Để doping không còn là nỗi lo

Trong các sự kiện thể thao lớn, tình trạng lạm dụng doping nhằm nâng cao thành tích vẫn thường diễn ra và ngày càng tinh vi. Việc sử dụng doping trong thi đấu thể thao sẽ gây ra những tác hại về mặt sức khỏe cũng như tính mạng VĐV. Ngoài ra, còn gây ra những hậu quả đáng tiếc về mặt đạo đức của VĐV và danh dự quốc gia khi phải chịu án phạt cấm thi đấu của Ủy ban Olympic quốc tế. Làm thế nào để doping không còn là nỗi lo, Việt Nam đã và đang làm những gì để ngăn chặn tình trạng này là vấn đề được dư luận quan tâm. Phóng viên Trung tâm Thông tin Tổng cục TDTT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Trung tâm doping và Y học thể thao về vấn đề này, đặc biệt là ở thời đểm mà Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho vai trò chủ nhà của SEA Games 31.

Ông có thể cho biết Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức chống doping thế giới từ khi nào? trách nhiệm của Việt Nam trong công tác phòng, chống doping?

Từ năm 2003, bằng việc ký kết công ước Copenhagen, tham gia và công nhận vai trò của Tổ chức chống doping thế giới trong các hoạt động thể thao của Ủy ban Olympic quốc tế, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức chống doping thế giới. Và với trách nhiệm của một quốc gia thành viên, Việt Nam cam kết và thực hiện các yêu cầu về phòng, chống doping hàng năm trong các hoạt động thể thao quốc tế cũng như quốc gia. Các công tác này được triển khai và phối hợp từng bước cụ thể hơn với Tổ chức chống doping thế giới từ năm 2007 khi Việt Nam chính thức có đại diện tham gia Tổ chức phòng chống doping Đông Nam Á. Cũng giai đoạn này, năm 2005, Luật phòng chống doping quốc tế đã được các quốc gia thành viên phê chuẩn, thông qua.

Năm 2011, Trung tâm doping và y học thể thao được thành lập và ngay lập tức triển khai công tác tuyển dụng, đào tạo nhân lực, tham gia các hoạt động chung trong phòng chống doping quốc gia cũng như khu vực. Đây là một dấu mốc quan trọng cho thấy Thể thao Việt Nam đã nỗ lực và thể hiện trách nhiệm cao đối với công tác phòng chống doping quốc gia và quốc tế. Kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra doping đối với các đối tượng VĐV thuộc diện bắt buộc phải kiểm tra hàng năm theo quy định chung, số lượng mẫu kiểm tra trung bình hàng năm là 70 mẫu, ngoại trừ năm 2016 là 412 mẫu do Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5.

Song song với việc kiểm tra, công tác truyền thông, giáo dục cũng được kết hợp chặt chẽ, phối hợp tổ chức cùng các Trung tâm HLTT quốc gia và tại các giải thể thao lớn. Đặc biệt từ năm 2020, Trung tâm đã triển khai kế hoạch phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam đưa tin thường xuyên về công tác phòng, chống doping cũng như đề xuất Tổng cục TDTT bổ sung nội dung kiến thức phòng, chống doping trong các chương trình đào tạo, nâng ngạch, bậc HLV các cấp, đề xuất đưa nội dung kiến thức phòng chống doping vào chương trình chính thức hoặc ngoại khóa của các trường Đại học TDTT trên toàn quốc.

Những việc làm trên cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trong công tác phòng, chống doping nếu xét trên khía cạnh kế hoạch được phê duyệt hàng năm cũng như kế hoạch được Trung tâm đề xuất triển khai trong một số hoàn cảnh cụ thế.

Ông Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Trung tâm doping và Y học thể thao (Ảnh: A.T)

Vậy với vai trò là chủ nhà của SEA Games 31, ông có thể cho biết về công tác chuẩn bị cho việc triển khai nhiệm vụ phòng, chống doping tại Đại hội như thế nào?

