Phát triển TDTT theo quan điểm của Đảng ta phải đảm bảo tính dân tộc, tính khoa học và nhân dân. Đó là : Nội dung, hình thức tổ chức hoạt động TDTT phải mang bản sắc dân tộc, vì mục đích và lợi ích của dân tộc phù hợp với tâm lý, tập quán và điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thồng của từng địa phương. Quan tâm khai thác và phát triển các trò chơi, các môn thể thao dân tộc, các truyền thống văn hóa tốt đẹp, hạn chế xóa bỏ các tập tục lạc hậu.
Tính khoa học đòi hỏi phải: Kế thừa, chọn lọc các tri thức về TDTT của nhân loại, kết hợp những thành tựu hiện đại với truyền thống của dân tộc. Đảm bảo mọi nội dung, biện pháp tổ chức, quản lý và phương pháp luyện tập TDTT của quần chúng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu phát triển của đất nước trong từng thời kỳ cũng như công tác huấn luyện, đào tạo VĐV phải phù hợp với các quy luật sinh lý, tâm lý và xã hội của con người.
Tính nhân dân phải thể hiện được: Phát triển TDTT rộng khắp mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi, mọi đối tượng, mọi địa bàn dân cư. Làm cho việc rèn luyện thân thể trở thành nhu cầu, thói quen hàng ngày của đông đảo nhân dân. Làm cho mọi người dân đều có cơ hội tham gia rèn luyện thân thể, đều có cơ hội tập luyện và hưởng thụ những giá trị nhân văn của TDTT đồng thời phát huy vai trò chủ động và sáng tạo của mình trong việc tham gia tổ chức, điều hành các hoạt động TDTT cũng như phát triển sự nghiệp TDTT của nước ta.
|
Phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh mẽ (Ảnh:H.Tình ) |
Kết hợp phát triển phong trào TDTT quần chúng với xây dựng lực lượng VĐV, nâng cao thành tích thể thao là phương châm quan trọng đảm bảo cho TDTT phát triển nhanh và đúng hướng. Phát triển TDTT quần chúng thực chất là quá trình tổ chức, vận động và hướng dẫn với nhiều hình thức, biện pháp đa dạng làm cho hoạt động này trở thành thói quen, nếp sống của đông đảo nhân dân. Phát triển TDTT quần chúng luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của công tác TDTT trong suốt 70 năm qua của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Với những quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về thể dục thể thao xuyên suốt, được thể hiện trong từng giai đoạn của Cách mạng Việt Nam, công tác Thể dục thể thao đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp “xây dựng nước nhà, gây đời sống mới”. Với phong trào “Khỏe vì nước” ngay từ những ngày đầu của năm 1946, hưởng ứng lời Hô hào đồng bào tập thể dục của Bác Hồ 27/3/1946, hàng vạn thanh niên và đồng bào ta đã noi theo tấm gương của Bác tập luyện thể thao, rèn luyện thân thể để có sức khỏe kiến thiết quốc gia và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến thần thánh chống xâm lược Pháp.
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đất nước tạm thời bị chia cắt, nhân dân ta ở Miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Miền Bắc tiến hành xây dựng xã hội chủ nghĩa làm hậu phương vững chắc để Miền Nam chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược. Những năm 60 của thế kỷ XX, ở Miền Bắc, phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ, nhiều thanh niên nhất là học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đủ thể lực để tham gia quân đội, thanh niên xung phong và lao động tại các nông, lâm trường, xí nghiệp, nhà máy.
Có thể thấy rất rõ từ các phong trào luyện tập chạy, nhảy, bơi, bắn, võ dân tộc như phong trào Bơi Yết Kiêu, Chạy Quang Trung, rèn vai trăm cân luyện chân ngàn dặm, Bơi Vượt sông Bạch Đằng…và phong trào thể dục vệ sinh trong trường học với các điển hình tiên tiến như Tán Thuật, Bắc Lý v.v. Những phong trào thể dục thể thao quần chúng, “rèn luyện thân thể để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc” ấy đã góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, để Hậu phương lớn Miền Bắc chi viện cho Tiền tuyến lớn miền Nam “Thóc không thiếu một cân, Quân không thiếu một người” đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất Đất nước.
Sau ngày thống nhất, cả nước đi lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phong trào thể dục thể thao quần chúng kế thừa và phát huy truyền thống làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Mỗi người lúc ngủ dậy tập ít phút thể dục thì khí huyết lưu thông tinh thần đầy đủ, vậy là sức khỏe” và với tinh thần, trách nhiệm được Đảng và Nhà nước giao “khuyên dạy đồng bào tập thể dục”, ngành Thể dục thể thao không ngừng được xây dựng lớn mạnh đã thực hành thể dục cho đông đảo quần chúng nhân dân qua các biện pháp phát triển thể dục thể thao quần chúng như xây dựng chế độ chính sách khuyến khích đồng bào tập thể dục, đầu tư từ ngân sách Nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất thể dục thể thao ở cơ sở, đào tạo đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên thể dục thể thao ở cơ sở xã phường thị trấn, cán bộ, cộng tác viên thể dục thể thao trong các đơn vị lực lượng vũ trang và cơ quan xí nghiệp, giáo viên thể dục thể thao trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Nhiều đơn vị lực lượng vũ trang, trường học, cơ quan, xí nghiệp, xã, phường, thị trấn và cả cấp huyện đạt danh hiệu “Đơn vị tiên tiến về Thể dục thể thao”, đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, công tác thể dục thể thao đã sớm chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ, nhiều câu lạc bộ tự nguyện ra đời do sáng kiến của những người tâm huyết với công tác thể dục thể thao đứng ra vận động quần chúng cùng tập luyện và hướng dẫn người khác tập luyện. Nhiều cách làm sáng tạo của các địa phương, ngành đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội như động có hiệu quả của các cụm Văn hóa-Thể thao liên kết giữa các Công đoàn trong khu vực của Hà Nội, Hải Phòng; phong trào tuổi trẻ rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ của Thành Phố Hồ Chí Minh; phong trào hiến đất làm sân thể thao ở cơ sở của nhiều địa phương v.v.
