Nhiệt độ môi trường có ảnh hưởng thế nào đến các vận động viên Xe đạp Việt Nam trong quá trình tập luyện và thi đấu, thưa ông?
Xe đạp đường trường và xe đạp địa hình là hai nội dung được tập luyện và thi đấu phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Hiện tại, các vận động viên địa hình tập luyện chủ yếu ở Hòa Bình, Tam Đảo, Lào Cai, An Giang còn vận động viên đường trường tập luyện tại Phan Thiết, Đà Nẵng, Đà Lạt. Việc lựa chọn địa điểm tập luyện phụ thuộc vào khu vực phân bổ của mỗi môn (phía Bắc mạnh về địa hình còn phía Nam mạnh về đường trường). Mặc dù nội dung tập luyện của môn Xe đạp đường trường và xe đạp địa hình có đôi chút khác nhau do thời gian thi đấu của môn địa hình ngắn hơn (không quá hai giờ đồng hồ) và tập luyện trong địa hình có nền nhiệt thấp hơn tuy nhiên, nhìn chung đây đều là các nội dung tập luyện và thi đấu ở ngoài trời trong thời gian kéo dài nên nhiệt độ môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tập luyện của vận động viên thậm chí là cả quá trình làm việc của Huấn luyện viên.
Thông thường, các vận động viên xe đạp Việt Nam ở cả đường trường và địa hình đều bắt đầu tập luyện từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa (buổi chiều tập thả lỏng). Để chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế thì các vận động viên sẽ phải tập luyện theo khung giờ thi đấu dự kiến. Tại các giải đấu quốc tế, thời gian thi đấu sẽ bắt đầu từ 9 giờ sáng và kéo dài tới 2, 3 giờ chiều. Đây là điều kiện thi đấu vô cùng khó khăn đặc biệt là khi các vận động viên Xe đạp Việt Nam tham dự những giải đấu ở khu vực Đông Nam Á và Tây Á thì nhiệt độ nắng nóng có thể nói là khắc nghiệt.
Tập luyện và thi đấu dưới điều kiện nắng, nóng sẽ khiến các vận động viên bị mất nước nhanh hơn. Khi lượng nước mất đi tăng lên đến 3%, thời gian co của cơ sẽ bị ảnh hưởng và nếu lượng nước mất đi lên đến 4%, thành tích thể thao sẽ bị giảm sút từ 5-10%. Không những thế, ảnh hưởng của việc mất nước còn tiếp tục được thể hiện trong vài giờ sau khi cơ thể đã được bổ sung đủ lượng nước cần thiết. Một trong những tác động nữa của nhiệt trong quá trình tập luyện đó là ảnh hưởng của các tia UV đối với cơ thể, đặc biệt là mắt và da. Các tia này có thể tác động xấu đến các tế bào của cơ thể, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, thậm chí là ung thư da. Là một nước nhiệt đới, nhiệt độ ngoài trời tại Việt Nam thường ở mức cao, đặc biệt là vào mùa hè. Việc bảo vệ cơ thể trước những tác động xấu của nắng, nóng là điều cần được đặc biệt quan tâm. Với các vận động viên xe đạp, việc sử dụng kính đúng chuẩn và bao tay (hoặc áo dài tay) là điều cần thiết.
Nhiệt độ cơ thể của vận động viên khi tập luyện và thi đấu dưới thời tiết nắng nóng cũng là điều cần quan tâm. Nhiệt độ của môi trường xung quanh càng cao sẽ khiến cho nhiệt độ cơ thể càng dễ tăng lên. Khi nhiệt độ cơ thể lên đến khoảng 410 C sẽ dẫn tới hiện tượng sốc nhiệt. Đây là điều rất dễ xảy ra đối với môn xe đạp khi các vận động viên phải tập luyện ngoài đường trường với nhiệt độ môi trường (do ảnh hưởng của cả nhiệt độ của bề mặt đường tập) nhiều khi lên đến hơn 450 C.
Điều cuối cùng đó là tập luyện và thi đấu trong điều kiện thời tiết nóng, khi cơ thể chưa có sự thích nghi còn khiến não bộ phản ứng lại bằng việc giảm bớt năng lượng cung cấp cho cơ thể. Như vậy, tập luyện dưới thời tiết nóng sẽ khiến cơ thể dễ mệt mỏi hơn (cả về thể chất và tinh thần), làm giảm khả năng chịu đựng của cơ thể và tăng nguy cơ xảy ra những phản ứng tiêu cực, tiềm tàng những nguy hiểm cho cơ thể.
Vậy Ban huấn luyện cũng như bộ môn đã có giải pháp gì để quá trình tập huấn, thi đấu của các đội tuyển diễn ra an toàn, đảm bảo về chuyên môn, thưa ông?
Từ những tác động tiêu cực của nắng nóng đối với sức khỏe và thể chất của vận động viên, có thể khẳng định việc giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực đó là yêu cầu đặc biệt quan trọng trong quá trình tập luyện và thi đấu. Hiện nay, khi tập luyện, các vận động viên xe đạp có thêm chế độ nước uống. Đây không chỉ là sự quan tâm của nhà nước mà còn là sự khẳng định tầm quan trọng của việc sử dụng nước khi tập luyện. Trong các khóa học được tổ chức cho lực lượng huấn luyện viên, hướng dẫn viên xe đạp, yêu cầu về sử dụng nước trong quá trình tập luyện là một trong những nội dung bắt buộc. Với ban huấn luyện đội tuyển, từ năm 2007, tài liệu về sử dụng dinh dưỡng và nước uống cho các vận động viên đã được Liên đoàn cung cấp và thường xuyên cập nhật, giúp Ban huấn luyện có được kiến thức cần thiết về vấn đề này.
Bên cạnh đó, Liên đoàn cũng tăng cường các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của vận động viên, của huấn luyện viên về những tác hại, tác động của nắng, nóng đối với cơ thể khi tập luyện và thi đấu cũng như nguyên tắc về việc sử dụng nước trong tập luyện và thi đấu. Ngoài ra, các vận động viên cũng được trang bị những đồ bảo hộ khi tập luyện và thi đấu dưới trời nắng, nóng như: kính có khả năng chống các tia UV, bao tay, kem chống nắng,.. Ban huấn luyện đội tuyển cũng áp dụng nhiều biện pháp làm mát cơ thể trước, trong và sau tập luyện để giúp các vận động viên có được trạng thái thể lực tốt nhất, đảm bảo cường độ và khối lượng vận động.
Với môn xe đạp, thi đấu dưới điều kiện nắng nóng là bắt buộc do đó việc tập luyện chuẩn bị cho sự thích nghi là điều đương nhiên. Tuy nhiên, khi tập luyện dưới thời tiết nắng nóng, Ban huấn luyện cũng chủ động điều chỉnh thời gian, cường độ tập luyện cho phù hợp bằng cách giảm thời gian tập luyện hoặc chia tách buổi tập thành nhiều phần có kết hợp quãng nghỉ để vận động viên có khả năng hồi phục, đồng thời là cơ hội để huấn luyện viên đánh giá khả năng thích nghi của vận động viên. Ban huấn luyện cũng xây dựng kế hoạch tập luyện với các yêu cầu phù hợp cho từng giai đoạn chuẩn bị; coi việc tập luyện nhằm thích nghi với thời tiết nóng là một trong những yêu cầu của quá trình huấn luyện.
Đội tuyển Xe đạp Việt Nam luôn phải đối mặt với điều kiện thời tiết nắng, nóng khi tập luyện và thi đấu (Ảnh: Bộ môn Xe đạp)
Trước mỗi giải đấu trong nước cũng như quốc tế, các vận động viên Xe đạp Việt Nam đã được tạo điều kiện thích nghi với nắng, nóng như thế nào thưa ông?
Nhằm giảm sự tác động của nắng nóng đối với quá trình tập luyện, ban huấn luyện cũng như bộ môn phải tiến hành khảo sát, lựa chọn những địa điểm tập huấn có nhiệt độ phù hợp. Với các đội tuyển Xe đạp quốc gia, các giai đoạn tập luyện với khối lượng và cường độ lớn thường được tổ chức tại các địa điểm có thời tiết mát như Đà Lạt, Tam Đảo… Điều này giúp cho các vận động viên đảm bảo được khối lượng và cường độ tập luyện, là tiền đề cho việc nâng cao năng lực thể chất. Việc làm quen với việc thi đấu dưới điều kiện nắng nóng là cần thiết nhưng việc này cần được thực hiện một cách khoa học và bài bản, giúp các vận động viên từng bước thích nghi với yêu cầu thực tế để có thể phát huy hết năng lực bản thân. Ngoài ra, trước mỗi cuộc thi đấu quốc tế, ban huấn luyện thường tiến hành điều tra, phân tích điều kiện khí hậu của khu vực thi đấu từ đó có thể xây dựng phương án chuẩn bị cụ thể, hợp lý.
