Những chính sách bảo vệ quyền lợi cho VĐV của Trung Quốc

Chia sẻ về vấn đề này, Ủy viên Ủy ban Di sản Văn hoá và Olympic thuộc Ủy ban Olympic quốc tế, ông Hầu Côn cho biết, việc bảo vệ quyền lợi của các vận động viên và giải quyết việc làm cho các vận động viên giải nghệ luôn là một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong lĩnh vực thể thao.

Tổng cục Thể thao Trung Quốc và Ủy ban Olympic Trung Quốc đã và đang nỗ lực cải thiện và ngày càng làm tốt hơn.

Một số vận động viên lựa chọn học Đại học để tạo nền tảng cho sự nghiệp sau khi giải nghệ (Ảnh: en.people.cn)

Ông Hầu Côn cũng lấy ví dụ về môt VĐV Trung Quốc là Ngô Tĩnh Ngọc, mặc dù hai lần đoạt huy chương vàng Olympic và 4 lần tham dự Olympic, hiện nay cũng làm việc tại Hiệp hội Taekwondo Trung Quốc.

Từ khi chưa là nhà vô địch Olympic, Ngô Tĩnh Ngọc đã bắt đầu được học khóa đào tạo chuyển đổi giải nghệ của VĐV, khi đó, người dạy là bà Dương Dương, nhà vô địch Olympic mùa đông đầu tiên của Trung Quốc, hiện giữ chức Phó Chủ tịch Cơ quan chống doping thế giới. Hơn 10 năm trước, Tổng cục Thể thao Quốc gia đã sắp xếp công tác cho bà Dương Dương với tư cách là đại diện VĐV ưu tú để chia sẻ sự nghiệp thể thao cũng như chuẩn bị tâm lý và suy nghĩ về việc chuyển đổi công việc sau khi giải nghệ cho các VĐV trẻ  như Tĩnh Ngọc. Điều này rất có ý nghĩa thực tế đối với các VĐV trẻ, bởi vì vai trò dẫn dắt của thần tượng rất quan trọng.

Chính phủ coi trọng việc phát triển và bảo vệ các VĐV, đã thành lập các cơ quan chuyên môn, ban hành một loạt chính sách, cung cấp quỹ chuyên môn và không ngừng tăng cường quản lý tuyển dụng VĐV, phân phối thu nhập, giáo dục văn hóa, bảo hiểm xã hội, hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng và hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm cho VĐV… Một số tổ chức phúc lợi xã hội cũng tích cực tham gia vào các công việc liên quan, chẳng hạn như Quỹ giáo dục VĐV thể thao Trung Quốc và Quỹ nhà vô địch.

Ủy ban Olympic Trung Quốc cũng đã thành lập Ủy ban VĐV, hiện do một thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế và cũng là nhà vô địch Olympic mùa đông đã giải nghệ Trương Hồng làm chủ tịch, tổ chức các hoạt động liên quan để giúp các VĐV đang thi đấu và đã giải nghệ giải quyết các vấn đề thực tế mà họ gặp phải và phản ánh với với các bộ phận liên quan.

Đối với các VĐV đạt thành tích xuất sắc, ngành thể thao các địa phương sẽ bố trí công tác theo chế độ chính sách. Đối với các VĐV tự lựa chọn nghề nghiệp của mình, các Sở ngành thể thao địa phương cũng sẽ cung cấp một số khoản trợ cấp nhất định dựa trên dữ liệu tổng hợp như số năm phục vụ và thành tích của họ. Các Sở, ngành thể thao trên khắp cả nước sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn nghề nghiệp, đào tạo chuyển đổi, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp cho các VĐVđã giải nghệ. Các tổ chức phúc lợi xã hội như: Quỹ các nhà vô địch cũng có thể cung cấp cho khoảng 800 VĐV và VĐV đã giải nghệ chương trình đào tạo tương ứng về kỹ năng, tâm lý và lập kế hoạch nghề nghiệp hàng năm.

Bên cạnh đó, ông Hầu Côn cũng chỉ ra một điểm mạnh của các chính sách bảo vệ vận động viên là cách đây rất lâu, các quy phạm pháp luật và bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc về  tuyển chọn VĐV đã rất hoàn chỉnh. Có hệ thống bảo đảm đầy đủ từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương. Từ việc lựa chọn nhân tài đến việc ký kết và đến việc huấn luyện đều minh bạch và công bằng, các thành viên trong gia đình cũng có quyền được biết và có quyền hiệp thương.

Một lần nữa, ông Hầu Côn đưa ra ví dụ về VĐV Tĩnh Ngọc được chọn để đưa đi huấn luyện vào năm 12 tuổi - đang học năm đầu tiên của cấp 2 khi được nhận định là hạt giống tốt để tập Taekwondo. Sau khi Tĩnh Ngọc và bố mẹ đồng ý, đầu tiên là ký hợp đồng với trường thể thao thành phố để tiến hành huấn luyện và tham gia thi đấu, sau khi đạt được thành tích tốt, lại ký hợp đồng với đội tuyển của tỉnh để tiến hành tập huấn và thi đấu, cuối cùng gia nhập đội tuyển quốc gia. Trong thời gian này, gia đình của cô ấy đều  nắm rõ hoàn cảnh của cô, Cục thể thao các cấp sẽ chịu trách nhiệm về việc ăn ở, đi lại và cả bảo hiểm cho các VĐV, không có tình trạng gián đoạn hoặc bỏ trống.

Ngoài ra, với Luật thể thao của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới được sửa đổi chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2023, cũng cung cấp sự bảo vệ pháp lý và các yêu cầu cụ thể cho việc tái tuyển dụng và chuyển đổi việc làm của các VĐV đã giải nghệ. Đây cũng là một bước hết sức quan trọng.

Trên thực tế cho thấy vấn đề sắp xếp công việc cho các VĐV sau khi họ giải nghệ không chỉ liên quan đến lợi ích sống còn của các VĐV mà còn liên quan đến việc xây dựng các đội ngũ thể thao, càng liên quan đến sự phát triển bền vững và lành mạnh của các môn thể thao thi đấu. Chỉ bằng cách giải tỏa nỗi lo của họ, gia đình và vận động viên mới yên tâm theo và cống hiến cho sự nghiệp Thể dục thể thao, chúng ta mới có thể nhìn thấy được nhiều VĐV giỏi cố gắng thi đấu hết mình, vì màu cờ sắc áo của quốc gia.

Lan anh ghi

Ảnh trong bài
  • Những chính sách bảo vệ quyền lợi cho VĐV của Trung Quốc