sinh hoạt chung, sinh hoạt cộng đồng và những khu công viên, khu có nhiều khoảng đất trống dành cho các hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều khu chung cư được xây dựng rất lớn, nhưng dành đất, lắp đặt trang thiết bị tập luyện chung rất ít và thậm chí không được bố trí. Cùng với đó là các khu công nghiệp, khu chế xuất với số lượng công nhân rất lớn, nhưng không có thiết chế về TDTT. Các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo lại càng khó khăn. Quỹ đất dành cho hoạt động TDTT trên thực tế còn thấp so với chỉ tiêu quy hoạch. Do thiếu cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động và đội ngũ cộng tác viên, hướng dẫn viên TDTT ở cấp xã, phường, thị trấn nên chất lượng hoạt động TDTT ở cơ sở chưa cao.
Đây là những vấn đề cấp bách mà toàn ngành TDTT, toàn xã hội cần phải từng bước tập trung giải quyết trong giai đoạn tiếp theo của Chiến lược phát triển TDTT 2021-2025.
KC