Phong trào đã từ tự phát dần trở thành tự giác dưới sự chỉ đạo của ngành Thể dục thể thao từ Trung ương xuống cơ sở. Ở Trung ương, Ủy ban Thể dục thể thao đã phát động cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại từ năm 2000 đến 2010 đã thu hút hàng triệu người hưởng ứng góp phần đưa số người rèn luyện thân thể, tập thể dục thường xuyên lên 18% năm 2010 và năm 2012. Sau tổng kết Chỉ thị 17/CT-TW của Ban bí thư Trung ương Đảng về phát triển Thể dục thể thao đến 2010, Bộ Chính trị Ban hành Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 01 thngs 12 năm 2011 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến 2020.
Triển khai Nghị quyết này tháng 5 năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động giai đoạn II (2012-2020) Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và chung tay xây dựng nông thôn mới đã tạo nên phong trào thể dục thể thao quần chúng có chất lượng bền vững và phát triển rộng khắp trên toàn quốc. Tính đến hết năm 2015 cả nước đạt 28,3% số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên; 20,1% số gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Tỷ lệ cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 90,2%;tỷ lệ cán bộ chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đạt 97%. Tỷ lệ học sinh sinh viên tham gia tập luyện thể dục thể thao ngoại khóa đạt 71%.
Đạt được những kết quả đáng khích lệ này là nhờ vào sự thể chế hóa quan điểm, đường lối phát triển thể dục thể thao của Đảng bằng sự lãnh đạo sát sao của các Cấp Ủy Đảng, Chính quyền và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân thể hiện bằng việc Quốc hội khóa XI năm 2006 đã ban hành Luật Thể dục, thể thao tạo hành lang pháp lý để toàn dân thực hiện, chăm lo sự nghiệp rèn luyện sức khỏe vì “Dân cường thì quốc thịnh”. Triển khai luật Thể dục, thể thao cùng với hệ thống pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiềm năng cho phát triển thể dục thể thao quần chúng được khơi dậy. Nguồn lực đầu tư cho phát triển thể dục thể thao quần chúng đã được huy động mạnh mẽ từ xã hội và nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã và đang phát huy hiệu quả. Hàng vạn câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở theo mô hình tự nguyện được ra đời hoạt động thường xuyên là minh chứng cho đường lối phát triển đúng đắn đó ( cả nước có khoảng trên 70.000 CLB thể thao cơ sở).
Hàng năm có hàng ngàn giải thể thao quần chúng được tổ chức từ Trung ương đến cơ sở bằng nguồn kinh phí do xã hội tự đảm nhiệm đã góp phần không nhỏ thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao và nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân. Nhiều sự kiện thể dục thể thao quần chúng được tổ chức thường niên đã trở thành nét độc đáo, nhu cầu không thể thiếu trong đời sống cộng đồng dân cư như Festival đua Ghe ngo của đồng bào Khơmer Nam Bộ, Festival quốc tế Võ cổ truyền Bình Định; Các giải Vật dân tộc đầu xuân trên khắp làng quê Bắc bộ… Năm 2015, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đã phát động và tổ chức Ngày Chạy Olympic vì sức khỏe nhân dân đồng loạt trên địa bàn 7923 xã, phường, thị trấn vào dịp 27/3 kỷ niệm Ngày Thể thao Việt Nam, thu hút hơn 4 triệu người tham gia, đây sẽ là hoạt động thể dục thể thao quần chúng thường niên vào dịp kỷ niệm thành lập Ngành Thể dục thể thao. Năm 2016 phấn đấu có khoảng 7 triệu người cùng chạy trong ngày chạy Olympic vì sức khỏe nhân dân.
Hàng chục môn thể thao hiện đại của phong trào Olympic và những môn thể thao mới, giải trí trên thế giới du nhập vào Việt Nam được quần chúng lựa chọn tập luyện bên cạnh những môn thể thao dân tộc và những phương pháp rèn luyện thân thể cổ truyền đã tạo nên một sự hội nhập sâu sắc giữa các môn thể thao dân tộc với quốc tế. Đồng thời việc bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc đã góp phần quảng bá giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam với bạn bè trên thể giới.
Công tác Thể dục thể thao quần chúng đã ngày càng thực hiện tốt quan điểm nhân dân, đại chúng của Đảng, không chỉ với người bình thường là học sinh, sinh viên, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ công chức, công nhân và người lao động trong mọi thành phần kinh tế, nông dân, trí thức, mà với mọi đối tượng trong xã hội đã được quan tâm bằng các chính sách cụ thể như thể dục thể thao đối với người cao tuổi, hàng năm cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao phối hợp với Hội người cao tuổi các cấp tổ chức hướng dẫn tập luyện và thi đấu thể thao cho người cao tuổi; chăm lo thể dục thể thao cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số, miền núi; thể thao cho người khuyết tật và thể thao cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và với cả đối tượng đang trong các cơ sở xã hội giáo dưỡng và trại giam./.
Vũ Trọng Lợi