
Ông Nguyễn Đông Anh- Phó trưởng Phòng Thể thao cho mọi người, Cục TDTT Việt Nam (ảnh: T.Dương)
Xin ông cho biết những nét khái quát về sự ra đời Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”?
Thực hiện tư tưởng của Bác Hồ cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển TDTT, từ năm 2000, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã được Uỷ ban TDTT (nay là Cục TDTT Việt Nam) phát động trên cả nước.
Cuộc vận động đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia, góp phần to lớn vào việc phát triển sự nghiệp TDTT, đưa số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên cả nước đến năm 2010 đạt trên 23,6% dân số; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 15,8% số hộ gia đình; cả nước có khoảng 38.000 CLB TDTT cơ sở. Công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học đã có chuyển biến, cả nước có trên 85% số trường học thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất chính khóa theo quy định. TDTT trong lực lượng vũ trang được duy trì và phát triển. Thể thao thành tích cao có bước tiến khá.
Phát huy những kết quả đạt được, nhằm tiếp tục duy trì và đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Bộ VHTTDL đã tổ chức phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012-2020. Tiếp đó là giai đoạn 2021-2030. Yêu cầu việc triển khai Cuộc vận động lần này là gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.
Việc triển khai thực hiện Cuộc vận động được thực hiện với những yêu cầu, nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm phát triển sự nghiệp TDTT ở nước ta trong thời kỳ mới. Qua đó, đáp ứng nhiệm vụ nâng cao sức khỏe, thể lực của nhân dân, góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước.
Những kết quả đạt được từ việc triển khai thực hiện Cuộc vận động đến thời điểm này là gì, thưa ông?
Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng tích cực của đông đảo nhân dân. Thông qua Cuộc vận động đã góp phần quan trọng giúp nâng cao ý thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa của vận động thể lực đối với sức khỏe; đồng thời, cùng với đó là ý thức trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe giống nòi. Cuộc vận động đạt được những thành quả bước đầu, đã góp phần tích cực đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng trong nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp TDTT vì “Dân cường thì Quốc thịnh” như sinh thời Bác Hồ từng mong muốn.

Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" được triển khai sâu rộng trên khắp cả nước (Ảnh: KT)
Đặc biệt, thông qua Cuộc vận động, những chính sách phát triển TDTT của Đảng và Nhà nước đã đi vào cuộc sống. Trong đó, nổi bật là các cơ sở cung ứng dịch vụ TDTT do tư nhân và các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển đa dạng và phong phú bên cạnh những cơ sở TDTT do nhà nước đầu tư đã phát huy hiệu quả phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân tham gia luyện tập TDTT.
Trong giai đoạn từ 2012 đến nay, Cuộc vận động được lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo thành sức mạnh cho mỗi đơn vị, cơ sở gắn kết các hoạt động thiết thực, tránh được hình thức, lãng phí, huy động được nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động một cách hiệu quả. Hoạt động lồng ghép giữa các chương trình, đặc biệt là” Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”, là cơ sở nền tảng để phong trào luyện tập TDTT, rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại có được hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo và ngày càng khang trang, hiện đại. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 650/696 Trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện, trên 7.100/10.053 Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã; toàn quốc có khoảng 147.376 công trình thể thao. Hiện có khoảng gần 20.000 cơ sở thể thao do doanh nghiệp và tư nhân quản lý, đầu tư khai thác. Ngoài ra, các địa phương còn chú trọng công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, lắp đặt trang thiết bị, dụng cụ tập luyện thể thao tại các công viên, nơi công cộng để phục vụ nhu cầu tập luyện của quần chúng nhân dân.
Các chỉ số về TDTT không ngừng gia tăng hàng năm. Cụ thể, tỷ lệ người dân luyện tập TDTT thường xuyên năm 2020 đạt khoảng 34,4% (vượt chỉ tiêu kế hoạch 1,4 %) và đến năm 2024 đạt khoảng 37,5 % (tăng 0,8% so với năm 2023). Tỷ lệ số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc năm 2020 đạt khoảng 25,6% và đến năm 2024 ước đạt 28,3% tổng số hộ (tăng 0,7% so với năm 2023); Số câu lạc bộ TDTT cơ sở các loại bao gồm cả công lập và dân lập đến năm 2020 khoảng 70.000 và đến năm 2024 khoảng 85.500.
Hoạt động GDTC và thể thao trong trường học được triển khai thực hiện hiệu quả, với 100% số trường học thực hiện đầy đủ chương trình nội khóa. Tỷ lệ HSSV thực hiện chương trình GDTC chính khóa đạt 95%; Tỷ lệ HSSV tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa đạt 83,5%.
Phong trào TDTT trong lực lượng vũ trang ngày càng được quan tâm và phát triển. Tỷ lệ đơn vị trong Quân Đội, Công An tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên là 98,2%. Tỷ lệ cán bộ chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định là 93,31%.
