Thể dục dụng cụ: Cơ bản đáp ứng mục tiêu đặt ra tại SEA Games 31

Cùng với những môn Thể thao trọng điểm khác của Thể thao Việt Nam, môn Thể dục, trong đó có Thể dục dụng cụ luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của ngành nhằm hướng tới những mục tiêu xa hơn trong tương lai. Để hiểu thêm về thực trạng cũng như sự chuẩn bị của Thể dục dụng cụ cho SEA Games 31 sắp tới, phóng viên Trang tin điện tử Thể dục Thể thao Việt Nam đã có buổi trò chuyện cùng Tiến sĩ Nguyễn Kim Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích Cao 1, người đã có nhiều năm gắn bó cùng các vận động viên thể dục dụng cụ qua mỗi giải đấu ở trong cũng như ngoài nước.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích Cao 1

Bà có thể cho biết những nét chính về sự phát triển của Thể dục dụng cụ Việt Nam những năm qua?

Những năm gần đây, Thể dục dụng cụ luôn là một trong những môn thể thao được tạo điều kiện. Có thể nói, SEA Games 22 năm 2003 được tổ chức tại Việt Nam là cột mốc khởi sắc của Thể dục dụng cụ Việt Nam. Vào thời điểm đó, lứa vận động viên của Hà Nội được gửi tập huấn dài hạn ở Trung Quốc nhằm chuẩn bị cho Đại hội đã trở thành lực lượng nền tảng, tạo dựng hình ảnh cho Thể dục dụng cụ Việt Nam trên đấu trường quốc tế và thế giới. Những cái tên như Nguyễn Hà Thanh, Phạm Phước Hưng, Hoàng Cường, Ngân Thương, Thùy Dương, Minh Hằng và sau đó là Phan Thị Hà Thanh là dàn vận động viên được đánh giá rất cao. Lứa vận động viên tài năng này được sự đầu tư, quan tâm và được tạo điều kiện tập luyện với chuyên gia nước ngoài. Sự quan tâm rất kịp thời và định hướng tốt đã giúp cho chúng ta có được thành công vang dội mà điển hình là huy chương Đồng môn nhảy chống tại giải vô địch thế giới ở Nhật Bản. Tấm huy chương này đã đem lại cho Việt Nam suất chính thức tham dự Olympic. Sau đó, tại giải tiền Thế vận hội Olympic vận động viên Phạm Phước Hưng, Đỗ Ngân Thương lại tiếp tục giành suất chính thức. Đây là những kết quả rất đáng tự hào bởi Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á giành suất chính thức tham dự Thế vận hội Olympic vào thời điểm đó. Với những kết quả đó, Liên đoàn Thể dục thế giới đã bắt đầu nhìn nhận và đánh giá rất cao Thể dục dụng cụ Việt Nam cũng như thấy được tiềm năng của các vận động viên Việt Nam. Điều này cũng một lần nữa góp phần khẳng định hướng đi đúng của Thể dục dụng cụ Việt Nam, đó là sự ấp ủ của bao thế hệ tâm huyết với Thể dục dụng cụ nước nhà.

Vậy theo bà, ngoài lực lượng vận động viên tiềm năng, hướng đi đúng, thành công của Thể dục dụng cụ Việt Nam có được còn bởi yếu tố nào?

Thành công của Thể dục dụng cụ Việt Nam có được đặc biệt phải nhắc tới sự tạo điều kiện của lãnh đạo ngành thể dục thể thao. Nhờ có sự quan tâm kịp thời, các vận động viên được cử tham gia các giải thuộc hệ thống thi đấu của thế giới, đặc biệt là Cúp thế giới, qua đó tích lũy kinh nghiệm, tự tin hơn, học hỏi nhiều hơn từ các quốc gia có nền Thể dục dụng cụ mạnh như Nga, Đức, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Ý… ngoài những quốc gia truyền thống mà chúng ta đã từng công nhận như Trung Quốc, Nhật Bản. Tham gia các giải đấu lớn, các vận động viên Việt Nam ngoài học hỏi kinh nghiệm còn góp phần xây dựng hình ảnh cũng như tự tạo cho mình thương hiệu, đây là yếu tố vô cùng quan trọng đối với Thể dục dụng cụ Việt Nam. Trong nhiều năm gần đây, nhờ được quan tâm, đầu tư triệt để nên môn Thể dục dụng cụ hầu như kỳ Thế vận hội Olympic nào cũng có vận động viên tham dự. Hiện, chúng ta đã có vận động viên Lê Thanh Tùng giành được suất chính thức tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo 2020.