Có một vấn đề cần trao đổi thêm ở đây đó là luật thế giới quy định thời gian bắt đầu thi đấu tại các giải quốc tế thông thường là 10 giờ sáng cũng như quy định tiếp nước trên đường đua là hết 50km đầu tiên và chấm dứt việc tiếp nước trước 20km cuối cùng. Tuy nhiên, tại các giải đấu trong nước, nhằm giảm áp lực cho các vận động viên, chúng tôi thường bắt đầu thi đấu vào tầm 7:00 - 8:000 sáng cũng như cho phép tiếp nước cho vận động viên khi hết 30km đầu tiên và chấm dứt trước 10km cuối cùng. Chính vì vậy, đây cũng là những yếu tố mà các vận động viên Việt Nam phải điều chỉnh trước mỗi kỳ thi đấu quốc tế.
Là người gắn bó và đồng hành cùng Xe đạp Việt Nam trong thời gian dài tại các giải đấu trong và ngoài nước, những câu chuyện nào liên quan tới nắng, nóng và nền nhiệt cao để lại dấu ấn nhất đối với ông?
Liên quan tới thi đấu trong điều kiện nắng nóng và nền nhiệt cao, có một kỷ niệm có thể nói là vừa vui cũng vừa buồn đối với vận động viên Bùi Minh Thụy của Vĩnh Long mà tôi nhớ mãi. Đó là tại Đại hội TDTT toàn quốc được tổ chức tại An Giang vào năm 2006, mặc dù đã xuất phát rất tốt, bỏ xa các vận động viên còn lại, tuy nhiên do không được tiếp đủ nước trong điều kiện thi đấu nắng nóng, khiến Minh Thụy mất sức nên về đích sau. Đó là một kỷ niệm và cũng là kinh nghiệm buồn đối với Minh Thụy. Tuy nhiên, tại SEA Games 2009 ở Lào, cũng liên quan tới việc thi đấu trong điều kiện nắng, nóng nhưng lần này vì được bổ sung nước uống thể thao kịp thời và đầy đủ nên Minh Thụy đã thi đấu xuất sắc, giành về chiếc huy chương Vàng cho thể thao Việt Nam.
Bên cạnh đó, liên quan tới ảnh hưởng của nắng, nóng và nền nhiệt cao còn có ví dụ liên quan tới những vận động viên kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm thi đấu từng quá quen với sự thay đổi về thời tiết, nhịp độ sinh học trong đó có Nguyễn Thị Thật. Vốn được đi tập huấn và thi đấu ở nhiều quốc gia khác nhau, tuy nhiên Thật cũng không ít lần bị ảnh hưởng bởi tác động của nắng, nóng và nền nhiệt. Bằng chứng thực tế là lần tham gia thi đấu tại Tour of Thái Lan vào năm 2019, lúc đó Thật đang thi đấu cho một câu lạc bộ tại Châu Âu (Bỉ), phải di chuyển một quãng đường xa cộng thêm chênh lệch múi giờ và điều kiện thi đấu nắng, nóng tại Thái Lan khác xa với nền nhiệt lạnh tại Bỉ. Chính vì vậy, mặc dù đã rất cố gắng để về đích ở vị trí thứ Ba trong vòng thi đấu thứ Nhất, nhưng ngay sau đó Thật đã bị sốt.
Minh Thụy và Nguyễn Thị Thật chỉ là hai trong số các trường hợp của vận động viên Xe đạp Việt Nam bị ảnh hưởng bởi nắng, nóng. Chính vì vậy, để quá trình tập luyện và thi đấu của các đội tuyển Xe đạp đạt được kết quả cao, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho các vận động viên cần phải thực hiện tốt các giải pháp như tôi đã trả lời ở phần trên nhằm giảm thiểu các tác hại của nắng, nóng.
A.T