You must configure this module first via "Module Settings"

Những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện công tác CCHC của Sở VHTTDL Đồng Nai

Xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, ngành VHTTDL đã tập trung tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình CCHC giai đoạn 2011-2020 và thu được những kết quả khả quan, đưa công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp. Sau 10 năm triển khai thực hiện, công tác CCHC của Sở đã có chuyển biến rõ rệt từ việc thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành về công tác CCHC, cho đến việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, đơn giản hóa, công khai các TTHC.., Điều đó, góp phần tích cực vào việc giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân và các doanh nghiệp.

Nhờ làm tốt công tác CCHC nên chỉ số CCHC của Sở tăng hàng năm (năm 2019 chỉ số CCHC của Sở đạt thứ hạng 03/20 Sở, ban ngành tăng 14 bậc so với năm 2018). Để có được chỉ số CCHC tăng vượt bậc trong thời gian qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Sở đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành đối với công tác CCHC. Vai trò cấp ủy đảng và người đứng đầu đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CCHC được nhấn mạnh và phát huy so với thời gian trước. Cụ thể, trong kế hoạch CCHC của đơn vị được ban hành ngay trong tháng 1 hàng năm, lãnh đạo Sở luôn xác định đầy đủ các nhiệm vụ CCHC theo chương trình, kế hoạch, định hướng trọng tâm của UBND tỉnh và bố trí đầy đủ kinh phí để triển khai thực hiện. Đồng thời trên cơ sở từng nhiệm vụ được xác định rõ thời gian, lãnh đạo Sở đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng phòng ban, đơn vị sự nghiệp thực hiện. Công tác tổ chức họp giao ban về CCHC được thực hiện vào sáng thứ 2 hàng tuần đã giúp lãnh đạo Sở thường xuyên nắm bắt các nội dung liên quan trong thực hiện công tác CCHC của đơn vị, từ đó chỉ đạo các bộ phận phối hợp để thực hiện tốt. Đặc biệt, lãnh đạo Sở chú trọng quy trình giải quyết TTHC, đảm bảo quy trình tiếp nhận, luân chuyển, trả kết quả giải quyết hồ sơ, TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, qua dịch vụ Bưu chính đúng hẹn; chỉ đạo cập nhật thông tin thường xuyên trên trang thông tin điện tử của ngành cũng như giám sát việc thực hiện gửi - nhận văn bản điện tử trên hệ thống văn phòng điện tử E-gov.

Sở luôn kịp thời triển khai kế hoạch kiểm soát TTHC thuộc lĩnh vực ngành phụ trách. Tính đến nay, Sở VHTTDL đã cập nhật 109 TTHC hiện hành thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở VHTTDL trên trang CSDL quốc gia về TTHC. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2982/QĐ-UBND công bố TTHC ban hành mới, TTHC được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực TDTT thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành VHTTDL, cụ thể ban hành mới 04 TTHC cấp tỉnh và sửa đổi 28 TTHC cấp tỉnh. Sở cũng đã tiến hành rà soát, cập nhật bổ sung để hoàn chỉnh bộ TTHC lĩnh vực ngành theo các quyết định của Bộ VHTTDL. Đồng thời, trong thời gian qua Sở đã thực hiện tốt nội dung quan trọng trong tiến trình CCHS là cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 cho 8 TTHC, gắn với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008. Dịch vụ này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình giao dịch hành chính, đồng thời giảm áp lực giấy tờ trong công việc lên cơ quan quản lý nhà nước, hướng đến một nền hành chính điện tử. Đến nay tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của Sở lđã đạt 92,04%.

Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng luôn được lãnh đạo Sở quan tâm chỉ đạo. Theo đó, Sở đã tiến hành thực hiện rà soát các vị trí việc làm gắng với Đề án sắp xếp được UBND tỉnh phê duyệt. Kết quả tỷ lệ công chức được bố trí theo đúng vị trí việc làm và ngạch công chức đạt 98,97% (51/52 người); tỷ lệ viên chức được bố trí theo đúng vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp đạt 94,98% (322/339 người).

Về công tác cải cách tài chính công thì Sở đã xây dựng, sửa đổi Quy chế chi tiêu nội bộ làm căn cứ cho các hoạt động chỉ tiêu đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ, công chức giám sát và thực hiện công khai minh bạch trong quản lý tài chính, tài sản công. Trên cơ sở đó, thực hiện nghiêm túc khoán chi hành chính và triển khai các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc chi tiêu, sử dụng kinh phí được cấp đảm bản tuân thủ đúng quy định của pháp luật và Quy chế chi tiêu nội bộ. Hiện Sở có 11/11 đơn vị được giao tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP. Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực VHTTDL cũng như tham mưu tỉnh ban hành mức chi cho các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật quần chúng do Sở chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện.

