Nguyên Vụ trưởng Vụ TTTTC Nguyễn Hồng Minh: TTVN đã phấn đấu từ vị trí nửa cuối vươn lên tốp đầu của khu vực, có nhiều nhà vô địch châu lục và thế giới, Olympic.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thể thao Việt Nam (27/3/1946 – 27/3/2021), ông Nguyễn Hồng Minh- nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, nguyên TTK Liên đoàn Liên đoàn Thể dục Việt Nam, nguyên là trưởng đoàn TTVN tại các kỳ Olympic, Asian Games, SEA Games và hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Liên đoàn Cử tạ thể hình Việt Nam đã có cuộc trò chuyện và chia sẻ về những bước phát triển của nền thể thao nước nhà cũng như những trăn trở của các thế hệ người làm thể thao đi trước.

Trong suốt thời gian công tác, trải qua nhiều cương vị quan trọng, ông có thể khái quát lại lịch sử TDTT nước nhà trong thời gian qua trên cả 2 phương diện xây dựng bộ máy quản lý và phát triển phong trào TDTT?

Năm nay chúng ta kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành TDTT. Đây là một chặng đường dài trong tiến trình phát triển thể thao nước nhà. Nhắc lại lịch sử, chúng ta cùng nhau nhắc lại thời kỳ hết sức khó khăn khi sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới được thành lập đã phải đối mặt với thù trong giặc ngoài, nhưng ngay đầu năm 1946, Bác Hồ của chúng ta đã rất quan tâm đến việc nâng cao sức khỏe nhân dân. Người đã chỉ đạo thành lập cơ quan TDTT bấy giờ với chức năng chính là tham mưu cho Chính phủ công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Bản thân Hồ Chủ tịch là tấm gương về việc tập luyện, như Người nói: “Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”.

Thể thao là một mặt của xã hội và giống như rất nhiều lĩnh vực khác, nó phụ thuộc vào các điều kiện lịch sử điều kiện đất nước. Nói đến TDTT thời gian đầu mới thành lập là phải đặt trong điều kiện lịch sử khi đất nước đang trong hoàn cảnh rất khó khăn về kinh tế. Ngay sau đó là cuộc kháng chiến chống xâm lược của thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng lịch sử năm 1954 và thời gian tiến hành xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc sau khi hòa bình lập lại, cùng với đó là sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, kéo dài đến năm 1975. Trong bối cảnh lịch sử phải trải qua đấu tranh để thống nhất đất nước thì TDTT đóng một vai trò đặc biệt và thực sự có ý nghĩa quan trọng trong việc phục vụ cho sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội, phát triển sản xuất và trực tiếp phục vụ cho chiến đấu.

Năm 1954, ngay sau khi hòa bình lập lại, Đảng và Chính phủ đã quan tâm, cho xây dựng ngay các cơ sở đào tạo và huấn luyện thể thao như Trường Trung cấp TDTT trung ương (tiền thân của trường Đại học TDTT Bắc Ninh hiện nay), Trung tâm Thể thao của Quân đội và ở miền Bắc có rất nhiều tỉnh thành khác có phong trào tốt như: Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng…

Sau năm 1975 khi đất nước thống nhất, Chính phủ ban hành nhiều Chỉ thị tập trung củng cố tổ chức nhà nước của nước Việt Nam thống nhất, trong đó có việc thành lập cơ quan trung ương là Ủy ban TDTT, đứng đầu là Đại tướng Hoàng Văn Thái - Chủ nhiệm Ủy ban TDTT. Cùng với đó là sự thành lập cơ quan quản lý nhà nước về TDTT ở các địa phương. Nhiều cơ quan đơn vị cũng xây dựng cho mình bộ phận chuyên trách về TDTT.

Đảng và Chính phủ đã ban hành các Chính sách để phát triển phong trào TDTT trong các tầng lớp công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên và đặc biệt là quân đội. Những phong trào đó đã nâng cao ý thức trong thế hệ trẻ về vai trò của sức khỏe, góp phần trực tiếp vào hiệu quả sản xuất và chiến đấu như phong trào Bơi, Chạy, Nhảy, Bắn, Võ và các môn thể thao hiện đại nhưng xuất phát từ tinh thần thượng võ như Boxing và các môn võ vật khác, trực tiếp phục vụ cho chiến đấu.

Bên cạnh việc thúc đẩy phong trào kháng chiến thống nhất đất nước, Đảng và Chính phủ cũng như ngành TDTT đã đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo VĐV tham gia thi đấu quốc tế hội nhập và nâng cao kiến thức cần thiết. Nhiều cán bộ đã được cử đi học tại nước ngoài và trở thành những nhà lãnh đạo ngành uy tín, tài năng. Những kiến thức được mang về nước đã góp phần vào sự phát triển của thể thao nước nhà trên cả 2 phương diện là thể thao phong trào và thể thao thành tích cao.  

