Thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe và điều trị chấn thương cho VĐV
Việc chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa và điều trị chấn thương cho VĐV ngày càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi một hệ thống y học thể thao hiện đại, chuyên sâu và đồng bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, đó là:
- Quy trình kiểm tra, đánh giá thể trạng chưa được chuẩn hóa, chưa ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho VĐV vẫn còn nhiều hạn chế (Ảnh: MC)
- Điều trị chấn thương và phục hồi thể lực chưa tích hợp chặt chẽ vào chu trình huấn luyện – thi đấu – hồi phục, thiếu tính cá thể hóa.
- Nhân lực y học thể thao còn thiếu và chưa đồng đều về chất lượng, nhất là tại các Trung tâm huấn luyện và cơ sở địa phương.
- Chưa có hệ thống dữ liệu sức khỏe vận động viên liên thông, gây khó khăn trong theo dõi, quản lý và dự báo nguy cơ chấn thương.
- Mạng lưới y học thể thao tại cơ sở còn yếu, thiếu kết nối chuyên môn với tuyến trên.
- Chưa có khung năng lực và hệ thống vị trí việc làm cho chuyên ngành y học thể thao, ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng, đào tạo và giữ chân nhân lực chất lượng cao.
Thực trạng trên cho thấy sự cần thiết và cấp bách trong việc xây dựng một hệ thống y học thể thao đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Trong đó, vai trò trung tâm của Bệnh viện Thể thao Việt Nam cần tiếp tục được phát huy và nâng tầm để đáp ứng yêu cầu của thể thao thành tích cao trong giai đoạn mới.
Vai trò trung tâm và các hoạt động chuyên môn của Bệnh viện Thể thao Việt Nam
Bệnh viện Thể thao Việt Nam là đơn vị y tế chuyên ngành duy nhất hiện nay trực tiếp phục vụ thể thao thành tích cao, giữ vai trò trung tâm trong công tác khám, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe VĐV đội tuyển quốc gia. Dưới sự chỉ đạo của Cục Thể dục Thể thao Việt Nam – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động chuyên môn của Bệnh viện đã không ngừng được củng cố và phát triển theo hướng chuyên sâu, hiện đại và hiệu quả. Việc triển khai chính sách hỗ trợ điều trị cho VĐV đội tuyển quốc gia với mức 1 tỷ đồng/năm từ ngân sách nhà nước đã góp phần thiết thực trong việc bảo vệ thành tích và duy trì phong độ thi đấu đỉnh cao. Tuy nhiên, nguồn lực hiện tại mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu, đặc biệt ở giai đoạn phòng ngừa chấn thương, phục hồi thể lực và nâng cao thể trạng. Trước thực tiễn đó, Bệnh viện đã chủ động triển khai nhiều hoạt động chuyên môn thiết thực như:
- Phối hợp khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc và tư vấn tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia; - Tổ chức khám, tư vấn, điều trị tại chỗ từ 3–4 đợt/năm cho các đội tuyển.
- Tiếp nhận điều trị nội trú, tư vấn từ xa cho các ca chấn thương chuyên sâu.
- Tập huấn chuyên đề cho huấn luyện viên, cán bộ y tế về phục hồi chức năng, dinh dưỡng, sinh lý và tâm lý thể thao.
- Tư vấn toàn diện cho VĐV, từ điều trị – phục hồi đến tối ưu hóa hiệu suất thi đấu.
- Nghiên cứu và xây dựng phác đồ điều trị cá thể hóa, triển khai các đề tài khoa học ứng dụng trong thực tiễn huấn luyện – thi đấu.
Những nỗ lực trên không chỉ khẳng định vai trò trung tâm chuyên môn của Bệnh viện Thể thao Việt Nam trong hệ thống y học thể thao quốc gia, mà còn là nền tảng quan trọng hướng tới mô hình chăm sóc sức khỏe vận động viên toàn diện, chuyên sâu và cá thể hóa, đáp ứng yêu cầu của thể thao thành tích cao trong thời kỳ hiện đại hóa – chuyên nghiệp hóa.
