Sự thành công của Thể thao Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của y học thể thao

Những năm qua, Thể thao Việt Nam luôn khẳng định vị thế hàng đầu trên đấu trường khu vực và trong khoảng 5 năm trở lại đây, thể thao thành tích cao của Việt Nam đã có những thành công vượt trội ở các môn Olympic và SEA Games 30 vừa qua là một minh chứng rõ ràng về điều này. Có được sự thành công đó, là nhờ sự đầu tư, phát triển đồng bộ từ nhiều lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của y học thể thao. Để tìm hiểu về vấn đề này, Trang tin TDTT Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Bác sỹ Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Trung tâm Doping và y học thể thao, trưởng Tiểu Ban y học Thể thao, Tổng cục TDTT.

Bác sỹ Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Trung tâm Doping và Y học Thể thao (Ảnh: NVCC)

Y học thể thao được biết đến là một lĩnh vực riêng biệt trong chăm sóc sức khỏe cho những người tham gia các hoạt động TDTT, nhất là các VĐV thành tích cao, Bác sỹ có thể cho biết một vài nét về hệ thống y học thể thao Việt Nam?

Hiện nay, Tiểu ban y tế của Tổng cục TDTT bao gồm toàn bộ các nhân viên y tế được đào tạo chuyên ngành y học thể thao hoặc đang làm việc trực tiếp với các đội tuyển tại các Trung tâm HLTTQG và Bệnh viện Thể thao Việt Nam với tổng số khoảng hơn 40 người. Tất cả bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, điều dưỡng viên được phân công và theo sát tất cả các đội tuyển trong suốt thời gian tập luyện, thi đấu và đồng hành với các vận động viên tại các Đại hội thể thao.

Có thể nói, đây là những thuận lợi cơ bản nhất bởi họ là những người có chuyên môn cũng như kinh nghiệm, trải qua nhiều kỳ đại hội ở mọi đấu trường quốc gia cũng như quốc tế cùng với các đội tuyển khác nhau để điều trị cho các vận động viên. Mặt khác, đội ngũ này còn được tham gia nhiều đợt tập huấn do Việt Nam tổ chức và do Việt Nam phối hợp với các liên đoàn, hiệp hội y học thể thao quốc tế tổ chức nhằm giúp họ liên tục cập nhật, lĩnh hội những kiến thức y học thể thao mới nhất trên thế giới hiện nay. Và thông qua các kỳ đại hội này, các bác sỹ, kỹ thuật viên ngoài việc sử dụng chính các công việc thường xuyên hàng ngày, còn là cơ hội đào tạo để họ học hỏi cũng như tiếp nhận những công nghệ, kỹ thuật điều trị mới mà các đoàn thể thao lớn đưa đến phục vụ tại các đại hội

Thuận lợi thứ 2 là tất cả các chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ VHTTDL và lãnh đạo Tổng cục TDTT đều có sự thống nhất từ những nội dung, công tác chuyên môn để thực hiện đồng bộ trong công tác thăm khám, chuẩn đoán, điều trị và phối hợp giữa các đơn vị với nhau. Điều này có tác động rất lớn vì không bỏ sót các trường hợp bị chấn thương, các vận động viên được điều trị từ đầu và theo sát tới khi phục hồi cũng như thực hiện được một số các biện pháp phòng tránh chấn thương cho vận động viên.

Thêm nữa, là đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ làm công tác y học thể thao còn rất trẻ, có trình độ và hy vọng họ gắn bó lâu dài với thể thao. Điều này hứa hẹn, chúng ta sẽ có đội ngũ cán bộ y học thể thao vững vàng về chuyên môn và nhiều kinh nghiệm. Thực tế hiện nay, nếu so với mặt bằng chung về thu nhập đảm bảo đời sống cá nhân thì thấy có sự chênh lệch rất lớn giữa các cán bộ y học thể thao đang phục vụ tại các Trung tâm, tại các đội tuyển và tại bệnh viện với các hệ thống dân sự. Về mặt thời gian tất cả các nhân viên y tế thuộc Tiểu ban Y học Thể thao, Tổng cục TDTT đều phải thực hiện công việc như một thường trực 24/24, bởi đội ngũ này không phải làm việc theo giờ tập của vận động viên mà bất cứ thời gian nào vận động viên nằm trong đối tượng quản lý của y tế mà có vấn đề gì thì đều phải thực hiện các cuộc kiểm tra. Thu nhập cũng như công việc mang tính đặc thù như vậy nên việc xây dựng được một đội ngũ cán bộ y học thể thao giỏi về chuyên môn lẫn kinh nghiệm gắn bó lâu dài là cả một vấn đề, rất khó khăn.

Cùng với nguồn nhân lực, yếu tố cơ sở vật chất phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe VĐV hiện nay như thế nào thưa Bác sỹ?

Trang thiết bị hiện nay được quan tâm, đặc biệt là sự phát triển thể thao thành tích cao và các Bác sĩ theo các đội tuyển thu hút được sự quan tâm hơn của các đơn vị và một số doanh nghiệp. Kể từ ASIAD lần thứ 17 năm 2014, tại Incheon - Hàn Quốc đến nay, Tiểu ban y tế của Tổng cục TDTT nhận được sự hỗ trợ của một số đơn vị, tất nhiên là dừng ở mức cho chúng ta mượn, một số vật tư thiết bị y tế, họ cũng tài trợ cho hẳn. Điều nay giúp chúng ta tiết kiệm được ngân sách cũng như tiếp thu được nhiều kiến thức về trang thiết bị mới, thậm chí có một số đơn vị họ mời luôn các chuyên gia hàng đầu về vật lý trị liệu để tổ chức tập huấn, bổ túc kinh nghiệm cho các y Bác sĩ.