Ngoài sự quan tâm đầu tư của trung ương, bà đánh giá thế nào về quan điểm phát triển thể dục dụng cụ tại một số địa phương

Có thể khẳng định rằng chúng ta có một quá trình đầu tư rất tốt, cho đến nay Thể dục, trong đó có Thể dục dụng cụ luôn là một trong năm môn thể thao trọng điểm được đầu tư, luôn có chuyên gia huấn luyện và được tham gia các giải đấu lớn theo kế hoạch. Và ngay cả tại địa phương cũng thế, luôn có chương trình và kế hoạch cho các vận động viên Thể dục dụng cụ. Cách đây khoảng 5 năm Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa các vận động viên trẻ sang Hungary tập huấn dài hạn (trong thời gian 4 năm), mặc dù 2 năm gần đây chương trình này không còn được triển khai nhưng các vận động viên này vẫn tiếp tục tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội và hiện vẫn là những lứa vận động viên rất hứa hẹn cho thời gian tới. Hà Nội cũng vậy, trước đây cũng thường xuyên cử vận động viên đi tập huấn dài hạn hoặc ngắn hạn tại Trung Quốc và trong những gần đây mặc dù không còn triển khai được chương trình đưa vận động viên đi tập huấn ở nước ngoài nhưng địa phương vẫn rất chú trọng đầu tư cho công tác tập huân trong nước đối với lực lượng này.

Là người có nhiều năm gắn bó với thể dục dụng cụ, bà có thể chia sẻ về những khó khăn mà môn thể thao này đang phải đối mặt?

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng không chỉ Thể dục dụng cụ mà đối với những môn thể thao khác cũng vậy, chúng ta còn phải đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình phát triển và đẩy mạnh thương hiệu của Thể thao Việt Nam. Điều tôi vô cùng băn khoăn đối với Thể dục dụng cụ Việt Nam đó là lực lượng huấn luyện viên trong nước. Nói về huấn luyện viên, đây thực sự là vấn đề khó khăn bởi bản thân lực lượng vận động viên của chúng ta không nhiều. Tôi phải nói một lời cảm ơn đối với lứa vận động viên như Nguyễn Hà Thanh, Phước Hưng, Hoàng Cường, Tuấn Đạt, Thùy Dương, Ngân Thương, Phan Thị Hà Thanh bởi sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu, các vận động viên này đã sẵn sàng gắn bó với vai trò là huấn luyện viên. Và tôi cũng muốn cảm ơn đơn vị quản lý Hà Nội đã có sự định hướng rõ ràng đối với lứa vận động viên này để họ có được sự yên tâm theo đuổi nghề. Một số bạn khác cũng rất tâm huyết với nghiệp huấn luyện viên tuy nhiên hoàn cảnh khách quan, cơ chế thu hút nhân tài của chúng ta chưa hiệu quả nên lực lượng huấn luyện viên Thể dục dụng cụ thực sự là mối trăn trở cho những người làm nghề. Bên cạnh đó, huấn luyện viên của chúng ta rất có năng lực nhưng lại không có nhiều cơ được đi đào tạo nước ngoài. Những năm gần đây, khi có những khóa học hay lớp học do Liên đoàn thế giới hay châu Á tổ chức, chúng tôi đều cử huấn luyện viên tham dự nhưng mỗi lần cũng chỉ cử được một hoặc hai người. Hơn thế nữa, khóa học cũng chỉ từ 5 đến7 ngày, chính vì vậy các huấn luyện viên của chúng ta sẽ có rất ít điều kiện để tích lũy kinh nghiệm.

Để có được thành công, các vận động viên Thể dục dụng cụ phải hy sinh thế nào để gắn bó được với sự nghiệp mà mình lựa chọn, thưa bà?

