Cần tìm ra các cơ chế, mô hình vận hành, quản lý phù hợp
Đánh giá về ý nghĩa, vai trò và thực trạng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao nước ta hiện nay, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, trước hết phải nhìn nhận một cách đầy đủ, khách quan vai trò, ý nghĩa của các thiết chế văn hóa, thể thao trong đời sống xã hội.
Theo GS.TS Từ Thị Loan, nhìn ra các nước, chúng ta thấy không chỉ ở các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, mà cả các nước kém phát triển hơn, hệ thống thiết chế văn hóa luôn được coi trọng và quan tâm đầu tư.
Các bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, thư viện, câu lạc bộ hoạt động rất tốt, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của người dân và nhờ đó tạo nền tảng để có các thành tựu lớn về văn hóa nghệ thuật. Các thiết chế đó còn góp phần lành mạnh hóa lối sống, thu hút các tầng lớp dân chúng, nhất là thanh niên hướng tới các giá trị Chân – Thiện – Mỹ, giảm bớt các tệ nạn xã hội.
Như vậy, rõ ràng, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao là không thể thiếu trong đời sống xã hội của mỗi quốc gia. Vấn đề quan trọng là chúng được xây dựng đã đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội chưa, hoạt động ra sao, hiệu quả thế nào.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng vấn đề hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, coi đó là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng văn hóa, phát triển con người. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai còn nhiều bất cập, yếu kém, dẫn đến đúng là có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu.
Ở nhiều địa phương, các thiết chế văn hóa, nhất là các nhà văn hóa hoạt động không hiệu quả do chỉ có xác nhà mà không có nguồn lực tài chính và nhân sự phù hợp, phương thức vận hành chưa hiệu quả. Trong khi nhiều nơi thiếu nghiêm trọng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng thì vẫn có những nơi các thiết chế bị bỏ bê, xuống cấp, gây lãng phí tiền của và bức xúc trong xã hội.
Nhìn chung, hiệu quả hoạt động của các thiết chế còn phụ thuộc vào từng loại hình thiết chế, công năng sử dụng, đặc điểm địa lý, dân tộc và năng lực của đội ngũ vận hành thiết chế.
Song, nhìn chung hệ thống thiết chế này thời gian qua vẫn đóng vai trò không thể thiếu trong đời sống người dân các địa phương. Chúng ta thử hình dung nếu không có hệ thống đó thì nguy cơ có thêm những “vùng trắng”, “vùng trũng” về văn hóa, khoảng cách về văn hóa giữa các vùng miền, bộ phận dân cư còn gia tăng nữa.
GS.TS.Từ Thị Loan
Đơn cử nói về các đô thị, chúng ta đang mong muốn phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở Việt Nam còn rất yếu kém, lạc hậu, nên khó đăng cai các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế lớn. Các chương trình chủ yếu phải diễn ra ngoài trời, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chất lượng sân khấu, âm thanh, ánh sáng khó đảm bảo.
Đơn cử như sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nếu không có các thiết chế như vậy chúng ta khó có thể đăng cai tổ chức các kỳ SEA GAMES, các giải đấu bóng đá quốc tế, các sự kiện văn hóa, thể thao lớn khác. Còn nhớ trong năm 2023 vừa qua, chỉ trong 2 ngày, nhóm BlackPink biểu diễn tại sân vận động Mỹ Đình, ngành du lịch Hà Nội đã thu được hơn 600 tỉ đồng từ khách du lịch trong nước và nước ngoài đến xem.
Tuy nhiên, hiện nay, trong vấn đề này chúng ta đang thua kém cả một số nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan,... Do vậy, điều quan trọng ở đây không phải là việc xây dựng các thiết chế, mà là tìm ra các cơ chế, mô hình vận hành, quản lý cho phù hợp.
Tránh những đầu tư lãng phí, dàn trải, không thực chất
Cũng theo GS.TS Từ Thị Loan, để vận hành hiệu quả, phát huy hết các công năng của một thiết chế văn hóa cần có sự phối hợp đồng bộ tất cả các yếu tố liên quan. Lâu nay chúng ta chủ yếu mới quan tâm đến đầu tư vật chất, phần “xác” của thiết chế, còn các yếu tố liên quan như tổ chức bộ máy, chất lượng nguồn nhân lực, kinh phí vận hành, cơ chế hoạt động ít được quan tâm đồng bộ. Từ đó tạo nên những khó khăn, vướng mắc cản trở việc khai thác, phát huy chức năng, vai trò của thiết chế.