Nhiệm vụ phòng, chống doping tại SEA Games 31 được chia làm 2 giai đoạn gồm chuẩn bị và tổ chức. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh tới công tác chuẩn bị về lực lượng với ba nhóm đối tượng đó là: Nhóm lực lượng và cán bộ y tế gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và đội ngũ vận chuyển thường trực tại các địa điểm thi đấu, khách sạn, nơi tập luyện của VĐV và các trung tâm phục vụ SEA Games;  Nhóm thứ hai là các cán bộ kiểm tra doping triển khai nhiệm vụ tại các địa điểm thi đấu, các địa điểm VĐV tập và nghỉ. VĐV phải sẵn sàng kiểm tra doping ở tất cả các trạng thái kể cả thi đấu và không thi đấu; Nhóm lực lượng thứ ba phải chuẩn bị đó là lực lượng hỗ trợ gồm tình nguyện viên, nhân viên vận chuyển (xe cấp cứu, trạm trung chuyển), bởi quy trình thực hiện chuyên môn tại SEA Games khác với quy trình của hoạt động y tế thông thường.

Bên cạnh đó chúng ta cần phải chuẩn bị trang thiết bị kiểm tra doping và địa điểm kiểm tra. Thiết bị kiểm tra doping gồm các bộ dụng cụ lấy mẫu hay còn gọi là các kit, biên bản, sổ tay hướng dẫn và hình ảnh có thể sử dụng để cho VĐV phối hợp với Tiểu ban Y tế và kiểm tra doping. Chuẩn bị các trạm, phòng để phục vụ cho việc lấy mẫu tại khách sạn (nếu có thể), tại địa điểm thi đấu, địa điểm tập luyện (là bắt buộc) và tại bất cứ một địa điểm nào tập trung đông VĐV. Ngoài ra, chúng ta còn phải chuẩn bị thuốc men, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, trang thiết bị cho một cơ số kit thường trực tại địa điểm thi đấu hay tập luyện. Rồi phân bổ xe cấp cứu cơ cấu thế nào, lộ trình ra sao, phân tuyến để khi có VĐV bị chấn thương hoặc ai đó có vấn đề về sức khỏe thì đưa đi đâu, vào đâu, thủ tục giải quyết ra sao. Tất cả những việc này cần phải xây dựng thành quy trình chặt chẽ và phải có sự chuẩn bị. Những bệnh viện nằm trong danh sách tham gia phục vụ SEA Games phải dành ra một cơ số giường bệnh, dành ra một cơ số nhân lực để sẵn sàng huy động và tiếp nhận ngay các trường hợp mà SEA Games chuyển đến để phục vụ kịp thời. Chúng ta cũng phải lên phương án dự phòng trong trường hợp có cấp cứu hàng loạt đơn giản nhất và cũng đã xảy ra đó là ngộ độc thực phẩm, tai nạn cháy nổ và thậm chí là thảm họa, trong trường hợp đó thì xử lý như thế nào?. Trước SEA Games các kế hoạch vạch ra cần được diễn tập để các bộ phận tham gia nằm vững về chuyên môn, có phản ứng chính xác, nhuần nhuyễn.

Tiếp theo đó là triển khai công tác tập huấn từ Bộ Y tế, Cục quản lý khám chữa bệnh, Sở Y tế và các đơn vị bệnh viện, tập huấn y tế, tập trung vào mảng luật y tế theo luật pháp của Việt Nam và những quy định về y tế riêng đối với SEA Games. Ví dụ y tế phục vụ trên sân thì phạm vi giải quyết công việc đến đâu, bác sĩ đội tham gia phối hợp thế nào rồi vận chuyển ra làm sao và ngay cả xử lý các văn bản kết luận để đảm bảo VĐV có đủ sức khỏe tham gia thi đấu hay tập luyện tiếp hay không cũng cần có một quy trình và cái đó phải tập huấn.

