Các chính sách thể thao dành cho người khuyết tật
Việc giành huy chương tại Paralympic ngày càng có tầm quan trọng đối với mỗi quốc gia bởi thành công của Paralympic có thể phục vụ các mục tiêu xã hội, ý thức hệ và ngoại giao lớn hơn đất nước, đồng thời gửi tín hiệu tới thế giới về cách đối xử tích cực với người khuyết tật. Do đó, một số quốc gia đã tăng cường tập trung vào việc phát triển các chính sách thể thao để đạt được mục tiêu giành huy chương tại Paralympic. Để đáp ứng sự phát triển thể thao người khuyết tật, các chính phủ tập trung hoạch định và thực hiện các chính sách thể thao quốc gia để tối ưu hóa thành công của Paralympic.
Một nghiên cứu của tác giả Aurélie Pankowiak và các cộng sự đã được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu định tính thông qua 23 cuộc phỏng vấn với các nhà quản lý thể thao người khuyết tật của các quốc gia: Vương quốc Anh, Úc, Pháp và Canada. Kết quả nghiên cứu xác nhận rằng các chính sách thể thao Olympic quốc gia hiện tại cũng rất quan trọng đối với sự thành công của Paralympic. Nghiên cứu này nâng cao kiến thức về các chính sách thể thao Paralympic quốc gia và gợi ý rằng các nhà nghiên cứu, người đánh giá và người thực hành cần phải tính đến các chính sách và quy trình dành riêng cho Paralympic và việc điều chỉnh chính sách cho phù hợp với đặc thù của Paralympic có thể mang lại lợi thế cạnh tranh trong Thế vận hội dành cho người khuyết tật.
Mười biện pháp can thiệp của các chính sách phát triển thể thao của quốc gia dành cho người khuyết tật được coi là quan trọng đối với thành công của một quốc gia tại Paralympic:
(1) Tài trợ và tổ chức các môn thể thao khuyết tật: tài trợ công bằng, có mục tiêu và quản trị các môn thể thao khuyết tật hình thành hai chủ đề đan xen. Những quốc gia được khảo sát đều có các chính sách tài trợ và quản lý để hỗ trợ sự phát triển của thể thao toàn diện, từ các chương trình tham gia thể thao cấp cơ sở đến các cấp độ thành tích cao. Các biện pháp can thiệp về tài chính được coi là quan trọng đối với cấp độ thành tích cao của Paralympic, cụ thể bao gồm hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các vận động viên Paralympic và các đối tác thi đấu của họ (ví dụ người hướng dẫn viên thi đấu với vận động viên khiếm thị...) để giúp họ tập trung về sự nghiệp thể thao của họ. Hệ thống tài trợ ở quốc gia được thực hiện đối với vận động viên, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, trợ lý dẫn đường... Tài trợ bền vững cho các chương trình Paralympic trong một chu kỳ Paralympic và tận dụng các nguồn tài chính, nhân lực để đáp ứng hiệu quả nhu cầu hỗ trợ của các vận động viên khuyết tật cũng được nhấn mạnh là rất quan trọng.
(2) Tích hợp kiến thức thể thao dành riêng cho người khuyết tật và Paralympic: Nghiên cứu đã xác định yêu cầu tích hợp có cấu trúc kiến thức về khuyết tật và kiến thức chuyên môn về thể thao Paralympic ở tất cả các cấp của hệ thống thể thao như một biện pháp can thiệp quan trọng tiềm năng cho sự thành công trong Paralympic của một quốc gia. Một chiến lược phối hợp quốc gia về phát triển, dịch thuật và ứng dụng thành tựu khoa học, đổi mới công nghệ thể thao cho người khuyết tật nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc phát triển tri thức được các quốc gia đánh giá là rất quan trọng đối với sự thành công của Paralympic.
(3) Tham gia thể thao và giáo dục thể chất ở cơ sở: Tất cả những quốc gia được khảo sát cho thấy cơ hội cho người khuyết tật tham gia các môn thể thao cơ sở có tổ chức là rất quan trọng đối với sự thành công của Paralympic của một quốc gia, một phần là do vai trò của những cơ hội này trong việc phát triển các kỹ năng cơ bản và trong việc đổi mới liên tục những người khuyết tật tài năng. Cụ thể, chủ đề chính sách này bao gồm: sự điều phối quốc gia của các sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự tham gia và tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia thể thao toàn diện và được tổ chức trên toàn quốc; đồng thời tiếp cận giáo dục thể chất và hòa nhập từ lúc còn học trong trường học. Các sáng kiến nâng cao nhận thức về thể thao dành cho người khuyết tật bao gồm cả các chương trình tiếp cận cộng đồng và sự hợp tác giữa các tổ chức thể thao, trung tâm phục hồi chức năng và tổ chức dịch vụ người khuyết tật (đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người khuyết tật).