Trong điều kiện đất nước chiến tranh, vẫn có những gương mặt thể thao tham dự các giải châu lục và thế giới, giành được những thành tích cao, như HCV Bơi lội Châu Á của VĐV Vũ Thị Sen; kỷ lục thế giới môn Bắn súng của cố xạ thủ Trần Oanh… Những thành tích nổi bật này đã góp phần nâng cao vị thế của thể thao nước nhà trên đấu trường quốc tế.

- Ông có thể đánh giá về những thành tích đáng chú ý mà TTVN đã đạt được khi hòa nhập lại với thể thao khu vực?

Thành tích thể thao có được phải bắt nguồn từ công tác đào tạo VĐV.  Ngày từ khi hòa bình lập lại, Chính phủ đã có chủ trương và cho phép thành lập các Trung tâm HLTT quốc gia, đặc biệt là trường Huấn luyện thể thao trung ương. Cùng với đó là các trung tâm của các trường Đại học, các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, Quân đội, Hải Phòng... Đến những năm 70, chúng ta đã có lứa VĐV cả xuất sắc, cả trẻ . Đó là thành tích Vô địch thế giới môn Bắn súng của sỹ quan quân đội, cố xạ thủ Trần Oanh, là HCV Châu Á của VĐV Bơi lội Vũ Thị Sen, Vô địch Điền kinh châu Á của VĐV Trần Hữu Chỉ. Năm 1989, sau 13 năm (từ SEAP Games 8 - năm 1975 đến SEA Games 15 - năm 1989), Đoàn TTVN đã hòa nhập trở lại đấu trường khu vực. Cùng với các sự kiện thể thao khu vực, TTVN cũng tích cực tham gia các sự kiện thể thao châu lục và thế giới, thành tích thể thao và lá cờ Thể thao Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều trên đấu trường quốc tế. Chúng ta đã phấn đấu từ hội nhập cho đến phát triển, từ những vị trí nửa cuối vươn lên tốp đầu của khu vực, có nhiều nhà vô địch châu lục và thế giới, Olympic. Có hai vấn đề giúp thành tích TTVN phát triển là công tác đào tạo VĐV và thi đấu. Ngay sau khi hòa bình lập lại, các nhà quản lý thế thao đã tập trung vào các môn thể thao Olympic (Điền kinh, Bắn súng, Bơi, Thể dục dụng cụ, Bóng bàn, Bóng rổ, Bóng chuyền, Bóng đá…). Đó là những quyết sách đúng đắn, cho thấy VĐV của chúng ta hoàn toàn có thể đua tranh ở các môn thể thao Olympic.  

Giai đoạn sau, thể thao thế giới, đặc biệt là thể thao khu vực phát triển, có hiến chương, quy định riêng cho khu vực, chúng ta cũng phải chịu tác động và các nhà quản lý cũng phải định hướng lại, xây dựng chính sách đi tắt đón đầu để có thành tích. Quá trình này kéo dài khoảng 15 – 20 năm. SEA Games 2015 tại Singapore, chúng ta tập trung vào các môn Olympic và đã có thành tích cao mà vẫn không làm ảnh hưởng đến thành tích xếp hạng và cũng không cần phải phụ thuộc vào đi tắt đón đầu.

Những thành tích gần đây ở đấu trường Châu lục, khu vực và đặc biệt là một số thành tích xuất sắc ở đấu trường Olympic đã động viên những người làm thể thao và các VĐV. Chúng ta đã có HCV dù không được nhiều như những quốc gia có nền thể thao phát triển nhưng cái đó là dấu ấn như HCB Olympic Sydney năm 2000 của Trần Hiếu Ngân môn Taekwondo, HCB Cử tạ Olympic năm 2008 của Hoàng Anh Tuấn và HCV, HCB Bắn Súng của Xuân Vinh tại Olympic Rio năm 2016.

Một số các môn thể thao khác cũng tiếp cận với thành tích của thế giới như Điền kinh, TDDC… Chúng ta có lực lượng VĐV trẻ, tiếp cận được với thành tích của các VĐV xuất sắc thế giới. Điều này chứng minh tất cả trẻ em Việt Nam đều có thể tập luyện và thi đấu các môn thể thao hiện đại và có khả năng giành thành tích.

- Dù đã nghỉ công tác, nhưng ông là người luôn theo dõi, bám sát các hoạt động thể thao của đất nước. Bên cạnh những thành tích đã đạt được, ngành TDTT còn những khó khăn nào và theo ông Thể thao Việt Nam cần phải làm gì để phát triển hơn nữa trong giai đoạn phát triển đất nước?

