Trung Quốc đã trải qua những khó khăn nào để vươn lên trở thành một cường quốc thể thao

Sự đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc vào thể thao mang lại những thành công vang dội. Quốc gia này đã vươn lên trở thành cường quốc thể thao trên thế giới, thường xuyên đứng đầu Bảng tổng sắp huy chương tại các kỳ Thế vận hội. Thành công này mang lại cho Trung Quốc niềm tự hào dân tộc và nâng cao vị thế quốc tế của họ.

Trả lời cho câu hỏi này, Giáo sư Hà Văn Nghĩa - Tổng thư ký Cơ sở Nghiên cứu Kinh tế thể thao Trung Quốc của trường Đại học Bắc Kinh, Giáo viên Lớp vận động viên vô địch Olympic cho biết: hiện nay, ngành thể thao Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng từ “phát triển tốc độ trung bình” sang “phát triển chất lượng cao”. Trong quá trình chuyển đổi ngành nghề, những khó khăn mà Trung Quốc đang đối mặt chủ yếu bao gồm những điểm sau:

Không chỉ là cường quốc của các môn thể thao mùa hè, Trung Quốc còn cho thấy sự xuất sắc ở những môn thể thao mùa đông (ảnh: thatsmags.com)

Thứ nhất, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa thể chế quốc gia/công cụ hành chính và cơ chế thị trường. Mô hình quản lý thể thao của Trung Quốc chủ yếu dựa vào các chính sách và biện pháp quản lý hành chính “từ trên xuống”, mô hình quản lý như vậy can thiệp quá nhiều vào sự phát triển của ngành thể thao, dễ dẫn đến sự kém công bằng và không đủ đầu tư tài chính cho ngành thể thao. Quán tính của thể chế của một “chính quyền mạnh” và lối tư duy cố định trong ngành thể thao, ở một mức độ nhất định đã hạn chế sự phát huy đầy đủ vai trò của cơ chế thị trường.

Thứ hai là sự phát triển không cân đối và không đầy đủ theo khu vực của ngành thể thao. Nhìn chung, quy mô của ngành thể thao ở các khu vực phát triển phía Đông cao hơn ở khu vực Trung Tây; quy mô của ngành thể thao ở các thành phố cấp 1 và mới lên cấp 1 cao hơn các thành phố cấp 2, cấp 3, cấp 4; quy mô ngành thể dục thể thao ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn.  Khi chính sách được xúc tiến, sự khác biệt trong khu vực có xu hướng thu hẹp.

Thứ ba là sự hội nhập, phát triển của ngành thể thao.  Bản thân ngành thể thao có đặc điểm tương quan chặt chẽ và có thể hội nhập sâu rộng với các ngành khác, từ đó giải phóng và mở rộng lợi ích kinh tế và xã hội của chính mình. Nhưng hiện tại con đường phát triển hội nhập của ngành thể thao chưa đủ rõ ràng, chưa cho thấy  kết quả, mức độ hội nhập chưa cao, điều này cho thấy cần phải có nhu cầu nâng cấp hội nhập giữa thể thao và du lịch, thể thao và y học, thể thao và giáo dục, thể thao và khoa học.

Thứ tư là vấn đề số người chơi thể thao và đào tạo nhân tài thể thao. Về đào tạo số người chơi thể thao, xét từ góc độ tổng số nhân tài, việc mở rộng ngành thể thao ngày càng thu hút nhân tài, nhưng khuyết điểm lịch sử về thiếu hụt nhân tài trong ngành thể thao vẫn còn nổi bật. Từ góc độ kết cấu nhân tài, cùng với sự phát triển có chiều sâu của ngành thể thao, mâu thuẫn mang tính cơ cấu về nhân tài trong ngành thể thao khá nổi bật, biểu hiện nổi bật là ít có nhân tài mới và nhân tài tổng hợp trình độ cao.

Thứ năm là vấn đề tiêu dùng thể thao. Hiện mức độ tiêu dùng thể thao ở Trung Quốc chưa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế, so với văn hóa giải trí ngoài trời ở các nước Âu Mỹ, quan niệm tiêu dùng thể thao của cư dân Trung Quốc tương đối bảo thủ.