Để công tác CCHC trong 10 năm qua đạt được những kết quả khả quan một phần cũng nhờ Sở đã thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hiên đại hóa hành chính của Sở. Theo đó, Sở đã trang bị đầy đủ máy tính tính cho mỗi cán bộ của Sở. Hệ thống mạng nội bộ, mạng không dây, mạng truyền số liệu chuyên dụng và Internet cáp quang hoạt động thông suốt, đã đảm bảo việc trao đổi, chia sẻ và tra cứu các thông tin phục vụ đắc lực cho cán bộ, công chức, viên chức của Sở. Tình trạng bảo mật thông tin trong cơ quan của Sở được duy trì, các máy trạm được cài đặt phần mềm chống virus bản quyền cũng như hệ thống hạ tầng mạng được bảo vệ bằng tường lửa Fortinet nhằm hạn chế, không để xảy ra trường hợp mất kiểm soát do tin tặc tấn công làm mất dữ liệu, ảnh hưởng tới công việc cơ quan. 100% các đơn vị trực thuộc cũng đã triển khai mạng LAN, mạng không dây tại đơn vị.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đẩy mạnh, hiện 100% văn bản, tài liệu chính thức thực hiện trao đổi dưới dạng điện tử; 100% văn bản đến, văn bản đi được xác thực chứng thư số trước khi chuyển xử lý và phát hành; 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản công việc để xử lý, điều hành công việc; 100% cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật nâng cao trình độ và nhận thức về an toàn thông tin. Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh triển khai hệ thống quản lý chất lượng ISO trên ứng dụng CNTT sử dụng các phần mềm hiện có kết hợp với các ưu điểm của hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

Công tác thông tin tuyên truyền về CCHC luôn được Sở chú trọng, các văn bản của Trung ương và văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về CCHC. Trong 10 năm qua, Sở đã thực hiện tuyên truyền về CCHC bằng nhiều hình thức như đăng gần 1000 tin, bài và các văn bản CCHC trên trang thông tin điện tử của Sở và các đơn vị trực thuộc. Thực hiện 3000 tài liệu bìa gấp hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Phát hành 1000 tập san chuyên đề CCHC. Cùng với đó thực hiện lồng ghép nội dung tuyên truyền về CCHC vào 780 buổi chiếu phim, tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa Điện ảnh, 120 chương trình biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Ca múa nhạc, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, Nhà hát truyền thống và 18 chương trình triển lãm, giứi thiệu sách của Thư viện tỉnh.

Những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2030

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác CCHC, trong giai đoạn 2021-2030, Sở đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, trong đó tập trung xây dựng, ban hành văn bản pháp luật có liên quan đến CCHC, nhất là quy định liên quan đến người dân và doanh nghiệp, bảo đảm sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp và tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện rà soát, kiểm tra văn bản pháp luật về CCHC, TTHC, quy định hành chính để kịp thời phát hiện những quy định chưa phù hợp, chưa đúng tinh thần CCHC, sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới phù hợp.

Tập trung hoàn chỉnh việc đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu TTHC từ Trung ương đến địa phương, trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu TTHC trên hệ thống của Trung ương và địa phương. Từng bước chuẩn hóa các quy trình giải quyết hồ sơ liên thông đã được cấu hình trên phần mềm một cửa, xác định rõ trách nhiệm từng khâu từ tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết, trả kết quả, kết thúc hồ sơ trên phần mềm...Tiếp tục bổ sung thực hiện cơ chế một cửa liên thông đối với TTHC, dịch vụ công cần thiết, nhất là các thủ tục có tần suất hồ sơ lớn, chú trọng các thủ tục theo Đề án liên thông của Trung ương về lĩnh vực quảng cáo và các lĩnh vực cần thiết khác.

Thực hiện công khai đầy đủ thông tin về quá trình tiếp nhận và kết quả giải quyết TTHC tại nơi tiếp nhận hồ sơ của các đơn vị, địa phương trên phần mềm một cửa, trên Cổng thông tin, Trang thông tin điện tử; chia sẻ dữ liệu, đảm bảo thông tin chính xác, đồng bộ giữa phần mềm Egov, trên Trang thông tin điện tử. Phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt từ 95% trở lên. Tăng cường sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận, luân chuyển, trả kết quả giải quyết hồ sơ.

Triển khai bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về chuyên môn nghiệp  vụ, đạo đức công vụ, kỹ năng giao tiếp gắn với việc nâng cao tính chuyên nghiệp, trách nhiệm công vụ, kỹ năng giao tiếp gắn với việc nâng cao tính chuyên nghiệp, trách nhiệm công vụ, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp, đảm bảo 100% công chức phụ trách CCHC và 100% công chức làm công việc tiếp nhận hồ sơ TTHC, được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ liên quan đến CCHC, quy trình, thủ tục hành chính, dịch vụ công, tiếp nhận hồ sơ, sử dụng phần mềm trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Cùng với đó tập trung triển khai Khung kiến trúc Chính quyền điện tử 2.0 của tỉnh, trong đó rà soát hạ tầng công nghệ thông tin trong công tác CCHC và giải quyết TTHC phục vụ triển khai Chính quyền điện tử tỉnh Đồng Nai theo lộ trình chung của Chính phủ và chỉ đạo UBND tỉnh. Thực hiện chuẩn hóa theo hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo trên 50% dịch vụ công trực tuyến luân chuyển, xử lý bằng hồ sơ điện tử và tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến (mức độ 3,4) trên tổng số hồ sơ của đơn vị đạt từ 50% trở lên.

KC