Trang thiết bị về y học thể thao thì thường là trang thiết bị tiên tiến về khoa học công nghệ, có thể nói là tiên tiến nhất của y học thể thao nói riêng và ngay cả y học nói chung để có thể phuc vụ được các vận động viên đỉnh cao của thế giới. Trong những năm qua, mặc dù có sự hỗ trợ về trang thiết bị, nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ, bởi nó chưa thuộc quyền sở hữu của chúng ta. Chúng ta đã thu hút được sự chú ý, hỗ trợ của các đơn vị khác, nhưng bản thân chúng ta tự trang bị thì nói chung còn thiếu rất nhiều. Và đây chính là một trong khó khăn lớn đối với Tiểu ban khi triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, sự phát triển của nhân lực cũng cần phải có những cái đồng bộ hơn. Có những Trung tâm cũng chưa đầy đủ bộ phận y tế theo các chức năng và có những đơn vị chưa có những kế hoạch chăm sóc hoặc là những quy trình chuẩn để thực hiện công tác y học. Chính vì thế, rất cần thiết phải xây dựng hệ thống tuyến, tức là hệ thống chỉ đạo đồng bộ về công tác chuyên môn từ trên cao xuống dưới thấp để tất cả các bộ phận hoạt động. Hiện nay đội ngũ cán bộ y học thể thao đi phục vụ các đội tuyển thường chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn nhưng nếu công tác này diễn ra thường xuyên trong cả một năm thì đòi hỏi phải có một hệ thống chỉ đạo theo cấp độ phân tuyến thì mới có thể triển khai tốt được những cái đó.

Một thực tế là tình trạng các vận động viên xin được ra nước ngoài điều trị, dù việc điều trị trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được, vậy đâu là lý do thưa ông?

Với nguồn nhân lực cũng như trang thiết bị hiện nay, chúng ta hoàn toàn thực hiện được nhiều phẫu thuật ở trong nước, tuy nhiên trình độ phát triển về khoa học y học thể thao của Việt Nam với các nước có nền thể thao phát triển và nền y học tiên tiến vẫn còn một khoảng cách. Đây là điều chúng ta cần phải thừa nhận, bởi chúng ta vẫn chưa quy tụ được đội ngũ chuyên gia y tế lành nghề nhất, có trình độ chuyên môn cao nhất để phục vụ riêng cho ngành thể thao, trong khi các nước khác, hệ thống y học thể thao phát triển đến mức họ đã có đội ngũ chuyên gia y tế riêng ở mức độ chuyên môn cao. Cho nên, khi một vận động viên đỉnh cao bị chấn thương, họ có nhiều sự lựa chọn và cũng nhận được nhiều sự quan tâm khác từ các nguồn tài trợ về kinh phí. Thêm nữa, chính bản thân vận động viên cũng có thể tự đưa đề xuất lựa chọn việc chữa trị của họ. Vậy nếu như họ lựa chọn chương trình điều trị tại nước ngoài, theo chúng tôi đó là một điều dễ hiểu và là một quy luật.

Đây được coi là một thách thức và chúng ta cần phải cố gắng đẩy mạnh sự phát triển của y học thể thao Việt Nam để đáp ứng được các đòi hỏi ngày càng cao của Thể thao Việt Nam. Tuy nhiên sau đó chúng ta cũng phải có cách thức hướng dẫn trong điều trị, quản lý vận động viên để làm sao, những trường hợp nào chúng ta thấy thật sự cần thiết việc điều trị ở nước ngoài là đáp ứng tốt. Bởi vì điều trị cho một vận động viên khác với điều trị cho một người bình thường. Một người bình thường trong một trường hợp có thể điều trị trong nước, nhưng với vận động viên do tuổi nghề, tính chất tập luyện, và thi đấu đòi hỏi việc chữa trị ngặt nghèo hơn, cho nên việc lựa chọn điều trị ở nước ngoài là một tất yếu.

Trong bối cảnh hiện nay, bệnh viêm phổi cấp do vi rút corona đang có những ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tập huấn, thi đấu của vận động viên các đội tuyển, ngoài các khuyến cáo từ Bộ Y tê, Bác sỹ có đưa ra lời khuyên gì đối với các vận động viên trong việc đảm bảo sức khỏe của mình để chuẩn bị cho các giải thi đấu cấp châu lục và thế giới, gần nhất là Olympic Tokyo 2020 sắp tới?

Như chúng ta đã biết, dịch viêm phổi cấp do vi rút corona hiện đang có những diễn biến phức tạp và để phòng tránh sự lây lan, ngoài việc nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục TDTT về việc tạm hoãn tổ chức các giải thi đấu thể thao trong tháng 2, các đội tuyển, nhất là các vận động viên đội tuyển quốc gia đang chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 hay các giải thể thao quốc tế khác cần tuân thủ tuyệt đối các khuyến cáo từ Bộ Y tế về các biện pháp phòng, tránh dịch.

Bên cạnh đó, các huấn luyện viên, vận động viên các đội tuyển cần phải thường xuyên cập nhật tin tức chính thống từ Ban phòng chống dịch quốc gia để kịp thời nắm bắt và có những tính toán về tập huấn, thi đấu cho phù hợp, tránh trường hợp tiếp nhận những thông tin sai lệch trên mạng xã hội hay các kênh thông tin không có địa chỉ rõ ràng, gây hoang mang và ảnh hưởng không tốt đến tâm lý cũng như sức khỏe của vận động viên.


VD

Ảnh trong bài
  • Sự thành công của Thể thao Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của y học thể thao
  • Sự thành công của Thể thao Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của y học thể thao