Kính thưa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!
Kính thưa các đồng chí đại biểu khách quý,
Được các đồng chí chủ trì Hội nghị cho phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu ý kiến tại Hội nghị quan trọng này, trước hết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chúng tôi xin được cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng, của Nhà nước để được trình bày về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực Văn hóa, Thể dục và thể thao. Chúng tôi cũng ý thức một cách sâu sắc rằng đây là một Hội nghị hết sức quan trọng được tổ chức ở góc độ Chính phủ của nhiệm kỳ đầu tiên. Vì vậy, để tiến tới Hội nghị lần này, Thường trực Chính phủ đã có 2 phiên làm việc với các thành viên Chính phủ để tích cực chuẩn bị các báo cáo. Do có điều kiện được tiếp cận sớm với các văn bản của Chính phủ và được tham gia trực tiếp vào nội dung lĩnh vực mình đang phụ trách, cho nên chúng tôi rất đồng tình về những nội dung của Báo cáo trung tâm mà đồng chí Phó Thủ tướng đã trình bày. Trong đó, chúng tôi đồng tình cao với 2 điểm là điểm 5 và điểm 8 trong Báo cáo này, đề cập rất sâu về lĩnh vực văn hóa và một số nội dung về xã hội. Các ý kiến của địa phương cũng đã tập trung làm rõ những nội dung về kinh tế, do vậy, chúng tôi xin được đề cập sâu hơn một chút nội dung về văn hóa.
Trước hết, tiếp cận ở góc độ là Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, chúng tôi nhận thức một cách đầy đủ rằng: Văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa luôn luôn được Đảng và nhà nước ta quan tâm. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, trong Đề cương Văn hóa năm 1943, Đảng ta đã xác định văn hóa là một trong ba mặt trận trọng tâm: Kinh tế, Chính trị và Văn hóa. Phát triển văn hóa phải theo hướng dân tộc, khoa học và đại chúng. Đề cương Văn hóa năm 1943 của Đảng ta đã ra đời như một lời hiệu triệu, như một ngọn đuốc soi đường, định hướng tư tưởng về nhận thức, về phương châm của hoạt động văn hóa. Khi Đảng ta giành được chính quyền, bước lên vũ đài chính trị, bằng lý luận tiền phong, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ phát triển văn hóa theo hướng ngày càng toàn diện và có nhiều điểm mới, nét mới.
Trong các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, trong các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Bộ Chính trị, Đảng ta đều khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với Chính trị và Kinh tế. Nền văn hóa chúng ta đang xây dựng chính là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách của con người, xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Thực hiện những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng về văn hóa, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhìn một cách tổng quát lại, trong thời gian qua, dòng chảy văn hóa Việt Nam chúng ta cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong Văn kiện XIII, Đảng đã đánh giá về những thành tựu chung, trong đó có thành tựu về văn hóa. Ở góc độ này, chúng tôi cũng nhận thức rằng điều mà chúng ta có thể nhận thấy đó là nhận thức về văn hóa, về con người càng ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Tư tưởng, đạo đức, lối sống, đây là những nhiệm vụ then chốt của văn hóa cũng đã có sự chuyển biến tích cực. Hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân tích cực tham gia vào hoạt động sáng tạo văn hóa. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiếp tục được quan tâm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa cũng góp phần tuyên truyền, quảng bá về đất nước, về con người ra thế giới. Và điều đặc biệt hơn đó là những lúc đất nước gặp khó khăn, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ: đó là lòng yêu nước, tinh thần tương thân tương ái, sống có nghĩa có tình, mang đậm những bản sắc văn hóa của người Việt Nam được tỏa sáng. Khi lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, khi ý Đảng hợp với lòng dân, khi Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ sát đúng với thực tiễn càng khơi dậy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Ở góc độ khác, chúng ta có thể tiếp cận, văn hóa đã đưa đến liều "vaccine tinh thần" giúp cho nhân dân chúng ta đồng lòng, đồng sức cùng với Đảng và Nhà nước vượt qua đại dịch.
Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển, định hướng văn hóa của chúng ta còn bộc lộ nhiều hạn chế. Xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường, trong lúc đó những yếu tố này lại thu hút được một bộ phận người dân quan tâm. Những biểu hiện lệch chuẩn trong thụ hưởng văn hóa, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng chưa được xây dựng theo hướng văn hóa. Đời sống văn hóa tinh thần ở một số nơi đang còn đơn điệu. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền cần được rút ngắn. Môi trường văn hóa có biểu hiện thiếu lành mạnh, đang thiếu các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, có sức lan tỏa. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa còn gặp khó khăn. Nói rộng ra, hệ sinh thái văn hóa mà chúng ta đang xây dựng trong giai đoạn đang định hình, và vì vậy mà chưa đủ sức để khắc phục được những hạn chế về lâu dài.
Nói ra điều này trước Hội nghị quan trọng, Bộ Văn hóa chúng tôi ý thức trách nhiệm của Bộ mình trong công tác tham mưu, trong công tác quản lý nhà nước và rõ ràng phải quyết liệt hơn nữa để tập trung thực hiện tốt những công việc mà Đảng và Chính phủ giao cho Ngành chúng tôi. Trong đó, Thủ tướng giao cho Bộ phải khẩn trương trình Chiến lược Văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với các nhiệm vụ khả thi và mang tính đột phá, hạn là tháng 9 này phải trình và chúng tôi đã rút ngắn thời gian sau khi làm việc với các nhà khoa học, với các cơ quan, các bộ ngành, trong tháng 8 này chúng tôi sẽ trình Thủ tướng để ban hành, coi đây là một giải pháp để góp phần thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội 5 năm trên tinh thần Nghị quyết 13 và Nghị quyết của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại phiên họp phiên đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 (Theo bvhttdl)
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, nhà nước!