(4) Quy trình và chiến lược phân loại vận động viên khuyết tật: Các quốc gia thành công trong các kỳ Paralympic có quy trình và chiến lược phân loại vận động viên Paralympic (Paralympic athlete classification - PAC). rõ ràng, có phối hợp trong cung cấp và đào tạo nhân viên phân loại (tức là người phân loại), nhận thức và giáo dục toàn bộ hệ thống thể thao về những gì PAC đòi hỏi là những yếu tố chính sách quan trọng.
(5) Xác định vận động viên Paralympic tài năng, các đối tác thi đấu và chuyển giao vận động viên Paralympic: Các chương trình và chiến lược quốc gia nhắm đến việc xác định và chuyển giao các vận động viên Paralympic tài năng cũng như các đối tác thi đấu (ví dụ: hướng dẫn viên, người dẫn đường...) được coi là rất quan trọng đối với sự thành công của một quốc gia, bao gồm: chiến lược xác định tài năng Paralympic (talent identification - TID); TID được tuyển chọn dựa trên việc xác định nhóm thích hợp cho người khuyết tật, sự điều phối quốc gia và quá trình quản lý việc xác định chuyển giao tài năng.
(6) Vận động viên Paralympic thành tích cao và phát triển nghề nghiệp: Các chương trình thể thao thành tích cao hỗ trợ sự phát triển toàn diện và sự nghiệp của các vận động viên Paralympic tài năng và các đối tác thi đấu; đồng thời các quốc gia đã xác định tầm quan trọng của các cơ chế quản lý và tài chính và hướng vào mục tiêu cụ thể cho các chương trình thể thao thành tích cao của Paralympic. Ngoài ra, sự cần thiết của việc lập chương trình phù hợp với các giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển thành tích cao của vận động viên Paralympic.
(7) Cung cấp dịch vụ huấn luyện cho thể thao người khuyết tật: Các quốc gia đều xác định tầm quan trọng của việc đào tạo và tuyển dụng huấn luyện viên các môn thể thao khuyết tật. Các huấn luyện viên có năng lực luôn được chuẩn bị sẵn sàng ở tất cả các cấp của hệ thống thể thao khuyết tật.
(8) Cung cấp thiết bị kỹ thuật và các phương tiện phù hợp với các môn thể thao khuyết tật: Đảm bảo tất cả các vận động viên khuyết tật được tiếp cận với các nguồn lực, cơ sở hạ tầng vật chất, thiết bị kỹ thuật, bao gồm cả thiết bị thể thao chuyên dụng (ví dụ: xe lăn thể thao) là một chính sách quan trọng đối với sự thành công của Paralympic của một quốc gia.
(9) Khung thi đấu các môn thể thao khuyết tật: Việc xây dựng và triển khai các cấu trúc thi đấu dành riêng cho từng môn thể thao khuyết tật trong phạm vi quốc gia được coi là rất quan trọng đối với các vận động viên khuyết tật để tiếp cận sự cạnh tranh đầy đủ từ cấp độ đầu vào của môn thể thao đến cấp quốc gia, quốc tế nhằm tạo điều kiện tốt nhất họ có thể phát triển các kỹ năng thi đấu cụ thể.
(10) Tổ chức thi đấu nhiều cấp độ: Đây là giải pháp đảm bảo cho các vận động viên khuyết tật có cơ hội thi đấu; các vận động viên khuyết tật có trình độ, kinh nghiệm thi đấu được thi đấu ở cấp độ phù hợp.