Vấn đề quan trọng đầu tiên là đường lối chính sách phát triển. Đây sẽ là căn cứ để nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành. Sau khi Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020” được ban hành, công tác TDTT nước nhà đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào thành tích chung trong sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch, nhất là chuẩn bị bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.  Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, đã cho thấy còn một số tồn tại như: sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác TDTT ở một số địa phương và ngành chưa được quan tâm đúng mức; phong trào TDTT phát triển chưa sâu rộng, nhất là ở nông thôn, miền núi và ở các khu công nghiệp; Công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong học sinh, sinh viên kết quả đạt được chưa như mong muốn; Văn minh, văn hóa trong thể thao và hưởng thụ thể thao còn thấp, tiêu cực trong thể thao vẫn còn; Các nguồn lực đầu tư cho TDTT còn hạn hẹp,…

Công tác tổ chức là một vấn đề hết sức quan trọng, ngành nào bộ nào cũng cần có sự ổn định. Ngay sau khi hòa bình lặp lại Chính phủ đã gửi nhiều cán bộ sang các Học viện thể thao tại Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Đức ...  và sau đó trở về đều đảm nhận những vị trí quan trọng và là những người thầy để đào tào các thế hệ cán bộ khác. Ủy ban TDTT cũng trở thành một cơ quan trực thuộc Chính phủ. Điều này tạo ra sự ổn định về bộ máy quản lý từ trên xuống và thực hiện những vấn đề về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về TDTT.

Điều thứ hai ảnh hưởng đến phát triển của thể thao là vai trò của khoa học kỹ thuật trong việc nâng cao trình độ cũng như công tác đào tạo VĐV. Chúng ta thiếu các phương tiện để tập luyện, các phương tiện để hồi phục, các phương tiện để chăm sóc sức khỏe, điều trị chấn thương cho VĐV. Đây là những vấn đề rất quan trọng để đảm bảo cho quá trình phát triển của thể thao Việt Nam. Bên cạnh đó là những hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng cho các lứa tuổi. Những năm 80, Chính phủ đã có quyết sách thành lập Viện Khoa học TDTT Việt Nam nhằm tập trung công tác nghiên cứu khoa học. Nhiều trường Đại học cũng có những công trình nghiên cưu về TDTT. Tuy nhiên, những nghiên cứu và áp dụng những công trình nghiên cứu trong thực tiễn vẫn còn khiêm tốn, chưa đạt như kỳ vọng. Chúng ta còn thiếu nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y học thể thao,  chữa trị chấn thương hay điều trị, tư vấn các vấn đề về tâm lý.

Yếu tố thứ ba ảnh hưởng đến sự phát triển thể thao là do thể chế đất nước chúng ta xuất phát từ nền dân chủ cộng hòa sau đó đến xã hội chủ nghĩa. Điều này có nhiều lợi thế nhưng cũng có những hạn chế không phải riêng của nước ta. Đó là dựa nhiều vào sự đầu tư của Chính phủ mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác xã hội hóa TDTT. Nhìn sang các nước phát triển trên thế giới, thể thao là xã hội hóa. Chúng ta chưa phát huy được hết các nguồn lực từ công tác xã hội hóa, dù Chính phủ đã có những Chỉ thị, Nghị quyết như Nghị quyết 05 của Chính phủ về công tác xã hội hóa và đầu những năm 2000 đã chỉ rõ sự quan trọng của công tác xã hội hóa. Tuy nhiên, cho đến nay đây vẫn là điểm yếu của chúng ta. Hiện tại, chúng ta có khoảng 30 liên đoàn, hiệp hội thể thao, tuy nhiên, các liên đoàn vẫn chưa phát huy được hết vai trò của mình, trừ một số liên đoàn như Liên đoàn Bóng đá, Bóng chuyền, Tennis,... Mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan quản lý cấp trên với các tổ chức xã hội hóa vẫn chưa được đảm bảo và chưa phát huy được hết những mặt mạnh.

Yếu tố thứ tư chính là nhận thức về TDTT của các cấp quản lý, các ngành còn hạn chế. Nhiều cơ quan, nhiều ngành chưa hiểu phong trào TDTT, chưa hiểu bản chất TDTT cũng như chưa hiểu về thể thao thành tích cao là gì. Từ đó dẫn đến tổ chức bộ máy, cơ chế và cơ chế điều khiển của thể thao Việt Nam là những điểm hạn chế của cơ quan quản lý nhà nước. Nhận thức về công tác TDTT của các cấp các ngành một số nơi chưa đầy đủ.