Định hướng xây dựng hệ thống y học thể thao quốc gia
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thể thao thành tích cao trong giai đoạn phát triển mới, việc xây dựng một hệ thống y học thể thao quốc gia hiện đại, đồng bộ và bền vững là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài. Theo đó, cần tập trung vào 5 nhóm định hướng trọng tâm, đó là:

Bác sĩ bệnh viện Thể thao Việt Nam khám chữa bệnh cho VĐV (Ảnh: MC)
1. Tăng cường đầu tư và hoàn thiện cơ chế hỗ trợ phát triển y học thể thao chuyên sâu
- Tiếp tục duy trì và mở rộng hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước cho công tác kiểm tra, điều trị, phục hồi và phòng ngừa chấn thương.
- Xây dựng Quỹ chăm sóc sức khỏe vận động viên chuyên nghiệp, hỗ trợ toàn diện trong suốt chu trình huấn luyện – thi đấu – hồi phục.
- Bổ sung chính sách bảo hiểm y tế đặc thù, giúp vận động viên tiếp cận dịch vụ y tế chuyên sâu phù hợp với tính chất nghề nghiệp đặc thù.
2. Xây dựng mạng lưới y học thể thao ba tuyến, kết nối liên thông từ trung ương đến cơ sở
- Tuyến trung ương: Bệnh viện Thể thao Việt Nam giữ vai trò trung tâm chuyên môn, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật.
- Tuyến khu vực: Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia và các trung tâm vệ tinh đảm nhiệm sàng lọc, điều trị ban đầu và phục hồi chức năng.
- Tuyến cơ sở: Các CLB thể thao chuyên nghiệp, Trung tâm TDTT địa phương và cơ sở y tế thực hiện chăm sóc thường xuyên, phát hiện sớm, phối hợp điều trị.
- Thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống y học thể thao và y tế địa phương để đảm bảo liên tục trong theo dõi và chăm sóc sức khỏe vận động viên.
3. Phát triển và chuẩn hóa nguồn nhân lực y học thể thao
- Đẩy mạnh đào tạo chính quy bác sĩ thể thao tại các trường đại học, xây dựng chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu.
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề, chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ y tế tại các tuyến.
- Xây dựng khung năng lực nghề nghiệp và hệ thống vị trí việc làm chuyên ngành y học thể thao, làm cơ sở cho tuyển dụng, đào tạo và đãi ngộ nhân sự.
4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và ứng dụng công nghệ hiện đại
- Mở rộng hợp tác với các trung tâm y học thể thao, viện nghiên cứu và bệnh viện quốc tế để tiếp nhận chuyên gia, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến.
- Ứng dụng các tiến bộ khoa học như trí tuệ nhân tạo (AI), cảm biến vận động, mô hình phân tích vận động học trong chẩn đoán và điều trị.
- Tham gia mạng lưới chuyên môn y học thể thao quốc tế, cập nhật xu hướng hiện đại, khẳng định vị thế của y học thể thao Việt Nam trong khu vực và thế giới.
5. Xây dựng hệ sinh thái y học thể thao toàn diện, hiện đại và cá thể hóa
- Phát triển hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân hóa, kết nối liên thông từ cơ sở đến trung ương để theo dõi dài hạn và hỗ trợ điều trị hiệu quả.
- Xây dựng phác đồ điều trị và phục hồi cá thể hóa, phù hợp với từng môn thể thao, từng giai đoạn thi đấu và thể trạng vận động viên.
- Hình thành mô hình chăm sóc toàn diện: từ dự phòng – chẩn đoán sớm – điều trị – phục hồi – tâm lý – dinh dưỡng – tối ưu hóa thi đấu – kéo dài tuổi nghề.
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuẩn hóa quy trình chuyên môn, xây dựng bộ chỉ số đánh giá và góp phần phát triển thể thao chuyên nghiệp quốc gia.
Trong xu thế đổi mới cơ chế quản lý, các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có Bệnh viện Thể thao Việt Nam, đang từng bước chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính. Đây là cơ hội để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt đối với lĩnh vực y học thể thao – vốn mang tính đặc thù, phục vụ nhiệm vụ chính trị và phi lợi nhuận.
Để duy trì và phát triển hiệu quả chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thể thao thành tích cao, chúng tôi xin kiến nghị một số nhóm chính sách trọng tâm sau: Ưu tiên đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất chuyên ngành.
- Tiếp tục bố trí nguồn vốn đầu tư công hoặc lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cấp hệ thống trang thiết bị hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị và phục hồi chấn thương thể thao.
- Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng y học thể thao ở cả ba tuyến: Trung ương – Khu vực – Cơ sở; xác định Bệnh viện Thể thao Việt Nam là trung tâm chuyên môn, thực hành và chuyển giao kỹ thuật quốc gia. - Khuyến khích xã hội hóa đầu tư, mở rộng hợp tác công – tư (PPP), từng bước xây dựng hệ sinh thái y học thể thao hiện đại, đa nguồn lực, bền vững. Xây dựng cơ chế bảo hiểm y tế phù hợp với đặc thù vận động viên
- Bổ sung gói quyền lợi bảo hiểm y tế chuyên biệt cho vận động viên chuyên nghiệp, bao gồm các dịch vụ đặc thù như: phục hồi chức năng thể thao, tư vấn dinh dưỡng, tâm lý thể thao, trị liệu cơ – xương – khớp, chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu…
- Cho phép thanh toán bảo hiểm đối với các kỹ thuật điều trị và phục hồi chuyên sâu trong y học thể thao, đảm bảo hoạt động ổn định trong cơ chế tự chủ.
- Xây dựng khung giá dịch vụ y học thể thao chuyên biệt, làm căn cứ thanh toán và góp phần ổn định nguồn thu cho các đơn vị chuyên ngành. Chính sách thu hút, đào tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao.
- Ban hành cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ đặc thù đối với bác sĩ y học thể thao, kỹ thuật viên phục hồi chức năng, chuyên gia tâm lý – dinh dưỡng thể thao.
- Ưu tiên đào tạo sau đại học, cấp học bổng và tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ y tế thể thao; hỗ trợ luân chuyển chuyên môn giữa các tuyến để nâng cao năng lực toàn hệ thống.
- Tạo môi trường làm việc, nghiên cứu chuyên biệt, gắn với hệ thống thể thao thành tích cao, nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ chuyên môn giỏi, tâm huyết. Đưa y học thể thao vào chiến lược phát triển thể thao quốc gia.
- Xác định y học thể thao là trụ cột trong Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam giai đoạn 2026–2045, với định hướng xây dựng hệ thống chuyên sâu, hiện đại, gắn kết với thể thao chuyên nghiệp và hoạt động thể chất cộng đồng.
- Xây dựng Chương trình quốc gia phát triển y học thể thao đến năm 2035, tập trung vào các trụ cột chính: Đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị chuyên ngành; Chuẩn hóa và phát triển nhân lực; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sức khỏe vận động viên; Tăng cường hợp tác quốc tế và ứng dụng công nghệ hiện đại; Hỗ trợ vận động viên theo mô hình chăm sóc toàn diện – liên tục – cá thể hóa. Đồng thời lồng ghép nội dung y học thể thao vào chương trình đào tạo huấn luyện viên, cán bộ thể thao và y tế cơ sở, nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương.
Y học thể thao ngày càng khẳng định vai trò cốt lõi và chiến lược trong việc nâng cao thể lực, duy trì phong độ, kéo dài tuổi nghề và bảo vệ thành tích thi đấu cho vận động viên – những người đang ngày đêm cống hiến vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Trong bối cảnh thể thao Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và khoa học, việc xây dựng một hệ thống y học thể thao đồng bộ, hiệu quả và bền vững không chỉ là yêu cầu chuyên môn cấp thiết, mà còn là một cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển thể thao quốc gia giai đoạn mới.
Với vai trò là đơn vị chuyên ngành đầu ngành, Bệnh viện Thể thao Việt Nam cam kết tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn, hoàn thiện hệ thống hỗ trợ, đồng hành cùng các đội tuyển, trung tâm huấn luyện và mạng lưới y tế cơ sở, nhằm chăm sóc sức khỏe toàn diện, chuyên sâu, cá thể hóa cho VĐV. Sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự hỗ trợ thiết thực của Cục Thể dục Thể thao Việt Nam cùng sự phối hợp của các đơn vị trong toàn hệ thống sẽ là động lực để Bệnh viện tiếp tục phát triển chuyên nghiệp, đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp thể thao thành tích cao. Với trách nhiệm, quyết tâm và khát vọng cống hiến, Bệnh viện Thể thao Việt Nam sẽ không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng chuyên môn, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của thể thao nước nhà.
TS.BSCKII. Lê Thanh Tùng -Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam