Bệnh viện Thể thao Việt Nam nỗ lực trở thành địa chỉ tin cậy của các vận động viên

Trong những năm gần đây, Bệnh viện Thể thao Việt Nam (TTVN) không chỉ triển khai tốt nhiệm vụ chính trị - chuyên môn do Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) giao mà còn trở thành một địa chỉ tin cậy của các vận động viên và được người dân tới đây khám, chữa bệnh đánh giá cao về thái độ và tinh thần phục vụ. Để hiểu hơn về công tác chăm sóc vận động viên (VĐV), thực trạng bệnh viện cũng như định hướng phát triển trong thời gian tới, phóng viên Trang tin điện tử Tổng cục TDTT đã có buổi trò chuyện cùng với Giám đốc Bệnh viện TTVN - ông Võ Tường Kha.

Ông có thể chia sẻ đôi nét về thực trạng của Bệnh viện Thể thao Việt Nam ở thời điểm hiện nay?

Được thành lập theo Quyết định số 1171/2006 - QĐ UBTDTT ngày 30 tháng 6 năm 2006, Bệnh viện TTVN là Bệnh viện đa khoa hạng II, trực thuộc Tổng cục TDTT có chức năng tổ chức khám bệnh, chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng cho VĐV, huấn luyện viên, trọng tài, cán bộ, công chức, viên chức ngành Thể dục thể thao và nhân dân.  Đến nay, sau 13 năm đi vào hoạt động (từ tháng 5/2007)

hệ thống trang thiết bị y tế của bệnh viện đã lạc hậu, nhiều thiết bị không sử dụng được. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ khám, chữa bệnh nên hàng năm, Bệnh viện vẫn dành một phần nguồn thu viện phí để mua sắm mới một số dụng cụ, trang thiết bị y tế cũng như bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa các trang thiết bị y tế cũ, hư hỏng để duy trì hoạt động. Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực của bệnh viện cũng từng bước được hoàn thiện, đảm bảo về số lượng, chất lượng chuyên môn. Hiện nay, Bệnh viện có 203 cán bộ, viên chức và hợp đồng lao động, trong đó có 40 bác sĩ (01 bác sĩ cao cấp, 05 bác sĩ chuyên khoa II, 19 bác sĩ chuyên khoa I và 14 bác sĩ...). Các bác sĩ đều được đào tạo, có kinh nghiệm chuyên sâu cao về chuyên ngành nội cơ xương khớp, ngoại chấn thương chỉnh hình, gây mê hồi sức, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, y học thể thao và y học cổ truyền có thể đảm nhiệm các vấn đề chuyên sâu y tế của ngành Thể dục Thể thao, ngành Y tế.

Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã triển khai đầy đủ 150 giường bệnh theo kế hoạch và 45 giường ngoài kế hoạch với 12 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, 5 phòng chức năng, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, khám gần 53.800 lượt (đạt 108% so với kế hoạch năm 2019). Tổng số điều trị nội trú là hơn 4.000 bệnh nhân (đạt 107% so với kế hoạch năm 2019) với hơn 1.860 ca phẫu thuật thành công. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng đã tham gia phục vụ y tế các giải đấu, điển hình như: giải bóng đá U19 châu Á, vòng loại bóng đá nam U23 châu Á, cử các bác sĩ tham gia chăm sóc y tế cho VĐV thuộc Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 30 tại Philippines, góp phần vào thành tích chung của đoàn.

Giám đốc Bệnh viện TTVN - ông Võ Tường Kha

Công tác khám, chữa và chăm sóc sức khỏe cho VĐV và người dân tại Bệnh viện TTVN được triển khai như thế nào thưa ông?

Hiện nay, công tác khám, chữa và chăm sóc sức khỏe cho VĐV và người dân được triển khai theo ba hướng. Hướng thứ Nhất là theo nhiệm vụ được giao đó là chăm sóc cho các VĐV đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ của 4 Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng và Trung tâm đào tạo VĐV Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Theo đó, Bệnh viện tổ chức thành lập các đoàn cán bộ, y, bác sĩ đến tận các Trung tâm tổ chức khám, sàng lọc, đánh giá các bệnh lý về cơ, xương, khớp, về chấn thương, về tim mạch, về các bệnh lý khác … trên cơ sở đó phân loại, hướng dẫn bộ phận y tế của các Trung tâm cách điều trị, chăm sóc đối với các trường hợp nhẹ, có thể xử lý tại chỗ. Trường hợp nặng hơn cần phải điều chuyển tới bệnh viện địa phương hay những trường hợp khó, đòi hỏi chuyên môn cao cần chuyển về Bệnh viện TTVN để điều trị và phẫu thuật thì đều được các cán bộ của Bệnh viện hướng dẫn tận tình, chi tiết. Việc này không chỉ góp phần tích cực phục vụ công tác chẩn trị mà còn giúp nâng cao thành tích cho VĐV, giúp VĐV nhanh chóng hồi phục, trở lại tập luyện, thi đấu. Hướng thứ Hai là VĐV từ các câu lạc bộ, các trung tâm huấn luyện tại địa phương, các đội tuyển tỉnh chuyển về Bệnh viện TTVN. Và hướng thứ Ba là những người tập luyện thể thao quần chúng, thể thao phong trào có chấn thương hoặc có bệnh lý liên quan tới tập luyện thể dục thể thao.

Trong thời gian tới, để làm tốt công tác khám, chữa và chăm sóc sức khỏe cho VĐV, Bệnh viện TTVN đã tính tới những giải pháp gì thưa ông?

