Có nhiều nỗ lực đầu tư cho mục tiêu ASIAD và Olympic
Vào năm 2016, người hâm mộ thể thao nước nhà vô cùng tự hào khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành HCV Olympic lịch sử cho Bắn súng Việt Nam. Tại ASIAD 2023, cũng lần đầu tiên Bắn súng Việt Nam có HCV châu lục nhờ công của VĐV Nguyễn Quang Huy. Năm 2024, Bắn súng cùng với một số rất ít môn thể thao khác đã giành hai vé chính thức tham dự Olympic Paris 2024. Ở đấu trường này, dù chưa có huy chương nhưng VĐV Trịnh Thu Vinh đã hai lần vào tới chung kết.
Có thể nói, Bắn súng Việt Nam trở thành môn thể thao thế mạnh, được đầu tư trọng điểm là bởi bộ môn đã có những thành tích khá nổi bật trong suốt hành trình đã qua...
Thế nhưng, để thành tích được nối dài, đều đặn, mở rộng ở nhiều nội dung, thì việc đầu tư trọng điểm như thế nào? cần làm những gì vẫn là một bài toán được đặt ra cho các nhà chuyên môn trong giai đoạn tới.
Hiện đội tuyển Bắn súng Việt Nam đang tập huấn tại Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao quốc gia với 45 VĐV, 6 HLV và 1 chuyên gia nước ngoài nhằm chuẩn bị cho đấu trường lớn của khu vực vào cuối năm - SEA Games 33. So với nhiều môn khác, Bắn súng hiện là đội tuyển có lực lượng VĐV được gọi triệu tập lên tuyển khá đông. Hàng năm, Bắn súng có khoảng gần 20 VĐV đỉnh cao được lựa chọn tập trung đầu tư cho các đấu trường lớn từ cấp khu vực, châu lục và thế giới.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương kiểm tra, động viên thầy trò ban huấn luyện đội tuyển Bắn súng quốc gia
Tại Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 do Cục TDTT Việt Nam tổ chức, Bắn súng Việt Nam đã chỉ rõ mục tiêu tại ASIAD 2026 và Olympic 2028, tiến tới là ASIAD 2030, 2034 và Olympic 2032 là phải có huy chương. Đây chính là thách thức rất lớn đặt ra cho các nhà quản lý, HLV, VĐV Bắn súng Việt Nam trong thời gian tới...
Mới đây, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương trong dịp tới thăm, kiểm tra các đội tuyển tập luyện tại Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao quốc gia đã đề cập và chỉ đạo hàng loạt vấn đề liên quan. Trong đó, ông chỉ rõ việc cần thiết phải thuê thêm chuyên gia nước ngoài để tăng cường huấn luyện cho VĐV ở các nội dung thế mạnh. Bắn súng cũng không nằm ngoài định hướng đó.
Ông Hoàng Quốc Vinh – Trưởng phòng thể thao thành tích cao, Cục TDTT Việt Nam cho biết: Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ VHTTDL, lãnh đạo Cục TDTT Việt Nam, hiện bộ môn Bắn súng cũng đang rất tích cực tìm kiếm và mời chuyên gia nước ngoài giỏi nhằm giúp nâng cao hơn nữa thành tích của Bắn súng Việt Nam trong thời gian tới.

Đội tuyển Bắn súng Việt Nam tích cực tập luyện cho mục tiêu lớn
Với công tác thi đấu, Cục TDTT Việt Nam sẽ điều chỉnh một số giải đấu quốc tế trong năm 2025 của đội tuyển Bắn súng quốc gia nhằm giúp các tuyển thủ có thêm cơ hội nâng cao trình độ. Cụ thể, ngoài các giải đấu quốc nội được tổ chức hàng năm thì ngành sẽ đưa các VĐV đi tham dự từ 8 – 10 giải đấu quốc tế. Điều này là rất cần thiết nếu muốn nâng cao trình độ của đội tuyển khi mật độ thi đấu hiện nay còn khá thưa thớt.
Cũng theo thông tin từ Liên đoàn, công tác xã hội hóa nhằm tăng cường đầu tư cho Bắn súng cũng đã được thực hiện khá tốt trong thời gian qua. Từ năm 2020 đến 2024, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công 04 giải bằng nguồn kinh phí xã hội hóa (Giải vô địch quốc gia 2020, vô địch súng hơi quốc gia 2022, vô địch quốc gia 2023 và vô địch Bắn súng Quốc gia 2024). Nhờ nguồn xã hội hóa cũng đã kịp thời cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần tập luyện của các HLV, VĐV, từ đó có thêm động lực để thi đấu giành thành tích cao tại các kỳ Đại hội thể thao trong nước, quốc tế.
Được biết, trong năm 2025, những VĐV trọng điểm sẽ được trang bị thêm súng và đạn bắn với hy vọng giúp nâng cao điều kiện tập luyện.
Còn đó những khó khăn…
Trong báo cáo gửi đến Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam thẳng thắn chỉ ra những khó khăn chủ quan và khách quan.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục TDTT Việt Nam dặn dò, truyền lửa cho thầy trò đội tuyển Bắn súng Việt Nam
Theo đó, cơ sở vật chất ở nhiều địa phương còn thiếu, không đồng bộ, nhất là tình trạng thiếu súng, đạn, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tập luyện, thi đấu... Trong khi đó, việc đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị quá lớn, vượt quá khả năng về ngân sách của nhiều ngành, địa phương. Chính những điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đào tạo, tuyển chọn VĐV trẻ tiềm năng ngay từ tuyến cơ sở.
Ngoài ra, Bắn súng cũng đang phải đối diện với một thực tế là thiếu nguồn lực HLV chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, có đẳng cấp quốc tế; công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV chưa bài bản, khoa học.
Trong khi đó, nguồn tài chính chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển. việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho Bắn súng cũng gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy được tiềm năng và mong muốn...
Việc ứng dụng, tiếp cận, khai thác, sử dụng khoa học công nghệ vào đào tạo, huấn luyện, thi đấu của VĐV còn hạn chế, chưa bắt kịp với sự phát triển trên thế giới, thiếu các nghiên cứu chuyên sâu về khoa học thể thao, dinh dưỡng, tâm lý cho VĐV.

Đội tuyển Bắn súng Việt Nam trân trọng sự quan tâm, động viên kịp thời của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục TDTT Việt Nam
Cần lắm những giải pháp trọng tâm
Rõ ràng, Bắn súng đã có những thành tích, các nhà chuyên môn cũng đã nỗ lực đổi mới cách làm, cách đào tạo, huấn luyện, nhưng để bắt kịp với thành tích thế giới thì chúng ta vẫn rất cần những giải pháp vừa trúng, vừa đúng. Ý thức được điều này, trong báo cáo đưa ra tại Hội thảo, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cũng đã trình bày một số giải pháp như sau:
thứ nhất là tập trung đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, thi đấu cho VĐV các đội tuyển trẻ quốc gia tại Đại học TDTT Bắc Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh phải tương đồng với Đội tuyển quốc gia.
Thứ hai, đầu tư mới trang thiết bị tập luyện, thi đấu hiện đại, đạt chuẩn quốc tế cho các môn thể thao trọng điểm, mũi nhọn, có khả năng đạt thành tích cao tại các giải đấu quốc tế, tránh đầu tư dàn trải.
Thứ ba, Liên đoàn Bắn súng đề xuất nên có cơ chế, chế độ chính sách đãi ngộ cụ thể với từng cấp độ huy chương của VĐV, HLV (ASIAD, Olympic...) để tạo động lực, mục tiêu phấn đấu.
Thứ tư, cần thuê chuyên gia có trình độ cao cho nội dung bắn súng trường, súng ngắn bắn đạn nổ và súng bắn đĩa bay của đội tuyển quốc gia; nghiên cứu thuê chuyên gia theo từng giai đoạn, từng thời điểm khi cần tập trung cao điểm cho ASIAD, Olympic.
Thứ năm, về công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV, cần xây dựng hệ thống đồng bộ từ cấp cơ sở đến cấp quốc gia. Phát hiện, tuyển chọn nguồn VĐV từ phong trào, cộng đồng, học sinh, sinh viên; đầu tư các trường năng khiếu thể thao, trung tâm huấn luyện thể thao chuyên nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng chính quy HLV, trọng tài và cán bộ quản lý thể thao chuyên nghiệp...
Giải pháp là khá đầy đủ, toàn diện, nhưng sẽ còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa các giải pháp này nếu Bắn súng muốn vươn xa hơn về thành tích tại đấu trường ASIAD cũng như Olympic trong tương lai. Hy vọng với sự đồng hành của các cấp, các ngành, cùng những nỗ lực từ bộ môn, Liên đoàn cho tới đội ngũ HLV, VĐV, chuyên gia, chúng ta có quyền chờ đợi vào những thành tích mới của Bắn súng nước nhà.
N.Hương, Ảnh: H.Tùng