Thành phố Tam Kỳ - Quảng Nam: hướng tới các mục tiêu phát triển TDTT trong giai đoạn mới

Những năm qua, thành phố Tam Kỳ luôn giữ vững danh hiệu là một trong những đơn vị dẫn đầu của tỉnh Quảng Nam về công tác TDTT. Các hoạt động TDTT quần chúng trên địa bàn thành phố diễn ra sôi nổi, rộng khắp; các đội tuyển thể thao của thành phố cũng đạt được nhiều thành tích cao trong các giải đấu của tỉnh và toàn quốc.

Đẩy mạnh hoạt động TDTT quần chúng lẫn thành tích cao

Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", phong trào TDTT trên địa bàn thành phố Tam Kỳ phát triển sâu rộng và đều khắp các địa phương, đơn vị. Bên cạnh những môn thể thao hiện đại, nhiều môn thể thao quần chúng được khôi phục và phát triển như: Cờ tướng, Vật dân tộc, Kéo co, Đẩy gậy…

Phong trào TDTT trong trường học trên địa bàn thành phố phát triển mạnh

Để thúc đẩy phong trào TDTT phát triển, yếu tố then chốt chính là sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển TDTT. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế cho TDTT từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đặc biệt, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án "đầu tư xây mới, sửa chữa nhà văn hóa - khu thể thao thôn, khối phố và lắp đặt dụng cụ TDTT ngoài trời, giai đoạn 2023 – 2026", hạ tầng thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố đã từng bước được hoàn thiện, nâng cấp. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố Tam Kỳ đã có 7 nhà văn hóa khối phố được đầu tư xây dựng mới, trong đó mỗi công trình được thành phố hỗ trợ 60% (600 triệu đồng), 35% là từ nguồn hợp thức hóa đất ở và khai thác đất lẻ của xã, phường và 5% còn lại là nguồn xã hội hóa trong nhân dân. 18 nhà văn hóa - khu thể thao thôn, khối phố được sửa chữa, nâng cấp, trong đó nguồn kinh phí của thành phố là 70 triệu và nguồn của tỉnh là 21 triệu đồng cho mỗi nhà văn hóa. Thành phố cũng đang đầu tư lắp đặt thiết bị dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời tại 23 điểm sinh hoạt công cộng. Đặc biệt, tháng 7/2024, UBND thành phố Tam Kỳ đã thông qua chủ trương đầu tư Khu phức hợp TD-TT thành phố và sẽ triển khai trong giai đoạn 2025 - 2028. Công trình có diện tích khoảng 5,7ha, bao gồm các hạng mục: sân vận động, nhà đa năng, bể bơi, đường chạy điền kinh với 8 làn, đảm bảo thi đấu các môn Chạy, Nhảy xa, Đẩy tạ….

Cùng với đầu tư xây dựng thiết chế  văn hóa -thể thao, hàng năm, ngành VHTT thành phố duy trì tổ chức từ 12-20 giải thi đấu thể thao, trong đó nhiều giải đấu đã trở thành sân chơi thường niên trong nhiều năm liền như: giải Cờ vua - Cờ tướng, Võ cổ truyền, Đua thuyền truyền thống… 

Ngoài ra, ngành VHTT thành phố Tam Kỳ đã  chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các giải thi đấu thể thao, phối hợp với Sở VHTTDL tổ chức các giải thể thao biển như: Bóng chuyền bãi biển, Đua xe đạp trên cát, Bóng đá trên cát…Cùng với đó, ngành VHTT thành phố còn hướng dẫn, khuyến khích tổ chức các giải thể thao ở cơ sở. Theo đó, có hàng trăm giải thi đấu thể thao, Hội thi văn nghệ- thể thao, giao lưu thể thao do các cơ quan, trường học, xã, phường trên địa bàn thành phố tổ chức đã góp phần tạo sân chơi sôi nổi, bổ ích cho các tầng lớp nhân dân.