Kể từ Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngành thể thao Trung Quốc cũng bước vào giai đoạn quan trọng để đẩy nhanh quá trình thị trường hóa. Trong bối cảnh cải cách sâu rộng toàn diện, các biện pháp cải cách thể thao không ngừng được thúc đẩy, nhiều văn bản chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành thể thao lần lượt được ban hành, các nguồn tài nguyên thể thao khác nhau đã nhanh chóng gia nhập thị trường, giải phóng sức sống to lớn của thị trường. Là một trong năm ngành hạnh phúc chính, ngành thể thao không chỉ trở thành động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy nâng cấp tiêu dùng mà còn là trọng tâm để cải thiện "chỉ số hạnh phúc" và chất lượng cuộc sống của người dân.

Cùng với sự phát triển kinh tế và xã hội, ngành thể thao Trung Quốc đang có xu hướng phát triển nhanh chóng, đặc biệt là từ khi Quốc vụ viện ban hành "Một số ý kiến về việc thúc đẩy phát triển ngành thể thao và thúc đẩy tiêu dùng thể thao", quy mô ngành đã liên tục đạt những đỉnh cao mới và vị thế của ngành thể thao trong nền kinh tế quốc gia đã dần được nâng cao. Mặc dù bị ảnh hưởng trong ngắn hạn do dịch COVID-19 nhưng dịch bệnh đã thúc đẩy đáng kể ý thức tập thể dục của người dân, mô hình tập thể dục theo hình thức "trực tuyến+ngoại tuyến" phát triển mạnh mẽ, xu hướng phát triển nhìn chung vẫn tốt.

Vào ngày 30 tháng 12 năm 2022, Cục Thống kê Quốc gia và Tổng cục Thể thao quốc gia đã công bố dữ liệu cho thấy, tổng quy mô ngành thể thao của Trung Quốc vào năm 2021 là 3.117,5 tỷ nhân dân tệ, với giá trị gia tăng là 1.224,5 tỷ nhân dân tệ. Đây cũng là lần đầu tiên tổng quy mô của ngành thể thao Trung Quốc vượt quá 3 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Nhìn từ cơ cấu nội bộ, giá trị gia tăng của ngành dịch vụ thể thao là 857,6 tỷ nhân dân tệ, chiếm 70,0% giá trị gia tăng của ngành thể thao, tăng 1,3% so với năm trước. Giá trị gia tăng của ngành sản xuất đồ dùng thể thao và các sản phẩm liên quan là 343,3 tỷ nhân dân tệ, chiếm 28,0% giá trị gia tăng của ngành thể thao, giảm 1,3% so với năm trước. Giá trị gia tăng xây dựng cơ sở vật chất thể thao là 23,6 tỷ nhân dân tệ, chiếm 1,9% giá trị gia tăng của ngành thể thao, giảm 0,1% so với năm trước.

Từ góc độ tốc độ tăng trưởng, với sự phục hồi có trật tự của các hoạt động tập thể dục toàn dân và thi đấu thể thao và cộng thêm nhân tố cơ số tương đối thấp vào năm 2020, ngành thể thao đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá nhanh. So với năm trước, giá trị gia tăng của hoạt động biểu diễn thi đấu thể thao tăng 26,1%, giá trị gia tăng của hoạt động thể dục thể thao và giải trí tăng 21,1%, giá trị gia tăng của quản lý sân vận động và cơ sở thể thao tăng 27,7%, giá trị gia tăng của các dịch vụ về môi giới thể thao và dịch vụ đại lý, quảng cáo và triển lãm, biểu diễn và thiết kế tăng 21,9%. Giá trị gia tăng của dịch vụ thông tin và truyền thông thể thao, chủ yếu là các hoạt động mang tính không tiếp xúc, duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh khi tốc độ tăng trưởng đạt 19,9%.

Sự đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc vào thể thao mang lại những thành công vang dội. Quốc gia này đã vươn lên vị trí cường quốc thể thao trên thế giới, thường xuyên đứng đầu Bảng tổng sắp huy chương tại các kỳ Thế vận hội. Thành công này mang lại cho Trung Quốc niềm tự hào dân tộc và nâng cao vị thế quốc tế của họ.

Lan anh ghi

Ảnh trong bài
  • Trung Quốc đã trải qua những khó khăn nào để vươn lên trở thành một cường quốc thể thao