Phiên làm việc kéo dài ba ngày này nhằm khởi xướng các cuộc thảo luận trong Ủy ban điều phối do cả hai đơn vị thành lập và cung cấp một nền tảng thiết yếu để tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ cũng như để đánh giá tiến độ chuẩn bị do các đơn vị tổ chức địa phương thực hiện.

Giai đoạn phối hợp đầu tiên cho Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á tại Thái Lan
Danh sách công việc cần được giải quyết không chỉ tập trung vào các khía cạnh thể thao và kỹ thuật mà còn bao gồm các nội dung như: địa điểm và cơ sở vật chất, quảng bá và tiếp thị, phân loại thương tật, kiểm soát chống doping, hoạt động truyền thông và phát sóng, nghi thức và lễ kỷ niệm, dịch vụ và công nhận của Ủy ban Paralympic quốc gia, vận tải và hậu cần; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Đại hội.
Trong chương trình nghị sự, đoàn đại biểu Liên đoàn thể thao người khuyết tật Đông Nam Á đã tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các địa điểm được chỉ định để tổ chức các môn thể thao tại Nakhon Ratchasima.
Các nội dung thi đấu tại Đại hội, bao gồm 18 môn thể thao: bắn cung, điền kinh Para, cầu lông Para, bóng đá cho người mù, boccia, cờ vua, xe đạp, bóng đá CP, goalball, judo, cử tạ Para, bắn súng Para, bóng chuyền ngồi, bơi Para, bóng bàn, bóng rổ xe lăn, đấu kiếm xe lăn và quần vợt xe lăn. Ngoài ra, bowling, môn thể thao duy nhất được tổ chức tại Bangkok, cách trung tâm của cuộc thi khoảng 300 km, cũng sẽ là một phần của chương trình kiểm tra.
Nakhon Ratchasima sẽ là trung tâm của Đại hội, với các địa điểm chính tại Sân vận động kỷ niệm 80 năm, Đại học Vongchavalitkul, Đại học Công nghệ Suranaree, The Mall Korat, Terminal 21 Korat, Central Korat, Khách sạn Centre Point, Đại học Công nghệ Rajamangala Isan và Đại học Nakhon Ratchasima Rajabhat.
Đây sẽ là lần thứ hai Thái Lan đăng cai ASEAN Para Games, xét đến việc sự kiện này đã được tổ chức tại Nakhon Ratchasima vào năm 2008. Chỉ còn chưa đầy 300 ngày nữa là đến lễ khai mạc, Ban tổ chức Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á Thái Lan đã nêu rõ mục tiêu của họ là đảm bảo rằng các kỳ Đại hội này sẽ để lại di sản lâu dài, là một trong những kỳ Đại hội quan trọng nhất tại Đông Nam Á kể từ kỳ đầu tiên tại Kuala Lumpur vào năm 2001.
"Thái Lan đã chứng minh được năng lực tổ chức các sự kiện thể thao lớn. Tôi tin tưởng rằng thông qua sự hợp tác liên tục, Liên đoàn thể thao người khuyết tật Đông Nam Á và Ban tổ chức Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á Thái Lan sẽ mang đến một kì ASEAN Para Games tuyệt vời. Liên đoàn thể thao người khuyết tật Đông Nam Á sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Ban tổ chức Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á Thái Lan và tất cả các Ủy ban Olympic quốc gia Đông Nam Á để đảm bảo công tác chuẩn bị diễn ra suôn sẻ và hiệu quả”, Chủ tịch Liên đoàn thể thao người khuyết tật Đông Nam Á, Thiếu tướng Osoth Bhavilai, phát biểu tại phiên làm việc.
Cũng có mặt tại phiên làm việc, Preecha Lalun, Phó Thống đốc Cơ quan Thể thao Thái Lan phụ trách Thể thao Tinh nhuệ và Khoa học Thể thao, đã đảm bảo rằng công tác chuẩn bị của nước chủ nhà đang tiến triển tốt và sẽ có thêm thông tin cập nhật trong những tháng tới.
Tóm tắt cuộc họp và đánh giá dự án, Tổng thư ký Liên đoàn thể thao người khuyết tật Đông Nam Á Wandee Tosuwan, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường công tác chuẩn bị trước Cuộc họp Ủy ban điều phối lần thứ 2, dự kiến diễn ra vào tháng 7.
"Cuộc họp Ủy ban điều phối lần thứ 1 trong ba ngày qua mang tính xây dựng đối với Ban tổ chức chủ nhà, để thảo luận về các khía cạnh quan trọng của công tác tổ chức Đại hội và hoàn tất công tác kiểm tra địa điểm cho tất cả 18 môn thể thao. Cuộc họp khẳng định lại sự hợp tác chặt chẽ của Liên đoàn thể thao người khuyết tật Đông Nam Á và nhu cầu hợp lý hóa công tác chuẩn bị hơn nữa”, Tổng thư ký Wandee Tosuwan chia sẻ.
A.T biên dịch, ảnh OCA