Để làm thể thao, nhất là thể thao thành tích cao thì phải có tài chính. Các báo cáo tổng kết cuối năm của ngành TDTT luôn có kiến nghị tăng thêm sự phân bổ về tài chính, đặc biệt trong lĩnh lực đầu tư cho khoa học kỹ thuật, đầu tư cho VĐV, đầu tư cho cơ sở vật chất… Nhưng rõ ràng nếu chỉ dựa vào nguồn của Nhà nước thì không thể đảm bảo mà phải xã hội hóa. Những năm gần đây, do kinh tế tư nhân phát triển và hội nhập với nền văn hóa thể thao chung của quốc tế thế mà rất nhiều doanh nghiệp đã tập trung nguồn kinh phí lớn đầu tư cho thể thao, cho lĩnh vực sức khỏe thể chất. Gần đây có phong trào đi bộ hay chạy … thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều giải chạy Marathone đã được các doanh nghiệp tổ chức, thu hút hàng nghìn người đăng ký. Thậm chí, ngày chạy Olympic đã thu hút hàng chục ngàn người tham gia trên cả nước.

Tuy nhiên xã hội hóa thể thao thành tích cao vẫn còn hạn chế, chỉ có một vài môn thu hút được  nguồn lực của xã hội như: Bóng đá, Bóng chuyền, Quần vợt… còn hầu hết các môn khác đều khó khăn. Hiện tại TDTT là một ngành trong Bộ đa ngành và chúng ta không có các nhà quản lý đại diện trong lãnh đạo Bộ, chúng ta cũng còn thiếu những kế hoạch, chiến lược với những yêu cầu cụ thể, báo cáo với Chính phủ, các Bộ, Ngành để Bộ VHTT&DL và các Bộ, ngành khác có sự quan tâm.

Muốn tổ chức tốt các sự kiện thể thao lớn như SEA Games, ASIAD thì cần phải có một bộ máy quản lý chuyên trách, có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, Ban, Ngành. Ngành TDTT phải là đơn vị thường trực và thành lập một Bộ phận thường trực có trách nhiệm điều phối các hoạt động chuẩn bị và tổ chức với sự tham gia của những người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương.

Là một người luôn trăn trở với sự phát triển của TTVN, ông có đặt kỳ vọng gì về ngành TDTT trong những năm tới đây?

Bức tranh thể thao bây giờ đã khác trước. Những vấn đề trước đây của lịch sử như là bài học, cái gì tốt chúng ta sẽ phát huy và rút ra những gì chúng ta còn yếu kém. Chúng ta cần tìm ra ai là người có trách nhiệm trong việc đánh giá, rút ra những kinh nghiệm. Đó là những nhà lãnh đạo, quản lý. Thông thường bộ máy của ngành TDTT hàng ngày giải quyết những công việc hành chính và chiếm rất nhiều thời gian, nên công việc tổ chức thực hiện cụ thể một chiến lược thì phải có những người chuyên sâu, chuyên tâm về lĩnh vực đó.  Nếu muốn đào tạo lực lượng trẻ để có VĐV thi đấu thì những nhà quản lý về tài chính của những bộ, ngành khác phải được biết, phải được thông báo để họ ủng hộ. Nếu muốn có tài chính, thì ngành TDTT cần xây dựng phương án tài chính. Nếu cần xây dựng cơ sở vật chất cho thi đấu phải có kế hoạch thuyết minh rất rõ những môn thi đấu này cần gì, phương tiện là gì, các điều luật quốc tế quy định ra làm sao... Khi mọi việc cần tổ chức thực hiện gấp, khối lượng công việc lớn phải có những người điều phối và lịch trình chặt chẽ. Đây không phải là lý luận mà chính là thực tiễn, nhằm triển khai công việc được nhanh chóng. Kinh nghiệm tổ chức SEA Games 2003 cho thấy Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, điều phối các hoạt động từ Tài chính đến giao thông vận tải, truyền thông với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Nhìn từ bình diện quốc tế, chúng ta đã có vị thế cao trong khu vực và châu lục, lá cờ của Tổ quốc nhiều lần tung bay trên đấu trường quốc tế. Nếu chúng ta làm thể thao đúng quy luật (hệ thống chặt chẽ, đúng khoa học và đầu tư cao), chúng ta sẽ giành thành tích cao trong khu vực và châu lục. Ngay cả việc đầu tư cho thể thao cũng cần chiến lược đúng. Đây là những điều quyết định bởi chúng ta luôn có những VĐV có tinh thần, ý chí và tình yêu thể thao của người dân luôn sẵn có. Chính phủ, các Bộ, ngành và những ai có liên quan phải hiểu được công việc của những người làm thể thao vì chỉ có hiểu rõ thì ngành TDTT mới nhận được sự ủng hộ. Tôi vẫn hy vọng bộ máy tổ chức của ngành TDTT sẽ được nâng cao hơn nữa về vị thế, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động TDTT ở tất cả các địa phương; nâng cao hơn nữa vai trò của các liên đoàn, hiệp hội.

Xin cám ơn ông, chúc ông luôn mạnh khỏe để luôn đồng hành với sự phát triển của Thể thao Việt Nam./.

T.Dương