|
Trên toàn tỉnh có khoảng 20 sân Bóng đá nhân tạo được đầu tư xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa (Ảnh: Đức Minh) |
Nếu như năm 2011, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn tỉnh chỉ đạt tỷ lệ 23% dân số, số gia đình thể thao là 11% thì đến nay con số này đã tăng lên tỷ lệ 25% dân số và số gia đình thể thao chiếm 16% số gia đình. Có được kết quả đó một phần là bởi công tác xã hội hóa TDTT của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế, xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, ngân sách đầu tư cho lĩnh vực TDTT còn eo hẹp.
Có vị trí địa lý nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, Hưng Yên được biết đến là vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử và văn hiến lâu đời. Kể từ khi tái tập tỉnh đến nay (1997), điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh tuy phát triển nhưng vẫn còn chưa đồng bộ và đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Đối với lĩnh vực TDTT, Hưng Yên vẫn là một trong số ít địa phương trên cả nước chưa có nhà thi đấu đa năng và sân vận động đạt chuẩn quốc gia, các thiết chế TDTT còn nghèo nàn, lạc hậu, cũ kỹ,...
Vượt qua những khó khăn đó, ngành TDTT Hưng Yên đã có những định hướng, giải pháp đúng đắn phù hợp, đồng bộ nhằm thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nhờ đó, hiện nay trên toàn tỉnh có gần 2000 CLB, đội, nhóm thể thao hoạt động thường xuyên. Các CLB được duy trì và hoạt động tích cực, thu hút đông đảo người chơi thể thao. Các thiết chế về TDTT được đầu tư và từng bước được hoàn thiện, nhân rộng các mô hình điển hình về TDTT tại nhiều huyện, xã trên địa bàn tỉnh.
Ước tính đến nay toàn tỉnh có 500 thôn, khu phố có khu vui chơi thể thao, chiếm gần 60% số thôn, khu phố trong toàn tỉnh. Các khu vui chơi thể thao có quy mô từ 500 – 1.000 m2, được đầu tư xây dựng khang trang, phục vụ tốt nhu cầu tập luyện và tổ chức các hoạt động TDTT ở địa phương. Đặc biệt, hiện có khoảng 1.000 sân Cầu lông, trên 40 sân Quần vợt, trên 20 sân Bóng đá... được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa đã góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh phát triển. Để phát huy hiệu quả của các khu vui chơi thể thao, nhiều địa phương đã đầu tư kinh phí trang bị các dụng cụ luyện tập và thi đấu thể thao, hệ thống âm thanh, ánh sáng... Đi đầu trong phong trào xã hội hóa TDTT phải kể đến các huyện như Văn Lâm, Khoái Châu, hay Kim Động, Yên Mỹ, Mỹ Hào...
Với hệ thống cơ sở vật chất được cải thiện, nâng cấp từ nguồn xã hội hóa, đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào TDTT ở cơ sở. Trung bình, hàng năm trên địa bàn tỉnh có từ 20 – 25 giải thể thao quần chúng được tổ chức. Bên cạnh đó, ngành TDTT còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị như ngành Giáo dục đào tạo, Hội phụ nữ, hay Hội nông dân... tổ chức các giải thể thao khác đã tạo ra sân chơi lành mạnh cho nhiều đối tượng nhân dân như cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và học sinh, sinh viên trong tỉnh.
Các giải thi đấu giao hữu, giải phong trào ngày càng nở rộ và tổ chức thường niên hơn, giao lưu giữa các cơ quan, đơn vị cũng được triển khai và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân. Cùng với đó, các giải thể thao cấp huyện, các giải bóng đá, bóng chuyền liên xã, liên thôn cũng được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức thi đấu, tập luyện phong phú, đa dạng.
Bên cạnh đó, các cơ quan, doanh nghiệp cũng quan tâm đầu tư để phát triển phong trào thể thao quần chúng tại đơn vị, phục vụ tốt cho đời sống tinh thần và nhu cầu rèn luyện thể dục thể thao của đông đảo cán bộ, viên chức và người lao động. Qua đó, các phong trào thể thao như Cầu lông, Quần vợt, Bóng bàn, Cờ tướng, Bóng đá, Bóng chuyền… phát triển mạnh.
Bên cạnh đó, các môn thể thao thành tích cao tập thể cũng từng bước được xã hội hoá bằng hình thức hỗ trợ kinh phí đào tạo, huấn luyện như Bóng chuyền, Bóng đá... cũng không ngừng phát triển. Hiện nay, Bóng chuyền được xem là môn thể thao thế mạnh của của Hưng Yên. Thành tích nổi bật trong năm 2014 vừa qua là đội Bóng chuyền Hòa Phát Hưng Yên đã xuất sắc giành chức vô địch và thực hiện được giấc mơ thăng hạng.
Ông Trần Đăng Tuấn - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên cho biết: xã hội hóa TDTT là một trong những giải pháp mang tính đột phá, tạo đòn bầy để phong trào TDTT của tỉnh phát triển. Trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, phong trào TDTT của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc xây dựng các công trình thể thao và phát triển sự nghiệp thể dục thể thao. Huy động các nguồn lực trong xã hội để xây dựng các công trình thể thao, nhất là ở các xã, phường, thị trấn, thôn làng, khu phố trên địa bàn tỉnh. Vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, những người con quê hương đi làm ăn xa thành đạt và những người dân tại địa phương tích cực tham gia đóng góp kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao ở những nơi đã có và xây dựng mới ở những nơi chưa có.
Đức Minh