Sự cần thiết phải phát triển nguồn lực của thể thao thành tích cao - nhìn từ bối cảnh quốc tế và trong nước
Bối cảnh quốc tế: Xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ đã và đang tạo ra sự hội nhập sâu rộng trong mọi đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa… của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có thể thao. Ngày nay, thể thao không chỉ đơn thuần là sự giao lưu quốc tế mang tính chất hữu nghị mà là công cụ quan trọng của các quốc gia nhằm nâng cao vị thế của các quốc gia đó trên trường quốc tế. Nhu cầu truyền bá văn hóa, lối sống của dân tộc thông qua thể thao rất mạnh mẽ và tạo ra xu thế vừa hợp tác vừa cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia.
TDTT ngày nay đã vượt lên trên tầm là những hoạt động vui chơi, giải trí, nó còn mang tính thương mại và cả ý nghĩa chính trị. Do đó hầu hết các quốc gia đều đầu tư có chiều sâu vào việc phát triển TDTT, đặc biệt là những môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic (đội tuyển quốc gia, đào tạo trẻ, cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo – AI) với mục đích cao nhất là trở thành quốc gia mạnh về thể thao trong khu vực cũng như trên thế giới. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tạo nguồn động viên thúc đẩy các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển bứt phá, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các nước...
Phong trào TDTT quần chúng đã và đang phát triển mạnh mẽ
Thế giới đa chiều, diễn biến chính trị phức tạp, xu hướng dân tộc chủ nghĩa, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bá quyền đã tạo ra ảnh hưởng rất lớn của các nước lớn đến sự phát triển chung của thế giới. Chiến tranh có liên quan đến địa vị chính trị có khả năng sắp xếp lại trật tự thế giới. Kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường về nhu cầu lao động và chuyển dịch lao động tự do (trong đó có TDTT) tạo ra sức ép cạnh tranh quyết liệt về nguồn nhân lực (chuyển nhượng VĐV thể thao giữa các quốc gia tạo ra sự giao thoa mạnh mẽ về văn hóa và thể thao).
Hình thành cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (AEC) tạo ra xu thế vừa hợp tác vừa cạnh tranh quyết liệt không những trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa mà cả ở thể thao, đặc biệt là Bóng đá. Sự cạnh tranh thành tích thể thao do xu thế giao lưu, hội nhập kinh tế tăng lên. Khoa học và công nghệ tác động rõ rệt vào quy trình đào tạo VĐV trẻ cũng như huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao. Thị trường thể thao thành tích cao mở rộng (thị trường chuyển nhượng VĐV) đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, do đó các nước tập trung đầu tư có chiều sâu vào việc đào tạo các tài năng thể thao trẻ.
Bối cảnh trong nước: Gần 40 năm qua, công cuộc đổi mới do Đảng và Nhà nước ta khởi xướng và lãnh đạo đã đem lại những thành tựu to lớn về kinh tế xã hội, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao (bình quân thu nhập GDP xấp xỉ 3000 usd/ năm), nền chính trị ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển TDTT.
- Yếu tố chính trị: Hệ thống chính trị ổn định; Chính phủ kiến tạo trên cơ sở thực hiện tốt pháp luật, cơ chế vận hành; an ninh ổn định, quốc phòng toàn dân mạnh giữ vững chủ quyền quốc gia.
- Yếu tố kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GDP ổn định từ 6 – 7%/năm. GDP đầu người tăng từ 2358 usd năm 2017, 2587 usd năm 2018 đến nay đã xấp xỉ 3000 usd/ năm; chính sách tiền tệ linh hoạt, kinh tế vĩ mô ổn định.
- Yếu tố văn hóa - xã hội: Xã hội ổn định, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, mức sống, chất lượng cuộc sống… của người dân; nhận thức, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành…
- Yếu tố công nghệ: Khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống xã hội; sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, truyền thông, mạng xã hội (Facebook, Twitter, Instagram… ); những thành tựu công nghệ mới (Trí tuệ nhân tạo AI, Big Data, iCloud, thực tế ảo- AR…). Việt Nam đã trở thành quốc gia có nền tảng kỹ thuật số cao trên thế giới.
Những cơ hội và thách thức
Từ góc độ bối cảnh trong nước và quốc tế, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và ngày càng khẳng định vị trí tiên phong trên trường quốc tế.
Chúng ta đã có sự đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm nhưng còn hạn chế về nguồn lực
Về cơ hội:
- Nền chính trị ổn định, Chính phủ kiến tạo, làm việc hiệu quả, luôn nghĩ về tương lai, xây dựng nhiệm vụ và mục tiêu phát triển đất nước; kinh tế thị trường phát triển, tăng trưởng GDP cao là những cơ sở tiềm tàng hậu thuẫn cho sự phát triển thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp.
- Chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển thể thao chuyên nghiệp được thể hiện trong những văn bản pháp quy (Luật TDTT, Văn kiện Đại hội Đảng…) là những yếu tố quan trọng để đào tạo nguồn lực chất lượng cao trong giai đoạn hội nhập quốc tế mạnh mẽ.
- Thành tích thể thao trên đấu trường quốc tế của nhiều môn thể thao ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước đầu tư phát triển nguồn lực (nhân lực và vật lực) chất lượng cao.
Về thách thức:
- Sự phát triển thể thao chuyên nghiệp trên thế giới sẽ tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa trình độ thể thao của nước ta với các nước.
- Sự đổi mới mô hình quản lý và phát triển thể thao chuyên nghiệp phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là một thách thức cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách.
- Huy động nguồn lực kinh tế đầu tư sâu cho các môn thể thao trọng điểm Olympic hoặc các môn thể thao chuyên nghiệp là một thách thức lớn đối với ngành thể thao.
- Cơ cấu tổ chức ngành TDTT nằm trong trong Bộ chủ quản chung và thiếu nhiều cán bộ quản lý chuyên ngành là một thách thức lớn để hoạch định chính sách.
- Với đặc thù về hội nhập quốc tế và hoạt động thể thao chuyên nghiệp đòi hỏi đội ngũ các nhà quản lý, cán bộ chuyên môn, HLV, VĐV, trọng tài…phải có trình độ, năng lực chuyên môn cao.
Quan điểm phát triển nguồn lực thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp
1. Phát triển thể thao thành tích cao (TTTTC), thể thao chuyên nghiệp (TTCN) góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, hun đúc lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Phát triển TTTTC theo hướng chuyên nghiệp không chỉ với mục tiêu chủ yếu là đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển con người toàn diện mà còn hướng tới mục tiêu nâng vị thế của đất nước và dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. TDTT nói chung và TTCN nói riêng vượt lên trên là các môn thể thao thuần túy và mang màu sắc chính trị xã hội. Nếu chúng ta xây dựng được nền thể thao phát triển, trở thành cường quốc về thể thao trong khu vực ĐNÁ, và từng bước khẳng định vị trí cao ở châu Á thì sẽ góp phần đáng kể khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tạo nguồn động viên thúc đẩy các ngành kinh tế, xã hội bứt lên, thu hẹp các khoảng cách, bắt kịp các nước trong ASEAN và ASIAN, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Quan điểm ưu tiên, có mức tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực (cán bộ quản lý, HLV, VĐV…) và vật lực (môi trường sinh thái cho đào tạo và huấn luyện như: cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, dinh dưỡng, chế độ chính sách…) cho TTTTC nói chung và TTCN nói riêng.
Đương thời khi góp ý về dự thảo “Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam giai đoạn 2001- 2010” gửi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Ủy ban TDTT ngày 26/10/2000, trong đó có đề cập đến nhiệm vụ: Chuyển đổi Bóng đá Việt Nam từ nghiệp dư sang cơ chế quản lý chuyên nghiệp, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo rất sát sao : “Chúng ta cần xác định đất nước ta nói chung và từng ngành, trong đó có TDTT đang ở tư thế rượt đuổi, trong tư thế phải bứt lên, bắt kịp và vượt những mục tiêu ở phía trước mà những mục tiêu đó cũng không đứng lại chờ đợi chúng ta. Vì vậy, mục tiêu phải được đặt ra với một tinh thần cách mạng tiến công. Tôi cho rằng việc thực hiện chuyên nghiệp hóa Bóng đá đỉnh cao là đúng hướng, cần thiết và chúng ta có những điều kiện thuận lợi để có thể thực hiện nhanh, vững chắc, hiệu quả.
3. Quan điểm xã hội hóa trong phát triển nguồn lực TTCN cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Một trong những yêu cầu cơ bản đặt ra khi thực hiện chuyên nghiệp hóa là phải kiên quyết xóa bỏ bao cấp, tránh thay thế hình thức bao cấp này bằng một hình thức bao cấp khác. Xóa bỏ bao cấp không đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ mặc, thả nổi mà cần có sự đầu tư thích đáng trong những năm đầu, đồng thời tạo cơ chế để từng môn TTCN chủ động, sáng tạo vươn lên mạnh mẽ, để cộng đồng doanh nghiệp có lợi ích tham gia đầu tư phát triển TTCN, để TTCN gắn kết có hiệu quả với kinh doanh.
