Chính phủ điện tử: Phải làm mặc dù khó khăn không ít(18/05/2006)

Phát triển Công nghệ thông tin luôn là vấn đề được Chính phủ quan tâm, ưu tiên hàng đầu bởi công nghệ thông tin phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế, xã hội... và ngược lại. Để có thể đạt mức độ phát triển trung bình khá cũng như trở thành một nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin thì việc quan trọng nhất là xây dựng Việt Nam điện tử. Phát triển Công dân điện tử, Chính phủ điện tử, Doanh nghiệp điện tử và phát triển Giao dịch, Thương mại điện tử.

Mặc dù việc Việt Nam thực hiện Chính phủ điện tử đang ở giai đoạn khởi đầu và gặp phải rất nhiều khó khăn thế nhưng đây là vấn đề phải làm bởi đó chính là một động lực để giúp làm mạnh hơn, rõ ràng hơn, minh bạch hơn bộ máy của Chính quyền Trung ương, địa phương. Thậm chí Chính phủ sẽ trong sạch và gần với dân hơn.

Do đó cần có một cái nhìn và cách hiểu đúng về Chính phủ điện tử đặc biệt là Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Chính phủ điện tử hiểu theo nghĩa chung là chính phủ hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và việc áp dụng Chính phủ điện tử tại Việt Nam được hiểu theo cách riêng là phải dễ hiểu, sát nghĩa với môi trường Việt Nam nhất. Đồng thời, xác định rõ ràng khó khăn, vấn đề cấp bách trong việc triển khai Chính phủ điện tử ở nước ta hiện nay sẽ góp phần tìm ra con đường thuận lợi và nhanh nhất để thực hiện thành công nhiệm vụ khó khăn này.

Việt Nam đi lên từ một nền nông nghiệp lạc hậu nên việc thực hiện Chính phủ điện tử chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Viện trưởng Viện chiến lược BCVT và CNTT, Chính phủ điện tử ở Việt Nam sẽ gặp phải những hạn chế như sau: trước hết là nhận thức về chính phủ điện tử còn thấp, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông yếu, môi trường pháp lý chưa hình thành, bí mật và an toàn thông tin chưa đảm bảo, cải cách hành chính chậm với phương thức điều hành lạc hậu, và cuối cùng là thiếu nguồn vốn, nguồn nhân lực cao cấp.

Với những khó khăn như vậy, việc thực hiện tin học hoá quản lý hành chính nhà nước khó có thể thực hiện trong một thời gian ngắn. Và để có thể thực hiện Chính phủ điện tử một cách có hiệu quả, ông Tiến cho biết phải theo đúng lộ trình với 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất là nâng cao năng lực của toàn xã hội về nhận thức, kinh tế xã hội và tổ chức triển khai. Tiếp đó là phát triển nguồn lực và nguồn tài chính to lớn từ các dự án thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Cuối cùng là tạo môi trường hoàn thiện cả về mặt pháp lý, hợp tác và cơ chế thị trường lành mạnh.

Trong suốt quá trình khó khăn này, Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng nhất, là động lực chính thúc đẩy quá trình cải cách cùng với sự hợp tác chặt chẽ cùng nhân dân và các doanh nghiệp. Đó chính là mối quan hệ tương hỗ khi chính phủ hỗ trợ người dân đến mức tối đa như: triển khai hạ tầng, nối mạng đến tận người dân, thiết bị giá rẻ, dự án phổ cập tin học. Ngược lại, người dân muốn khai thác được các dịch vụ của chính phủ điện tử sẽ phải nâng cao năng lực, sự hiểu biết của mình, doanh nghiệp cũng phải hiểu và tự vận động để có thể tham gia đóng góp.

Ngoài ra, định hướng cho sự phát triển công nghệ thông tin-truyền thông đến năm 2010, Bộ Bưu chính viễn thông hiện đang đề ra chiến lược bốn dự án ưu tiên, năm chương trình và chín giải pháp (hay còn gọi là chiến lược 4-5-9). Trong đó:

Bốn nhóm dự án ưu tiên cấp quốc gia sẽ có tính chất đột phá, tạo môi trường và nền móng cho ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin-truyền thông trong tất cả các ngành kinh tế-xã hội, có tính khả thi cao, mang lại kết quả nhanh, ảnh hưởng rộng. Đó là xây dựng nền tảng cho phát triển xã hội điện tử; xây dựng nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng và phát triển hệ thống mạng trọng điểm, tăng cường năng lực truy cập Internet; Tăng cường năng lực quản lý công nghệ thông tin-truyền thông quốc gia. Cụ thể cho nhóm dự án đầu tiên - nền tảng cho Công dân điện tử - sẽ sản xuất 1 triệu thiết bị kết nối Internet giá rẻ. Phổ cập tin học cho 20 triệu người dân, xây dựng 1 triệu trang thông tin điện tử phục vụ cộng đồng, đào tạo 30.000 cán bộ chuyên ngành công nghệ thông tin-truyền thông...

Năm Chương trình trọng điểm là đẩy mạnh ứng dụng E-Việt Nam; Phát triển công nghiệp; Phát triển hạ tầng viễn thông và Internet; Phát triển nguồn nhân lực; và hoàn thiện môi trường. Triển khai các chương trình này sẽ mang tính đột phá, liên ngành. Đầu tư từ nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó đầu tư của nhà nước mang tính hỗ trợ, thúc đẩy. Đồng thời, được cụ thể hóa thành hệ thống các Dự án ưu tiên, theo từng giai đoạn, phục vụ trực tiếp việc thực hiện các mục tiêu chiến lược công nghệ thông tin-truyền thông và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Chín giải pháp được chia thành ba nhóm mục đích là: Nhóm Tăng cường năng lực với ba giải pháp: Nhận thức; Thực hiện và quản lý. Nhóm Phát triển nguồn lực với giải pháp: Tài lực; Nhân lực và Trí lực. Nhóm Hoàn thiện môi trường với giải pháp: Pháp lý, chính sách; Liên kết, hợp tác và Thị trường.

Thực tế cho thấy ứng dụng công nghệ thông tin hiện đang trở thành yếu tố quyết định cho sự phát triển của một số ngành kinh tế trọng điểm như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, du lịch, viễn thông... và đã đạt được những thành quả đáng khích lệ như có tới 50% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý các hoạt động kinh doanh của mình (bằng các hình thức như kết nối Internet, xây dựng trang web riêng...). Ngoài ra còn có sự đóng góp của các trang web của hơn 50% Bộ, Ngành và hơn 80% tỉnh, thành phố trực thuộc. Nhiều tờ báo điện tử và hàng chục trang tin điện tử các loại góp phần đáng kể vào công tác thông tin, tuyên truyền và đối ngoại.

Đó là một trong rất nhiều những dấu hiệu tích cực để việc thực hiện Chính phủ điện tử Việt Nam nhanh chóng tiến tới mục tiêu cuối cùng.

A.T

Ảnh trong bài
  • Chính phủ điện tử: Phải làm mặc dù khó khăn không ít(18/05/2006)