Nhìn lại công tác TDTT Kiên Giang sau triển khai thực hiện Kết luận 70/KL-TW

Năm 2024 đã khép lại, công tác TDTT trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã gặt hái được những thành công trên nhiều phương diện, từ phong trào TDTT quần chúng cho đến thể thao thành tích cao. Vị thế thể thao Kiên Giang từng bước được nâng cao trên đấu trường thể thao toàn quốc.

Đa dạng các hoạt động TDTT quần chúng

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác TDTT, ngành VHTT tỉnh Kiên Giang đã chủ động, tích cực trong việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương, ngành VHTT tỉnh chú trọng công tác chỉ đạo tập trung vào các hoạt động TDTT quần chúng và hướng về cơ sở.

Các giải thể thao cấp tỉnh tổ chức định kỳ hàng năm, nay đa số đều mở rộng nội dung thi đấu, chia theo các nhóm tuổi, có sự chia sẻ cả về nhân lực, vật lực của các tổ chức Hội, Liên đoàn, CLB, doanh nghiệp nên hiệu quả mang lại khá cao; số lượng VĐV, đơn vị tham gia đều tăng cao, chất lượng chuyên môn đảm bảo. Nhiều giải thể thao cấp tỉnh, giải cúp các CLB (nhất là các giải thi đấu võ thuật Vovinam, Võ cổ truyền, Karate, Taekwondo) và một số giải khác được tiếp tục đưa về cơ sở tổ chức, gắn với các hoạt động, sự kiện, lễ hội nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân vùng nông thôn.

Các hoạt động TDTT quần chúng diễn ra sôi nổi, thường xuyên và hướng về cơ sở

Nhiều giải thể thao phong trào được tổ chức, trở thành giải đấu thường niên và thu hút đông đảo nhân dân, nhất là giới trẻ đam mê, yêu thích. Trong đó phần lớn kinh phí được tổ chức là nhờ sự chung tay của nhiều cá nhân, doanh nghiệp như: giải Bóng đá sân 7 Rạch Giá League; giải Bóng đá Cúp 30/4 thành phố Phú Quốc; giải Bóng rổ, Đá cầu thành phố Rạch Giá; giải Xe đạp thể thao huyện Kiên Lương; giải Bóng đá các huyện Vĩnh Thuận, Gò Quao, Giồng Riềng, An Biên, An Minh…; Bên cạnh các môn thể thao hiện đại, việc tổ chức các môn thể thao dân tộc như Đua ghe ngo truyền thống, Đua ghe ngo mini, Đua bơi vỏ máy, Bơi xuồng… cấp huyện, thành phố mở rộng được tưng bừng tổ chức vào dịp Lễ, Tết tại các huyện nơi có đông đồng bào Khmer như: Châu Thành, Gò Quao, Giồng Riềng, Rạch Giá, Hòn Đất, An Biên. Trong đó, có giải đấu thu hút hàng ngàn VĐV như giải Đua ghe ngo mini thành phố Rạch Giá mở rộng tranh Cúp Chùa Thôn Dôn lần thứ II năm 2024.

Bên cạnh các giải đấu, nhiều hoạt động TDTT có quy mô lớn đã được tổ chức đồng loạt như: Lễ phát động Tháng hoạt động TDTT cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tại 144/144 xã, phường, thị trấn; 15/15 huyện, thành phố, với sự góp mặt của gần 95.000 người tham gia. Lễ khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn Bơi phòng, chống đuối nước được tổ chức trang trọng tại tỉnh; cấp huyện, có 15/15 huyện, thành phố tổ chức Lễ phát động huy động hơn 6.500 em thiếu nhi, phụ huynh học sinh và nhân dân tham gia. Ngoài các hoạt động chính, các hoạt động hưởng ứng bên lề lễ phát động diễn ra phong phú như: Bơi hưởng ứng, tặng vé bơi cho trẻ em, tổ chức các giải thể thao cho trẻ em, trò chơi vận động, trò chơi dân gian, trò chơi kỹ năng cứu đuối an toàn trong môi trường nước, thi vẽ tranh, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ về chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em. Ngành VHTT các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 44 lớp phổ cập bơi cho gần 1.100 em tham gia.

Cùng với việc tổ chức các hoạt động thể thao sôi nổi, tỉnh chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nhất là các thiết chế văn hóa- thể thao từ tỉnh đến cơ sở từng bước được quan tâm đầu tư. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động TDTT được các cấp, các ngành chú trọng; công tác tổ chức và quản lí các giải đấu thể thao ngày càng chặt chẽ, chất lượng được nâng lên.

