Thế giới có các loại hình tổ chức thể thao như sau: 1- Thể thao nhà nghề, có ở khoảng 15 môn; 2- Thể thao thi đấu chính quy, có ở các môn thi đấu trong Đại hội thể thao Olimpic; 3 - Thể thao phi chính quy, tức thể dục thể thao nghiệp dư hay còn gọi là thể dục thể thao cho mọi người.
Về đặc điểm của từng loại hình tổ chức thể thao nêu trên, có thể thấy đặc điểm của thể thao nhà nghề là các câu lạc bộ thể thao nhà nghề có trình độ thi đấu cao tầm cỡ quốc tế; Các câu lạc bộ thể thao nhà nghề đều là các doanh nghiệp, nhờ kinh doanh có lãi để tồn tại; Các câu lạc bộ thể thao nhà nghề đều có người chủ sở hữu đủ quyền hạn chi phối, trả lương cho vận động viên, thậm chí có quyền bán câu lạc bộ.
Đặc điểm của thể thao thi đấu chính quy: Vận động viên được huấn luyện, thi đấu chính quy trong hệ thống thể thao Olimpic; thể thao thi đấu chính quy ở các quốc gia đều nhờ nguồn tài chính từ xã hội là chính, nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng thấp. Còn đối với đặc điểm của loại hình thể dục thể thao nghiệp dư:Vận động viên tự nguyện tham gia hoạt động thể dục thể thao và Vận động viên tự túc về kinh phí.
Loại hình tổ chức thể thao chuyên nghiệp chỉ có ở Trung Quốc, Việt Nam và số ít quốc gia xã hội chủ nghĩa. Ở Trung Quốc, các môn thi đấu tại Đại hội thể thao Olimpic được nhà nước lo toàn bộ về nguồn tài chính, vì vậy họ gọi là loại hình thể thao chuyên nghiệp (thay cho loại hình thể thao thi đấu chính quy). Vận động viên được hưởng theo bảng lương biên chế nhà nước của vận động viên chuyên nghiệp ngay từ khi được huấn luyện tập trung. Tuy nhiên, môn Bóng đá nam của Trung Quốc là môn duy nhất được thí điểm thể thao nhà nghề. Nhưng Bóng đá nhà nghề của Trung Quốc còn nhiều khó khăn, mới chỉ có 1 câu lạc bộ bóng đá nhà nghề kinh doanh có lãi.
Ở Việt Nam, thể thao chuyên nghiệp được đưa vào Luật Thể dục, Thể thao năm 2006: “Thể thao chuyên nghiệp là hoạt động thể thao, trong đó huấn luyện viên, vận động viên lấy huấn luyện, biểu diễn, thi đấu thể thao là nghề của mình”. Theo đó, môn Bóng đá nam được chọn là môn thể thao chuyên nghiệp, đã có giải bóng đá chuyên nghiệp cách đây 17 năm. Vận động viên bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm, cũng có nghĩa là họ đủ sống bằng nghề bóng đá. Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là sự khởi đầu của quá trình rất dài chuyển đổi sang bóng đá nhà nghề. Đương nhiên, sự khởi đầu này còn tiểm ẩn nhiều hạn chế, còn nảy sinh không ít sự ấu trĩ, tiêu cực, trước tiên do câu lạc bộ chuyên nghiệp chưa có ông chủ sở hữu với đủ mọi quyền hạn.
Trong quá trình dài chuyển từ chuyên nghiệp sang nhà nghề, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cần được tạo những điều kiện thiết yếu sau đây: Thứ Nhất, cần được tạo thị trường để hình thành và phát triển bóng đá nhà nghề sau khi nước ta trở thành quốc gia công nghiệp, có nền kinh tế thị trường đầy đủ; Thứ Hai, cần được nhà nước có chính sách hỗ trợ đặc biệt để các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp có tài sản, có vốn kinh doanh; Thứ Ba, tạo điều kiện bắt buộc câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp tự kinh doanh có lãi, từ đó mới có người chủ sở hữu thực sự chi phối câu lạc bộ; Thứ Tư, Nhà nước và VFF có quy hoạch từ ngắn hạn đến dài hạn, quyết liệt thực thi quy hoạch đưa trình độ thi đấu bóng đá Việt Nam theo kịp trình độ quốc tế, mới có thể từng bước mở rộng thị trường bóng đá.
Thực chất bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn khác biệt so với quốc tế (mà ta gọi là xã hội hóa hoạt động bóng đá). Đây mới là giai đoạn khởi đầu để trở thành bóng đá nhà nghề.
GS.TS Dương Nghiệp Chí