Ký túc xá Trường Đại học TDTT Bắc Ninh: Cung không đáp ứng nổi cầu (2)

Với điều kiện như thế, trong nhiều hoàn cảnh, ký túc xá của Nhà trường có lẽ thuần túy chỉ là nơi để sinh viên đặt lưng ngủ qua đêm chứ chưa thật sự trở thành môi trường sống văn minh...

Những phản ánh đáng lo ngại    

Để tìm hiểu kỹ hơn, NPV chúng tôi đã tiếp cận với một số sinh viên và nhận được những lời bộc bạch rất chân thành. 

Sinh viên Nguyễn Thị Quyên, lớp Bóng bàn khoá Đại học 44 cho biết: Do tính chất của một trường năng khiếu, giờ học lý thuyết và thực hành đan xen nhau nên phải về thay đồ và tắm giặt, thời gian giữa những tiết học chỉ 30 phút nên em đã quyết định vào ở ký túc cho gần và tiện. Nhưng tình trạng ô nhiễm của khu ký túc như hiện nay thì không biết em có trụ nổi nữa không. Khu nhà tắm rêu xanh mọc đầy, hệ thống thoát nước không còn đảm bảo vệ sinh ... Nói thật với chị, nếu như gia đình em có điều kiện hơn thì em cũng sẽ ra ngoài ở cho thoải mái, chứ thế này thì chẳng mấy mà sinh bệnh.

 Trường ĐH TDTT BN luôn quan tâm tới chất lượng
công tác đào tạo (Ảnh: NTH)

Với điều kiện như thế, trong nhiều hoàn cảnh, ký túc xá của Nhà trường có lẽ thuần túy chỉ là nơi để sinh viên đặt lưng ngủ qua đêm chứ chưa thật sự trở thành môi trường sống văn minh. Việc phải ở chật chội, ô nhiễm đã cho thấy mức độ xuống cấp trầm trọng của hệ thống này. Mới đây, theo kết quả điều tra, lấy ý kiến của Nhà trường về điều kiện sinh hoạt của sinh viên, các em đã không ngần ngại tích vào mức yếu, kém và trung bình về các chỉ số điện nước, phòng ở, nhà vệ sinh. Chính thực trạng trên đã dẫn đến tình trạng sinh viên bỏ ký túc ra ngoài tìm nhà dân ở ngày càng trở nên phổ biển.


Trịnh Văn Hiếu chuyên sâu Võ thuật khoá Đại học 44 cho biết: "Ra ngoài ở chúng em tuy có phải đi xa hơn nhưng được cái sạch sẽ. Phòng ở của những nhà cho thuê đều được sửa chữa, sơn chống thấm, nền đá hoa.. khu vệ sinh cũng riêng biệt và ngày nào cũng có người cọ rửa sạch sẽ... Nhìn chung là có chất lượng tốt hơn rất nhiều so với ký túc xá. Dù đắt gấp đôi so với ở trong ký túc nhưng nó cũng đúng với đồng tiền bát gạo, "tiền nào của đấy chị ạ". Nếu ký túc mà có điều kiện, môi trường vệ sinh tốt thì chắc chắn sẽ có rất đông sinh viên vào ở trong đó, chứ không phải như bây giờ ngày một ít sinh viên đăng ký ở ký túc..."
 

Nguyên nhân chính mà trường Đại học TDTT Bắc Ninh chưa xây dựng hoặc cải tạo được công trình ký túc xá sinh viên là do thiếu nguồn tài chính để xây mới hoặc nâng cấp. Bởi khả năng tài chính chung của Nhà trường chỉ dừng lại ở mức duy trì các hoạt động (khả năng tài chính cấp từ ngân sách Nhà nước và thu học phí năm 2003 đáp ứng 79.04%, năm 2004 là 84.20%, năm 2005 là 84.56% so với dự toán theo định mức 8.500.000đ/1 SV/năm) nên cố gắng lắm cũng chỉ sửa chữa tạm thời, dùng được thời gian ngắn lại hỏng.

Trước thực trạng nhức nhối đó cùng tính cấp thiết phải không ngừng mở rộng quy mô đào tạo trong thời gian tới, quyết tâm trở thành Học viện TDTT quốc gia đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường (14/12/1959 - 14/12/2009), trường Đại học TDTT Bắc Ninh đã và đang có những phương án thực hiện đồng bộ mà yếu tố quan trọng nhất là việc đầu tư hơn nữa về con người và cơ sở vật chất. Trên thực tế, trường Đại học TDTT Bắc Ninh đã nhiều lần xin kinh phí xây dựng mới ký túc xá và cũng chuẩn bị sẵn mặt bằng xây dựng nhưng chưa được phê duyệt. Vì vậy, việc cải tạo khu ký túc xá cho sinh viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo, chất lượng đào tạo của Nhà trường trên bình diện quốc tế.  

 Xuân Nhi

 

Ảnh trong bài
  • Ký túc xá Trường Đại học TDTT Bắc Ninh: Cung không đáp ứng nổi cầu (2)