Về vấn đề này, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng chỉ đạo: “Bóng đá của toàn xã hội. Chúng ta không thể đẩy mạnh phát triển Bóng đá nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước - vốn luôn eo hẹp và chắc chắn còn nhiều khó khăn trong một số năm nữa. Trong sản xuất kinh doanh, đã có không ít mô hình, kinh nghiệm thành công vì đã chủ động xin Nhà nước cho cơ chế thay vì cho tiền. Chúng ta cần đề xuất những cơ chế rất cụ thể cho các doanh nghiệp, trước hết là các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, thấy được việc xây dựng một CLB Bóng đá sẽ mang lại những lợi ích thiết thực”.
“…Điều quan trọng là nghiên cứu, đề xuất với Nhà nước ban hành những chính sách ưu đãi rất cụ thể, thiết thực về tài chính, đất đai, hạ tầng cơ sở, quảng cáo…đối với các đội chuyên nghiệp để làm sao từng đội bóng sẽ tự động chuyển sang chuyên nghiệp nhằm tận dụng những ưu đãi đó”.
Đối với các địa phương có các CLB Bóng đá chuyên nghiệp, cố Thủ tướng gợi ý: “…Đầu tư của tỉnh gồm đất đai (xin Nhà nước miễn tiền thuê đất, coi như ngân sách cấp cho tỉnh để đầu tư cho Bóng đá) và có thể một phần từ ngân sách địa phương. Doanh nghiệp lớn được Nhà nước cho cơ chế (ví dụ: tăng tỷ lệ phần giữ lại vượt kế hoạch nếu là Tổng công ty nhà nước) để tạo nguồn tài chính đầu tư cho CLB (chứ không phải bao cấp hàng năm), đồng thời hướng chuyên nghiệp, đào tạo nghề cho các cầu thủ để sau thời kỳ đỉnh cao có thể có nghề nghiệp ổn định. Phương thức này thực chất cũng là tăng cường đầu tư của Nhà nước cho việc phát triển Bóng đá (trong đó có việc xây dựng sân thi đấu và cơ sở tập luyện, đào tạo cầu thủ) nhưng là đầu tư gián tiếp và không mang tính bao cấp”.
4. Quan điểm đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực (đặc biệt nguồn nhân lực) trong TTCN. Cần xóa bỏ kiểu quản lý chủ quản của Bộ VHTTDL, Cục TDTT về TTCN cùng với việc kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực của các Liên đoàn thể thao quốc gia (LĐTTQG) theo hướng một tổ chức xã hội mang tính chuyên nghiệp. Mặt khác, cơ quan chủ quản nhà nước về TDTT thực hiện vai trò quản lý nhà nước không chỉ bằng pháp luật mà phải bằng pháp luật đã được cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn đời sống thể thao. Cắt bỏ các mối liên hệ, xóa bỏ các hình thức chỉ đạo theo kiểu chủ quản giữa Bộ VHTTDL, Cục TDTT và các LĐTTQG, chấn chỉnh khuynh hướng hành chính hóa, nhà nước hóa các Liên đoàn Thể thao quốc gia (LĐTTQG).
5. Đổi mới tổ chức, hoạt động của các LĐTTQG. Về vấn đề này cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng chỉ đạo “…Các LĐTTQG phải có bộ máy mang tính chuyên nghiệp cao, gồm các cán bộ có năng lực, tâm huyết, trong sáng, hoạt động chuyên trách. Những cán bộ thuộc biên chế của UBTDTT nếu được bầu, tuyển dụng vào các chức danh chuyên trách trong LĐTTQG thì phải thôi trách nhiệm trong UBTDTT. Các cán bộ này nếu có nguyện vọng vẫn được giữ biên chế trong các cơ quan quản lý nhà nước về TDTT để khi hết nhiệm kỳ công tác tại các LĐTTQG có thể quay trở lại, nhưng trong thời gian công tác ở các tổ chức xã hội về TDTT phải hoàn toàn chịu sự quản lý, điều hành của LĐTTQG và do tổ chức đó trả lương”.
Nhìn chung, tất cả các quan điểm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác phát triển nguồn lực thể thao từ trước tới nay đều đúng và trúng, xuyên suốt, có sự kế thừa và phát triển thông qua các văn bản chỉ đạo quan trọng trong những năm qua. Trên cơ sở này, Bộ VHTTDL và ngành TDTT cả nước cần nghiên cứu sâu hơn về thực trạng, từ đó đề ra những giải pháp trọng điểm trong thời gian tới.
PGS.TS Phạm Ngọc Viễn