Mong muốn của Bệnh viện TTVN là muốn xây dựng hệ thống chỉ đạo tuyến cho ngành TDTT, hướng tới sự xuyên suốt trong công tác chỉ đạo tới các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG). Muốn làm được điều này, cần thiết lập lại phòng y tế của các Trung tâm HLTTQG theo đúng chuẩn (bao gồm số lượng phòng, số lượng bộ phận và chức năng tương ứng đối với các phòng và bộ phận đó, nhận sự gồm những ai, chứng chỉ hành nghề như thế nào, danh mục kỹ thuật, được phép nhận thuốc gì, phạm vi khám chữa bệnh đến đâu…).

Hiện Bệnh viện TTVN đang xây dựng hệ thống này và trình Tổng cục TDTT phê duyệt. Sau khi được phê duyệt sẽ áp dụng với các Trung tâm HLTTQG cũng như tiến hành thành lập phòng y tế thể thao. Dự kiến, phòng y tế thể thao có các bộ phận gồm: Bộ phận hành chính (trong bộ phận hành chính có tổ văn thư tiếp đón, hành chính quản trị và kế hoạch kế toán); Bộ phận khám chữa bệnh (có 4 tổ khám bệnh, xét nghiệm, cận lâm sàng, điều trị); Bộ phận khoa học và đào tạo (có 3 tổ gồm: tổ tuyển chọn và đánh giá trình độ luyện tập; tổ nghiên cứu khoa học và áp dụng các biện pháp khoa học; tổ đào tạo và tâp huấn chuyển giao công nghệ); Bộ phận thứ 4 là bộ phận công tác đội tuyển, có trách nhiệm cử người đi chăm sóc đội tuyển, theo dõi đội tuyển, theo dõi tình hình sức khỏe, làm công tác tâm lý. Tất cả các Trung tâm HLTTQG đều thực hiện như thế thì mới tạo thành nề nếp, từ đó tính đến việc đề nghị Bộ Y tế đưa mã ngành y học thể thao áp dụng cho toàn bộ các Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, các Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có phòng y tế với cơ cấu như trên, bởi hiện nay ở các Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mặc dù cũng có bộ phận y tế nhưng phải đảm nhiệm nhiều chức năng như vừa chăm sóc bệnh nhân, vừa đảm nhiệm cả vấn đề dinh dưỡng hay uống thuốc, thay băng...

Mục tiêu mà Bệnh viện TTVN hướng tới là gì thưa ông?

Để đẩy mạnh mũi nhọn, thương hiệu của Bệnh viện TTVN là cơ, xương, khớp và y học thể thao, tập thể lãnh đạo Bệnh viện TTVN đã họp và ra nghị quyết. Muốn làm được điều đó thì cần phải mở mang cơ sở hạ tầng, dự định xây dựng một Trung tâm hay khu khám bệnh kỹ thuật cao, đầu tư trang thiết bị chuyên sâu phục vụ cơ, xương, khớp và y học thể thao. Ví dụ như máy chụp cộng hưởng từ MRI từ 3.0, Máy chụp CT 64 hoặc 124 lát, máy nội soi, siêu âm, các thiết bị kiểm tra chức năng tim, phổi, các hệ thống xét nghiệm tự động hoàn toàn, thiết bị kiểm tra hoóc môn nội tiết của VĐV để theo dõi diễn biến, trình độ thể lực. Tập phục hồi chức năng cũng cần có thiết bị hiện đại có thể tự động lập trình, ví dụ khi VĐV đứng lên, máy có thể đưa ra bài tập phù hợp hay đối với một VĐV bị chấn thương thì cần phải vận động với cường độ thế nào, lượng vận động ra sao… Gắn với đó là đào tạo nhân lực theo hướng chuyên sâu và xây dựng hệ thống quản lý điều hành theo hướng chỉ đạo tuyến y học thể thao và xin được mã ngành y học thể thao mà Bộ y tế cấp. Xây dựng đề án để bổ sung mã ngành (bởi có mã ngành y học thể thao thì mới có thể đưa danh mục khám chữa bệnh của Bệnh viện TTVN vào danh mục khám chữa bệnh của Bộ y tế) và bổ sung nguồn nhân lực kỹ thuật, thiết bị, vật tư, quy trình kỹ thuật kèm theo.

Hướng tới SEA Games 31, sân chơi lớn nhất dành cho thể thao khu vực Đông Nam Á do Việt Nam đăng cai tổ chức vào năm 2021, Bệnh viện TTVN đã có những sự chuẩn bị như thế nào thưa ông?

SEA Games 31 là một sự kiện rất quan trọng, chính vì vậy, ngay từ năm 2019, Bệnh viện TTVN đã thành lập một tổ xây dựng Đề án đầu tư nâng cao năng lực để phục vụ tốt nhất tại Đại hội. Trước đó, Bệnh viện TTVN đã chủ động xây dựng Đề án phục vụ giải Đua công thức 1 để làm tiền đề mục tiêu góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao tại SEA Games 31. Từ nay đến SEA Games 31, Bệnh viện TTVN chủ động tổ chức các lớp đào tạo để phổ cập kiến thức về y học thể thao cho các tỉnh, thành, ngành, các bộ phận y tế, chủ động viết một số sách liên quan tới vấn đề cấp cứu trong thi đấu thể dục thể thao. Trong năm 2020, Bệnh viện TTVN xác định tiếp tục tổ chức thực hiện tốt quy chế y tế, phục vụ khám, chữa bệnh, phân công xây dựng, trình duyệt kế hoạch và triển khai công tác y tế y học thể thao phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho VĐV, HLV cũng như chuẩn bị công tác y tế cho SEA Games 31 tại Việt Nam vào năm 2021.

Bài và ảnh: A.T