Cùng một loại hình thiết chế, ví dụ như nhà hát, nhưng nhà hát nào có ban lãnh đạo giỏi, năng động, sáng tạo, thu hút được nhân tài, thì sẽ hoạt động tốt, đông khán giả, doanh thu cao. Cùng là bảo tàng, có những bảo tàng (nhất là bảo tàng tư nhân) hoạt động rất tốt, có bảo tàng sống ngắc ngoải.
Điều đó cho thấy, để các thiết chế thực sự phát huy được hiệu quả, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất, yếu tố con người và cơ chế hoạt động cũng rất cần được quan tâm chú trọng.
"Trước hết cần tạo cơ chế thông thoáng. Chúng ta đều thấy vai trò quan trọng của cơ chế. Khi còn ở cơ chế quan liêu bao cấp, Việt Nam là nước luôn túng thiếu, đói ăn. Khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, chúng ta trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới" - GS.TS Từ Thị Loan nhấn mạnh.
GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, cần phải thay đổi cơ chế quản lý, khuyến khích các mô hình phát triển năng động, sáng tạo, tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng sức sản xuất. Cơ chế thông thoáng sẽ cho phép lựa chọn nhân sự phù hợp bằng cạnh tranh sòng phẳng về tài năng, kiến thức, năng lực quản lý, tay nghề chuyên môn, tập hợp được những người giỏi nhất, phù hợp nhất để vận hành mỗi loại thiết chế. Từ đó sẽ dẫn tới các hoạt động nghiệp vụ hiệu quả hơn, tạo được nguồn thu dễ hơn.
Về ý kiến cho rằng, nên áp dụng mô hình đầu tư công- quản trị tư để phát huy tối đa sự năng động, hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, nhìn chung con người Việt Nam rất năng động, sáng tạo, sẽ tìm ra những cách thức, bước đi tương thích.
Hiện nay, chúng ta thấy khu vực các doanh nghiệp tư nhân năng động hơn rất nhiều so với khu vực doanh nghiệp quốc doanh. Nếu tạo được cơ chế phù hợp, trong lĩnh vực văn hóa cũng sẽ có những biến chuyển như vậy.
Tuy nhiên, văn hóa là lĩnh vực khó sinh lời, đồng thời liên quan đến vấn đề tư tưởng, đạo đức, lối sống, nên Nhà nước vẫn phải giữ vai trò cầm trịch. Trong bối cảnh đó, mô hình đầu tư công- quản trị tư là một hướng đi có viễn cảnh nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, góp phần thúc đẩy sự năng động, tính tự chủ của hệ thống các thiết chế văn hóa.
So sánh với các thiết chế văn hóa truyền thống, chúng ta thấy nhiều đình, đền, chùa, phủ hiện nay được vận hành khá hiệu quả. Đó là bởi việc quản lý, điều hành được trao cho các Ban quản lý do cộng đồng bầu ra, có sự kiềm tỏa, giám sát lẫn nhau giữa họ cả về kỹ năng quản lý lẫn phẩm chất, tư cách đạo đức. Đó cũng là một mô hình mà chúng ta cần tham khảo.
Nói về Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 - 2023” với quy mô lớn, GS.TS Từ Thị Loan cho biết: "Đã từ lâu trong các đề tài khoa học, báo cáo tổng kết hay khi tham mưu, tư vấn ban hành các văn bản quản lý, chúng tôi luôn cố gắng chỉ ra những hạn chế, bất cập, vướng mắc của hệ thống thiết chế văn hóa và mong muốn có sự rà soát, tổng kết, đánh giá hiệu quả một cách thực chất để điều chỉnh, cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động.
Làm sao để tránh những đầu tư lãng phí, dàn trải, không thực chất, dẫn tới bức xúc trong dư luận xã hội, đồng thời góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam".
Theo Báo Tổ quốc