Năm 2017, Thể thao Việt Nam hướng đến nhiều mục tiêu

Năm 2016, Thể thao Việt Nam tròn 70 tuổi và cũng là năm có nhiều kỳ tích mới được thiết lập. Từ Thể thao thành tích cao đến Thể thao quần chúng đã tạo nên những cột mốc lịch sử quan trọng đưa Thể thao Việt Nam bước sang một trang mới. Với những thành tích vang dội gặt hái được trong năm qua, nhân dịp chuẩn bị đón Xuân Đinh Dậu, phóng viên Trang tin TDTT Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện
(Ảnh: Y Trang)
Thưa Bộ trưởng, có thể nói năm 2016 thành tích của Thể thao Việt Nam thành công xuất sắc, Bộ trưởng có nhận định gì về điều này?

Năm 2016 là một cột mốc đáng nhớ đối với Thể thao Việt Nam bởi những thành tích cực kỳ ấn tượng, và mang tầm cỡ thế giới. Chính thành tích vươn tầm thế giới của vận động viên Hoàng Xuân Vinh (Huy chương Vàng môn Bắn súng tại Olympic 2016) và Lê Văn Công (Huy chương Vàng môn Cử tạ tại Paralympic 2016) mang ý nghĩa rất to lớn trong việc thúc đẩy thành tích cũng như tinh thần đối với những thế hệ vận động viên Việt Nam sau này.  

Thành tích đó, càng trở nên ý nghĩa hơn khi nó được tỏa sáng đúng vào năm ngành Thể dục Thể thao Việt Nam tròn 70 tuổi. Với ý trí, sự nỗ lực vươn lên của vận động viên, huấn luyện viên trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn và sự đầu tư cho ngành Thể dục Thể thao nước nhà khá hạn hẹp, khiêm tốn thì thành công đó khiến cho bạn bè quốc tế thêm trân trọng, nể phục vận động viên Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Ngoài ra, còn có những thành tích nổi bật khác cũng rất đáng biểu dương như: Futsal Việt Nam lập kỳ tích khi lọt vào vòng 1/8 World Cup 2016, tuyển U19 Việt Nam lần đầu tiên giành vé đến Hàn Quốc dự vòng chung kết U20 thế giới 2017, hay thành tích của nữ vận động viên Bơi tài năng như Nguyễn Thị Ánh Viên, thành tích của môn Bóng bàn gần đây cũng đã có sự khởi sắc...

Cùng với đó, Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á lần thứ V tại Đà Nẵng với sự tham dự của trên 3.238 vận động viên, huấn luyện viên đến từ 41 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á. Đoàn Thể thao Việt Nam đã xuất sắc xếp vị trí nhất toàn đoàn với 139 huy chương các loại...

Hoạt động Thể thao quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ về cả bề rộng lẫn chiều sâu. Tính đến hết năm 2016, số người tập luyện Thể dục Thể thao thường xuyên ước đạt 29,53% tăng 0,7% so với năm 2015. Công tác phối hợp với các Bộ, ngành để tổ chức hiệu quả các giải Thể thao, nhìn chung các hoạt động đó được diễn ra sôi nổi, đa dạng, các chỉ tiêu về TDTT quần chúng có bước phát triển.

Với nền tảng thành tích đó, mục tiêu mà Thể thao Việt Nam hướng đến trong năm 2017 là gì, thưa Bộ trưởng?

Chúng ta vẫn tham gia các giải đấu thế giới, châu lục, khu vực cũng như các giải đấu trong nước theo kế hoạch công tác năm của ngành. Tuy nhiên, trong năm 2017, có lẽ sự kiện Thể thao được nhiều người biết đến nhất đó chính là SEA Games 29 diễn ra vào tháng 8 năm 2017 tại Malaysia. Tại sự kiện này, mục tiêu mà đoàn Thể thao Việt Nam hướng đến là nằm trong top các nước dẫn đầu về thành tích. Để làm tốt việc này, từ nhiều tháng qua, các vận động viên của những môn Việt Nam đăng ký tham dự đã, đang ráo riết tích cực tập luyện. Có thể coi sự kiện này là cơ hội tốt giúp các nhà quản lý Thể thao Việt Nam rà soát lực lượng chuẩn bị cho các Đại hội Thể thao quốc tế lớn trong Châu lục và thế giới trong thời gian tới. 