Nhờ có nhiều giải đấu thể thao được tổ chức mà nhiều mô hình CLB, đội nhóm tập luyện TDTT đã được hình thành và ngày càng gia tăng về số lượng. Trung bình mỗi phường, xã có từ 1-3 CLB TDTT, tập trung ở các môn thể thao được nhiều người yêu thích tập luyện như: Thái cực quyền, Bóng đá, Bóng bàn, Cầu lông, Aerobic, Võ thuật, Yoga, Cờ tướng… 

Với sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự đầu tư về hạ tầng cơ sở vật chất, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển cả về chất và lượng. Đến nay, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên của thành phố đạt trên 35%; số hộ gia đình tập luyện TDTT đạt 25,6%; 100% xã, phường, đơn vị, trường học có CLB được công nhận hoặc điểm tập luyện TDTT…

Phong trào TDTT quần chúng phát triển là nền tảng để thể thao thành tích cao của thành phố gặt hái nhiều thành công. Tính từ đầu năm đến nay, các đội tuyển của thành phố đã giành nhiều thành tích cao tại các giải đấu cấp tỉnh như: dẫn đầu giải Bơi vô địch các nhóm tuổi tỉnh Quảng Nam với 16 HCV, 12 HCB, 8 HCĐ; vô địch giải Bóng đá nam các CLB tỉnh; nhất toàn đoàn giải Vovinam vô địch các CLB tỉnh với 04 HCV, 01 HCB, 03 HCĐ; nhất toàn đoàn giải Bóng bàn vô địch các nhóm tuổi tỉnh khi giành 11 HCV, 9 HCB, 2 HCĐ,… Những kết quả trên cho thấy thành phố luôn quan tâm đúng mức đến thể thao mũi nhọn, thế mạnh cũng như các hoạt động TDTT quần chúng.

Hướng tới hoàn thành các mục tiêu

Phong trào TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao phát triển là cơ sở để thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: đạt 37% số người tập luyện TDTT thường xuyên; số gia đình thể thao đạt 27% và số CLB TDTT tăng 3 - 5%/năm. Số cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa duy trì đạt 100%; thực hiện thường xuyên hoạt động thể thao ngoại khóa đạt 95% trở lên; 90% trường học có CLB TDTT; tổ chức dạy bơi, phổ cập bơi cho học sinh đạt trên 70%.

Cùng với đó, thành phố cũng đặt mục tiêu 100% xã, phường có ít nhất 01 công trình TDTT quy mô cấp xã như: Sân vận động, nhà tập luyện TDTT, bể bơi, lắp đặt dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời và các công trình thể thao khác. Các xã nông thôn mới phấn đấu có ít nhất 02 công trình TDTT và có điểm lắp đặt TDTT ngoài trời. 100% thôn, khối phố có ít nhất 01 công trình TDTT như: Sân Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông...; xây dựng các khu, điểm vui chơi cho trẻ em và lắp đặt dụng cụ TDTT ngoài trời.

Đến năm 2030, số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 40%; số gia đình thể thao đạt từ 30% trở lên. Số cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy bơi, phổ cập bơi cho học sinh đạt trên 90%. Duy trì vị trí tóp đầu Đại hội TDTT cấp tỉnh… Về cơ sở hạ tầng TDTT, có Khu phức hợp TDTT đạt chuẩn, bao gồm: sân vận động, nhà tập luyện và thi đấu TDTT, bể bơi, các khu tập luyện và thi đấu thể thao ngoài trời đạt chuẩn...

Để hoàn thành các mục tiêu trên, thành phố sẽ triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân đối với phát triển sự nghiệp TDTT; thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra theo Kết luận số 70-KL/TW, Kế hoạch số 401-KH/TU; Nghị quyết số 11- NQ/TU và Chương trình số 20-CT/TU, gắn với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển TDTT; lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về TDTT trong Nghị quyết, Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai nhiệm vụ phát triển TDTT.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng, xây dựng các kênh truyền thông về TDTT nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng hoạt động thể chất, thông tin có liên quan cho nhân dân.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TDTT; Nâng cao chất lượng hoạt động TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao; Tăng cường nguồn lực cho sự nghiệp TDTT (tăng mức đầu tư cho phát triển sự nghiệp TDTT lên 0.2% trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm).

Huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho sự nghiệp phát triển TDTT, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người dân; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân xã hội hóa xây dựng, quản lý, phát triển thiết chế thể thao, các điểm vui chơi giải trí tại các xã, phường, thôn, khối phố.

Tập trung nguồn lực đào tạo VĐV có chất lượng để tham gia thi đấu tốt các giải do tỉnh tổ chức và cung cấp nguồn VĐV thi đấu các giải quốc gia, khu vực.

Bài, ảnh HL

Ảnh trong bài
  • Thành phố Tam Kỳ - Quảng Nam: hướng tới các mục tiêu phát triển TDTT trong giai đoạn mới