Đối với việc tập huấn cho cán bộ kiểm tra và lấy mẫu doping, không chỉ có thành viên nước chủ nhà mà cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài và các tổ chức phòng, chống doping quốc tế bởi chỉ những người đã qua tập huấn và có xác nhận của tổ chức phòng, chống doping quốc tế hoặc tổ chưc phòng chống doping quốc tế ủy quyền cho một đơn vị khác xác nhận rằng cá nhân đó đã qua tập huấn, đã đủ trình độ có thể lấy mẫu kiểm tra doping thì mới được tác nghiệp, mới được thực hiện. Công tác tập huấn dự kiến được triển khai làm ba đến bốn đợt, từ đó lựa chọn đối tượng tham công tác kiểm tra doping để có sự triển khai sao cho thật chặt chẽ chứ không đơn thuẩn là chỉ huy động từ các cơ sở y tế đến  Nội dung tập huấn thứ ba là cho TNV, đi theo các đội, đi theo nhân viên y tế và kiểm tra doping, nhằm giúp các TNV nắm rõ nhiệm vụ của mình.

Trong quá trình triển khai công tác y tế và kiểm tra doping hướng tới SEA Games 31, đâu là nội dung khiến ông cảm thấy khó khăn hơn?

Cho đến giờ mảng kiểm tra doping là có nhiều khó khăn, và càng khó khăn hơn cả công tác y tế bởi phía sau công tác y tế chúng ta có một nền tảng rất lớn đó là trình độ y tế và nhân lực y tế của Việt Nam có sự hoàn thiện ở mức độ đáng ghi nhận và hoàn toàn có thể yên tâm. Tuy nhiên lực lượng nhân sự phục vụ công tác kiểm tra doping của chúng ta mới chỉ chủ yếu có kinh nghiệm trong nước và ở những giải thể thao chưa có tầm cỡ lớn hoặc áp lực công việc chưa nhiều. Nhưng đối mặt với một kỳ Đại hội thể thao đa môn tầm cỡ khu vực như SEA Games là một bài toán hoàn toàn khác. Một ngày lấy một mẫu khác với một ngày lấy 10 mẫu, lấy mẫu của một VĐV vô địch quốc gia khác với VĐV vô địch SEA Games, VĐV nước ngoài khác hoàn toàn với VĐV Việt Nam (đó là rào cản về ngôn ngữ và văn hóa). Với VĐV nước ngoài, các cán bộ kiểm tra doping của chúng ta chỉ có thể dựa trên những căn cứ về luật phòng chống doping quốc tế, quy định doping của Đại hội và nếu như vậy thì cán bộ kiểm tra doping cần phải được đào tạo cực kỳ bài bản. Bởi các VĐV nước ngoài nằm rất rõ luật, hiểu rất rõ quyền hạn của cán bộ kiểm tra doping đến đâu, có thể làm gì, và đó là lý do không loại trừ nhiều VĐV có thể gây khó khăn cho cán bộ kiểm tra doping từ những hiểu biết của mình. Thêm vào đó, không phải lúc nào VĐV cũng sẵn sàng phối hợp với cán bộ kiểm tra doping. Tất cả những vấn đề này đều rất đáng lo và thực sự vô cùng áp lực.

Vậy Tiểu ban Y tế và kiểm tra doping đã có kế hoạch gì để tháo gỡ khó khăn trên thưa ông?

Việt Nam đã trải qua nhiều lần đăng cai các sự kiện thể thao lớn từ khu vực, đến châu Á và qua các lần tổ chức chúng ta triển khai đạt kết quả tốt. Mặc dù bước đầu hay giai đoạn này giai đoạn khác vẫn có những trục trặc, tuy nhiên chúng ta đều vượt qua và làm rất tốt. Đó là những kinh nghiệm mà chúng ta có thể rút ra để có được một kỳ SEA Games thành công. Để sẵn sàng cho công tác kiểm tra doping tại SEA Games 31, Tiểu ban cũng đã lên kế hoạch tuyển chọn cán bộ kiểm tra doping dựa trên tiêu chí ngoại ngữ nhất định, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có tình nguyện viên hỗ trợ nếu cần. Bên cạnh đó, lực lượng này cũng sẽ được tập huấn lấy mẫu và kiểm tra doping làm nhiều đợt. Vừa qua, vào tháng 11, Tiểu ban cũng đã tiến hành đào tạo đợt 1 với sự tham dự của 98 người, cả 98 người đều dạt yêu cầu. Dự kiến vào tháng tháng 3, tháng 5 và tháng 9 sẽ triển khai các đợt tập huấn tiếp theo để lực lượng này có kiểm tra, sát hạch thực tế tại một số giải đấu tiền SEA Games. Công tác đào tạo y tế cũng sẽ được triển khai thành 3 đợt vào tháng 3, tháng 9 và tháng 12.