Nói như vậy, không có nghĩa sân chơi SEA Games chỉ là tiền đề, không được chú trọng, bởi đấu trường này cũng có độ khắc nghiệt riêng trong đó nhiều nội dung có sự tham gia tranh tài của những vận động viên đã vươn tới tầm thế giới như: Cầu lông, Taekwondo, Bơi, Cử tạ, Bóng bàn, Bóng chuyền… Không dễ để vận động viên Việt Nam giành Huy chương Vàng ở những môn Thể thao trên nên SEA Games cũng là thử thách thực sự, mà các vận động viên Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn mới có thể tỏa sáng để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu mà ngành đặt ra.

Song, thay vì chỉ chăm lo cho mục tiêu vào nhóm ba đoàn dẫn đầu, từ sân chơi này ngành Thể dục Thể thao Việt Nam hướng tới kiểm tra trình độ, khả năng giành Huy chương của các vận động viên Việt Nam ở những môn Thể thao nằm trong chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD. Về đường dài, sau SEA Games 29 mục tiêu dài hơi mà Thể thao Việt Nam hướng tới trong thời gian tới chính là đấu trường ASIAD 2018 và Olympic 2020. Những đấu trường này, sẽ giúp Thể thao Việt Nam tiếp tục được nâng tầm hơn (nếu chúng ta đạt thành tích tốt).

Như vậy, có nghĩa ngành Thể dục Thể thao đang tập trung đầu tư trọng điểm cho các môn Thể thao trọng điểm để cùng lúc hướng tới nhiều mục tiêu khác nhau. Cùng với đó, các vận động viên trẻ tài năng như Ánh Viên, Phương Trâm... hay nhiều gương mặt trẻ Thể thao tài năng ở các môn khác vẫn tiếp tục được ngành Thể dục Thể thao phối hợp với các đơn vị, nhà tài trợ quan tâm đầu tư. 

Thưa Bộ trưởng, vấn đề chế độ chính sách đối với vận động viên đỉnh cao sau khi giải nghệ luôn là điều khiến các nhà quản lý cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực này trăn trở, vậy Bộ trưởng có thể chia sẻ về điều này?

Không chỉ có vận động viên đỉnh cao mà còn rất nhiều nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng vậy, câu chuyện về chế độ đãi ngộ của Nhà nước, của ngành đối với họ khiến chúng ta rất trăn trở, suy nghĩ và tìm cách giải quyết. Đây là vấn đề lớn, không thể giải quyết trong một sớm một chiều, cần có lộ trình về thời gian cũng như sự hỗ trợ, đồng thuận phối hợp từ các Bộ, ban, ngành liên quan cũng như sự quan tâm của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp chứ không thể chỉ trông chờ vào chính sách của nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao luôn cố gắng xây dựng các văn bản, quy định về chính sách đãi ngộ đối với vận động viên sau khi hết thời kỳ đỉnh cao. Việc làm này, trong vài năm trở lại đây cũng đã có những chuyển biến tích cực. Việc thăm hỏi các vận động viên đỉnh cao khi gặp khó khăn trong cuộc sống đã được các nhà quản lý, Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao chú ý quan tâm nhiều hơn.

Như chúng ta biết, các vận động viên đều tập luyện, thi đấu cống hiến hết mình và họ đã mang nhiều vinh quang về cho Tổ quốc. So với mặt bằng chung của xã hội hiện nay, thu nhập của hầu hết vận động viên, kể cả tuyển thủ quốc gia mới ở mức trung bình. Trong khi đó, việc tập luyện thi đấu ngày càng có nhiều rủi ro và nguy cơ. Chính vì thế, ngành Thể thao, cũng nỗ lực hết khả năng để mong sao có cơ chế đãi ngộ tốt nhất với các vận động viên.

Tổng cục TDTT cũng đã thành lập “Quỹ hỗ trợ vận động viên” để có một nguồn kinh phí riêng đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp vận động viên hay cựu vận động viên bị tật bệnh, chấn thương hay có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, với số lượng vận động viên cả nước lên tới hàng nghìn như hiện nay, trong khi kinh phí chữa trị chấn thương trong Thể thao lại vô cùng lớn, nên “Quỹ hỗ trợ vận động viên” cũng cần có sự giúp đỡ của xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện này!

N. H

Ảnh trong bài
  • Năm 2017, Thể thao Việt Nam hướng đến nhiều mục tiêu