Tháp Mười là huyện vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp và là vựa lúa lớn nhất cả nước, chủ yếu phục vụ mục đích xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và châu Phi. Trong những năm qua, cùng với chăm lo phát triển kinh tế, xã hội, các cấp lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương đã ban hành các kế hoạch về phát triển phong trào TDTT quần chúng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội cũng như nhu cầu, sở thích của nhân dân trong huyện. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của việc luyện tập TDTT đến mọi tầng lớp nhân dân.
Điểm nhấn trong phong trào TDTT quần chúng là cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở khu dân cư và trong công sở, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao đã thực sự là sân chơi bổ ích giúp đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đội tuyển Vovinam của huyện luôn đạt thứ hạng cao tại các giải của tỉnh (Ảnh: Q. H)
Hằng năm, Trung tâm VHTT huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các giải thể thao. Trung bình cấp huyện tổ chức từ 13-15 giải, cấp xã từ 35-40 giải. Thông qua việc duy trì tổ chức các giải thi đấu thể thao, giúp các nhà chuyên môn lựa chọn các VĐV có thành tích xuất sắc vào các đội tuyển thể thao của huyện và tham gia các giải thi đấu cấp tỉnh. Theo thống kê từ năm 2012-2020, huyện đã tham gia 69 giải thể thao các môn, với hơn 1.200 lượt VĐV; kết quả đạt 23 giải nhất, 29 giải nhì, nhiều giải ba và đồng đội, cá nhân, đặc biệt là đội tuyển Vovinam của huyện nhiều năm đạt kết quả cao và luôn ở tốp đầu của tỉnh.
Bên cạnh đó, các hoạt động TDTT được duy trì từ cấp huyện đến các xã như: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; các môn thể thao truyền thống gắn với các trò chơi dân gian như: Tung còn, bịt mắt bắt dê, nhảy bao bố, kéo co, đẩy gậy, cờ tướng, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... được tổ chức vào các dịp Lễ, Tết, ngày kỷ niệm...
Công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học trên địa bàn huyện được thực hiện theo kế hoạch năm học của ngành Giáo dục. Nhờ đó, phong trào TDTT học đường của huyện luôn ổn định và có bước phát triển đồng bộ về số lượng lẫn chất lượng. Toàn huyện hiện có 26 trường tiểu học, 03 trường tiểu học và THCS, 12 trường THCS và 05 trường THPT. Các trường đều thực hiện tốt công tác giáo dục thể chất đúng theo chương trình phân phối của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có khoảng 30% tổng số các trường có chương trình giáo dục ngoại khóa tập trung các môn: Võ thuật và Cờ vua. Bên cạnh đó việc phổ cập dạy và học môn Bơi đối với học sinh phổ thông được thực hiện tốt, luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em được thực hiện tốt, toàn huyện có 04 hồ bơi, các hồ bơi đều phát huy tối đa trong việc dạy bơi cho mọi lứa tuổi, bình quân hàng năm mỗi hồ bơi tổ chức dạy cho trên 300 em học sinh biết bơi lội
Hoạt động các loại hình CLB thể thao trường học, Hội khỏe Phù Đổng các cấp phát triển mạnh. Hầu hết các trường THPT và THCS trên địa bàn huyện đều có CLB thể thao, hoạt động ổn định và tích cực tổ chức tập luyện; tổ chức, tham gia các giải thể thao của huyện, tỉnh tổ chức. Hàng năm tất cả các trường trên địa bàn huyện đều tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp trường và chọn ra các VĐV ưu tú tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện, tỉnh. Từ năm 2012 - 2018, qua 4 kỳ Hội khỏe Phù Đổng tỉnh, đoàn VĐV học đường huyện Tháp Mười luôn giành vị trí thứ Nhất toàn đoàn. Tất cả các trường đều bố trí dụng cụ học tập, rèn luyện thể dục nội khóa đầy đủ. Tuy nhiên, hầu hết các trường chưa có sân bóng đá đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, các trường luôn đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục thể chất, gắn giáo dục thể chất với giáo dục ý chí, đạo đức, quốc phòng, giáo dục sức khỏe và kỹ năng sống của học sinh thông qua các Hội thi, Hội diễn tổ chức hàng năm.