Như chúng ta đã biết, thể dục dụng cụ là một môn thể thao cá nhân và hơn nữa là một môn rất khó. Khó từ khâu tuyển chọn cho đến đào tạo, bởi công tác đào tạo phải bắt đầu từ khi vận động viên còn nhỏ, các cháu có khi chỉ 5, 6 tuổi. Quá trình đào tạo để ra được một lứa vận động viên có khả năng giành thành tích cao trên đấu trường quốc tế cũng phải mất ít nhất là 10 năm (đó là với xu thế như bây giờ, còn trước đây thậm chí dài hơn). Không những vậy, môn thể thao khắc nghiệt này còn đòi hỏi vận động viên phải có tố chất rõ ràng như sự nhanh nhẹn, độ dẻo, sức bật, sức mạnh, độ linh hoạt, năng khiếu, thích thú, chịu đựng, kiên trì. Mỗi động tác dẻo hay chạy sức bền cũng tác động tới sự kiên nhẫn của vận động viên. Lực lượng vận động viên được tuyển chọn tại các trường tiểu học rất nhiều, tuy nhiên sau một thời gian huấn luyện cũng giảm đi tương đối. Các vận động viên nếu được cử đi tập huấn nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc gián đoạn học văn hóa. Một vấn đề nữa mà chúng ta phải nhắc tới ở đây đó là chấn thương thể thao. Đối với Thể dục dụng cụ những chấn thương cổ chân, cổ tay, vai có thể trở thành mãn tính, làm giảm đi rất nhiều những thế mạnh của vận động viên. Để phục hồi chấn thương, phải mất cả tuần, cả tháng thậm chí cả năm, điều này cũng khiến vận động viên mất đi cơ hội thi đấu nâng cao thành tích.

Vậy hướng tới SEA Games 31, Thể dục dụng cụ có sự chuẩn bị thế nào về lực lượng vận động viên thưa bà?

Có thể nói, năm 2020 là một năm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên không được đi tập huấn hay thi đấu nước ngoài nhiều nhằm tích lũy kinh nghiệm cũng như điểm giành vé tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Thế nhưng, so với nhiều quốc gia, vận động viên chúng ta có được may mắn hơn khi tình hình Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt và vẫn được tập luyện thường xuyên. Hơn thế nữa chúng ta cũng đã tổ chức được 02 giải đấu trong nước gồm một giải trẻ và một giải vô địch quốc gia. Qua đó, các vận động viên cũng đã được cọ xát, và bản thân những người làm công tác quản lý như chúng tôi cũng có được sự đánh giá thực tế về phong độ của các vận động viên. Theo nhận định của tôi, để tham gia thi đấu tại SEA Games 31, các vận động viên của chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, bộ môn và Liên đoàn cũng thường xuyên động viên tinh thần vận động viên, ban huấn luyện cố gắng phát huy để chúng ta có được vị trí tốt nhất ở các nội dung thế mạnh: đồng đội, toàn năng, nhảy chống, xà kép. Ở nội dung vòng treo mặc dù rất tiếc khi không còn có sự góp mặt của Đặng Nam, (vận động viên từng 5 năm liền bảo vệ thành công huy chương Vàng SEA Games và cũng từng giành huy chương Đồng Asian Games), thế những các vận động viên kế cận cũng đang dần mạnh lên để gánh vác trọng trách mà đàn anh để lại. Từ nay đến SEA Games 31, chúng tôi cũng sẽ cố gắng hết sức hỗ trợ các vận động viên tiềm năng, nhằm đạt được mục tiêu đặt ra.

Bà đánh giá thế nào về đối thủ của Thể dục dụng cụ Việt Nam tại SEA Games 31?

Đối thủ đầu tiên mà tôi nghĩ tới đó là Philippines. Nước bạn rất mạnh về thể dục tự do, có sự tiến bộ rõ rệt về xà kép, xà đơn và vòng treo. Nhà vô địch thế giới môn thể dục Carlos Yulo có thể nói là nhân tố chủ lực của Philippines. Vận động viên này được đào tạo bên Nhật trong nhiều năm, từng vô địch thế giới Thể dục tự do ở Đức năm 2018 và cũng giành nhiều huy chương Vàng tại SEA Games 30 tổ chức ở Philipiines năm 2019. Malaysia và Thái Lan cũng là đối thủ mà chúng ta phải tính đến khi thể hiện sức mạnh ở môn ngựa vòng (nội dung mà chúng ta còn hạn chế). Indonesia cũng rất phát triển ở môn xà đơn

Bà có thể cho biết một vài thông tin về địa điểm tổ chức môn Thể dục dụng cụ tại SEA Games 31?

