CNTT Việt Nam hội nhập WTO(15/11/2006)

Ngành CNTT sẽ phát triển thế nào khi Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là câu hỏi đặt ra cho giới chuyên môn và những người quan tâm.

Ngành CNTT sẽ phát triển thế nào khi Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là câu hỏi đặt ra cho giới chuyên môn và những người quan tâm.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, Việt Nam sẽ là một thị trường thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới. Qua đó, tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thâm nhập thị trường thế giới cũng như có điều kiện tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật hiện đại và những kinh nghiệm kinh doanh của các nước trên thế giới. Không những thế, gia nhập WTO sẽ phá bỏ rào cản "độc quyền" của các doanh nghiệp nhà nước, tạo đà cho CNTT nước nhà phát triển thị trường địa phương, tăng sản xuất, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có nhiều cơ hội chọn lựa các hàng hóa và dịch vụ chất lượng hơn. Việc gia nhập WTO cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các lao động Việt Nam có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn, góp phần từng bước xoá bỏ tình trạng dư thừa lao động ở nước ta.

Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam bởi "sức ép" cạnh tranh về chất lượng và giá cả với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong giai đoạn hiện nay, về lĩnh vực CNTT, các công ty, doanh nghiệp Việt Nam còn chưa nhạy bén, công nghệ cũng như chất lượng sản phẩm còn thấp nhưng giá thành lại cao hơn so với các nước trong Châu lục. Đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam chưa trang bị đầy đủ những kiến thức về hệ thống pháp luật, chưa quen với những quy định mới của WTO. Điều này là những điểm bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, bởi rất có thể đây sẽ là những "kẽ hở" để các doanh nghiệp nước ngoài "thôn tính" các doanh nghiệp trong nước.

Chính vì vậy, việc hội nhập có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước. Để giảm thiểu tối đa các nguy cơ có thể xảy ra, trước mắt các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đầu tư, xây dựng một hệ thống mạng lưới với công nghệ hiện đại hơn; cần phải phát triển nhanh, mạnh để mở rộng phạm vi thị trường trong nước, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ. Bước vào sân chơi chung toàn cầu, các công ty, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn, song không thể tránh khỏi hàng loạt những thách thức, khó khăn. Hy vọng, việc gia nhập WTO sẽ mở ra cánh cửa mới cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội... trong đó có CNTT.

Kiên Kiệt 
 

Ảnh trong bài
  • CNTT Việt Nam hội nhập WTO(15/11/2006)