Đào tạo hệ dự bị Đại học – cơ hội mới cho các Vận động viên

Có rất nhiều VĐV bước vào con đường thể thao từ rất sớm, do đặc thù của công tác huấn luyện, các VĐV phải tham gia tập luyện với cường độ cao và thời gian dài nên ảnh hưởng nhiều đến việc học tập các môn văn hoá. Điều đó khiến cho việc thi tuyển vào Đại học gặp không ít khó khăn. Vì vậy, việc mở hệ dự bị Đại học đã mở ra một cơ hội mới cho các VĐV.

Cơ hội cho các VĐV bước vào giảng đường Đại học (Ảnh: Thu Quyết)
Đối với những VĐV đã đạt đến đỉnh vinh quang, giành huy chương tại các giải thi đấu thể thao khu vực và châu lục thì việc lựa chọn một trường đào tạo Đại học chuyên ngành TDTT là vấn đề không khó khăn. Tuy nhiên, không phải ai dấn thân vào con đường gian khổ này đều có thể đi đến đích. Có rất nhiều VĐV bước vào con đường thể thao từ rất sớm, do đặc thù của công tác huấn luyện, các VĐV phải tham gia tập luyện với cường độ cao và thời gian dài nên ảnh hưởng nhiều đến việc học tập các môn văn hoá. Điều đó khiến cho việc thi tuyển vào Đại học gặp không ít khó khăn. Vì vậy, việc mở hệ dự bị Đại học đã mở ra một cơ hội mới cho các VĐV.

Sự cần thiết của việc mở hệ dự bị Đại học

Việc mở hệ dự bị Đại học xuất phát từ chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc phát triển một xã hội học tập đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX đã nêu rõ: “mọi người đi học, học thường xuyên, học suốt đời”, “cả nước trở thành một xã hội học tập”, đây chính là định hướng về phát triển giáo dục của nước ta đầu thế kỷ XXI. Trường Đại học TDTT Bắc Ninh đã và đang thực hiện Nghị quyết 40/2000 của Quốc hội khoá X và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII với mục tiêu xây dựng Trung tâm đào tạo cán bộ TDTT lớn và có chất lượng chuyên môn cao, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Theo các nhà chuyên môn, dự báo đến năm 2020, cả nước cần khoảng 45.000 – 50.000 cán bộ chuyên môn TDTT. Ngoài ra, nhu cầu đào tạo giáo viên giáo dục thể chất cho các trường Phổ thông, Đại học, và Trung học chuyên nghiệp cũng ngày càng tăng. Xuất phát từ nhu cầu của người học, yêu cầu về số lượng cán bộ, giáo viên TDTT và yêu cầu nâng cao, hoàn chỉnh kiến thức văn hoá cơ bản của lực lượng VĐV và những người có nhu cầu học tập chuyên môn TDTT trong phạm vi toàn quốc, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh xây dựng kế hoạch mở hệ dự bị Đại học.

Thực tế cho thấy, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào trường Đại học TDTT Bắc Ninh ngày một gia tăng. Từ năm 2004 - 2008,  hàng năm trung bình từ 6000 - 7500 hồ sơ đăng ký dự thi, thậm chí có những năm lên đến 9.000 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, lực lượng VĐV thể thao thường chiếm khoảng 20%-25%. Tuy nhiên, số lượng VĐV thi đỗ vào học lại có tỷ lệ rất thấp, nguyên nhân chủ yếu là do điểm thi văn hoá của các em không đạt yêu cầu.

Đặc biệt, từ năm học 2006-2007, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển trong tuyển sinh đối với học sinh giỏi, thì lực lượng VĐV thi vào các trường Đại học TDTT càng khó trúng tuyển hơn.

Xuất phát từ những thực tế đó, việc tổ chức đào tạo hệ dự bị Đại học tại Trường Đại học TDTT Bắc Ninh là rất cần thiết. Đây chính là cơ hội giúp cho các VĐV có thể củng cố, trang bị lại các kiến thức cơ bản của các môn văn hoá; đồng thời tạo điều kiện cho các em được học tập ở bậc Đại học và phát huy được năng lực, trình độ chuyên môn trong phát triển sự nghiệp TDTT Việt Nam.

Còn tiếp

Thu Quyết

Ảnh trong bài
  • Đào tạo hệ dự bị Đại học – cơ hội mới cho các Vận động viên