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ làm gì để đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống và kiểm tra doping tại Việt Nam, thưa ông?

Trong thời gian tới để thúc đẩy hơn nữa vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra doping đối với TTVN, ngay từ giữa năm 2020, Trung tâm doping và Y học Thể thao đã tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác tuyên truyền phòng, chống doping cũng như công tác kiểm tra doping tại các giải VĐQG trong năm 2021. Theo đó, trong năm 2021, ngành TDTT sẽ tiến hành kiểm tra lấy mẫu khoảng 30 mẫu tại các giải VĐQG, tập trung vào một số môn thể thao hàng đầu của TTVN tại kỳ SEA Games, ASIAN Games và Olympic. Việc lấy mẫu sẽ tiến hành kiểm tra theo phương thức đột xuất và ngẫu nhiên. Mẫu kiểm tra sẽ được phân tích tại Phòng xét nghiệm tiêu chuẩn được Tổ chức chống doping thế giới công nhận. Tất cả các mẫu kiểm tra doping được lấy trong quá trình diễn ra giải đấu sẽ được xét nghiệm theo danh mục các chất cấm và phương pháp cấm năm 2021. Trong suốt thời gian diễn ra giải đấu tất cả các VĐV tham gia sẽ là đối tượng của chương trình kiểm tra doping do BTC tổ chức, tại bất kỳ thời gian, địa điểm nào mà không được báo trước. Hiện, Trung tâm Doping và Y học thể thao cũng đã xây dựng sơ bộ dự thảo về quy định phòng, chống doping tại các giải VĐQG 2021 để xin ý kiến các Vụ, đơn vị chức năng của Tổng cục TDTT. Bên cạnh đó, Trung tâm Doping và Y học Thể thao đã xây dựng kế hoạch để tăng cường việc tuyên truyền về công tác phòng, chống doping cho các VĐV, HLV tại các Trung tâm HLTT quốc gia, các địa điểm tập huấn bằng việc mở các lớp bồi dưỡng phòng, chống tác hại của doping cho các VĐV, HLV. Trung tâm cũng đang tiến hành xây dựng các quy định, chế tài xử phạt đối với các trường hợp VĐV, HLV vi phạm trong công tác phòng, chống doping.

Có thể nói, thành tích và sự phát triển của TTVN trong những năm qua cũng tỷ lệ thuận với sự chú ý, theo dõi của các Liên đoàn thể thao quốc tế và Tổ chức chống doping quốc tế. Bằng chứng là việc các VĐV của chúng ta được yêu cầu kiểm tra doping thường xuyên hơn, số lượng VĐV phải khai báo chuẩn bị kiểm tra doping và thời điểm bất kỳ cũng tăng lên nhanh chóng từ một vài VĐV năm 2017 tới hàng chục VĐV năm 2020. Do vậy, nhóm VĐV này cần phải được thường xuyên cập nhật các nội dung kiến thức về phòng, chống doping và ngoài thời gian tập luyện, học tập cần có một thời lượng giáo dục nhất định về phòng, chống doping. Luật phòng, chống doping thế giới với những điều chỉnh mới đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021, chính vì vậy, để mỗi VĐV và HLV của TTVN đều có thể cập nhật vấn đề này, Trung tâm cũng đã đề xuất Ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng cục TDTT, các Liên đoàn thể thao quốc gia… tổ chức mạng lưới liên hệ với các đầu mối cụ thể, chịu trách nhiệm về việc phối hợp triển khai các công tác phòng, chống doping với các VĐV, HLV và các đôi tượng liên quan trong phạm vi quản lý của mình.

Cuối cùng, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, Trung tâm sẽ không ngừng phối hợp với các tổ chức có liên quan, triển khai phối hợp với các tổ chức quốc tế trong các hoạt động chung về phòng, chống doping nhằm đảm bảo cho các đội tuyển quốc gia có được sự an toàn nhất trong suốt thời gian tập luyện trong nước cũng như quốc tế đặc biệt là tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 và SEA Games 31 sắp tới.

Bài và ảnh: A.T