Nhờ đó, phong trào TDTT quần chúng đã có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động TDTT được tổ chức sôi nổi, thường xuyên, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tỉ lệ người dân trong toàn tỉnh tập luyện TDTT thường xuyên hằng năm đều tăng.

Thể thao thành tích cao nhiều khởi sắc

Với phương châm tập trung vào những môn thể thao thế mạnh, trọng điểm, Trung tâm HL và thi đấu TDTT tỉnh đào tạo trên 180 VĐV ở 12 môn thể thao gồm: Điền kinh, Cờ vua, Canoeing, Bóng chuyền bãi biển, Quần vợt, Bắn cung, Cử tạ, Vovinam, Karate, Bóng chuyền nam, Bóng đá U12 và Bơi lội. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng chuyên môn cho các VĐV thể thao thành tích cao, tỉnh đã liên kết đào tạo, gửi VĐV tập huấn tại các Trung tâm HLTTQG Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và một số tỉnh, thành trong nước.

Trong năm 2024, các đội tuyển của tỉnh đã tham gia trên 50 giải thể thao trong nước và quốc tế, giành hơn 210 huy chương các loại. Trong đó, nhiều gương mặt trẻ của Kiên Giang đã làm rạng danh thể thao tỉnh nhà, cũng như đóng góp tích cực vào bảng Vàng của Thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Trong số đó phải kể đến võ sỹ Karatedo Huỳnh Kim Tiền (HCB giải trẻ quốc gia, HCV giải CLB quốc gia và HCV giải ĐNÁ năm 2024…), VĐV Đua thuyền Nguyễn Minh Khiết (HCĐ nội dung thuyền C4, cự ly đua 200m nam vô địch trẻ U23 tại giải Vô địch Canoeing ĐNA 2024), hay VĐV Điền kinh Danh Thị Thúy (HCV giải vô địch Điền kinh các lứa tuổi trẻ quốc gia 2024, HCB nội dung cá nhân 400m rào và tiếp sức 4x400m hỗn hợp tại giải vô địch Điền kinh U18 ĐNÁ năm 2024) và không thể không nhắc tới kỳ thủ trẻ Vũ Hoàng Gia Bảo (HCV cá nhân nội dung cờ nhanh, HCV đồng đội nam giải Cờ vua trẻ các nhóm tuổi ĐNA mở rộng lần thứ 22 -2024)...

Phong trào tập luyện, thi đấu Bóng đá thu hút đông đảo nhân dân 

Hướng tới những mục tiêu

Những kết quả trên cho thấy công tác TDTT trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã, đang được quan tâm phát triển đúng hướng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 về phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Đồng thời đó cũng chính là cơ sở để Kiên Giang hướng tới những mục tiêu trong năm 2025 với tỷ lệ dân số tập luyện TDTT thường xuyên phấn đấu đạt  mức 38% trở lên; số gia đình luyện tập TDTT đạt tỷ lệ trên 28%; trên 90% học sinh, sinh viên đạt chuẩn về tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; số trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề thực hiện chương trình thể thao ngoại khóa đạt 90%. 100% trường bậc phổ thông có CLB TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đạt 75%-80%. Tỷ lệ đơn vị thực hiện đủ chương trình rèn luyện thân thể cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang theo quy định là 100%. Tỷ lệ đơn vị đạt tiêu chuẩn tổ chức rèn luyện thân thể theo quy định là trên 98%...

Cùng với các chỉ tiêu trên, trong năm 2025, các xã, phường, thị trấn, thành phố… trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung tổ chức Đại hội TDTT các cấp, hướng tới Đại hội TDTT cấp tỉnh và chuẩn bị lưc lượng tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X vào năm 2026.

Để hiện thực hóa những mục tiêu đặt ra, ngành VHTT tỉnh sẽ tiếp tục bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra theo Kết luận 70/KL-TW. Trong đó, đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; nâng cao chất lượng, số lượng các CLB, các phong trào, giải thể thao, hội thao các cấp, chất lượng Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân hàng năm; chú ý phát triển phong trào TDTT ở vùng biên giới, hải đảo, trong khu công nghiệp và người khuyết tật; tiếp tục triển khai và thực hiện hiệu quả công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển TDTT; đầu tư, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện VĐV các đội tuyển của tỉnh…

Bài, ảnh VD

Ảnh trong bài
  • Nhìn lại công tác TDTT Kiên Giang sau triển khai thực hiện Kết luận 70/KL-TW
  • Nhìn lại công tác TDTT Kiên Giang sau triển khai thực hiện Kết luận 70/KL-TW