Thưa các đồng chí!
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu, đặc biệt trong Kết luận của Tổng Bí thư khi làm việc với Bộ Văn hóa, Tổng Bí thư nói rằng: Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến tất cả các lĩnh vực thuộc về đời sống, xã hội, vì vậy, để phát triển văn hóa cần phải có các giải pháp căn cơ, đồng bộ. Với văn hóa không có sự cao thấp, chỉ có sự đa dạng. Sức mạnh mềm của Việt Nam được thể hiện trước hết ở sức hấp dẫn, tỏa ra từ các giá trị văn hóa bao gồm các giá trị vật thể, giá trị phi vật thể, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam. Chúng ta phải phát huy được những giá trị đó để tạo nên "thương hiệu" cho quốc gia, có sức thu hút thế giới bên ngoài, góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, sự tự tin trong giao tiếp và quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới. Để thực hiện được những quan điểm lớn mà Tổng Bí thư đã chỉ ra, cùng với việc quán triệt nghiêm túc các luận điểm mới trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 khi đặt vấn đề phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh, tạo động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, tăng đầu tư cho phát triển văn hóa, chúng tôi xin được đề xuất thêm 6 nhóm nhiệm vụ:
1. Cần phải có nhận thức đúng để có hành động đẹp. Trong kết luận 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33, Đảng ta cũng nói rằng một trong những nguyên nhân chưa thực hiện được nhiệm vụ phát triển văn hóa đó là do nhận thức. Vì vậy, thông qua Hội nghị này, chúng tôi xin được kiến nghị là phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa công tác truyền thông, công tác tuyên truyền giáo dục để chúng ta nâng cao nhận thức, khi có nhận thức đúng chúng ta sẽ có hành động đúng và vì vậy tôi mong cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến lĩnh vực văn hóa, nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn để có các chương trình hành động sát đúng. Ở góc độ toàn quốc, chúng tôi cũng đề xuất cấp có thẩm quyền tổ chức Hội nghị văn hóa trong năm nay, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Hội nghị Văn hóa Toàn quốc Lần thứ nhất được Bác Hồ tổ chức triển khai và định kỳ hàng năm sẽ tổ chức hội nghị, diễn đàn để chúng ta đánh giá lại tình hình văn hóa, có điều kiện chúng ta điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch cho sát trúng hơn.
2. Để khai thác và phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, trong thời gian tới, cần thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa do 1 Lãnh đạo Chính phủ là Trưởng ban, Bộ VHTTDL là cơ quan thường trực, các Bộ ngành liên quan là thành viên. Đưa bộ chỉ số đánh giá đóng góp của 12 ngành công nghiệp văn hóa vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm (điện ảnh, thời trang, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa), dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030.
3. Phải tiếp cận theo hướng chọn việc - làm điểm - đánh giá - nhân rộng. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, công việc yêu cầu ngày càng cao, cần lựa chọn những việc để làm trước, làm dứt điểm các công việc trọng tâm, trọng điểm có tính chất "đòn bẩy, điểm tựa" để phát triển. Theo hướng đó, chúng tôi đã đề xuất với Thủ tướng và Thủ tướng bước đầu cũng đã đồng tình giao cho Bộ VHTTDL phối hợp với UNESCO xây dựng Bộ Chỉ số văn hóa Quốc gia nhằm làm rõ sự đóng góp của văn hóa trong lĩnh vực kinh tế - xã hội ở từng ngành, từng địa phương. Và chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư để đưa bộ chỉ số này vào trong vấn đề đánh giá. Có làm như vậy thì mới có được sự phấn đấu, có sự xếp hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh về văn hóa của quốc gia, cũng như cấp tỉnh và coi đây như là một động lực, để tránh tình trạng nhận định chung văn hóa có bước phát triển, mà tỷ lệ hàm lượng văn hóa ở trong lĩnh vực này là bao nhiêu, có sự so sánh trong thời gian tới.
4. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó chú ý hơn môi trường văn hóa ở khu dân cư, địa bàn dân cư, môi trường doanh nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân và tổ chức thực hiện tốt các nội dung nêu trên.
5. Tiếp tục xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong đó chú ý đến các giá trị của gia đình. Gia đình ấm no, hạnh phúc và từ gia đình, từ nhà trường, xã hội, để chúng ta hoàn thiện. Cùng với đó là tập trung phát triển văn hóa nghệ thuật, nhằm bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách, nhất là trong thế hệ trẻ.
6. Phải có nguồn lực đầu tư hợp lý cho văn hóa. Bởi vì, như Bác Hồ đã căn dặn: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa". Tương tự như vậy, muốn xây dựng nền văn hóa, trước hết cần có những con người văn hóa. Vì vậy, mong muốn phải có sự đầu tư chăm lo nguồn lực con người, nhân lực ngành kể cả góc độ quản lý, văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ và vấn đề về cơ sở vật chất giúp cho ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Trên đây là một số ý kiến làm rõ hơn về nội dung trong báo cáo của Chính phủ. Cuối cùng, chúng tôi xin được kính chúc các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Tổng Bí thư, các vị đại biểu, khách quý sức khỏe, hạnh phúc và chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin cảm ơn!./.