Một trong những điểm nhấn trong việc triển khai Cuộc vận động đó là "Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân" được tổ chức vào dịp tháng 3 hàng năm nhân kỷ niệm Ngày thể thao Việt Nam. Ngày chạy năm 2015, 2016 có trên 4 triệu người tham gia. Từ năm 2017 đến nay, có trên 5 triệu người tham gia và đạt trên 85% cơ sở xã, phường, thị trấn tổ chức.
Sau 25 năm triển khai Cuộc vận động, chắc hẳn ngoài những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, vướng mắc. Vậy đâu là những bài học được rút ra để việc triển khai thực hiện Cuộc vận động ngày một hiệu quả hơn, thưa ông?
Thực tế cho thấy, cùng với những kết quả đạt được, Cuộc vận động vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Cụ thể, một số chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu đề ra do những nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Một số lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác TDTT, nhất là TDTT quần chúng nên việc triển khai thực hiện Cuộc vận động ở một số nơi, nhất là ở cơ sở còn mang tính hình thức, chưa sâu sát, không có sự đôn đốc kiểm tra.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế đất nước trong những năm qua cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là những năm 2020, 2021 tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, nên sự đầu tư của Nhà nước xây dựng các công trình TDTT trong trường học và công cộng chưa được đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Từ thực tế đó, chúng tôi cũng rút ra được những bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động đó là: Kinh nghiệm được nhắc tới là “cán bộ nào phong trào ấy”, ở đâu người đứng đầu địa phương đơn vị quan tâm thì ở đó phong trào luyện tập TDTT của mọi người được duy trì có hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền quan tâm thì mọi người tích cực góp công, góp của xây dựng phong trào.
Vai trò của ngành TDTT có ý nghĩa quan trọng trước hết là tham mưu đúng và trúng những nhiệm vụ giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương giúp lãnh đạo Đảng, Chính quyền địa phương ban hành quyết sách đúng để phát triển phong trào; Đồng thời là nòng cốt phối hợp với các ban ngành đoàn thể vận động và tổ chức cho mọi người tham gia luyện tập TDTT.
Cán bộ, công chức, cộng tác viên TDTT phải được lựa chọn và bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ TDTT thường xuyên, ít nhất 2 năm 1 lần. Nhiệm vụ này phải được nhà nước thực hiện, đồng thời với phổ biến kiến thức về chính sách pháp luật cho các cơ sở tổ chức cung ứng dịch vụ TDTT.
Việc tổ chức các sự kiện thể thao như: Đại hội TDTT các cấp, Hội khỏe Phù đổng, Hội thao, Hội thi thể thao cần phải thực hiện một cách thiết thực tránh bệnh thành tích gian lận, ở đâu có người tập môn thể thao nào thì Đại hội, hội thi tổ chức thi môn thể thao đó.
Thưa ông, trong giai đoạn hiện nay, ngành TDTT đã đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp như thế nào để việc triển khai Cuộc vận động mang lại hiệu quả tốt nhất, góp phần hoàn thành những yêu cầu đặt ra theo Kết luận 70/KL-TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới và Chiến lược phát triển TD,TT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?
Trước những yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay, ngành TDTT đã đặt ra những nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tư tưởng của Bác Hồ về công tác TDTT trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh các hoạt động TDTT quần chúng, chú trọng các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, thu hút mọi đối tượng tham gia tập luyện TDTT thường xuyên.
Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Đồng thời tích cực xây dựng các đơn vị điển hình tiên tiến về TDTT, phát triển mạnh số lượng và nâng cao chất lượng các CLB TDTT và gia đình TDTT.
Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao trường học thông qua việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học môn thể dục chính khóa. Tổ chức tốt các hoạt động thể thao ngoại khóa, thể thao giải trí, thể thao tự chọn cho học sinh; đẩy mạnh việc phát triển các CLB, các đội thể thao trong nhà trường. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng Hội khỏe Phù Đổng các cấp và toàn quốc; Đại hội thể thao sinh viên toàn quốc...
Kiện toàn mạng lưới tổ chức rèn luyện thân thể cho mọi người. Trong đó, đẩy mạnh các loại hình thể thao truyền thống, thể thao dân tộc, các trò chơi vận động dân gian. Khuyến khích và duy trì tổ chức thi đấu thể thao ở cấp thôn, bản, xã, cấp quận, huyện gắn với các ngày kỷ niệm, các lễ hội truyền thống của quê hương. Nghiên cứu xây dựng và phổ biến, hướng dẫn tập luyện thể dục chống mệt mỏi, thể dục chữa bệnh cho nhân dân.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống thiết chế thể thao cơ sở; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT cơ sở; Tăng cường công tác quản lý nhà nước thông qua việc xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển TDTT.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính và phân cấp quản lý, điều hành các hoạt động TDTT; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nhằm thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho TDTT, qua đó tạo điều kiện cho TDTT phát triển.
VD thực hiện