Cung thể thao Quần Ngựa sẽ là địa điểm đăng cai tổ chức thi đấu Thể dục dụng cụ tại SEA Games 31. Đây là địa điểm đã từng tổ chức thi đấu môn Thể dục dụng cụ từ SEA Games 22 năm 2003 và bản chất Cung thể thao Quần Ngựa được xây dựng cũng với mục đích để tổ chức môn thể thao này. Cung Quần Ngựa cũng có kinh nghiệm tổ chức giải trẻ Đông Nam Á và nhiều giải vô địch quốc gia. Ủy viên Ban chấp hành của Liên đoàn thế giới, châu Á và Đông Nam Á từng sang Việt Nam dự SEA Games 22 năm 2003 hiện vẫn đang đương chức. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên đoàn thế giới cũng từng đến Cung Quần Ngựa nhân sự kiện Việt Nam tổ chức Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á. Đó là yếu tố rất thuận lợi cho chúng ta. Theo như tôi được biết, Cung thể thao Quần ngựa thuộc Quận Ba Đinh, và hiện Quận cũng đang có chương trình cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở này như hệ thống máy lạnh, lắp đặt hệ thống ghế ngồi…

Vậy để tổ chức thành công giải đấu trong khuôn khổ SEA Games 31, chúng ta cần chuẩn bị những gì?

Với vai trò là nước chủ nhà, để tổ chức thành công giải đấu tầm cỡ Đại hội, chúng ta cần chú ý rất nhiều vấn đề, đơn cử như chuẩn bị sân bãi, trang thiết bị thi đấu, nhà tập phải đảm bảo lắp đặt xong ít nhất hai ngày trước khi các đoàn tới thử sân. Hạ tầng cơ sở dù không thể so sánh với Thái Lan, Malaysia hay Singapore nhưng chúng ta phải đảm bảo tốt trong công tác điều hành, phải có sự phân công rõ ràng, có sự phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn. Hệ thống chấm điểm rất quan trọng, thành công hay không là nhờ yếu tố này. Vai trò của công nghệ tại SEA Games 31 cần được thúc đẩy hơn nữa để làm sao mọi thông tin liên quan tới công tác thi đấu được cập nhật một cách nhanh nhất có thể. Để tạo điểm nhấn cũng như hạn chế thời gian trống trong khi tổ chức thi đấu, chúng tôi cũng sẽ cân nhắc về chương trình hoạt náo, đây cũng là ý tưởng mới mẻ. Ngoài ra,  ăn ở cũng là vấn đề phải lưu ý, ngon nhưng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về lực lượng trọng tài phục vụ tại SEA Games 31 thì sao thưa bà?

Quy định mới của Liên đoàn thế giới chỉ cho phép chứng chỉ trọng tài quốc tế có giá trị trong vòng bốn năm. Bên cạnh đó lực lượng trọng tài của chúng ta không nhiều, 6 trọng tài nam và 3 nữ có chứng chỉ trọng tài quốc tế, chính vì vậy chúng tôi cũng tính tới phương án mời trọng tài trung gian để đảm bảo vừa đủ số lượng yêu cầu.

Doping luôn là vấn đề “nóng” và càng “nóng” hơn khi chúng ta nhận thông báo về những trường hợp vi phạm doping của Cử tạ, vậy Thể dục dụng cụ có tính tới phương án gì cho vấn đề này thưa bà?

Nhiều năm nay, Thể dục thế giới luôn phải đối mặt với hai vấn đề nhức nhối là doping và lạm dụng tình dục trẻ em. Đối với chúng ta, doping đang là vấn đề rất “nóng”. Thế nhưng các vận động viên mà đặc biệt là vận động viên trẻ chưa có nhiều khái niệm và chưa thực sự nhận thức một cách đúng đắn về các vấn đề này. Mặc dù các huấn luyện viên thường xuyên nhắc nhở nhưng các vận động viên trẻ vẫn vô tình vướng phải giống như việc họ giấu huấn luyện viên sử dụng thảo dược để giảm cân giúp việc tập luyện dễ dàng hơn. Đối với Thể dục dụng cụ hiện nay, việc tổ chức các lớp tập huấn về doping chưa nhiều, chủ yếu là Liên đoàn và huấn luyện viên chủ động nhắc nhở thường xuyên. Tuy nhiên, nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của vấn đề này, sang tới năm 2021, Liên đoàn sẽ chủ động đưa vào kế hoạch nội dung tổ chức hội thảo nhằm giáo dục các vận động viên những kiến thức về doping.

A.T