PGS.TS Phan Thanh Hài - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học TDTT Đà Nẵng
Nhằm ứng phó với dịch Covid 19, các cơ sở đào tạo trên cả nước đều đã, đang tiến hành dạy học trực tuyến. Công tác này đã được triển khai tại trường Đại học TDTT Đà Nẵng như thế nào, thưa ông?
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và chưa xác định được thời điểm kết thúc dịch, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (công văn số 795/BGDĐT-GDĐH ngày 13/3/2020 và công văn số 988/BGDĐT-GDĐH ngày 23/3/2020), Bộ VHTTDL (văn bản số 1368/BVHTTDL-ĐT ngày 6/4/2020 về việc tổ chức triển khai các hoạt động đào tạo ứng phó với dịch Covid-19), Trường Đại học TDTT Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạc triển khai đào tạo trực tuyến, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch đào tạo năm học 2019-2020 và triển khai hiệu quả công tác tuyển sinh năm học 2020- 2021. Qua đó, góp phần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và UBND thành phố Đà Nẵng về phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm trong phạm vi nhà trường và trong cộng đồng.
Để thực hiện công tác này, Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế Nhà trường đã bàn bạc, thống nhất lại phương án đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Phương án giảng dạy truyền thống chỉ có thể thực hiện khi dịch được kiểm soát, bởi vậy chưa biết khi nào sẽ có thể thực hiện lại được. Do vậy, chúng tôi cho rằng, việc triển khai dạy học trực tuyến là xu thế tất yếu và đặc biệt hữu hiệu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì phương án này cần sớm được triển khai. Đối với cơ sở đào tạo Đại học TDTT nói chung, trường Đại học TDTT Đà Nẵng nói riêng, do chuyên ngành đào tạo đặc thù nên việc triển khai dạy học trực tuyến chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất cũng như các vấn đề liên quan, trường Đại học TDTT Đà Nẵng đã cân nhắc và đưa ra quyết định lựa chọn phương án triển khai thí điểm đào tạo từ xa cho sinh viên chính quy khóa 13, ngành Giáo dục thể chất. Nếu việc giảng dạy trực tuyến cho khóa sinh viên này thành công, đảm bảo yêu cầu về chất lượng chúng tôi sẽ tiếp tục mô hình này và áp dụng cho toàn bộ sinh viên các ngành trong toàn trường.
Hiện nay, ngoài việc liên hệ để nhận hỗ trợ từ phía Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), chúng tôi đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: bài giảng điện tử, cơ sở vật chất, thiết bị (mạng internet, máy tính...); khảo sát sinh viên; phân công các phòng, khoa cùng phối hợp thực hiện. Đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất và dự kiến dạy thí điểm theo hình thức trực tuyến cho sinh viên chính quy khóa 13, ngành Giáo dục thể chất sẽ được triển khai thực hiện ngay trong tuần này.
Trong quá trình triển khai kế hoạch dạy trực tuyến, Nhà trường gặp phải những khó khăn gì thưa ông?
Do đặc thù là Trường đào tạo chuyên ngành TDTT nên việc dạy trực tuyến chỉ có thể triển khai ở một số môn lý thuyết và một số nội dung của các môn thuộc khối kiến thức ngành (còn một số nội dung không thể thực hiện được do điều kiện của người học không đáp ứng như: sân bãi, dụng cụ…). Hơn nữa, điều kiện về cơ sở vật chất của nhà trường hiện tại chưa thể đáp ứng được cho việc dạy trực tuyến một cách đại trà. Hiện nay, chúng tôi triển khai thí điểm 2 hình thức đào tạo từ xa đó là giảng dạy trực tuyến (online) và dưới dạng video clip bài giảng. Dù được triển khai dưới hình thức nào thì việc tổ chức giảng dạy – học tập phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học theo tinh thần Công văn số 988/BGDĐT-GDĐH ngày 23/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giảng viên thực hiện việc điểm danh sinh viên lên lớp; giao bài tập, bài kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên; hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập… thông qua các công cụ quản lý của phần mềm giảng dạy trực tuyến do Viettel cung cấp.
Thêm một khó khăn là, do đối tượng sinh viên của Nhà trường chủ yếu là ở các vùng nông thôn thuộc các tỉnh miền Trung, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nên việc trang bị máy tính, mạng internet tại các gia đình không phổ biến. Chính vì vậy, bước đầu chúng tôi sẽ dạy thí điểm một khóa, sau đó sẽ tiến hành đánh giá chất lượng cũng như hiệu quả của phương pháp này. Trên cơ sở đó sẽ đưa ra quyết định giảng dạy cho toàn thể sinh viên nhà trường hay không.
Về những khó khăn của sinh viên như trên, Nhà trường có những giải pháp gì để giúp các em sinh viên không có điều kiện học trực tuyến hoàn thành được khóa học?
Hiện chúng tôi mới khảo sát sinh viên khóa 13, khoa Giáo dục thể chất thì có khoảng gần 90% các em có đủ phương tiện để học trực tuyến. Con số này đảm bảo để chúng tôi có thể dạy trực tuyến cho các em. Còn đối với các khoa khác thì chưa thống kê, tuy nhiên, chúng tôi cũng đưa ra phương án đó là số các sinh viên không có đủ điều kiện để học trực tuyến, Nhà trường sẽ bố trí để các em tiếp tục học theo phương thức truyền thống với các lớp khác vào thời gian sau khi hết dịch.
Việc triển khai giảng dạy trực tuyến của Nhà trường mới ở bước thí điểm, ông có thể đưa ra nhận định như thế nào về hiệu quả mà phương pháp này mang lại?
Theo tôi, một số nội dung giảng dạy trực tuyến có thể không hiệu quả như giảng dạy trực tiếp trên lớp, nhưng cơ bản đáp ứng được yêu cầu chuẩn đầu ra của môn học và chương trình đào tạo. Dạy trực tuyến là một phương pháp mới đòi hỏi giảng viên phải có sự am hiểu về công nghệ thông tin ở một mức độ nhất định, cần có thời gian thích nghi, làm quen với các phương tiện, cách thức tiếp cận... việc thay đổi phương thức giảng dạy truyền thống sang dạy trực tuyến là một thách thức với không ít giảng viên, nhất là trong giai đoạn đầu thực hiện. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây cũng là cơ hội để giảng viên thay đổi tư duy, phương pháp làm việc với sinh viên, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, nhất là đội ngũ giảng viên là những cán bộ có trình độ chuyên môn, nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, thành thạo về công nghệ... chúng tôi tin rằng, việc giảng dạy và học trực tuyến của Trường Đại học TDTT Đà Nẵng sẽ đạt hiệu quả, đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn.
Trong điều kiện của nhà trường hiện nay cùng với tình hình dịch bệnh dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài, vậy theo ông điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch học tập cũng như tốt nghiệp của sinh viên năm học 2019-2020?
Hiện tại, tổng số sinh viên theo học tại Trường Đại học TDTT Đà Nẵng là 1021 sinh viên. Việc nghỉ học tập trung dài ngày và phải giảng dạy, học tập trực tuyến như thế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch học tập cũng như kế hoạch tốt nghiệp của các em. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, quyết tâm, Ban Giám hiệu và tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Nhà trường sẽ cố gắng có những điều chỉnh và kế hoạch giảng dạy phù hợp làm sao để sinh viên vẫn nắm chắc được kiến thức cũng như đảm bảo để các em hoàn thành chương trình học theo đúng tiến độ.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
VD thực hiện