Phong trào TDTT lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ, tổ chức và tham gia đầy đủ các giải thể thao cấp tỉnh, 100% chiến sĩ quân đội và công an đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định. Việc tổ chức các hoạt động thể thao của lực lượng vũ trang được quan tâm, đã trở thành hoạt động thường xuyên đi vào nề nếp và được kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, bảo đảm cho các cán bộ chiến sĩ có thể lực tốt, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng an ninh địa phương. Cụ thể, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã tổ chức nhiều Hội thi, Hội thao lực lượng vũ trang đối với 13/13 xã, thị trấn, thường xuyên tổ chức nhiều giải thi đấu để chào mừng các ngày lễ lớn. Ngoài ra, còn tham gia Hội thi, Hội thao lực lượng vũ trang cấp tỉnh đầy đủ và đạt nhiều giải cao. Hàng năm trung bình chiến sỹ khỏe đạt 99,5% bảo đảm tốt cho công tác huấn luyện.
Tiếp tục tuyên truyền phổ biến chiến lược, đặc biệt tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác phát triển TDTT trên toàn huyện. Đến năm 2020 toàn huyện có 44,5% số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, 49,4% gia đình tập luyện TDTT thường xuyên (so với năm 2010, các chỉ số lần lượt tăng 18,5% và 25,1%). Số lượng CLB TDTT ở cơ sở được duy trì và phát triển theo từng năm. Tính đến năm 2020, toàn huyện có 194 CLB TDTT đơn môn và đa môn ở cơ sở (tăng 54 CLB so với năm 2010), 194 cơ sở hoạt động thể thao (không nhằm mục đích kinh doanh) và 9 cơ sở kinh doanh thể thao
Để thúc đẩy phong trào phát triển rộng khắp, việc hoàn thiện cơ sở vật chất, trong đó có hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao được xác định là một trong những điều kiện tiên quyết. Do đó, từ huyện đến xã, các thiết chế từng bước được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng hoạt động luyện tập của người dân. Hiện nay 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tháp Mười đã thực hiện quy hoạch đất để xây dựng các công trình thể thao phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu của nhân dân; 100% xã, phường, thị trấn có bể bơi, sân bóng đá, nhà tập luyện TDTT. Hiện nay, toàn huyện có 01 nhà tập luyện, thi đấu đa năng, 04 bể bơi, 02 Sân vận động không có khán đài, 15 sân bóng đá mini; 12 sân cầu lông, 01 sân bóng rổ, 04 sân quần vợt và 25 sân bóng chuyền.
Công tác vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia tài trợ, đầu tư cho sự nghiệp TDTT luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Đặc biệt bám sát Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y 3 tế, văn hóa, thể thao, môi trường, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả, các sân bãi phục vụ cho TDTT ở các CLB chủ yếu là XHH, năm 2015 nhân dân đóng góp xây dựng bao gồm diện tích đất gần 450 triệu đồng. Trong năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, nhưng các hoạt động TDTT vẫn được duy trì tổ chức đều đặn, đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch và sự đầu tư, đóng góp kinh phí của nhân dân cho hoạt động TDTT là trên 1,6 tỷ đồng.
Cùng với những kết quả trên, công tác TDTT của huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Phong trào TDTT quần chúng phát triển chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở địa bàn trung tâm huyện, xã; Thiết chế TDTT ở một số nơi chưa đạt chuẩn, hiệu quả sử dụng chưa cao. Công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu và VĐV thành tích cao chưa thường xuyên, chủ yếu khi có giải thi đấu. Việc áp dụng những tiến bộ khoa học trong công tác huấn luyện, đào tạo VĐV còn hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển phong trào TDTT trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở địa phương…
Trước thực trạng đó, trong giai đoạn 2021 và các năm tiếp theo, huyện Tháp Mười đặt ra các giải pháp nhằm thúc đẩy sự nghiệp TDTT cuả huyện ngày càng phát triển. Trong đó, tập trung vào 05 nhóm giải pháp gồm: Tiếp tục quán triệt và tích cực triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị; các chủ trương, quan điểm về phát triển TDTT phải được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 – 2025 của huyện; đưa nhiệm vụ phát triển TDTT vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị để lãnh đạo thực hiện hiệu quả; phấn đấu đạt các mục tiêu nâng cao sức khoẻ, thể lực cho Nhân dân, nâng cao tầm vóc cho thế hệ trẻ.
Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng TDTT quần chúng, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và vận động mọi đối tượng tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tăng cường rèn luyện TDTT để phòng bệnh và chữa bệnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao học đường, gắn giáo dục thể chất với giáo dục ý chí, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Cùng với đó tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị TDTT ở các trường học, phục vụ hoạt động ngoại khóa; tăng cường kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch đất thể thao cho cơ sở và trường học.
VD