Nâng cao hiểu biết về sức khỏe kinh nguyệt trong thể thao
Sức khỏe kinh nguyệt thể hiện trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Từ góc độ hiểu biết về sức khỏe, việc tiếp thu kiến thức và chuyên môn phụ thuộc vào mức độ mà một cá nhân có thể tìm kiếm, truy cập, hiểu, phân tích, phê bình và áp dụng thông tin sức khỏe. Do đó, kiến thức về sức khỏe kinh nguyệt có thể được sử dụng để mô tả tình trạng tiếp thu kiến thức và áp dụng cụ thể cho các vấn đề liên quan đến sức khỏe kinh nguyệt. Qua đánh giá thực trạng, tác giả K. Mc Gawley và các cộng sự đã cho thấy kiến thức về sức khỏe kinh nguyệt ở các vận động viên nữ, huấn luyện viên và những nhà chuyên môn thể thao còn thấp và có rất ít chương trình giáo dục hoặc thực hiện dựa trên bằng chứng để cải thiện kiến thức về sức khỏe kinh nguyệt trong thể thao. Ngoài ra, các vận động viên nữ hiếm khi thảo luận về chu kỳ kinh nguyệt hoặc việc sử dụng biện pháp bảo đảm sức khoẻ trong thời kỳ kinh nguyệt và việc tránh thai với huấn luyện viên của họ, mặc dù họ đã trải qua các triệu chứng hoặc rối loạn kinh nguyệt...
Cho đến nay, rất ít công trình khoa học thể thao nghiên cứu về sức khỏe kinh nguyệt (Menstrual health literacy -MHL) ở các vận động viên nữ, huấn luyện viên hoặc những người hành nghề thể thao, điều này liên quan đến sự thiếu kiến thức của phụ nữ trong lĩnh vực nghiên cứu này. Cả huấn luyện viên nữ và nam đều nhận thấy việc thiếu nghiên cứu trong lĩnh vực này là rào cản đối với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc trao đổi dựa trên bằng chứng với các vận động viên nữ của họ.
Từ thực trạng trên, tác giả K. Mc Gawley và các cộng sự đã đề xuất mô hình giáo dục theo chu kỳ 4 giai đoạn nhằm cải thiện giao tiếp về chu kỳ kinh nguyệt giữa các vận động viên, huấn luyện viên và người hành nghề:
(1) Đánh giá kiến thức về sức khỏe kinh nguyệt, chất lượng mối quan hệ giữa vận động viên và huấn luyện viên và các lộ trình giao tiếp;
(2) Giáo dục về sinh lý học dành riêng cho phụ nữ được cung cấp bởi một chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm liên quan;
(3) Thảo luận nhóm tập trung để cho phép vận động viên, huấn luyện viên và học viên trao đổi nhận thức và kinh nghiệm;
(4) Phát triển một kế hoạch dài hạn nhằm cải thiện MHL ở các vận động viên nữ, huấn luyện viên và người hành nghề. Từ việc đề xuất mô hình giáo dục trên, các tác giả tiếp cận có hệ thống, dựa trên bằng chứng để xây dựng chiến lược can thiệp nhằm cải thiện MHL trong thể thao; lập bản đồ can thiệp bao gồm một lộ trình sáu bước nhằm cung cấp một kế hoạch chi tiết để thiết kế, thực hiện và đánh giá sự can thiệp nhằm nâng cao MHL của các bên liên quan (tức là vận động viên, huấn luyện viên và người thực hành) trong thể thao:
Bước 1 - Bước đầu tiên liên quan đến việc thực hiện đánh giá vấn đề để xác định những gì cần thay đổi trong cải thiện MHL cho từng bên liên quan.
Bước 2 - Nêu chi tiết các mục tiêu và kết quả của chiến lược can thiệp.
Bước 3 - Xác định các chiến lược can thiệp phù hợp để giải quyết các yếu tố quyết định về cá nhân, kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường góp phần vào MHL của các bên liên quan.
Bước 4 - Lựa chọn các nội dung chiến lược để đưa vào chương trình thống nhất nhằm cải thiện MHL trong thể thao.
Bước 5 - Xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình; kế hoạch cần được xây dựng để đảm bảo chương trình phù hợp và có thể sử dụng được bởi các bên liên quan.
Bước 6 - Lập kế hoạch đánh giá hiệu quả của chương trình. Trong kết luận, các tác giả nhấn mạnh kết quả nghiên cứu này mang tính bước đầu hình thành kiến thức về sức khỏe kinh nguyệt, làm cơ sở cho chiến lược giáo dục; đồng thời đề xuất nghiên cứu chất lượng cao hơn về chu kỳ kinh nguyệt và ảnh hưởng của chu ky kinh nguyệt đến việc tập luyện, thành tích và sức khỏe của các vận động viên nữ.
GS.TS Lâm Quang Thành